ẤM TRÀ - Nghề chơi cũng lắm công phu!
Nguyễn Duy Chính
(Tiếp theo và Hết)
THƯỞNG TRÀ
Trong lịch sử, kỹ nghệ làm ấm phát triển rất giới hạn, không phát triển độc lập mà có những tương ứng nhất định với kỹ nghệ trồng và chế biến trà. Khi việc xuất cảng trà trở thành quan trọng và trà Tàu được bán ra ngoài với số lượng lớn, việc bán ấm, nặn ấm cũng phát triển theo. Khi vào những quốc gia Ðông Nam Á, chỉ thành phần Hoa kiều và một số nhỏ giới nho sĩ, trưởng giả địa phương mới mua ấm đất để dùng. Ở nước ta, số ấm cũ còn lại rất ít, cũng không đẹp như những ấm cổ ở Hoa lục hay Ðài Loan.
Phu vác trà đầu thế kỷ XX
Ấm dùng để pha trà nên nếu quá “đẹp” thì thường không tiện dụng. Những loại ấm cầu kỳ ngày xưa không ai mua vì cổ nhân chưa đạt đến mức mua ấm để trưng, bỏ tiền mua về mà không dùng đến. Cho nên ấm cũ nghĩa là đã có người dùng pha trà nhiều lần, lưu truyền trong gia đình như một món đồ gia dụng. Không đạt được những tiêu chuẩn chính yếu của một ấm đất pha trà chắc chắn không ai giữ đời này qua đời khác làm gì. Cũng vì thế, hiếm có ấm nào tốt mà lại còn nguyên vẹn, không hư hao theo thời gian. Miệng ấm, nắp ấm, vòi ấm, tay cầm khó có thể còn hoàn hảo như mới mà sứt mẻ ít nhiều lại không có phương tiện để hàn chắp, vỡ rồi đành chịu.[1] Trong sách còn hình ảnh những ấm cổ bị nứt vỡ phải khoan rồi dùng nhiều đinh đồng kiềm lại đủ biết việc tái tạo rất nhiêu khê.
Ngày xưa, trà cũng đắt, là một “xa xỉ phẩm”, ấm của người phong lưu thường nhỏ bằng nắm tay trẻ con [độc ẩm] hay hơi lớn hơn một chút [song ẩm] rót đầy vài chiếc chén bé bằng hạt mít. Nói là thế, chỉ khi nào có khách quí chủ nhân mới đem trà Tàu ra đãi, còn bình thường trong gia đình dùng ấm lớn pha trà [khô hay trà tươi, lá vối] dùng với chén lớn trong việc giải khát hay tráng miệng.
Theo giá cả ngày xưa, một cân trà [Tàu] giá lên đến một tháng lương, nhiều loại lên đến cả năm lương. Ðó là tính theo tiền Âu Châu, ở các nước Á Châu chắc còn hơn. Ðắt như thế nên giới trung lưu thường không dám mơ đến chuyện uống trà Tàu.[2] Ngược lại, thời đại hôm nay kinh tế thị trường mang tính toàn cầu, việc uống trà không còn là một thưởng ngoạn dành cho thiểu số, ấm đất cũng được làm lớn hơn, chén cũng to hơn cho tương ứng với sinh hoạt.
