“ĐI SỨ” THỜI NAY
Nhớ lại thập niên 1990 sau Đại hội Đảng VI năm 1986 nước ta có chính sách mới thừa nhận quy luật kinh tế thị trường, thừa nhận nhiều thành phần kinh tế tồn tại, cho phép MỞ CỬA dần dần để Việt Nam từng bước giao thương, hội nhập kinh tế quốc tế, không chỉ còn trong khuôn khổ với các nước XHCN cũ nữa mới mong có ngoại tệ mạnh…, do vậy bắt đầu có một số ít người ở các nước tư bản và Việt kiều ở Pháp, Mỹ, châu Âu mạnh dạn đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội làm ăn. Cũng từ ngày đó ở Hà Nội, Tp HCM người nước ngoài vào Việt Nam đi tìm đối tác để tổ chức doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo đường chính thống và tất nhiên còn có một số người đến ta theo hình thức du lịch, thăm thân. Họ ngấm ngầm đi tìm mua cổ vật, tranh, mua hàng hóa bằng ngoại tệ mạnh… ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh... Nói riêng về lĩnh vực mua bán cổ vật, từ đây ở Việt Nam đã ngấm ngầm hình thành một thế hệ mới là lớp con cái của những người một thời đã bí mật đi tìm mua bán cổ vật, ngoại tệ, vàng… là loại hàng cấm thời bao cấp ở Hà Nội và Sài gòn cũ để làm ăn với ít người nước ngoài, Việt Kiều quen. Thế hệ này giờ đây còn lại không nhiều và đã U 70, có người đã về trời.
Có cầu ắt có cung, do vậy từ các tay buôn cổ vật ở thành phố đã kết nối với các đầu nậu, thợ chạy chuyên đi lùng tìm cổ vật ở một số địa phương để hình thành một mạng lưới ngầm. Ở miền Bắc số ít người buôn làm ăn ở Hà Nội bí mật thiết lập đầu ra, xây dựng quan hệ khăng khít với các đầu nậu, thợ chạy sống ở các địa phương Hòa Bình, Hà Bắc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Nghệ Tĩnh, Quảng Bình để có hàng bán. Cũng thời gian này ở miền Bắc nhà nước cho khởi công nhiều công trình, dự án công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, làm đường, làm cảng… nên nhiều cổ vật Việt chất liệu gốm, đồng đã lên mặt đất tạo ra thị trường ngầm khá sôi nổi… Nhớ lại một thời đã qua và nhớ nhiều chuyện của dân mê chơi cổ vật Hà Nội đã “đi sứ” thời đó - tức là đi theo các “bác thợ Hà Nội” về tiếp xúc gặp các đầu nậu lớn, bé tìm ở các tỉnh đề mua được cổ vật rẻ, dồng thời biết đây, biết đó.
Việc “đi sứ” thời trước tôi đã viết nhiều kể về khó khăn vất vì không có phương tiện, điện thoại di động, mạng intenet… như bây giờ nhưng rất vui, đáng nhớ trong đời. Còn giờ đây sau gần nửa thế kỷ thi thoảng tôi vẫn tranh thủ thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ rủ bạn trẻ phi xe đi chơi thăm những người quen cũ và một số người lớp sau có nghề cổ vật ở các tỉnh thành để đỡ nhớ vì tổ chức “đi sứ” về các tỉnh giờ đây chẳng khó khăn lắm.
Mục đích “đi sứ” cốt chỉ để thăm chơi với các bạn giới cổ vật là chính, song phần lớn các chuyến đi tôi vẫn được gia chủ tặng hoặc nhượng cho mấy món cổ vật chất liệu đá, đồng, sắt và gốm Việt cổ (xem ảnh) với giá “nội phủ” vì họ biết tôi thích chơi dòng cổ vật này.
Hôm nay thứ bảy lại phi lên chơi vùng đất tổ các Vua Hùng cốt chiêm ngưỡng núi đồi, vạt rừng, dòng suối, ngắm đất trời cho thoáng mắt, nhẹ đầu, sau đó hẹn đến chơi với một đầu nậu trẻ tuổi thường tích chứa những món cổ vật mà dân buôn ít để mắt tới do lợi nhuận thấp, còn dân Bảo tàng, khảo cổ học chắc thích nhưng muốn có được phải mất công đi lùng xa, mà đâu có dễ có hiện vật đẹp, xịn... nhưng khổ nỗi muốn mua cho đơn vị lại phải xin được trên duyệt mua theo kế hoạch, cho nên người đầu nậu này thường bán đồ của mình theo “mớ” cho khách TQ tìm sang ta mua. Hai năm qua do Covid 19 nên khách không sang được do vậy mới còn (xem ảnh).
Lần “đi sứ” chơi này tôi và vài bạn trẻ Hà Nội không ham cổ vật đi cùng được gia chủ đón tiếp rất vui vẻ vì lâu ngày không gặp nhau. Riêng tôi lại có chút “lộc” vừa được xem đồ vừa được chọn vài món theo ý thích của mình đó là 3 món gốm Việt cổ men nâu nhỏ xinh, vài món đồ đá, đồ đồng cổ (xem ảnh). Những món này có giá trên thị trường chả đáng gì so với những món đồ sứ Tầu phố không đẹp và non tuổi.
Với tôi và một số người bạn ở Hà Nội, Hải Phòng, Tp HCM… bao năm nay rất thích tầm chơi cổ vật Việt vì chúng mang dấu ấn văn hóa dân tộc. Khi đã nhìn ra được ra cái đẹp, sự tài hoa của người Việt xưa tạo tác ra chúng sẽ rất thích và tự hào về nguồn cội. Nhưng tiếc rằng bao năm qua thị trường cổ vật tự phát ở ta thì vẫn tôn vinh gốm sứ Trung Quốc, đồng hồ, xe máy cũ … nhằm hướng cho người Việt thời nay bỏ không tiếc tiền ra mua lưu giữ. Thực tế là vậy song cơ quan hữu trách, các vị lắm chữ nhiều lời cũng chả lên tiếng để thức tỉnh người chơi…
Thị trường cổ vật Việt Nam thời nay vẫn chỉ như vậy. Buồn, vui thế đấy!
Biết vậy nên đành thi thoảng lang thang “đi sứ” cho đỡ nhớ thú chơi một thời./.