36 LOẠI TIỀN ĐỒNG TÌM ĐƯỢC TRONG TÀU CỔ BÌNH CHÂU (QUẢNG NGÃI)
Nguyễn Đình Chiến (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Nguyễn Ái Dung (Bảo tàng Quảng Ngãi)
Vào tháng 9 năm 2012, ngu dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khi đang đánh bắt cá trong vùng biển thuộc huyện Bình Sơn đã phát hiện một số đồ gốm sứ và tiền đồng. Các lực lượng Bội đội biên phòng, Công an địa phương đã tiến hành thu giữ về Sở Văn hóa–Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) Quảng Ngãi. Kết quả giám định bước đầu cho thấy đây là những loại hiện vật thuộc TK 13-14.
Ngày 28//12/2012 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt phương án khai quật khẩn cấp di tích tàu đắm cổ Bình Châu, đồng thời ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban khai quật với sự tham gia phối hợp của các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi và công ty TNHH Đoàn Ánh Dương. Cuộc khai quật bắt đầu từ ngày 4/6/2013 đến ngày 23/6/2013 theo phương pháp hoàn toàn mới. Sau khi xây dựng bờ kè, Ban khai quật đã cho hút cạn nước biển trong khu vực tàu cổ để các nhà khảo cổ làm việc như trên cạn. Kết quả khai quật cho thấy con tàu có 13 khoang, với 12 vách ngăn, chiều dài 20,5m và chiều ngang rộng nhất ở khoang giữa tàu là 5,6m. Vết tích con tàu bị cháy thể hiện rõ nhất từ khoang 5 đến khoang 7. Hàng hóa trong tàu bao gồm nhiều loại hình, đồ gia dụng như hũ, lọ, chậu, bát và đĩa thuộc các dòng gốm sứ men nâu, men ngọc, hoa lam và trắng xanh. Đáng lưu ý là sưu tập tiền đồng thu được 1451 đồng. Sau khi xử lí ngâm xả mặn và phân loại, Ban khai quật đã phân tích được 36 loại tiền đồng thuộc các thời: Đường, Tống và Nguyên, trong đó tập trung nhất là thời Bắc Tống.
a. Tiền thời Đường gồm 2 loại:
+ Càn Nguyên trọng bảo(đọc chéo: đọc từ trên xuống dưới và phải qua trái)được đúc năm 758 dưới đời vua Đường Túc Tông Lý Hanh trong niên hiệu Càn Nguyên (758-760).
+ Khai Nguyên thông bảo(đọc chéo)được đúc năm 845 trong đời vua Đường Vũ Tông Lý Viêm trong niên hiệu Hội Xương (841-848).
b.Tiền thời Bắc Tống gồm 30 loại:
Tống Thái Tổ (927-976) tên thật là Triệu Khuông Dận, là Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc. Khi vừa lên ngôi Ông lấy niên hiệu Kiến Long (960-963) và cho đúc tiền:
+ Tống Nguyên thông bảo (đọc vòng: đọc thuận theo chiều kim đồng hồ)được đúc năm (960).
Tống Thái Tông (976- 997) tên thật là Triệu Quang Nghĩa, là vị hoàng đế thứ 2 của nhà Bắc Tống. Trong 3 niên hiệu kế tiếp nhau Thái Bình Hưng Quốc, Thuần Hóa và Chí Đạo, nhà vua cho đú 3 loại tiền đồng khác nhau:
+ Thái Bình thông bảo (đọc chéo) được đúc năm 976- 983, trong niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (976- 984).
+ Thuần Hóa nguyên bảo (đọc vòng) được đúc năm 990, trong niên hiệu Thuần Hóa (990-994).
+ Chí Đạo nguyên bảo (đọc vòng) được đúc năm 995- 997, trong niên hiệu Chí Đạo (995- 997).
Tống Chân Tông (968- 1022) tên thật là Triệu Hoằng. Ông là hoàng đế thứ 3 của nhà Tống và cũng là con trai thứ 3 của Tống Thái Tông. Trong bộ sưu tập này có 4 loại tiền như sau:
+ Hàm Bình nguyên bảo (đọc chéo) đúc năm 998, trong niên hiệu Hàm Bình (998- 1003).
+ Cảnh Đức nguyên bảo (đọc vòng) đúc năm 1004, trong niên hiệu Cảnh Đức (1004- 1007).
+ Tường Phù nguyên bảo (đọc vòng) đúc năm 1008, trong niên hiệu Đại Trung Tường Phù (1008-1016).
+ Thiên Hy thông bảo (đọc vòng) đúc năm 1017-1021, trong niên hiệu Thiên Hi (1017- 1021).
Tống Nhân Tông (1022- 1063) tên thật là Triệu Trinh, là vị Hoàng đế thứ 4 của nhà Tống. Ông là con trai thứ 6 của Tống Chân Tông, trong sưu tập tiền này có 4 loại như sau:
+ Thiên Thánh nguyên bảo (đọc vòng) đúc năm 1023, trong niên hiệu Thiên Thánh (1023- 1032).
+ Minh Đạo nguyên bảo (đọc vòng) đúc năm 1032, trong niên hiệu Minh Đạo (1032- 1033).
+ Hoàng Tống thông bảo (đọc chéo) đúc năm 1039, trong niên hiệu Bảo Nguyên (1038- 1040).
+ Gia Hựu thông bảo (đọc chéo) đúc năm 1056, trong niên hiệu Gia Hựu (1056- 1063).
Tống Anh Tông (1063- 1067) tên thật là Triệu Thự. Ông ở ngôi trong 4 năm ngắn ngủi và chỉ sử dụng một niên hiệu duy nhất là Trị Bình (1063- 1067):
+ Trị Bình nguyên bảo (đọc vòng) đúc trong niên hiệu Trị Bình (1063- 1067).
