“ĐƯỢC - MẤT” TRONG CUỘC CHƠI CỔ VẬT

Phong Lan

          Vào sân tầm chơi cổ vật đến nay đã trên dưới 30 năm, lớp bạn chơi cùng thời đều đã có tuổi. Có vài người đã sang thế giới người hiền, âu đó cũng là quy luật sinh lão bệnh tử muôn thuở của con người.

          Thời gian cứ vô tình trôi không phụ thuộc bất kỳ thế lực nào trong vũ trụ bao la. Chính thời gian đã làm con người không thể “trường sinh bất lão” và cánh chơi, cánh buôn bán đồ cổ, cánh viết lách, cánh theo dõi đàm tiếu về đồ cổ… cũng không thể nằm ngoài quy luật ấy.


Nồi ba chân, đồng, văn hóa Hán - Việt Thế kỷ I - III


Cốc gốm đốt trầm thời Hán - Việt Thế kỷ I - III

          Nhớ lại thời mới tập toạng bước vào sân tầm chơi cổ vật ở đất Hà Thành bé nhỏ, khi đó tôi còn là chàng kỹ sư trẻ đi làm cho nhà nước thời bao cấp thiếu thốn đủ bề mà đã giám liều lĩnh mon men bước vào cái trận đồ bát quái này mới thấy mình liều lĩnh và ngây ngô quá. Nhưng thế rồi với chất men say diệu kỳ của cổ vật đã đưa đẩy tôi không dứt ra nổi với đám bạn chơi, để rồi gắn bó với cái thú chơi văn hoá này cho đến tận ngày nay khi đã bước sang sườn dốc bên kia cuộc đời. Âu đó cũng là cái duyên của một kiếp người ham mê cổ vật.

          Trong cuộc sống chúng ta luôn song tồn niềm vui lẫn nỗi buồn và có  ĐƯỢC và có MẤT theo quy luật Âm Dương của đất trời. Đã dấn thân vào sân chơi nào mà chẳng đam mê? Nhưng nếu không nắm được luật chơi thì e sẽ không ổn.

Chuyện ĐƯỢC - MẤT trong cuộc chơi với tôi ngẫm mình đã ĐƯỢC nhiều hơn là MẤT theo cách nghĩ của mình. Có thể theo suy nghĩ của người khác thì ngược lại chăng? Chuyện MẤT thì xin không nói vì sẽ buồn, còn chuyện ĐƯỢC thì cần nói để dân chơi cổ vật chúng ta vui lên và tự tin bước tiếp những bước đi trong những năm tháng còn dài không ít bí hiểm khó lường phía trước.

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay xã hội Việt Nam thay đổi từng ngày, cuộc sống dân tình khá đa tầng, đa dạng mà đam mê chơi cổ vật quả cũng không dễ và cuộc chơi đã khác thời trước nhiều.

Thông thường ai cũng muốn có nhiều cái ĐƯỢC trong cuộc chơi chứ ai lại muốn MẤT nhiều? Đi tìm nguyên nhân và rút bài học kinh nghiệm để gặt hái nhiều cái ĐƯỢC và giảm thiều sự MẤT thì phải bàn nhiều, nhiều lắm. Không dễ! Nhưng tôi ngẫm: Suy cho cùng cái sự ĐƯỢC - MẤT vẫn phải từ “Tiên phải trách kỷ, Hậu mới trách nhân”. Muốn MẤT ít nhất - chứ không thể không mất được trong cuộc chơi này - thì trước hết mình cần luôn tu chỉnh để trở thành Người chơi tử tế và thật lòng với các Bạn chơi trong mọi hoàn cảnh.

Là công dân lớn lên và làm ăn sinh sống lâu năm ở Hà Nội lại lạc vào sân chơi sưu tập cổ vật nên với tôi mình đã ĐƯỢC:

- Được giao du với nhiều người, nhiều giới có cùng thú chơi văn hóa vật thể là cổ vật để hiểu biết cuộc sống xưa, nay;

- Được đặt chân tới nhiều nơi để chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa tiền nhân để lại mà không dễ ai cũng được đi để tự thưởng;

- Được lưu giữ những cổ vật mình yêu thích và được hưởng “mùi đời” có từ “nền văn minh lúa nước” xa xưa cho tới “thế giới phẳng”, “bốn chấm không” ngày nay để quên đi những cảnh buồn, đau, vô lý mà có thật đang diễ ra ngày ngày trên đất nước này đã được viết, được chiếu đầy trên báo chí, tivi đương đại.

- Được tự mình, tự tin nhận biết những món đồ thật giả lẫn lộn trong cuộc chơi không dễ này. Rồi được hả hê cười nói vui vẻ đủ thứ chuyện đời với các bạn làm ăn ở mọi giới để luôn được khỏe mạnh yêu đời.

