BÁNH CỐM NGUYÊN NINH & ÔNG CHỦ MÊ CỔ VẬT
Đào Phan Long
Khoảng chừng đã 20 năm qua, đã thành lệ, cứ vào dịp đầu năm dương lịch hoặc tháng chạp âm lịch trước Tết ta là đám bạn học cũ thường tổ chức gặp nhau để trông thấy nhau, hỏi thăm sức khỏe, mong nghe được nhiều chuyện tốt lành về bạn, rồi tán chuyện vui vẻ trong bữa nhậu tưng bừng...Tôi có 2 nhóm bạn học, đám học phổ thông và đám học đại học. Năm nay vẫn vậy nhưng có vẻ ít các bạn đến hơn những năm trước. Có nhiều lý do cá nhân bất khả kháng. Trong lần gặp năm nay chúng tôi được ăn tráng miệng bằng bánh cốm Nguyên Ninh do chính chủ hiệu thời hiện tại mang đến.
Tác giả và bạn học - cô con gái út Nguyễn Thị Hiệp của ông bà Nguyên Ninh
Trên đất Hà Thành xưa - tức vùng cư dân Hà Nội sinh sống trước khi mở rộng như hiện tại - đã có bánh cốm hiệu Nguyên Ninh nổi tiếng. Ngày nay khi đã bước sang giữa thập niên thứ hai của thiên niên kỷ thứ ba, tức năm 2015, cửa hiệu bánh cốm Nguyên Ninh vẫn tồn tại và ngày ngày vẫn đông khách đến mua hoặc đến đặt làm. Hiệu bánh cốm ấy vẫn ở trong ngôi nhà số 11 phố Hàng Than, Hà Nội, chính là ngôi nhà mà ông bà Nguyễn Duy Ất, Nguyễn Thị Tuất - tức ông bà Nguyên Ninh - là những chủ nhân đã lập nên cửa hàng bán bánh cốm gia truyền này từ năm 1965. 
Ảnh chân dung ông bà Nguyên Ninh và những dòng chữ truyền lại
Gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày khai trương hiệu bán bánh cốm ấy, đến nay gia đình ông bà Nguyên Ninh đã thành một đại gia đình với đông đầy các con, các cháu, các chắt nội ngoại. Đó là nhà có Phúc.
Có thể nói thế kỷ 20 đã qua, nếu so với chiều dầy lịch sử đất nước thì chưa dài, nhưng so với đời người thì cũng đủ để có rất, rất nhiều chuyện đáng kể lại cho mọi người được biết. Suy cho cùng, thế hệ sau biết chuyện thiện, chuyện tốt, chuyện dũng khí can trường vì dân vì nước của lớp người trước sẽ tự hào và truyền giữ; biết chuyện ác, chuyện xấu, chuyện đê hèn đốn mạt hại dân hại nước sẽ tránh vấp lại làm đau lòng người và khốn khổ nhân quần. Trong thế kỷ 20 ấy, Hà Thành - Hà Nội thủ đô nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung cũng đầy ắp các sự kiện, biến động và đổi thay. Chúng tôi là thế hệ may mắn sống trong nửa cuối của thế kỷ bi hùng ấy tại thủ đô Hà Nội.
Nhà số 11 dốc phố Hàng Than - Hà Nội xưa & nay
Quay lại chuyện bánh cốm Nguyên Ninh.
Tôi học phổ thông Chu Văn An với cô con gái út của ông bà chủ hiệu bánh cốm Nguyên Ninh có tên Nguyễn Thị Hiệp (là út ít dưới 9 anh chị em cơ đấy). Do hoàn cản gia đình và thành phần tư sản nên thời đó Hiệp lớp tôi không được vào đại học. Hiệp học trung ấp sư phạm, ra trường làm nghề dậy học tại Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu. Khi đã qua tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, con người thường bắt đầu nghĩ về chặng đường đời đã qua, do vậy hàng năm chúng tôi gặp nhau mỗi khi tổ chức họp lớp cũ để ôn chuyện thời trẻ con đi học. Bạn bè lớp cũ gặp nhau mọi người đều nói cười huyên náo ôn lại chuyện thời gian khó nơi sơ tán, chuyện chiến tranh đã qua, nhắc về chuyện vui buồn vô tư thời hai buổi cắp sách đến trường, rồi hỏi han chuyện gia đình, chuyện làm ăn đời thường… Tóm lại toàn chuyện vô tư thời đi học và mãi mãi vẫn qúy mến nhau không vết gợn cuộc đời.
