BÌNH VỀ HAI BỨC TRANH “ĐỒNG BẢN HỌA” THỜI VUA CÀN LONGTRUNG HOA LIÊN QUAN ĐẾN LỊCH SỬ VỪA ĐƯỢC BÁN ĐẤU GIÁ Ở NƯỚC NGOÀI VÀO THÁNG 5-2011
TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Lts: Do khoảng cách thời gian phát hành các số Tạp chí Cổ vật Tinh hoa hơi dài, nhưng xuất phát từ quan hệ bằng hữu và sự gắn bó của tác giả với Tạp chí trong nhiều năm qua, nên tác giả đã đồng ý để chúng tôi sắp xếp, biên tập lại các bài viết của tác giả đã đăng tải không trọn vẹn nội dung trên vài tờ báo nhằm đáp ứng nhu cầu của giới chơi và yêu cổ ngoạn và để các nhà quản lý văn hóa nước ta có điều kiện tham khảo rộng rãi hơn.
Tượng vua Càn Long bằng ngà voi. Cổ vật Trung Hoa thế kỷ XIX.
Đồng bản họa (copperplate engraving) là những bức tranh được thực hiện bằng kỹ thuật in chuyển họa tiết được khắc trên những tấm bản bằng đồng sang giấy. Kỹ thuật này do người châu Âu phát minh từ thời trung cổ và được du nhập vào Trung Hoa từ thế kỷ XVI, khi các giáo sĩ phương Tây mang những bức tranh in này tặng cho quan lại và quý tộc Trung Hoa. Do kỹ thuật chế tác đồng bản họa rất phức tạp, từ việc vẽ tranh mẫu trên các phiến đồng, đến chạm khắc họa tiết lên nền kim loại, rồi lăn mực và in ấn thành tranh (thường kéo dài đến 6 tháng cho một bức tranh) nên kỹ thuật này chỉ dùng để in những tác phẩm thật đặc biệt. Do vậy, số tranh đồng bản họa của Thanh triều không nhiều, chủ yếu là tranh do các vua Khang Hi (1662-1723), Càn Long (1735-1796) và Đạo Quang (1821-1850) cho thực hiện để tặng cho các quan đại thần, những người có công với triều đình và các sứ thần lân bang khi họ đi sứ sang Thanh. Trong đó, người cho vẽ tranh đồng bản họa nhiều nhất là vua Càn Long.
Trong 2 ngày 6 và 7/5/2011, nhà đấu giá Nagel Auktionen ở Stuttgart (Ðức) đã đưa ra đấu giá một số cổ vật châu Á, trong đó có 2 bức tranh Thị Cầu giang chi chiến và Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ. Hai bức tranh này được đặt giá khởi điểm là 1.200 euro, nhưng đã được bán với giá 16.000 euro, cộng thêm phí cho nhà đấu giá và thuế VAT là 4.000 euro, tổng cộng giá thành là 20.000 EUR (tương đương 595 triệu đồng). Thông tin trên website của Nagel Auktionen giới thiệu đây là “những bức tranh phản ánh cuộc chinh phạt (của nhà Thanh) tại Việt Nam” (?!).
Phiên bản tiếng Hoa trên website của Nagel Auktionen ghi tên lô cổ vật mang số hiệu 258 này là: Bình định An Nam đắc thắng đồ đồng bản họa lưỡng bức (Hai bức tranh về chiến thắng trong cuộc chinh phạt An Nam) và cho biết đây là những bức tranh do 4 họa sĩ Thanh triều là Jia Quan, Yao Wenhan, Ilantai và Yang Dazhang vẽ trong 2 năm 1789 - 1790 theo lệnh vua Càn Long. Hai bức tranh được đưa ra đấu giá lần này thuộc bộ sưu tập của nhà ngoại giao người Đức Dobrikow, người đã hoạt động ở Trung Quốc trong những năm 1900 - 1928.