- Được tự học, tự nhận ra bản ngã của người đời trong môi trường xã hội mình đang sống vì luôn có: “Cô gái đen như củ súng thì mang tên Bạch Tuyết;  ông ăn nói lí nhí lại khoác tên Bùi Trọng Quát; vị đánh cờ toàn thua và hay cay cú lại mang tên là Trần Được; Còn có ông gia cảnh thì xác xơ lại lấy tên Quách Mạnh Tiền; Kẻ chuyên lừa đảo, dối trá lại mang tên Thiện Chí; Ông gầy dơ xương dài ngoãng thì lại lấy tên Lê Vuông; Ông hói trọc lốc lại mang tên Phan Hữu Lược; Rồi có kẻ chuyên môn học mót, nghe lỏm ý người khác, ăn cắp kiến thức để khuơa môi múa mép thì lại chỉ muốn làm Quốc Sư thời nay…”.

Đúng là đời tôi đã ĐƯỢC và được cười ra nước mắt!  

Như đã nói trên, tôi không kể chuyện MẤT mà chỉ kể một góc của chuyện ĐƯỢC của đời mình. Đó là đã được đi, được đến, được xem, được hiểu về chính địa danh, về con người Thăng Long - Hà Nội nơi mình đã sống từ tấm bé trong những ngày gian khổ đạn bom cho đến hôm nay để còn được vui thú cùng gia đình, con cháu và bạn hữu khi về già.

Chỉ xin kể về một cái ĐƯỢC với tôi khi là người Hà Nội mà hiểu và biết được một phần giá trị văn hóa vật thể của vùng đất Địa- Linh- Nhân- Kiệt này.  Tóm tắt như sau:

Mùa thu năm Canh Tuất (1010) Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên năm thứ nhất, ban “Chiếu dời đô, từ động Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long”. Thăng Long mang ý nghĩa “Rồng bay lên” để khẳng định nước Đại Việt tồn tại tự chủ kề liền biên cương với Đại Hán đã đô hộ xứ sở này cả ngàn năm.

Theo Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, từ năm 2008, Thành phố Hà Nội mở rộng bao gồm cả tỉnh Hà Tây, miền đất xứ Đông, xứ Đoài xưa, do vậy dấu ấn văn hóa vật thể của thủ đô ngày càng đa dạng, phong phú hơn.

Địa lý cảnh quan miền Thăng Long - Hà Nội giờ đây hẳn đã đổi khác nhiều so với mấy nghìn năm trước, nhưng nhờ các phát hiện của khảo cổ học và những phát hiện theo chủ trương Xã hội hóa của nhà nước nên dấu ấn bức tranh Hà Nội thời mở nước ngày càng hiện rõ lại.

Qua những tấm bia đá, hàng nghìn di tích đình, chùa, đền, miếu ở khắp nơi với nhiều loại hình cổ vật từ chất liệu khác nhau may mắn còn lại đến hôm nay trên vùng đất Thăng Long xưa - Hà Nội là một phần di sản văn hóa vô cùng quý giá của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tôi đã đi, đã biết và đã lưu giữ được chút ít hiện vật đồng cổ là chứng tích còn sót lại của di tích Cổ Loa một thời là thủ đô của nước Âu Lạc trước khi bị người Hán đánh bại qua truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy. Rồi đi dọc theo bờ bắc sông Hồng, ở thị trấn Gia Lâm trước đây đã tìm thấy một số lưỡi rìu đồng. Ở Thạch Bàn tìm thấy các lưỡi rìu, dao găm bằng đồng thau. Ở Đa Tốn tìm thấy thạp đồng mang dấu tích hoa văn Đông Sơn…Ở vùng đât bờ nam Sông Hồng cũng có rải rác cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn như ở Cống Vị, Quận Ba Đình ngày nay đã thấy rìu đồng, làng Ngọc Hà thấy một số mũi lao đồng và cả trống đồng. Tại Quần Ngựa cũng thấy vòng trang sức và nhạc khí đồng… Cho đến nay, vùng đất Thăng Long - Hà Nội đã phát hiện hàng chục chiếc trống đồng theo phong cách và dấu tích văn hóa Đông Sơn.

Được chiêm ngưỡng quả chuông phát hiện ở đình Nhật Tảo, Quận Tây Hồ có niên đại đúc vào năm Càn Hòa 6 (948). Đây là hai quả chuông thời nhà Đường đô hộ xứ này hiện duy nhất còn lại ở nước ta.

