BẢO VẬT QUỐC GIA: CÂY HƯƠNG ĐÁ CHÙA TỨ KỲ

Năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông, thời Lê Trung Hưng (1666).

                                        Thu Hoan – Quế Hương

                                                   Phương Châm – Đinh Huyền

Ngày 25/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg về việc công nhận thêm 23 bảo vật quốc gia trên toàn quốc, trong đó Cây hương đá chùa Tứ kỳ, hiện đang được lưu giữ  tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Cây hương có kích thước: Cao: 270cm; Rộng: 87cm

Cây hương gồm 3 phần: Phần đỉnh, phần thân và phần bệ. Các phần của cây hương được ghép lại với nhau bằng mộng. Bố cục tạo hình cây hương được kết hợp các hình vuông, bát giác, tròn. Đề tài trang trí là các linh vật và hoa lá thiêng được chạm khắc nổi; minh văn với lối chữ chân phương được khắc chìm.

Phần đỉnh: Là phần bát hương (cao 50cm) gồm 2 phần: Phần đế và phần bát hương. Phần đế hình bát giác, phía dưới chạm băng cánh sen, phía trên chia tám cạnh chạm hoa cúc, sen. Phần bát hương hình tròn đặc, gờ miệng thẳng, cao, loe rộng trang trí băng cánh sen; trên mặt có 5 lỗ (có thể để cắm hương hoặc mang tính biểu tượng hoặc là lỗ chốt của phần đỉnh chóp?); thân phình được tạo bởi đôi rồng quấn thân vào nhau chầu mặt trời (dạng mây hoa đao lửa cách điệu).

 

Phần đỉnh Cây hương

Phần thân: Là cột trụ đá cao 150cm, gồm 8 mặt. Mỗi mặt cạnh đều thống nhất cách trang trí: Phần giữa là minh văn; phía dưới trang trí đề tài rồng, rồng đuôi cá trên sóng nước, xen kẽ là hình hạc (hạc ngậm hoa sen, phượng ngậm cúc) và hình đôi hổ vờn mây lửa (cầu mây?). Ở phía trên 8 mặt cạnh là 8 hình chim phượng xen lẫn trong mây trên cụm mây hoa đao lửa cách điệu với 8 tư thế bay, đậu khác nhau.

Dưới cùng, viền quanh chân cột là băng cánh sen đầu vuông trong lòng trang trí cụm mây hoa đao lửa cách điệu.

Bài minh văn khắc trên 8 mặt, nét chữ chân phương, được đọc từ trên xuống dưới, từ phải qua trái bao gồm: Phần đầu là lý do và tên người cho dựng cây hương; tiếp đến là bài minh ca ngợi, ý nghĩa của việc dựng cây hương; thời gian dựng, người soạn khắc; số ruộng đất hưng công (cúng) cho chùa và các quy định phụng sự, lời nguyện thề trong việc cúng lễ.

Dịch nghĩa bài minh như sau:

Bài minh về việc khắc và dựng chúc đài[1]

Vị quý tướng đương triều là quan Tham đốc Cai cơ[2], tướng Dĩnh quận công tên là Đỗ Lịch vì tôn vua kính trời, và để lại công đức phúc khánh về sau, nên dựng cột đá này, truyền đến muôn đời.

Minh rằng:

Dựng cây cột đá

Cao vọi tầng không

Xanh xanh Tú Lĩnh[3]

Đẹp đẽ Cẩm Phong[4]

Nhìn xuống gò đống[5]

Cao vút Không Đồng[6]

Ngày qua tháng lại

Xuân hạ thu đông

Hương thơm khắp nẻo

Thế trấn Càn cung[7]

Dưới dâng lòng đỏ[8]

Trên thấu thiên không

Vận nước Bàn Thạch

Phúc nhà Núi Tung[9]

Đào lý đầy cửa[10]

Đủ loại hòe đồng[11]

Tước vinh năm bậc

Phúc lộc ngàn chung

Kẻ nào vô đạo

Phá hoại lấy dùng

Trời cao soi xét

Tru diệt không dung

Lưu truyền mãi mãi

Chiêm ngưỡng vô cùng.

Triều Đại Lê, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 4 (1666), sao Tuế ở vị trí Nhu Triệu và Đôn Tường[12], tiểu tiết xuân ngày giờ tốt lành.

Người bản thôn là quan Nguyễn Hoằng Xưởng hàm Tiến công lang, giữ chức Tư vụ ở Tư vụ sảnh thuộc Bộ Lại soạn.