Thực ra, 2 bức tranh này đã được học giả Nguyễn Duy Chính (Hoa Kỳ) giới thiệu với độc giả Việt Nam qua bài khảo cứu rất công phu Bình định An Nam chiến đồ in trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (số 2/2006 và số 3/2006). Từ thông tin trong bài viết của học giả Nguyễn Duy Chính, tôi mạn phép giới thiệu về hoàn cảnh ra đời và những vấn đề lịch sử xung quanh bộ tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ nói trên.
Bức tranh Thị Cầu giang chi chiến đồ.
Vua Càn Long với những bộ tranh “đồng bản họa”
Càn Long là vị vua thứ 5 của Thanh triều và là một trong hai vị vua nhà Thanh cai trị Trung Hoa lâu nhất, hơn 60 năm. Sau khi kế vị ngai vàng, vua Càn Long được thừa hưởng một nền thái bình và một ngân khố đầy ắp do cha ông là vua Ung Chính (1723 - 1735) gầy dựng. Vì thế, vua Càn Long có điều kiện để tiêu xài tiền bạc cho các công trình kiến trúc, các cuộc tuần du, các cuộc viễn chinh và các tác phẩm sử học, văn học nghệ thuật được biên soạn và in ấn quy mô.
Tuy để lại nhiều dấu ấn trong “văn trị”, nhưng trong “võ công” thì vua Càn Long gặp nhiều thất bại hơn thắng lợi. Trong 8 cuộc chinh phạt lân bang do vua Càn Long phát động thì chỉ có 2 lần đánh người Chuẩn Cát Nhĩ (vào năm 1755 và năm 1756 - 1757) và 1 lần đánh người Hồi Hột (vào năm 1758 - 1759) là thu được thắng lợi. Còn các cuộc chinh phạt còn lại, thì hoặc bị đại bại như 2 cuộc xâm lược Miến Điện và Việt Nam, hoặc phải rút lui do tốn kém tiền của và binh lính mà vẫn không thành công.
Dù thất bại trong các cuộc chiến tranh với lân bang nhưng vua Càn Long luôn tự huyễn hoặc bản thân và đình thần về những thắng lợi của các cuộc chinh phạt. Vì thế, sau mỗi cuộc chiến, vua đều sai người làm tranh đồng bản họa để ca ngợi chiến công của mình. Tổng cộng vua Càn Long đã cho vẽ 8 bộ tranh theo kỹ thuật đồng bản họa với tổng số tranh là 94 bức. Đó là các bộ: Bình định Chuẩn Cát Nhĩ Hồi Bộ đắc thắng đồ (16 bức, in thành 247 bản); Bình định Lưỡng Kim Xuyên đắc thắng đồ (16 bức, in thành 226 bản); Bình định Đài Loan đắc thắng đồ (12 bức, in thành 200 bản); Bình định An Nam đắc thắng đồ (6 bức, in thành 200 bản); Bình định Khoách Nhĩ Khách đắc thắng đồ (8 bức, không rõ số bản in); Bình định Miêu Cương đắc thắng đồ (16 bức, không rõ số bản in);Bình định Trọng Miêu đắc thắng đồ (4 bức, không rõ số bản in) và Bình định Hồi Cương đắc thắng đồ (10 bức, không rõ số bản in).
Bức tranh Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ, thường được gọi tắt là bức Nguyễn Huệ khiển hảo.
Về bộ tranh “đồng bản họa”: Bình định An Nam đắc thắng đồ thời vua Càn Long
Bộ tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ được vẽ từ năm 1789, hoàn tất năm 1790 và được khắc in theo kỹ thuật đồng bản họavào năm 1792. Bộ tranh này gồm 6 bức, có tên như sau: Gia Quan Ha Hộ chi chiến đồ (Tranh về trận chiến Gia Quan Ha Hộ); Tam Dị Trụ Hữu chi chiến (Trận chiến Tam Dị Trụ Hữu); Thọ Xương giang chi chiến đồ (Tranh về trận chiến sông Thọ Xương); Thị Cầu giang chi chiến đồ (Tranh về trận chiến sông Thị Cầu); Phú Lương giang chi chiến (Trận chiến sông Phú Lương) và Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ (Tranh về việc Nguyễn Huệ sai cháu là Nguyễn Quang Hiển dự yến tiệc vua ban). Trên mỗi bức tranh đều có một bài từ bằng chữ Hán do chính tay vua Càn Long viết và cho in lên tranh. Cuối các bài từ này đều có dòng lạc khoản: Càn Long Kỷ Dậu trọng thu ngự bút (Ngự bút của vua Càn Long vào tháng 8 năm Kỷ Dậu, tức là năm 1789).