Phú quí sinh lễ nghĩa, việc uống trà cũng thành cầu kỳ, nhiều loại trà cụ và nghi thức cũng phức tạp hơn mặc dầu ngay cả tại Trung Hoa và Ðài Loan, cách thức uống trà, chơi ấm vẫn chưa thống nhất. Một số tác giả đã kết tập các cách chọn trà, chọn ấm, pha chế và nghi thức cho thành bài bản, nhiều địa phương còn có những buổi tập huấn hay chỉ dẫn cho những hội viên của các câu lạc bộ thưởng ngoạn.[3]
…
ẤM NGHI HƯNG
Ấm Nghi Hưng tại thuyền bị đắm
Dưới thời Dân Quốc khi thế chiến thứ II bùng nổ, ấm Nghi Hưng đã ngưng sản xuất cho tới sau khi Mao Trạch Ðông chiếm được Hoa lục. Tuy kỹ nghệ nặn ấm được phục hồi [1953] nhưng thời gian đầu do các hợp tác xã quản lý và hàng chỉ đóng dấu “Trung Quốc Nghi Hưng” mà không đề tên người nặn, được sản xuất theo qui mô lớn cho đại chúng. Theo thời gian và nhu cầu tiêu thụ, càng ngày hàng Nghi Hưng càng đa dạng cả phẩm lẫn lượng.
Từ khi hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới, ấm Nghi Hưng được tung ra rất nhiều, đâu đâu cũng thấy bán với giá rẻ, có khi hàng lố. Ấm cũng thường bán nguyên cả bộ [bao gồm ấm trà, ấm chuyên, chén và đĩa...] đặt trong hộp gỗ, lót vải mềm trông rất mỹ thuật nhưng phẩm chất chỉ từ trung bình đến kém, ít khi có bộ nào đẹp. Theo những nhà nghiên cứu, hiện nay đất chính gốc Nghi Hưng không còn nhiều, chỉ là đất lấy từ các nơi khác, có khi pha trộn hoá chất. Duy nhất còn có đất tử sa để làm ấm là công ty nổi tiếng Nghi Hưng Ðệ Nhất Xưởng vì họ làm chủ một mỏ đất vẫn còn đang khai thác tại đây.[4]
Cũng nên nói rõ, tử sa làm ấm không phải là đất sét như những loại đồ sứ thường mà là đá được nghiền nát, qua một quá trình tinh luyện dài. Kỹ thuật ngày xưa chưa cao, chưa dùng máy móc nên đá đào về phải đập nhỏ, nghiền bằng xe lăn do trâu kéo, giã bằng tay rồi sàng lọc qua nhiều giai đoạn cho đến khi có thể dùng để nặn ấm.[5] Thành thử ấm cũ [người ta gọi là nguyên khoáng] không thuần sắc, hạt thường lớn vì chu trình chế tạo theo lối thủ công, chỉ ấm ngày nay dùng máy nghiền nên mới mịn mặt. Tuy nhiên những ấm đất nổi hạt to, có lẫn những mảnh đá li ti [khác màu] thường giá lại cao vì là đồ đất cũ, dùng nguyên liệu biến chế từ ngày xưa nay còn lại, khác với loại ấm làm bằng đất mới, nhẵn và bóng. Ấm tử sa sau khi nung rồi rất cứng có thể chịu được một lực ép thật cao, gõ lên thành tiếng kêu thanh và cao như tiếng khánh. Bỏ ra ngoài yếu tố thời gian của những món đồ cổ, về kỹ thuật cũng như mỹ thuật, ấm mới tốt và đẹp hơn [nếu chúng ta chọn loại hàng có phẩm chất cao] mà giá cả lại rẻ hơn nhiều.
ẤM ÐÀI LOAN
Trên thị trường hiện nay, có thể nói rất khó mua được một chiếc ấm từ chính tay một nghệ sư nặn, mặc dù nhiều nơi còn cung cấp thêm cả hình người thợ cầm chiếc ấm mình đã mua làm chứng thư bảo đảm. Những chiếc ấm từ Hoa lục tuy có năm ba con dấu riêng nhưng rất ít khi nào có những chữ viết tay của tác giả và thường không ghi niên đại hay thời điểm làm ấm, bỏ ngỏ một chi tiết quan trọng mà người mua nào cũng muốn biết.