Nay có đất vườn là 7 sào 3 thước, đất ao là 5 sào 5 thước, ruộng hai vụ hè thu các nơi cộng lại là 8 mẫu 4 sào như đã kê trong văn khế, giao cho các quan viên lớn nhỏ trên dưới trong 4 giáp của làng ta lưu truyền cho con cháu về sau giữ làm của riêng thôn nhà, để hàng năm lo việc cúng tế, giỗ chạp, thành của Hậu Thần tồn tại muôn đời cùng trời đất.

Sau này, nếu như trong làng ta bất cứ ai sinh lòng không tốt, tự ý bỏ việc thờ cúng, tranh đoạt ruộng đất, hoặc đem sung công (số ruộng này), thì xin nguyện trời đất quỷ thần soi xét tru diệt không tha”.

Bản dịch: Đào Tử Khai, 1980,“Cây cột đá Tứ Kỳ (Hà Nội)”, Khảo cổ học số 3, Tr. 46-54)

Hiệu đính, bổ chú: PGS.TS. Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 Trang trí 8 mặt trên thân Cây hương

(từ phải qua trái theo nội dung minh văn)

Phần bệ: Cao 70cm gồm phần bệ dưới hình vuông và bệ trên hình bát giác.

Phần bệ dưới hình vuông (cạnh đáy 82cm) tạo 2 cấp, bên dưới trang trí văn mây tạo hình chân quỳ, bên trên trang trí băng cánh sen và đường gờ nổi khối.

Phần bệ trên hình bát giác được trang trí nổi hai băng cánh sen kép đầu vuông, băng cánh sen nhỏ bên dưới, băng cánh sen lớn bên trên trong lòng là cụm mây xoắn tạo hình đao mác; trên cùng là 8 cạnh (72cm) tạo thành 8 ô chữ nhật, bên trong mỗi ô trang trí: Long mã vờn mây, hoa cúc, hoa sen cách điệu, hoa cách điệu đao lửa. Tổng thể tạo thành bệ sen.

 

 Phần bệ Cây hương

Cây hương được dựng tại chùa Tứ Kỳ, tên chữ là Linh Tiên tự (chùa Linh Tiên) thuộc thôn Tứ Kỳ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Khi phát hiện cây hương nằm trên một gò đất nhỏ, xung quanh chỉ còn lại một vài vỉa gạch đổ nát. Năm 1959, cây hương được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam từ đó đến nay.

Tứ Kỳ là ngôi làng cổ có lịch sử lâu đời, nằm ở cửa ngõ phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Căn cứ tấm bia có niên hiệu Chính Hòa 11 (1689) và quả chuông đồng niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) hiện còn lưu tại chùa, chúng ta có thể xác định thời gian khởi dựng ngôi chùa ít nhất là trước năm 1689 và được trùng tu ulớn vào thời Nguyễn. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi chùa đã bị bom đạn phá hủy nặng nề. Hiện nay, chùa đã được trùng tu, xây dựng lại trên một khu đất rộng, có quy mô bề thế khang trang tại cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Cây hương là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo:

Là cây hương duy nhất đến nay được phát hiện có tạo hình độc đáo và bố cục hài hòa từ bệ lên đến cột trụ và bát hương với các tạo hình: Hình tứ giác, bát giác và hình tròn. Cây hương có  trang trí cầu kỳ, tinh xảo và sự kết hợp đề tài trang trí rất sinh động. Phần bệ vuông được trang trí vân mây tạo hình chân quỳ theo phong cách nghệ thuật chạm khắc gỗ; sự kết hợp trang trí rồng, phượng, linh vật chưa thấy xuất hiện trên trang trí các cây hương cùng thời.

+ Trang trí hình rồng đuôi cá (cá hóa long?),  Phía trên 8 mặt của cột trụ được chạm khắc 8 hình chim phượng trong các tư thế bay, đậu khác nhau xen lẫn trong mây trên cụm mây hoa đao lửa cách điệu.

+ Cách bố cục mảng đề tài trang trí: Hầu hết các linh vật (lân, long mã) và hoa lá thiêng đều được thể hiện xen kẽ hoặc đối xứng; đặc biệt là phía dưới phần thân cột trụ với 8 mặt, trang trí 4 loài linh vật được chia theo từng cặp, xen kẽ nhau: Rồng - Hạc; Rồng đuôi cá - Hổ… tạo nên sự phong phú, sống động.