Nội dung bài từ trên bức tranh Gia Quan Ha Hộ chi chiến đồ thuật chuyện Tôn Sĩ Nghị chia quân làm 2 ngã từ trấn Nam Quan vào Lạng Sơn, rồi hội quân ở Gia Quan, giao tranh ác liệt với quân Tây Sơn khiến người chết vô số nhưng quân Thanh giành được thắng lợi.
Nội dung bài từ trên bức tranh Tam Dị Trụ Hữu chi chiến ghi việc quân Thanh tấn công vào doanh trại của các thổ tù thiểu số quy thuận nhà Tây Sơn ở Tam Dị, thu được nhiều thóc gạo, đồng thời đã bố trí quân mai phục ở Trụ Hữu và tiêu diệt được nhiều binh lính Tây Sơn, dành thắng lợi buổi ban đầu.
Nội dung bài từ trên bức tranh Thọ Xương giang chi chiến đồ chép chuyện quân Thanh dùng người Hán dưới sự chỉ huy của các tướng Thượng Duy Thăng và Khánh Thành, chặt tre làm bè vượt sông Thọ Xương, đánh úp quân Tây Sơn. Vua Càn Long đã khen ngợi sự dũng cảm của quân nhân người Hán trong đạo quân Mãn Thanh trong chiến thắng này.
Nội dung bài từ trên bức tranh Thị Cầu giang chi chiến đồ tường thuật việc quân Thanh tiến đến sông Thị Cầu thì bị quân Tây Sơn tấn công từ trên cao xuống với khí thế rất dũng mãnh. Quân Thanh không vượt được sông nên đã cử một toán quân do Trương Triều Long bí mật vòng sang phía trái, rồi đánh úp vào trại quân Tây Sơn, khiến quân Tây Sơn nao núng, vỡ trận mà thua.
Nội dung bài từ trên bức tranh Phú Lương giang chi chiến chép chuyện quân Thanh tiến đến sông Phú Lương, tướng nhà Thanh là Hứa Thế Hanh cướp thuyền của nhà nông và cho đóng bè tre chở 200 quân vượt sông tấn công quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã phản công mạnh mẽ, đẩy lui quân thanh. Tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị, quyết tâm chống trả như vì nghe lời tướng Hứa Thế Hanh, phải rút lui để giữ “quốc uy” cho thiên triều. Các tướng nhà Thanh là Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long và Thượng Duy Thăng ở lại kháng cự, bị quân Tây Sơn tiêu diệt khiến vua Càn Long rất xót thương những người này. Trong khi đó, dù chiến thắng quân Thanh trong trận Phú Lương nhưng Nguyễn Huệ lại “nhiều lần gửi thư phục tội quy hàng”. Vua Càn Long “xét tấm lòng thành của Nguyễn Huệ nên nhân lời thỉnh cầu đó mà xá tội gia ân” và chấm dứt binh đao.
Nội dung bài từ trên bức tranh Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ phản ánh việc vua Càn Long bỏ mặc Lê Duy Kỳ (tức vua Lê Chiêu Thống) sau khi thất bại trong ý đồ sử dụng binh lực để giúp vua Lê dành lại ngai vàng. Đồng thời, nghe lời tâu của Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An, vua Càn Long đã “chấp nhận lời thỉnh cầu của Nguyễn Huệ” mà triệt binh. Sau đó, còn tiếp nhận biểu văn của Nguyễn Huệ sai cháu là Nguyễn Quang Hiển sang mừng thọ vua Càn Long và xin phong vương cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Quang Hiển sang Thanh đúng dịp Vạn Thọ nên được vua Càn Long cho dự yến tiệc “để tỏ ân tình”
Hình vẽ trên 6 bức tranh miêu tả nội dung của 6 bài từ này, theo thể thức “nhất thi, nhất họa” trong hội họa cổ điển của Trung Hoa.