Riêng ấm Ðài Loan, những chiếc ấm đắt tiền [không đắt như ấm cổ nhưng trong khoảng từ 100 đến 500 USD] thì đều có những dòng chữ viết tay, ký tên tác giả và nhất là có cả năm làm ấm. Ngày tháng [có khi đề theo dương lịch] giúp chúng ta biết chắc đã sở hữu chiếc ấm đó được bao lâu, khỏi mất công đoán mò [mà đoán mò thường luôn luôn theo chiều hướng có lợi cho mình] để rồi phải bẽ bàng khi thực tế không giống như kỳ vọng. Những người nặn ấm ở Ðài Loan không được xếp hạng và chứng nhận của chính quyền như tại Hoa lục [ở đại lục các ngành nghề đều do chính quyền quản lý] nhưng một số cũng tạo được tiếng tăm khá lớn và những ấm mang chữ ký của họ đều được đánh giá cao.
Theo nhiều nguồn tin, ấm Trung Quốc bây giờ không còn dùng đất sét nguyên thuỷ mà pha chế nhiều thứ để màu sắc thêm tươi đẹp, biết đâu chả có những kim loại độc hại? Ngược lại, ấm Ðài Loan nay được áp dụng nhiều kỹ thuật mới, được nghiên cứu một cách khoa học, đất sét pha độ dính nhiều nên có thể tạo được những chiếc ấm cầm nhẹ tênh, thành rất mỏng tỏ lộ tài điêu luyện của nghệ nhân nên có những cám dỗ mà khó ai diễn tả được.[6]
Ấm Ðài Loan giản dị, ít cầu kỳ, nhưng luôn luôn tiện dụng. Trước đây hãng trà Thiên Nhân cũng vẽ nhiều kiểu mới, có nét độc đáo riêng nhưng gần đây vì theo đuổi mục đích thương mại nên ấm Thiên Nhân chỉ còn vào loại trung bình, tuy chắc chắn nhưng nặng nề, màu sắc cũng u trệ, dùng lâu không lên nước làm mất đi cái thú của người uống trà. Ấm trà Thiên Nhân là sản phẩm của hãng Lục Vũ [hình như Lục Vũ cũng thuộc công ti Thiên Nhân], tuy không xô bồ nhưng ít loại thượng đẳng, nhiều kiểu mới nhưng không có tính độc đáo. Cũng chính Thiên Nhân vẽ kiểu cho một số trà cụ và tiêu chuẩn hoá một số định lệ nay đã trở nên thông dụng. Gần đây hãng Thiên Nhân đã chuyển hướng sang bán các loại trà Hoa lục và ấm Nghi Hưng, tuy chiều được số đông nhưng không còn giữ được danh tiếng cũ.
ẤM GIẢ CỔ
Ấm đất là hàng đưa từ Trung Quốc sang, không phải là sản phẩm của người Việt. Trước đây việc uống trà bằng ấm nhỏ được coi như một biểu tượng thanh cao, trong giới tương đối có học và dư dật. Qua thời gian và nhiều năm binh lửa, ấm trà cũ ở nước ta không còn nhiều, những ấm cũ nay còn thấy cũng không phải là ấm quí do các danh thủ nặn mà chỉ thuộc mặt hàng thương mại, giá trị trung bình.
Cũng như các sưu tập thông dụng của người Trung Hoa như thư pháp, hội hoạ, nghiên cổ, đồng cổ ..., thú sưu tầm ấm trà nếu có cũng chỉ mới được du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Xã hội nước ta vì chiến tranh, vì sinh hoạt nên ít có những món gia bảo truyền đời này sang đời khác như ở bên Tầu. Phần lớn chúng ta uống trà bằng bình tích giữ trong ấm ủ lót bông, trà cũng là loại trà thường nên khó có gia đình nào giữ được ấm quí. Thành thử, những người chơi ấm hiện nay đều nhắm vào ấm đất sản xuất ở Nghi Hưng.[7]
Theo những người lão luyện, nếu có nhiều tiền và muốn sưu tầm ấm cổ thì việc đầu tiên là làm quen với ấm, trước hết là vào những viện bảo tàng nhìn ngắm những bộ sưu tập trưng bày trong đó. Tuy nhiên, đó là ở những khu vực đông người Hoa hay tại chính quốc chứ những người như chúng ta thì cũng khó có dịp.