Dân sành chơi cổ vật đất Hà Thành ngày nay ở tuổi chúng tôi có lẽ ít ai không biết đến tiếng nhà sưu tập lớp tiền bối là ông Nguyên Ninh ở dốc Hàng Than. Là lớp con cháu, khi tôi có điều kiện và ý thức bước vào cuộc chơi cổ vật thì ông cụ thân sinh của Hiệp - ông Nguyên Ninh - đã đi xa vào năm 1973. Lúc này đất nước còn chiến tranh, gia đình nào cũng li tán, ít ai có điều kiện và tâm trí giám chơi đồ cổ?, do vậy lớp chúng tôi không được ông thọ giáo.
Bạn học cũ với nhau nay biết tôi cũng có thú chơi cổ vật và vẫn quý mến cái tính bông phènh nghịch ngợm của tôi, nên khi tôi hỏi một số nét về sự ra đời của hiệu bánh cốm Nguyên Ninh, về các cụ thân sinh, về việc duy trì làm và bán bánh cốm thời nay của gia đình, Hiệp đều vui vẻ kể cho.
Ông Nguyên Ninh tên thật là Nguyễn Duy Ất, sinh năm 1904 tại làng Yên Ninh - Hà Nội (nay có phố Yên Ninh ở gần phố Hàng Than). Gia đình có truyền thống làm bánh cốm từ thời xa xưa để bán cho dân Kẻ chợ - Thăng Long. Ông được đi học và thông thạo tiếng Pháp giống như bố mẹ tôi (vì thời các cụ khi vào học lớp nhất đã phải học toàn bằng tiếng Pháp và ngoại ngữ là tiếng Anh). Sau khi lập gia đình với bà Nguyễn Thi Tuất, năm 1928 ông bà ra ở riêng mở cửa hiệu bán bánh cốm lấy thương hiệu Nguyên Ninh để ghi nhớ quê hương Yên Ninh của mình nơi đã có truyền thống làm bánh cốm nổi tiếng thơm ngon đất Thăng Long. Ông bà mở cửa hiệu tại nhà số 11 dốc Hàng Than thuộc 36 phố phường Hà Nội cổ. Việc điều hành lo toan hoàn toàn nhờ tay bà, còn ông thì mở nhà in kế bên ngôi chùa Hòe Nhai. Chính hai người bạn học của ông là các Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp trước cách mạng tháng 8-1945 (sau này là thứ trưởng và Viện trưởng của Bộ Xây dựng) đã thiết kế nhà in này cho ông. Với công việc của mình ông Nguyên Ninh đây đó khắp xứ Đông Dương, Tây, Tầu, Thái… do vậy ông đã có thú sưu tập các hiện vật mang dấu ấn văn hóa các nước, các địa danh mua về chơi từ rất sớm. Thế rồi thời cuộc biến động, sau hòa bình lập lại 1954 chính phủ kháng chiến về tiếp quản thủ đô, đến 1958 gia đình ông chấp hành cải tạo công thương nghiệp, nhà in tư nhân thôi hoạt động, còn cửa hàng bán bánh cốm Nguyên Ninh của bà vào công tư hợp doanh chuyển thành xí nghiệp bánh kẹo thuộc Sở Công thương Hà Nội và bà được cử làm phó phân xưởng sản xuất bánh cốm.
Gia đình ông bà Nguyên Ninh chụp năm 1952
Ông Nguyễn Duy Ất - tức Nguyên Ninh trước 1954
Nhà in của ông Nguyên Ninh nằm cạnh chùa Hòe Nhai - Hà Nội trước năm 1954
Những năm tháng ấy tụi mình còn nhỏ đi học cuộc sống gia đình Hiệp thế nào? Tôi hỏi bạn.