Những vấn đề lịch sử ẩn sau bộ tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ
Như đã đề cập trên đây, bộ tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ là một bộ “tranh tuyên truyền”, thể hiện tâm lý “tự sướng” của vua Càn Long sau thất bại cay đắng và chóng vánh trong cuộc xâm lược Việt Nam. Vì thế, nhiều tình tiết được phản ánh trong các bài từ là không đúng với thực tế diễn ra trên chiến trường. Chẳng hạn, việc Tôn Sĩ Nghị bị quân Tây Sơn tiến đánh, phải cưỡi ngựa chạy trốn qua cầu phao bắc qua sông Hồng, rồi ra lệnh cho quân sĩ chặt đứt cầu phao để ngăn sự truy đuổi của quân Tây Sơn khiến quân Thanh rơi xuống sông chết đuối nhiều vô kể. Vậy nhưng bài từ ghi trên bức tranh Phú Lương giang chi chiến lại cho rằng Tôn Sĩ Nghị rất muốn “sống mái” với quân Tây Sơn nhưng do Hứa Thế Hanh khuyên nhủ nên đã rút lui để giữ “quốc uy” cho Thanh triều, còn Hứa Thế Hanh và những tướng lĩnh khác đã tuẫn tiết vì nước, khiến Nguyễn Huệ phải xót thương cho lập đền thờ.
Tuy có nhiều chi tiết không đúng với lịch sử, nhưng bộ tranh này cũng cho thấy việc quân Tây Sơn trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đã chủ động lui binh, tránh thế giặc mạnh để bảo toàn lực lượng, khiến cho quân Thanh dễ dàng giành thắng lợi lúc ban đầu nên chủ quan khinh địch. Kết quả là khi quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ tiến hành phản công thì quân Thanh đã rơi vào thế bị động, quân tướng tháo chạy tán loạn và thất bại nhanh chóng.
Đặc biệt, bức tranh Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ đã phản ánh tài ngoại giao khôn khéo của Nguyễn Huệ, dù đánh bại quân Thanh nhưng lại gửi sứ sang cầu hòa với vua Càn Long, “khiến cho tự ái của vua Càn Long được vuốt ve và không bị mất mặt với quần thần. Có lẽ trong lòng vua Càn Long cũng thầm biết ơn sự tế nhị của vua Quang Trung, và Quang Trung cũng tương kế, tựu kế khai thác ưu thế ngoại giao ông vừa đạt được” (nhận xét của học giả Nguyễn Duy Chính) để chấm dứt chiến tranh, giữ yên bờ cõi ở phía Bắc. Có như vậy, vua Quang Trung mới có thể yên tâm để lo ổn định nội tình trong nước. Đây có lẽ là bài học sâu sắc nhất về vấn đề giải quyết hậu chiến sau khi chúng ta chiến thắng một kẻ thù hung bạo, cho dù tên của bộ tranh là Bình định An Nam đắc thắng đồ.
Nhưng, như người Nam Bộ vẫn thường nói: “Trông dzậy, mà không phải dzậy!”.
Đây mới là điều mà hôm nay và hậu thế đáng phải suy ngẫm./.
BÌNH VỀ HAI BỨC TRANH “ĐỒNG BẢN HỌA” THỜI VUA CÀN LONGTRUNG HOA LIÊN QUAN ĐẾN LỊCH SỬ VỪA ĐƯỢC BÁN ĐẤU GIÁ Ở NƯỚC NGOÀI VÀO THÁNG 5-2011
TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Lts: Do khoảng cách thời gian phát hành các số Tạp chí Cổ vật Tinh hoa hơi dài, nhưng xuất phát từ quan hệ bằng hữu và sự gắn bó của tác giả với Tạp chí trong nhiều năm qua, nên tác giả đã đồng ý để chúng tôi sắp xếp, biên tập lại các bài viết của tác giả đã đăng tải không trọn vẹn nội dung trên vài tờ báo nhằm đáp ứng nhu cầu của giới chơi và yêu cổ ngoạn và để các nhà quản lý văn hóa nước ta có điều kiện tham khảo rộng rãi hơn.