Được lưu giữ cổ vật chất liệu gốm thế kỷ 1 - 3 còn lai khá phong phú và phổ biến, đó là các đồ đựng: hũ, nồi, ấm đầu gà, ca, cốc, bình con tiện, bình hình thú, có phủ men trắng mỏng. Đồ gốm thế kỷ 6 - 7 là bình lọ, hũ có hàng núm nổi quanh vai, men màu vàng nhạt cũng khá nhiều. Đó là các chủng loại đồ gốm tìm được trong loại mộ gạch thời Hán - Đường. Vùng đất Thăng Long - Hà Nội đã phát hiện và khai quật nhiều ngôi mộ gạch cổ thời Hán và Đường như ở Đa Tốn, huyện Gia Lâm; Phường Khương Trung, Quận Đống Đa; Chèm, Huyện Bắc Từ Liêm; Triều Khúc, Quận Thanh Xuân; Ngọc Sơn, Huyện Trương Mỹ…






Qua cổ vật tôi tự hào khi nước ta thời xa xưa với bao máu xương đã bước vào kỷ nguyên Đại Việt kể từ triều Lý đầu thế kỷ 11 trở đi cho đến triều Nguyễn, đầu thế kỷ 19. Tượng phật Adiđà bằng đá ở chùa Hoàng Kim xã Hoàng Ngọc, Huyện Quốc Oai là một pho tượng hiếm quí, đứng sau pho Adiđà chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh. Tượng Bồ tát Quan Thế Âm triều Tây Sơn, thế kỷ 18, tại chùa Hương Tích, xã Hương Sơn, Huyện Mỹ Đức …

Nhiều cổ vật bằng đá là dấu tích cuả Thăng Long triều Lý như cột đá chạm rồng với thủy ba sóng nước, chạm hình sấu, hoa dây và Garuda, tìm thấy ở vườn Bách Thảo thuộc khu Hoàng thành Thăng Long. Những thành bậc đá hình sấu tương tự còn tìm thấy ở chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, Huyện Gia Lâm; chùa Phúc Lâm, xã Mai Lâm, Huyện Đông Anh; chùa Bồ Đề, Quận Long Biên còn có thành bậc hình sấu thời Trần, thế kỷ 13 - 14. Đặc biệt, nhiều mảnh thành bậc đá tương tự còn tìm thấy ngay trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu. Tại đây cũng còn thấy nhiều viên đá tảng kê chân cột, chạm nổi bằng cánh sen to và nhỏ, đầu rồng … Đặc biệt, bệ đá hoa sen chùa Hương Trai, xã Chiến Thắng, Huyện Hoài Đức có khắc niên đại tạo tác vào năm Đại Định 2 (1370). Điều đáng chú ý hơn là trang trí ở góc các bệ thờ đều là hình Garuda, một chứng tích chỉ rõ về quan hệ giao lưu văn hóa Đại Việt -  Chămpa.

Triều Lê Sơ hiện còn các cổ vật bằng đá là cặp rồng thành bậc dưới thềm điện Kính Thiên, giữa khu Hoàng thành Thăng Long, một số tấm bia đá có niên đại triều Lê Sơ là bia tiến sĩ trong vườn bia Quốc Tử Giám, bia chùa Kim Liên Quận Tây Hồ. Triều Lê Trung Hưng còn lại các loại hình như giếng hình lục giác, chạm nổi cánh sen và mây.

Tại chùa Lý Quốc Sư, số nhà 50 phố Lý Quốc Sư, Quận Hoàn Kiếm, xưa kia vốn thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiên Trúc, h. Thọ Xương với tên gọi đền Lý Quốc Sư hay đền Tiên Thị. Đền xây từ thời Lý để thờ quốc sư Minh Không, người đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được phong sắc quốc sư. Tại đây còn pho tượng Bồ Tát Quan Âm đứng bên Thiện Tài và Long Nữ, tạo tác vào đầu thế kỷ 17. Trong chùa còn bốn bức phù điêu chân dung rất đáng chú ý. Đó là phù điêu chân dung Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thiên sư Giác Hải, Thành phụ Quốc sư và Thánh mẫu Quốc sư. Niên đại của các bức phù điêu này được xác định vào lần trùng tu đền, mùa xuân năm Giáp Dần, năm Dương Đức 3 (1674).

Dưới triều Lê Trung Hưng, các lăng tẩm, đền thờ của quan tướng hiện còn bảo lưu nhiều tượng, hương án, ngai thờ, tượng nghê, tượng võ sỹ, tượng voi, ngựa, chó.

Các bia ký bằng đá hiện còn trong khu Văn Miếu Quốc Tử Giám là qui mô nhất với 82 tấm bia, tấm bia dựng sớm nhất vào năm 1484, đến năm cuối là 1780. Trên 82 tấm bia tiến sĩ này ghi danh, họ tên quê quán của 1304 vị đỗ đại khoa.