Vất vả lắm ông ạ. Hầu như của nả của các cụ không còn. Các anh chị mình đã trưởng thành lập gia đình ở riêng cả, mình là út nên ở với các cụ tại chính nhà này. Cuộc sống gia đình lâm vào túng thiếu. Ông bô thì chả biết làm gì chỉ quanh quẩn chơi với một số bạn quen cũ. Mình còn nhớ đồ cổ cụ vẫn cố giữ, tiếc, không muốn, mà bán cũng đâu có dễ vì có ai mua mấy đâu cơ chứ. Mẹ mình thì thỉnh thoảng vẫn nói: “Ông ấy tiếc là phải, vì trước đây thời còn có tiền, mỗi lần bố con mang một thứ về nhà là mẹ lại phải xùy ra mấy cây vàng để thanh toán. Có món cả vài chục cây đấy”. Bà mẹ mình hiền lành và chiều cụ ông lắm. Ngay cả lúc rất khó khăn thiếu thốn vẫn lo tiền cho cụ ông cà phê, ăn sáng với bạn. Mình nhớ về thú chơi đồ cổ ba mình thường hay gặp chuyện trò với các cụ Tiêu, cụ Bích, cụ cả Được, cụ Đức Minh… Khi đó mình còn nhỏ nghe các cụ nói: tay Nguyên Ninh là dân chịu chơi và chơi với ai cũng vui vẻ cả.
Bà mất năm nào?
Mẹ mình đến năm 1999 mới mất. Gia đình đông con nhưng ai mẹ cũng thương yêu. Lúc nãy ông hỏi tôi khi tụi mình đang đi học Chu Văn An thời đầu những năm 1960 sống thế nào, tôi kể nghe nhé: Sau khi cửa hiệu vào hợp doanh, ban ngày mẹ tớ đi làm ở xưởng, về nhà bà chạy ngược chạy xuôi làm thêm bánh cốm và chính tớ phải đi giao hàng sau giờ đi học mà các cậu không biết. Hai mẹ con mệt và vất vả lắm. Các ông con cái cán bộ nhà nước không phải làm giúp gia đình như tôi đâu. Nhưng biết làm sao được. Các anh chị mình ở riêng cũng đều phải đi làm lo cho cái gia đình có con nhỏ khốn khó của họ. Thỉnh thoàng các chị tôi cũng gíup thêm đỡ mẹ. Nhớ lại thời gian ấy mà càng thương mẹ vô cùng. Và rồi cũng vượt qua được cả ông ạ.
Thế khi nào cửa hiệu BÁNH CỐM NGUYÊN NINH được gia đình mở lại? tôi hỏi.
Sau khi nhà nước có chính sách Đổi Mới 1986 một thời gian. Theo ý mẹ nhà mình phải mở lại cửa hiệu bánh cốm Nguyên Ninh để giữ được nghề gia truyền và đặt tại chính ngôi nhà này, số 11 Hàng Than, vì chính nơi này là nơi các cụ đã lập ra thương hiệu bánh cốm Nguyên Ninh từ năm 1928. Bà cụ luôn dặn các chị em mình phải tổ chức làm và bán bánh đảm bảo chất lượng, thái độ phục vụ phải chu tất để không mất uy tín với khách hàng. Làm ra hàng mà không bán được thì chỉ có thua. Ông có thấy đôi chữ Hán nằm hai bên của chữ Phúc kia không? Đây là lời ba tớ nói và chính cụ cho làm thành hai câu treo trên tường để dậy con cháu muốn làm ăn tốt phải luôn ghi nhớ và thực hiện đấy. Ý nghĩa là: “HÒA KHÍ XUÂN VÔ TẬN” – “BÌNH TÂM LỘC TỰ NHIÊN”. Giờ thì thành đồ cổ rồi bạn nhỉ?
Tuyệt thật. Đúng là cổ vật vô giá với gia đình bạn đấy. Kỷ vật của cụ Nguyên Ninh.
Vậy cửa hiệu bây giờ ai trong gia đình đang cầm chịch mà khách mua đông vậy?