Việc làm quen với ấm đất do đó chỉ còn cách là mua một số sách viết về ấm Nghi Hưng để nhìn hình cho có một khái niệm. Ấm mang nhãn Mạnh Thần thì khá nhiều nhưng ấm đóng dấu Lưu Bội hay Thế Ðức [Ðường] thì rất ít, cũng không phải là loại ấm hảo hạng. Trong những sách vở và biên khảo về ấm đất, tôi chưa thấy có những chi tiết cụ thể về hai thương hiệu này nên không nghĩ là đây là những món hàng được các đại gia Trung Hoa săn đuổi.
Ðã có lúc, ấm Nghi Hưng trở thành một cơn sốt. Ðó là khi một số người tương đối khá giả trong cộng đồng người Trung Hoa ở bên ngoài (Ðài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hoa Kỳ ...) bị mê hoặc bằng những truyện thần kỳ. Khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sau một số đợt triển lãm và giới thiệu về ấm Nghi Hưng, nhiều đại gia đi lùng ấm cổ. Có người đã bán cả nhà để mua cho bằng được một chiếc ấm quí. Bảo tàng ấm đất đầu tiên ở Hongkong trình bày bộ sưu tập do tiến sĩ La Quế Tường [Dr. K.S. Lo] cống hiến, được biết dưới cái tên Trà Cụ Văn Vật Quán [Flagstaff House Museum of Tea Ware, vốn là trạch đệ của viên tư lệnh lực lượng Anh tại Hongkong, do đó có tên là Flagstaff House]. Có thể nói, chính viện bảo tàng này đã đưa đến hứng thú cho thanh niên Ðài Loan và Trung Hoa, biến thú uống trà thành một phong cách thay thế các ẩm liệu Tây phương đang chiếm lĩnh thị trường.
Người ta cũng tổ chức những cuộc thi tài về nặn ấm. Lần đầu tiên thực hiện năm 1992 có 195 món hàng tham dự và đưa ra những sáng tạo làm thay đổi hoàn toàn kỹ nghệ tử sa. Việc nặn ấm không còn hạn chế trong các thợ đồ gốm mà trở thành một nghệ thuật phải huấn luyện theo những trình tự nhất định, sau đó được cấp bằng và danh vị như những ngành nghề nổi tiếng khác.
Cũng trong giai đoạn mà thiên hạ đua nhau lùng kiếm ấm tốt, một số nghệ nhân chính gốc ở Nghi Hưng [Hoa lục] nhận ra rằng nếu họ bỏ công làm một số ấm thật đẹp thì có thể chuyển ra ngoài một cách bán chính thức, được giá hơn đồng lương chết đói mà xí nghiệp [quốc doanh] trả cho họ. Thế là chẳng bao lâu dậy lên một phong trào tuồn những ấm đẹp theo ngả Hongkong để đi ra những cộng đồng người Hoa ở khắp nơi. Theo thống kê, những nhà sưu tập Ðài Loan đã thủ đắc được nhiều ấm quí với giá tương đối hời, tương tự như mươi năm trước đây một số người Việt ở bên ngoài đã tìm mua được nhiều đồ sứ, tranh quí trong nước với giá rất “phải chăng”, tạo thành một đợt lùng mua cổ ngoạn.
Nghi thức uống trà cũng thành cầu kỳ với nhiều định lệ mà trước đây chưa có. Vô số trà thất được thành lập để làm chỗ tụ hội, trao đổi kiến thức và dĩ nhiên không thiếu việc bàn luận kinh doanh. Chính cơn sốt đó đẩy kỹ nghệ làm ấm và buôn ấm lên gấp bội. Theo tiến sĩ La Quế Tường, khi ông đến viếng thăm Nghi Hưng năm 1979, cả thành phố này chỉ có chừng 400 đến 600 thợ làm ấm. Vậy mà chỉ mười năm sau, số thợ ở đây lên đến 10,000 người và đến nay chắc còn hơn nhiều lần nữa. Giá ấm cũng từ vài chục cents nay lên đến hàng chục, hàng trăm dollars.
Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều ấm giả cổ, hình dáng, con dấu ... được chế tạo rất tinh vi, trông như thật. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về ấm, việc tìm được một chiếc ấm cổ thật thiên nan vạn nan. Những chiếc ấm do các danh sư nặn nay đều nằm trong viện bảo tàng và là sở hữu của một số người chơi đồ cổ kỳ cựu. Dù với giá rất cao, chiếc ấm mà chúng ta mua được đa phần là đồ giả, trừ khi có rất nhiều tiền còn người thường chẳng nên tìm kiếm mất công.[8]
Những nghệ danh Cung Xuân, Thời Ðại Bân, Trần Minh Viễn, Huệ Mạnh Thần ... được khai quật và khá nhiều ấm [dĩ nhiên không phải đồ thật] mang tên những hảo thủ này. Hàng nhái rất khéo, khéo đến nỗi chính những người sành sỏi cũng nhầm, để hai chiếc một giả, một thật vẫn không phân biệt được. Ấm được làm cũ đi bằng cách ngâm trong nước trà, phơi nắng, vứt lăn lóc ngoài xó vườn, góc sân, hay chôn xuống đất, có khi còn gõ cho mẻ một miếng để cho có vẻ thật. Ðó là chưa nói đến những tiểu xảo bịp bợm khác rút ngắn thời gian nhanh hơn như bôi dầu nhớt, bồ hóng .... cho có vẻ cũ kỹ.
Ðể gia tăng độ cổ kính, các chuyên gia cũng có nhiều cách tương đối “vương đạo” hơn như dùng máy tôi, thổi lên ấm hơi nước trà li ti trong một thời gian để làm cao hay chuyển ấm từ một nơi thật nóng nhúng vào nước trà rồi chuyển sang một nơi thật lạnh để ấm hút tinh trà vào đất, gia tốc độ thẩm hương giống như một chiếc ấm dùng đã lâu. Những chiếc ấm dùng trong thử thách này thường là ấm tốt, việc lão hoá chỉ là một thủ thuật phụ để tăng trị giá thực của chiếc ấm chứ không nhằm mục đích đánh lừa người mua.
Tuy nhiên, dù gì chăng nữa, ấm tốt đến đâu cũng có giới hạn của nó. Những sự tích ly kỳ về ấm, về trà chỉ nên coi là dật sự đem đến cho cái thú này một màu sắc văn hoá hoang đường hơn là sự thật. Thế nhưng những dật sự đó đã biến một ngành thủ công nghệ tầm thường thành một động lực thu hút người mua, đóng góp khá nhiều vào kinh tế khiến Trung Hoa vươn được cánh tay ra khắp năm châu rồi đến nay thành một con bạch tuộc trăm vòi, ở đâu cũng có.
KẾT LUẬN
Ấm trà ngày nay đã trở thành một món đồ gia dụng được nhiều người ưa chuộng. Trong tủ những gia đình Việt Nam thường có một vài chiếc ấm Nghi Hưng xen với các loại đồ sứ của chủ nhân. Ở nước ta hiện chưa có một viện bảo tàng chuyên về ấm đất nhưng trên thế giới, nhất là tại những nơi đông người Trung Hoa, thì khá phổ thông. Ngoài Trà Cụ Văn Vật Quán ở Hongkong, Hàng Châu Trà Khoa Quán ở Hàng Châu, Thiên Phúc Trà Bác Quán ở Chương Châu [Trung Quốc], Tĩnh Cương Bác Vật Quán ở Nhật Bản và Bình Lâm Trà Nghiệp Bác Vật Quán ở Ðài Loan là bốn viện bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.