Tượng vua Càn Long bằng ngà voi. Cổ vật Trung Hoa thế kỷ XIX.
Đồng bản họa (copperplate engraving) là những bức tranh được thực hiện bằng kỹ thuật in chuyển họa tiết được khắc trên những tấm bản bằng đồng sang giấy. Kỹ thuật này do người châu Âu phát minh từ thời trung cổ và được du nhập vào Trung Hoa từ thế kỷ XVI, khi các giáo sĩ phương Tây mang những bức tranh in này tặng cho quan lại và quý tộc Trung Hoa. Do kỹ thuật chế tác đồng bản họa rất phức tạp, từ việc vẽ tranh mẫu trên các phiến đồng, đến chạm khắc họa tiết lên nền kim loại, rồi lăn mực và in ấn thành tranh (thường kéo dài đến 6 tháng cho một bức tranh) nên kỹ thuật này chỉ dùng để in những tác phẩm thật đặc biệt. Do vậy, số tranh đồng bản họa của Thanh triều không nhiều, chủ yếu là tranh do các vua Khang Hi (1662-1723), Càn Long (1735-1796) và Đạo Quang (1821-1850) cho thực hiện để tặng cho các quan đại thần, những người có công với triều đình và các sứ thần lân bang khi họ đi sứ sang Thanh. Trong đó, người cho vẽ tranh đồng bản họa nhiều nhất là vua Càn Long.
Trong 2 ngày 6 và 7/5/2011, nhà đấu giá Nagel Auktionen ở Stuttgart (Ðức) đã đưa ra đấu giá một số cổ vật châu Á, trong đó có 2 bức tranh Thị Cầu giang chi chiến và Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ. Hai bức tranh này được đặt giá khởi điểm là 1.200 euro, nhưng đã được bán với giá 16.000 euro, cộng thêm phí cho nhà đấu giá và thuế VAT là 4.000 euro, tổng cộng giá thành là 20.000 EUR (tương đương 595 triệu đồng). Thông tin trên website của Nagel Auktionen giới thiệu đây là “những bức tranh phản ánh cuộc chinh phạt (của nhà Thanh) tại Việt Nam” (?!).
Phiên bản tiếng Hoa trên website của Nagel Auktionen ghi tên lô cổ vật mang số hiệu 258 này là: Bình định An Nam đắc thắng đồ đồng bản họa lưỡng bức (Hai bức tranh về chiến thắng trong cuộc chinh phạt An Nam) và cho biết đây là những bức tranh do 4 họa sĩ Thanh triều là Jia Quan, Yao Wenhan, Ilantai và Yang Dazhang vẽ trong 2 năm 1789 - 1790 theo lệnh vua Càn Long. Hai bức tranh được đưa ra đấu giá lần này thuộc bộ sưu tập của nhà ngoại giao người Đức Dobrikow, người đã hoạt động ở Trung Quốc trong những năm 1900 - 1928.
Thực ra, 2 bức tranh này đã được học giả Nguyễn Duy Chính (Hoa Kỳ) giới thiệu với độc giả Việt Nam qua bài khảo cứu rất công phu Bình định An Nam chiến đồ in trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế (số 2/2006 và số 3/2006). Từ thông tin trong bài viết của học giả Nguyễn Duy Chính, tôi mạn phép giới thiệu về hoàn cảnh ra đời và những vấn đề lịch sử xung quanh bộ tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ nói trên.
Bức tranh Thị Cầu giang chi chiến đồ.
Vua Càn Long với những bộ tranh “đồng bản họa”
Càn Long là vị vua thứ 5 của Thanh triều và là một trong hai vị vua nhà Thanh cai trị Trung Hoa lâu nhất, hơn 60 năm. Sau khi kế vị ngai vàng, vua Càn Long được thừa hưởng một nền thái bình và một ngân khố đầy ắp do cha ông là vua Ung Chính (1723 - 1735) gầy dựng. Vì thế, vua Càn Long có điều kiện để tiêu xài tiền bạc cho các công trình kiến trúc, các cuộc tuần du, các cuộc viễn chinh và các tác phẩm sử học, văn học nghệ thuật được biên soạn và in ấn quy mô.