82 tấm bia tiến sĩ không chỉ là tài liệu sử học quý giá mà còn thể hiện nhiều thông tin về nghệ thuật điêu khắc đá chuẩn mực dưới triều Lê. Trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ngoài tấm bia đàn Nam Giao hiện còn lưu trữ và trưng bày, còn nhiều cổ vật bằng đá khác như tượng hổ nằm (triều Lê Sơ), tượng chó đá triều Lê Trung Hưng, khánh đá đời Thiệu Trị 5 (1845).

Tượng Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ tại đền Quán Thánh, là một trong những ngôi đền nổi tiếng trong "Thăng Long tứ trấn" của Hà Thành xưa. Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đặt trong hậu cung bằng đồng đen cao 3m72, nặng khoảng 4 tấn, tư thế tay trái bắt quyết, tay phải cầm đốc gươm có rắn quấn chống trên lưng rùa, với phong thái như một đạo sỹ. Pho tượng được nhiều người đánh giá là một tuyệt tác về kỹ thuật đúc đồng của người Việt hồi cuối thế kỷ 17. Theo niên đại khắc, pho tượng được đúc vào năm Vĩnh Trị 2 (1677). Trước khi người Pháp rút khỏi Hà Nội năm 1954 họ đã định cho chuyển pho tượng đồng này đi khỏi Hà Nội nhưng không kịp. Họ chỉ kịp phá chùa Một Cột hòng xóa đi dấu ấn văn hóa ngàn xưa của ông cha ta hiện diện ở vùng đất này. Trong đền còn có tượng ông Cả Trùm Trọng, người đã đúc pho tượng Thánh Trấn Vũ, do học trò đúc tượng thầy để tôn vinh và nhớ ơn. Ngoài ra, trong đền còn có 1 khánh đồng do Đại đô đốc thời Tây Sơn cung tiến vào năm Cảnh Thịnh 2 (1795).

Đồ đồng triều Lê Sơ có pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, quả nhạc, ấm đồng. Triều Lê Trung Hưng có pho tượng Thích ca sơ sinh đứng trên toà sen. Sách đồng, một loại kim sách tìm được ở xã Nguyễn Trãi, Huyện Thường Tín, có niên đại chế vào năm Cảnh Hưng 33 (1772). Thuộc triều Nguyễn. Sưu tập đồ sắt triều Lê Trung Hưng bao gồm các cổ vật bằng sắt tìm được trong khu Giảng Võ trường triều Lê ở lòng hồ Ngọc Khánh, q. Ba Đình và tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Loại hình cổ vật bao gồm câu liêm, qua, giáo, kiếm, lao, mũi nhọn, móc câu chùm, chông củ ấu, đinh sắt, móc khoá, phác vật vũ khí, mũi tên…

Triều Mạc thế kỷ 16 hiện tồn pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, ở chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn, Huyện Gia Lâm được tạo tác bằng gỗ, sơn son thếp vàng, được xếp vào hàng kiệt tác của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam thế kỷ 16. Tượng được tạc ở thế ngồi xếp bằng, cao 1m32, tính cả bệ tượng là 2m55.

Còn có nhiều Cổ vật bằng đồng là những súng lệnh, khoá đồng, Cổ vật bằng gỗ và giấy… thuộc triều Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn.






Sau bao năm lọ mọ chơi bời với dân đồ cổ và tìm đọc, tự học tôi chỉ kể về một chuyện ĐƯỢC như trên đã đến với mình. Cũng có thể đấy là cái ĐƯỢC lẩm cẩm theo những cách nhìn từ một hệ quy chiếu khác. Nhưng với tôi thế là đã ĐƯỢC: Được đi, được xem, được biết, được hiểu, được chơi khá nhiều khác hẳn với cách sống mà chỉ xăm xăm lo kiếm tiền, lo tích cóp làm giầu, lo tìm kiếm quyền lực bằng “phương pháp 4 M” mà nhiều kẻ đương thời đang áp dụng khá phổ biến, đó là “Trước hết cần tìm đến sự May mắn, thừ hai phaỉ suy nghĩ, hành xử Mập mờ, thứ ba luôn sống Mưu mẹo và cuối cùng muốn đạt đỉnh về giầu có và quyền lực thì luôn phải sống trong Man trá”. Buồn! Khi nhắm mắt xuôi tay tiền bạc, danh vọng đâu có mang đi được?

Thôi, không bàn phiếm nữa. Makeno (mặc kệ nó). Cứ nghĩ và chơi theo cách của mình dù có thể là gàn./.