- Ý nghĩa biểu tượng: Cách tạo hình và trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo như: Hình tứ giác (biểu tượng cho Tứ diệu đế) - bát giác (biểu tượng cho Bát chính đạo) - hình tròn (biểu tượng cho sự giác ngộ, giải thoát), hoa sen, cúc… với Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian.

Cây hương là nguồn sử liệu hiện vật thật trong công tác nghiên cứu và truyền bá kiến thức của cộng đồng cư dân thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 cho đến thời đại ngày nay.

Minh văn thể hiện trên cây hương chùa Tứ Kỳ là nguồn sử liệu gốc, có giá trị nghiên cứu về nhiều phương diện, đặc biệt là chế độ ruộng đất thời Hậu Lê, thế kỷ XVII: Việc công đức ruộng đất vào chùa, lấy làm hương hỏa cho chùa (ruộng hậu) được kế thừa, phát huy.

Ở thời kỳ lịch sử này, có hai loại ruộng đất cơ bản là ruộng công điền của làng xã và ruộng tư của các hộ nông dân. Ruộng công được chia đều cho các hộ nông dân canh tác, thu hoạch riêng và một phần hoa màu được giữ để phục vụ công việc chung của làng. Nội dung minh văn trên cây hương chùa Tứ Kỳ cho thấy, thời Hậu Lê, đây thuộc loại ruộng chung và chỉ sử dụng vào những việc cúng tế, giỗ chạp của làng.

- Giá trị nghệ thuật:

Đây là giá trị nổi bật nhất của cây hương chùa Tứ Kỳ, tạo hình và các đề tài trang trí mang dấu ấn của cả Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và văn hóa dân gian.

+ Về tạo hình: Cách thức chuyển tiếp từ các khối vuông, bát giác, tròn được thể hiện một cách mềm mại, uyển chuyển với phần bệ, phần đế bát hương là những bộ phận chuyển tiếp đều được tạo hình bát giác và trang trí băng cánh sen tạo thành những đài sen nhằm làm cho phần cây hương, bát hương trở nên tôn quý, linh thiêng hơn. Cùng với đó, việc tạo dáng phần đỉnh trụ đua rộng ra so với phần cột trụ (phần đế bát hương tương tự chiếc đấu) cũng cho thấy, đây không chỉ thể hiện công thức quy chuẩn kiến trúc, đặc biệt là đối với dạng thức cột trụ đảm bảo cho kiến trúc vừa vững chãi vừa cân đối, hài hoà.

+ Về nghệ thuật trang trí: Bên cạnh những trang trí mang đặc trưng nghệ thuật thời Lê Trung Hưng qua các họa tiết: Rồng, mây lửa, đao mác…, với các đề tài chủ yếu là linh vật và hoa lá thiêng nhưng ở đây lại được thể hiện rất đa dạng, phong phú. Hầu hết các trang trí đều được cách điệu và bố cục xen kẽ hoặc đối xứng với nét mô tả rất sống động, gần gũi cuộc sống thực tế. Đặc biệt là đôi rồng chầu mặt trời trên đỉnh cột được tạo hình nổi khối với thân rồng chắc khỏe, thân quấn vào nhau, 4 móng sắc nhọn là một tác phẩm chưa từng thấy trên các di vật điêu khắc đá cùng thời; hoặc hình ảnh rồng đuôi cá tạo sự liên tưởng đến câu chuyện dân gian cá chép hóa rồng (cá hóa long) nói lên ước vọng phát triển của người Việt.

Như vậy, những người dựng cây hương không chỉ là người thợ đá mà họ còn là người am hiểu kiến trúc, người nghệ nhân tài hoa, trí tuệ.

Nghệ thuật tạo hình và trang trí cây hương vừa kế thừa truyền thống dựng cột trụ với ý nghĩa biểu tượng phản ánh tư tưởng Phật giáo từ các triều đại trước vừa mang dấu ấn thời đại, thời Hậu Lê.