Tuy để lại nhiều dấu ấn trong “văn trị”, nhưng trong “võ công” thì vua Càn Long gặp nhiều thất bại hơn thắng lợi. Trong 8 cuộc chinh phạt lân bang do vua Càn Long phát động thì chỉ có 2 lần đánh người Chuẩn Cát Nhĩ (vào năm 1755 và năm 1756 - 1757) và 1 lần đánh người Hồi Hột (vào năm 1758 - 1759) là thu được thắng lợi. Còn các cuộc chinh phạt còn lại, thì hoặc bị đại bại như 2 cuộc xâm lược Miến Điện và Việt Nam, hoặc phải rút lui do tốn kém tiền của và binh lính mà vẫn không thành công.
Dù thất bại trong các cuộc chiến tranh với lân bang nhưng vua Càn Long luôn tự huyễn hoặc bản thân và đình thần về những thắng lợi của các cuộc chinh phạt. Vì thế, sau mỗi cuộc chiến, vua đều sai người làm tranh đồng bản họa để ca ngợi chiến công của mình. Tổng cộng vua Càn Long đã cho vẽ 8 bộ tranh theo kỹ thuật đồng bản họa với tổng số tranh là 94 bức. Đó là các bộ: Bình định Chuẩn Cát Nhĩ Hồi Bộ đắc thắng đồ (16 bức, in thành 247 bản); Bình định Lưỡng Kim Xuyên đắc thắng đồ (16 bức, in thành 226 bản); Bình định Đài Loan đắc thắng đồ (12 bức, in thành 200 bản); Bình định An Nam đắc thắng đồ (6 bức, in thành 200 bản); Bình định Khoách Nhĩ Khách đắc thắng đồ (8 bức, không rõ số bản in); Bình định Miêu Cương đắc thắng đồ (16 bức, không rõ số bản in);Bình định Trọng Miêu đắc thắng đồ (4 bức, không rõ số bản in) và Bình định Hồi Cương đắc thắng đồ (10 bức, không rõ số bản in).
Bức tranh Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ, thường được gọi tắt là bức Nguyễn Huệ khiển hảo.
Về bộ tranh “đồng bản họa”: Bình định An Nam đắc thắng đồ thời vua Càn Long
Bộ tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ được vẽ từ năm 1789, hoàn tất năm 1790 và được khắc in theo kỹ thuật đồng bản họavào năm 1792. Bộ tranh này gồm 6 bức, có tên như sau: Gia Quan Ha Hộ chi chiến đồ (Tranh về trận chiến Gia Quan Ha Hộ); Tam Dị Trụ Hữu chi chiến (Trận chiến Tam Dị Trụ Hữu); Thọ Xương giang chi chiến đồ (Tranh về trận chiến sông Thọ Xương); Thị Cầu giang chi chiến đồ (Tranh về trận chiến sông Thị Cầu); Phú Lương giang chi chiến (Trận chiến sông Phú Lương) và Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ (Tranh về việc Nguyễn Huệ sai cháu là Nguyễn Quang Hiển dự yến tiệc vua ban). Trên mỗi bức tranh đều có một bài từ bằng chữ Hán do chính tay vua Càn Long viết và cho in lên tranh. Cuối các bài từ này đều có dòng lạc khoản: Càn Long Kỷ Dậu trọng thu ngự bút (Ngự bút của vua Càn Long vào tháng 8 năm Kỷ Dậu, tức là năm 1789).
Nội dung bài từ trên bức tranh Gia Quan Ha Hộ chi chiến đồ thuật chuyện Tôn Sĩ Nghị chia quân làm 2 ngã từ trấn Nam Quan vào Lạng Sơn, rồi hội quân ở Gia Quan, giao tranh ác liệt với quân Tây Sơn khiến người chết vô số nhưng quân Thanh giành được thắng lợi.