Bà chị Nguyễn Thị Hồng của mình là trưởng, còn mình sau khi nghỉ dậy học thì được phân công lo một số việc giao dịch đối ngoại. Hai chị em gái trong nhà chịu trách nhiệm thay mặt các anh chị khác quán xuyến các công việc kinh doanh của cửa hiệu. Vì không muốn lộ bí quyết gia truyền làm bánh cốm thương hiệu Nguyên Ninh cho nên việc tổ chức sản xuất bánh chỉ được thực hiện tại các gia đình anh chị em nhà mình thôi. Ông thấy đấy, lượng khách nhiều, do vậy số bánh làm ra phải đủ đáp ứng yêu cầu. Đây là nơi bán lẻ trực tiếp, còn khách đặt làm có số lượng lớn để hiếu hỷ lễ biếu cũng khá đấy. Nhìn chung cũng lắm việc và không dễ để duy trì cửa hàng hoạt động trôi chảy…
Nghe chuyện cô giáo Hiệp, người bạn thuở cùng học cấp III Chu Văn An, tôi rất trân trọng những việc làm đời thường để duy trì cuộc sống của những con người, những gia đình bình thường trên đất Hà Thành hôm nay. Chính những con người, những gia đình bình dị chăm chỉ lao động sáng tạo không ngừng như Hiệu bánh cốm Nguyên Ninh mà Hà Nội chúng ta đang có nhiều sản phẩm ẩm thực nổi tiếng trong, ngoài nước. Tôi ngắm hình ảnh ông bà Nguyên Ninh thời trẻ đang hiền từ nhìn con cháu vận hành hiệu bánh cốm nổi danh Việt Nam do ông bà để lại đang tiếp tục phục vụ cho đời và thấm thía văn tự của người chơi cổ vật có tiếng một thời là cụ Nguyên Ninh để lại:
“HÒA KHÍ XUÂN VÔ TẬN” – “BÌNH TÂM LỘC TỰ NHIÊN”
Ông cụ thân sinh bạn tôi - ông Nguyên Ninh - là người chơi cổ ngoạn có tiếng trên đất Hà Thành xưa có lẽ cũng do đã nếm trải và chứng kiến sự thăng trầm biến động của thế sự nên mới tìm đến những thú chơi không ồn ào là sưu tập cổ vật và chơi đàn dân tộc chăng? Tôi mường tượng lại quãng thời Hà Nội xưa khi chúng tôi còn nhỏ sống ở phố Quán Thánh, nơi mà mỗi sáng sớm tinh mơ đã có tiếng ầm ầm, tiếng chuông leng keng của tầu điện chạy qua để hướng về cuối nhánh đường là chợ Bưởi. Và ngôi nhà số 11 dốc phố Hàng Than của bạn mình cũng có tiếng tầu điện như vậy, nhưng tầu chạy theo hướng về Yên Phụ là cuối đường ray. Thời ấy Hà Nội phố xá không đông đúc chen lấn ồn ã như bây giờ, mùa hè vào trưa có tiếng ve sầu kêu ran, có quả me, trái sấu, hoa phượng nở, còn mùa đông thì buồn hơn, về đêm tĩnh lặng thi thoảng có tiếng rao lanh lảnh bán bánh Khúc nóng, Lục tào xá, phở gánh trong đêm… Có lẽ trong ngôi nhà 11 dốc Hàng Than đôi lúc có tiếng đàn nguyệt của ông chủ lẩy lên những giai điệu ngũ cung trầm hùng hòa trong không gian của ngôi nhà bầy nhiều cổ vật đẹp để chiêm ngưỡng sẽ làm vợi đi bớt nỗi vất vả của cuộc đời ông chủ và gia đình. 
Tôi là người chơi cổ vật lớp sau, rõ ràng thời nay cuộc chơi đã khác thời trước một số điểm về tìm kiếm hiện vật để sưu tập. Thế nhưng muốn chơi cổ vật thành công thiết nghĩ vẫn nên theo cách cư xử với nhau như các tiền nhân nổi danh lớp trước. Có lẽ muốn chơi cổ vật thành công thời nào cũng nên hiểu và thấm câu nói “HÒA KHÍ XUÂN VÔ TẬN” - “BÌNH TÂM LỘC TỰ NHIÊN” đang hiện diện tại hiệu bánh cốm Nguyên Ninh gia truyền của gia tộc bạn tôi./.
Một số hình ảnh Cổ vật nhà ông bà Nguyên Ninh