Song song với sự phát triển của mậu dịch toàn cầu, kỹ nghệ trà và ấm đã trở thành một khu vực kinh tế quan trọng của một số quốc gia vùng Ðông Á. Riêng trong kỹ nghệ nặn và sản xuất ấm, chỉ trong mươi năm, nhiều đợt cải tiến về cả hình dáng, màu sắc, chất liệu ... tạo nên những thu hút trước đây chưa từng có. Ấm tốt làm tại Ðài Loan hiện nay có hai hãng Tam Hy [三希] và Ðào Tác Phường [陶作坊]. Tam Hy chuyên về ấm đất loại cao đẳng còn Ðào Tác Phường thì bán nhiều đồ sứ tráng men. Ðời Tống, đồ sứ Trung Hoa nổi tiếng với năm loại Nhữ, Quân, Quan, Ca và Ðịnh Diêu [汝,鈞,官,哥,定窯] trong đó Nhữ Diêu[9] màu xanh có ẩn màu lam là thượng phẩm mà cổ nhân đã ca tụng bằng hai câu thơ:
雨過天青雲破處
者般顏色作將來
Vũ quá thiên thanh vân phá xứ,
Giả bàn nhan sắc tác tương lai.
Sau trận mưa, ánh nắng xuyên qua đám mây
Mọi màu sắc đều xuất hiện ở món đồ sứ này
Trong nỗ lực cải tiến để tìm kiếm sự độc đáo, Ðào Tác Phường nay đã tái tạo được nhữ diêu [nung ở nhiệt độ 12700 C] và sản xuất những bộ đồ trà rất nhã nhưng vì giá thành cao nên chỉ bán ra với số lượng nhỏ. Những bộ ấm này dùng một thời gian có những vết rạn trông càng thêm cổ kính như một bằng chứng đánh dấu giao tình giữa đồ vật với chủ nhân.
Những loại ấm chén theo kiểu quân diêu, quan diêu, ca diêu, có khi pha trộn nhiều hình thức cũng được ưa chuộng trong giới sưu tầm ấm chén. Tuy nhiên, phần đông các trà thủ vẫn thích các loại ấm đất không tráng men kiểu cổ nên các ấm sứ vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong sản xuất.
Ở nước ta, tuy uống trà Tàu đã phổ biến trong giới thượng lưu từ thời Lê, thời Nguyễn nhưng đại đa số quần chúng vẫn uống chè tươi, chè nụ, chè vối ... như trong tiểu thuyết thời tiền chiến. Chỉ từ khi nhà văn Nguyễn Tuân đề cập đến trong một số truyện ngắn, người nước ta mới quan tâm đến ấm trà bằng đất nung. Tuy nhiên, thú vui này không mấy phổ biến nên ngay cả những người chơi đồ cổ khi nhắc đến ấm Nghi Hưng cũng không chính xác.
Gần đây, trong nước đã xuất hiện một số câu lạc bộ uống trà, nâng thú thưởng ngoạn này lên hàng nghệ thuật để tạo một phong cách riêng. Có người còn thậm xưng thành một “văn hoá trà” của người Việt. Người viết chỉ nghe mà chưa được chứng kiến hay tham dự nên không dám lạm bàn./.
