BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM - CON ĐƯỜNG GỐM SỨ

                                                                                      Linh Giang

          

Đất nước Việt Nam cong hình chữ S, là vùng đất địa đầu phía Nam của lục địa Á châu. Về địa hình, phía Tây có dẫy núi Trường Sơn chạy dọc từ Bắc xuống Nam, phía Đông có Thái Bình Dương ôm trọn kể từ bãi Trà Cổ, Quảng Ninh liền đến đất Mũi, Cà Mâu.

Bao đời nay trên vùng đất này cư dân đã sống nhờ Rừng, nhờ Biển và cây lúa nước. Núi rừng là nơi cư dân lập căn cứ kháng chiến mỗi khi có quân ngoại bang xâm lược, còn biển Đông là của ngõ giao thương với các nước lân bang và cũng chính là cửa ngõ tấn công của quân thù. Người xưa đã truyền với con cháu muôn đời sau rằng “nơi đây có tiền Rừng, Bạc bể, phải biết cùng nhau bảo vệ, giữ gìn đất trời, núi rừng, biển cả của đất nước này để sinh tồn”. Cho đến ngày nay, trải qua nhiều ngàn năm, lời người xưa truyền lại vẫn luôn linh nghiệm.

Chính biển Đông đã hình thành “Con đường Gốm sứ trên biển” như nghiên cứu của các nhà Sử học, Khảo cổ học thế giới và trong nước. Họ đã viết nhiều về “Con đường Gốm sứ trên biển Đông Việt Nam" qua dấu tích của những con tầu cổ chuyên chở hàng hóa bị đắm ven biển Đông nước ta. Đó là những con tầu chở gốm sứ bị đắm được ngư dân phát hiện sớm nhất tại Hòn Cau, Bà Rịa - Vũng tầu (chở gốm sứ Trung Hoa sản xuất tại Lò Cảnh Đức Trấn niên đại Khang Hy 1662-1772); rồi tại Hòn Dầm, Phú Quốc ( chở gốm độc sắc chủ yếu mầu xanh ngọc và số ít mầu chì, da lươn, nâu… làm tại các Lò nam Trung Hoa thời Vĩnh Lạc 1403 – 1424); tiếp đến là tầu ở Cù lao Chàm, Hội An-Quảng Nam ( gốm Bắc Việt Nam sản xuất TK 15); tầu cổ Cà Mâu (sứ men xanh trắng Trung Hoa sản xuất vùng Cảnh Đức Trấn ghi niên hiệu “ Đại Thanh Ung Chính niên chế”, từ năm 1723-1735 và gốm men tam thái, ngũ thái sản xuất tại vùng Lò Quảng Châu); tầu cổ Bình Thuận (chở gốm sản xuất tại Sơn Đầu - Quảng Đông, Phúc Kiến, Trung Hoa sản xuất vào thời Minh Vạn Lịch trong khoảng từ 1573 – 1620). Chắc chắn còn nhiều con tầu cổ xấu số chở theo nhiều gốm sứ còn nằm lại trên con đường biển này mà hiện chúng ta chưa biết đến?

  

 Là người chơi cổ vật Việt, chúng ta tự hào về những sản phẩm Gốm Việt xuất khẩu vào TK 15 của cha ông bởi chúng qúa hoàn mỹ và chất lượng cao. Chính một số hiện vật qúa qúy này của con tầu đắm ở Cù lao Chàm, Hội An-Quảng Nam đã được Chính phủ Việt Nam cho phép bán đấu gía quốc tế lần đầu tiên vào ngày 11-13 tháng10 năm 2000 tại Francico Los Angeles Mỹ. Rất đáng tiếc do cán bộ và nhà nước chúng ta chưa có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về lĩnh vực này nên với hàng ngàn cổ vật quý của ông cha để lại mà Việt Nam qua đấu giá chỉ thu về được không quá triệu đô mỹ./.

 

                                                                                    

 

 

 

 

Một số cổ vật gốm Việt (Mâm bồng, ấm, bầu vú) xuất khẩu vào thế kỷ 15 đã vớt được tại tàu đắm ở Cù Lao Chàm, miền Trung Việt Nam