- Giá trị lịch sử văn hóa:

Thể hiện sự phát triển Phật giáo và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng thời Lê Trung Hưng: Từ thời Mạc, Phật giáo được khôi phục, phát triển đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, các ngôi chùa được tu sửa, tôn tạo, phục hồi và xây dựng khá phổ biến, đặc biệt là những chùa làng được người dân hưng công xây dựng. Qua việc dựng cây hương và nội dung, ý nghĩa dựng cây hương đã cho thấy, việc dựng cây hương này là vô cùng quan trọng, linh thiêng và được tất cả dân làng coi trọng, tôn vinh nên cây hương được lựa chọn đề tài trang trí kỹ lưỡng và tập trung/chú trọng tạo tác rất công phu. Đặc biệt tư tưởng, triết lý Phật giáo được thể hiện rất rõ qua ý nghĩa biểu tượng tạo hình cây hương đó là Tứ diệu đế, Bát chính đạo và Giải thoát. Đây là nội dung tư tưởng cốt lõi của Phật giáo được thể hiện trong kinh Chuyển Pháp Luân, bài kinh đầu tiên mà Đức Phật thuyết giảng sau khi Ngài đắc đạo.

Là cây hương được dựng ở chùa, công trình thờ tự của Phật giáo nhưng nội dung chủ yếu ca ngợi việc dựng cây hương, cầu phúc, lộc và những lời nguyện thề cúng lễ (ở cả phần bài minh ca ngợi và phần cuối của bài minh văn) đã cho thấy sự ảnh hưởng tính chất của hương ước làng xã và yếu tố văn hóa, tín ngưỡng dân gian được thể hiện đậm nét trên cây hương này.

Nội dung bài minh cũng thể hiện việc đề cao giá trị đạo, đức thể hiện qua việc làm của người dân làng Tứ Kỳ mang giá trị nhân văn, hướng tới điều thiện, coi trọng đạo lý, tuân thủ lệ làng phép nước, để mong cầu được hưởng phúc lâu dài, con cháu đời đời hiển vinh.

Cây hương chùa Tứ Kỳ là một tác phẩm độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Vì vậy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã làm một bản sao bằng chất liệu đồng và trưng bày tại hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng tại số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Tử Khai. Cây cột đá Tứ Kỳ (Hà Nội). KCH số 3, Tr. 46 - 54),1980
  2. Nguyễn Đình Hưng. Về 24 cây hương đá tìm được trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. NPHMVKCH năm 2017.
  3. Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Đình Chiến. Cổ vật Thăng Long - Hà Nội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xuất bản năm 2010, Hà Nội.
  4. Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng. Mỹ thuật của người Việt. Nhà xuất bản Mỹ thuật, 1991.
  5. Nguyễn Du Chi. Hoa văn Việt Nam (từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến). Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Viện Mỹ thuật, Nhà xuất bản Mỹ thuật. 2003.
  6. Trần Lâm Biền. Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Tạp chí văn hóa nghệ thuật, 2010.

 

[1] Chúc đài: Đài đá là loại đài thờ dùng để kỳ đảo thần linh. Chúc: Là nghi lễ được quy định trong điển lệ của Nho giáo. Kinh lễ gọi chúc là việc dùng đức hiếu để kính cáo đất trời. Trong lời văn khắc được ghi ở đây còn có cả lời thề, đây là một loại minh ước, khoán lệ của làng xã về việc trông coi ruộng đất tư của làng xã để làm lễ tế thần đến muôn đời.

[2] Cai cơ: Một chức quan thuộc hàng võ giai, cai quản một cơ binh. Cơ binh thời Lê có 400 lính.

[3] Tú Lĩnh 繡嶺: Trên núi Lệ Sơn huyện Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây có hai ngọn là Đông Tú Lĩnh và Tây Tú Lĩnh. Vì dáng núi cao vút, như dệt nên từ ráng mây, cho nên mới đặt tên này. Ở đây dùng hình ảnh ngọn Tú Lĩnh vờn mây để so sánh với chúc đài.

Xanh: Dịch chữ “y hy” (依稀), tả màu núi nhìn từ xa có màu xanh nhạt. Đào Tử Khai dịch “vững như” là không đúng mặt chữ.

[4] Cẩm Phong 錦峰: tên một ngọn núi đẹp thời cổ, ý chỉ sự đồ sộ và đẹp đẽ của cây hương.

Chữ “đẹp” dịch từ chữ “hàng hiệt” (頏頡) dạng đảo âm của “hiệt hàng” (頡頏), nguyên ngữ trong bài Yến yến 燕燕 phần Bội phong 邶風 của Thi Kinh 詩經 có câu: “Chim yến bay đi, Bay lên bay xuống.” (Yến yến vu phi, Hiệt chi hàng chi 燕燕于飛, 頡之頏之). Nghĩa ban đầu để chủ “dáng chim bay chấp chới, so le, con lên con xuống”, sau từ “hiệt hàng” để chỉ dáng núi “so le, ngọn cao ngọn thấp”, hay vẻ núi đẹp đẽ lạ thường.