Tống Thần Tông (1067- 1085) tên thật là Triệu Húc, là Hoàng đế thứ 6 của nhà Tống, trị vì trong 18 năm và sử dụng 2 niên hiệu:
+ Hy Ninh nguyên bảo (đọc vòng) đúc trong niên hiệu Hy Ninh (1068- 1077).
+ Nguyên Phong thông bảo (đọc vòng) đúc trong niên hiệu Nguyên Phong (1078- 1085).
Tống Triết Tông (1077- 1100) tên thật là Triệu Húc, là vị Hoàng đế thứ 7 của nhà Bắc Tống: (Cả hai vua đều tên là Húc nhưng tự dạng chữ Hán khác nha)
+ Nguyên Hựu thông bảo (đọc vòng) đúc trong niên hiệu Nguyên Hựu (1068- 1094).
+ Thiệu Thánh nguyên bảo (đọc vòng) đúc trong niên hiệu Thiệu Thánh (1094- 1097).
+ Nguyên Phù thông bảo (đọc vòng) đúc trong niên hiệu Nguyên Phù (1098- 1100).
Tống Huy Tông (1082- 1135) tên thật là Triệu Cát, là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Tống.
+ Thánh Tống nguyên bảo (đọc vòng) đúc trong niên hiệu Kiến Trung tinh quốc (1101).
+ Đại Quan thông bảo (đọc chéo) đúc trong niên hiệu Tuyên Hòa (1119- 1125).
+ Chính Hòa thông bảo (đọc vòng) đúc trong niên hiệu Chính Hòa (1111- 1118).
+ Tuyên Hòa thông bảo (đọc chéo) đúc trong niên hiệu Tuyên Hòa (1119- 1125).
c. Tiền thời Nam Tống (1127- 1279) gồm 3 loại thuộc ba triều vua khác nhau:
Tống Cao Tông (1107- 1187) tên thật là Triệu Cấu, là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Tống và cũng là Hoàng đế đầu tiên của triều Nam Tống (1127- 1279). Trong thời gian trị vì 35 năm, Ông đã sử dụng 2 niên hiệu là Kiến Viêm (1127- 1130) và Thiệu Hưng (1131- 1162) nhưng trong sưu tập này chỉ thấy xuất hiện 1 đồng đúc dưới niên hiệu Kiến Viêm:
+ Kiến Viêm thông bảo (đọc chéo) đúc trong niên hiệu Kiến Viêm (1127- 1130).
Tống Hiếu Tông (1127- 1194) tên thật là Triệu Thận. Trong thời gian trị vì 27 năm của mình Ông đã sử dụng 3 niên hiệu, trong đó có niên hiệu Thuần Hy:
+ Thuần Hy nguyên bảo (đọc vòng) đúc trong niên hiệu Thuần Hy (1174- 1189)
Tống Ninh Tông (1168- 1224) tên thật là Triệu Khuếch, là Hoàng đế thứ 13 của nhà Tống và cũng là Hoàng đế thứ 4 của triều Nam Tống trong lịch sử Trung Hoa:
+ Gia Định thông bảo (đọc chéo) đúc trong niên hiệu Gia Định (1205- 1207).
d. Tiền thời Nguyên:
Dưới thời Nguyên có sử dụng nhiều niên hiệu nhưng việc đúc tiền rất ít. Triều Nguyên bắt đầu từ niên hiệu Trung Thống (1260) cho đến Chí Chính (1341) chỉ thấy đúc hai loại tiền là Chí Đại (1308-1311) và tiền Đại Nghĩa (giữa thế kỷ 14). Trong bộ sưu tập tiền cổ tàu Bình Châu này có 1 loại tiền thuộc triều Nguyên là:
+ Chí Đại thông bảo (đọc chéo) đúc trong niên hiệu Chí Đại (1308- 1311).
Sưu tập tiền cổ trên đây là bằng chứng cho biết hệ thống tiền cổ của Trung Quốc cũng được lưu hành qua nhiều triều đại tương tự ở Việt Nam. Đây là hiện tượng khá phổ biến khi nghiên cứu các sưu tập tiền cổ phát hiện ngẫu nhiên đã được giới thiệu trong các cuộc thông báo khảo cổ học hàng năm của Viện Khảo cổ học.
Sưu tập tiền đồng này, với loại tiền muộn nhất thuộc thời Nguyên, góp phần xác định niên đại của con tàu Bình Châu là thời Nguyên.
Nhiều loại tiền trong sưu tập còn thể hiện các kiểu chữ Chân, chữ Triện khác nhau như Chí Đạo nguyên bảo, Hoàng Tống thông bảo, Nguyên Phù thông bảo, Thiệu Thánh nguyên bảo. Thậm chí loại tiền Hy Ninh nguyên bảo có tới 04 kiểu khác nhau.
Sưu tập tiền cổ này còn có giá trị khoa học đặc biệt, góp phần so sánh để giám định một số loại tiền cổ Việt Nam có trùng niên hiệu với tiền Trung Quốc như: Thái Bình hưng bảo (thời Đinh) Minh Đạo nguyên bảo (thời Lý); Nguyên Phong thông bảo (thời Trần và Chúa Nguyễn Hoàng); Chính Hoà thông bảo (thời Lê)…
Ngoài ra sưu tập tiền đồng này còn bổ sung một số mẫu tiền thời Tống vào cuốn sách: “Sổ tay tiền cổ kim loại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lưu hành ở Việt Nam từ đầu Công nguyên đến năm 1975” do Cục di sản văn hóa xuất bản năm 2010 như loại tiềnGia Hựu thông bảo, Hi Ninh nguyên bảo, Nguyên Phù thông bảo.