[1] Ðồ giả mạo vì thế cũng hay làm cho sứt mẻ, có khi làm vỡ rồi chắp lại cho ra vẻ cũ để đánh lừa người mua. Kỹ thuật làm cho hàng cũ đi của người Tàu rất tinh vi và thiên biến vạn hoá. Xem thêm Hứa Dật Quần, “Nghi Hưng hồ sơ thức nhập môn toả đàm” [宜興壺初識入門瑣談] phụ bản tạp chí Hồ Nghệ [Teapot] (壺藝) số 11, Ðài Loan 2008 và Trì Tông Hiến, chương V “Danh Gia Hồ Quái Trạng Hiện Hình”, Tuyển Hảo Hồ Phao Hảo Trà, Hữu Nghị, 2005 tr. 107-29
[2] Christiaan J.A. Jorg, Michael Flecker: Porcelain from the Vung Tau Wreck: The Hallstrom Excavation (UK: Sun Tree Publishing Ltd, 2001) tr. 54-5
[3] Sái Vinh Chương (蔡榮章) trong Trà Ðạo Giáo Thất (茶道教室): Trung Quốc Trà Học Nhập Môn Cửu Ðường Khoá (中國茶學入門九堂課) (Ðài Bắc: Thiên Hạ Viễn Kiến, 2002) đã tổng hợp chín bài học cho người tập uống trà, viết tương đối đầy đủ về các loại trà và nghi thức pha, uống để huấn luyện cho trà nhân cũng như những ai muốn đi sâu vào ngành buôn bán trà cụ và trà liệu.
Tuy nhiên, vì trà được trồng ở nhiều vùng, mỗi vùng có một hay nhiều đặc sản nên cũng tự phát triển một lối riêng cho địa phương mình. Ở Ðài Loan hiện nay dùng hai chén đựng trà, một chén nhỏ mà cao, một chén rộng miệng. Khi rót, người ta dùng chén hình ống trước, đổ ra chén lớn rồi dùng chén này như một loại bình ngửi để thưởng thức hương trà.
[4] Số mỏ đá để có thể làm ấm không nhiều, phần lớn đã cạn kiệt. Mỗi mỏ phải đào sâu vào trong núi và mỗi lớp đá dùng được chỉ chừng vài mét là cùng. Ấm của Ðệ Nhất Xưởng thường được các danh thủ nặn riêng bán với giá khá cao cho những nhà sưu tập.
[5] Ấm Nghi Hưng thường được xếp vào hạng stoneware chứ không phải clayware.
[6] Ðể khỏi lệ thuộc vào nguồn cung cấp từ Hoa lục, các chuyên gia Ðài Loan đã nghiên cứu để áp dụng kỹ thuật cao vào việc pha trộn và tìm kiếm nguyên liệu, nhất là phương pháp chế tạo từ Nhật Bản nên hiện nay kỹ thuật làm ấm của Ðài Loan được đánh giá là cao hơn của Hoa lục. Một số tỉnh miền Hoa Nam tiếp xúc nhiều với bên ngoài nên cũng phải chiều theo thị hiếu quần chúng nên hiện nay nhiều ấm làm tại khu vực Quảng Châu, Hongkong cũng rất khéo, tương tự như ấm của Ðài Loan.
[7] Trong các sưu tập của người Việt mang màu sắc dân tộc, tôi thấy khá nhiều bộ “bình vôi” [lime pots], kế đó là đồ sứ Chu Ðậu còn các loại đồ sứ khác thì hiếm hơn.
[8] Những chiếc ấm cũ có vẻ thật rao bán trên internet thường được đấu với giá khá cao [thường là ấm thời Dân Quốc], người thắng thường phải trả vài ba trăm trở lên, có mua cũng chẳng làm gì. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy một hai chiếc ấm có đề “Huệ Mạnh Thần chế” nhưng chắc chắn không phải là do Huệ Mạnh Thần đời Minh làm ra mà là loại ấm thương mại chế theo kiểu Mạnh Thần [cuối đời Thanh hay đời Dân Quốc]. Những ấm Mạnh Thần loại này thường là chỉ vài chục năm thôi nhưng hình dáng và loại đất tử sa tương đối cũ, có trước phong trào nặn ấm gần đây.
[9] Theo truyền thuyết, nhữ diêu chỉ dành riêng cho cung vua đời Tống, và về sau hiếm đến nỗi vua Càn Long đã phải nói là “ít như sao buổi sớm”. Triều Tiên sau này có loại Koryo cũng có màu sắc tương tự.