[5] Gò đống: Dịch từ chữ khâu điệt 丘垤. Thiên Công Tôn Sửu thượng 公孫丑上 sách Mạnh Tử 孟子ghi: “Thái Sơn cao hơn gò đồi, sông biển thì hơn vũng rãnh, nhưng chúng đều cùng loại.” (泰山之於丘垤,河海之於行潦,類也). Bài Đông n 東山 Bân phong 豳風 trong Thi Kinh 詩經 có câu: “Chim sếu kêu nơi gò kiến, Vợ (nhớ chồng) than thở trong nhà.” (Quán minh vu điệt, Phụ thán vu thất 鸛鳴于垤, 婦歎于室). Phần Thận tiểu 慎小 Lã Thị Xuân Thu 呂氏春秋: “Tình thường người ta không ngã ở núi, mà lại vấp ở gò đất nhỏ.” (Nhân chi tình bất quyết ư san, nhi quyết ư điệt 人之情不蹶於山, 而蹶於垤).

[6] Không Đồng: Ngọn núi nổi tiếng ở tỉnh Cam Túc, là một quan ải trọng yếu của con đường tơ lụa, là ngọn núi đứng đầu trong Đạo giáo. Sử ký ghi: Tần Thủy Hoàng đi tuần ở vùng phía bắc Lũng Tây, có đến núi Kê Đầu [Không Đồng].

[7] Càn cung 乾宫: Một trong cửu cung, trích từ phần đầu trong 64 quẻ Hậu thiên trong sách Chu dịch. Càn thông với Trời (thiên), tượng trưng cho Trời.

[8] Lòng đỏ: dịch chữ “đan khổn” (丹悃), đồng nghĩa với “đan tâm” (丹心, lòng son, tấm lòng chân thành). Bản Đào Tử Khai dịch: “Tựa vào đất đỏ” là sai về nghĩa.

[9] Núi Tung: một ngọn núi nổi tiếng thời cổ thuộc Ngũ Nhạc. Đời Hán, Vũ Đế lên núi Tung, các quan quân đều nghe thấy có tiếng hô to "Vạn tuế" ba lần (Hán thư - Vũ đế kỷ). Đời sau, bề tôi chúc tụng đế vương, đều hô to "Vạn tuế", cũng gọi là "Tung hô".

[10] Đào lí 桃李: “mận đào” Theo Thông giám: Địch Nhân Kiệt, tể tướng thời Đường, tiến cử cho vua Đường một lúc mấy chục người tài giỏi. Người đương thời khen ông rằng Thiên hạ đào lí tận tại công môn (cây đào cây mận trong thiên hạ đều ở cửa nhà ông mà ra. Về sau, đào lí thường dùng để chỉ người tài giỏi.

[11] Hòe đồng 槐桐: Là những loại cây nhiều hoa trái, mượn hình ảnh chỉ sự đông đúc và tài danh. Hòe là nói tắt từ chữ “hòe lộ” (槐路, đường trồng nhiều cây hòe), ám chỉ hoạn lộ, con đường làm quan. Chỉ con đường lớn rợp bóng hòe trong kinh thành. Trương An đạo của Lương Nguyên đế thời Nam triều chép: “Chiếc yên chạm khắc hứng mồ hôi đỏ, Đường hòe nổi bụi hồng” (Điêu yên thừa giả hãn, Hòe lộ khởi hồng trần 雕鞍承赭汗,槐路起红尘). Đồng nói tắt từ điển “bát đồng” (八桐). Nguyên điển: Nhà họ Hàn đời Tống có tám người con đều tài giỏi, gọi là Hàn thị bát đồng (韓氏八桐), Hàn gia đồng mộc (韓家桐木). Câu này để chỉ cả học trò và con cháu đều đỗ đạt, và đều ra làm quan.

[12] Theo sách Nhĩ Nhã thiên Thích Thiên: Lịch pháp thời cổ lấy sao Thái Tuế làm chủ. Khi sao Tuế ở Nhu Triệu thuộc can Bính, ở Đôn Tường thuộc chi Ngọ. Sao Tuế ở vị trí Nhu Triệu và Đôn Tường tức là năm Bính Ngọ.