Nội dung bài từ trên bức tranh Tam Dị Trụ Hữu chi chiến ghi việc quân Thanh tấn công vào doanh trại của các thổ tù thiểu số quy thuận nhà Tây Sơn ở Tam Dị, thu được nhiều thóc gạo, đồng thời đã bố trí quân mai phục ở Trụ Hữu và tiêu diệt được nhiều binh lính Tây Sơn, dành thắng lợi buổi ban đầu.
Nội dung bài từ trên bức tranh Thọ Xương giang chi chiến đồ chép chuyện quân Thanh dùng người Hán dưới sự chỉ huy của các tướng Thượng Duy Thăng và Khánh Thành, chặt tre làm bè vượt sông Thọ Xương, đánh úp quân Tây Sơn. Vua Càn Long đã khen ngợi sự dũng cảm của quân nhân người Hán trong đạo quân Mãn Thanh trong chiến thắng này.
Nội dung bài từ trên bức tranh Thị Cầu giang chi chiến đồ tường thuật việc quân Thanh tiến đến sông Thị Cầu thì bị quân Tây Sơn tấn công từ trên cao xuống với khí thế rất dũng mãnh. Quân Thanh không vượt được sông nên đã cử một toán quân do Trương Triều Long bí mật vòng sang phía trái, rồi đánh úp vào trại quân Tây Sơn, khiến quân Tây Sơn nao núng, vỡ trận mà thua.
Nội dung bài từ trên bức tranh Phú Lương giang chi chiến chép chuyện quân Thanh tiến đến sông Phú Lương, tướng nhà Thanh là Hứa Thế Hanh cướp thuyền của nhà nông và cho đóng bè tre chở 200 quân vượt sông tấn công quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã phản công mạnh mẽ, đẩy lui quân thanh. Tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị, quyết tâm chống trả như vì nghe lời tướng Hứa Thế Hanh, phải rút lui để giữ “quốc uy” cho thiên triều. Các tướng nhà Thanh là Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long và Thượng Duy Thăng ở lại kháng cự, bị quân Tây Sơn tiêu diệt khiến vua Càn Long rất xót thương những người này. Trong khi đó, dù chiến thắng quân Thanh trong trận Phú Lương nhưng Nguyễn Huệ lại “nhiều lần gửi thư phục tội quy hàng”. Vua Càn Long “xét tấm lòng thành của Nguyễn Huệ nên nhân lời thỉnh cầu đó mà xá tội gia ân” và chấm dứt binh đao.
Nội dung bài từ trên bức tranh Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ phản ánh việc vua Càn Long bỏ mặc Lê Duy Kỳ (tức vua Lê Chiêu Thống) sau khi thất bại trong ý đồ sử dụng binh lực để giúp vua Lê dành lại ngai vàng. Đồng thời, nghe lời tâu của Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An, vua Càn Long đã “chấp nhận lời thỉnh cầu của Nguyễn Huệ” mà triệt binh. Sau đó, còn tiếp nhận biểu văn của Nguyễn Huệ sai cháu là Nguyễn Quang Hiển sang mừng thọ vua Càn Long và xin phong vương cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Quang Hiển sang Thanh đúng dịp Vạn Thọ nên được vua Càn Long cho dự yến tiệc “để tỏ ân tình”
Hình vẽ trên 6 bức tranh miêu tả nội dung của 6 bài từ này, theo thể thức “nhất thi, nhất họa” trong hội họa cổ điển của Trung Hoa.
Những vấn đề lịch sử ẩn sau bộ tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ
Như đã đề cập trên đây, bộ tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ là một bộ “tranh tuyên truyền”, thể hiện tâm lý “tự sướng” của vua Càn Long sau thất bại cay đắng và chóng vánh trong cuộc xâm lược Việt Nam. Vì thế, nhiều tình tiết được phản ánh trong các bài từ là không đúng với thực tế diễn ra trên chiến trường. Chẳng hạn, việc Tôn Sĩ Nghị bị quân Tây Sơn tiến đánh, phải cưỡi ngựa chạy trốn qua cầu phao bắc qua sông Hồng, rồi ra lệnh cho quân sĩ chặt đứt cầu phao để ngăn sự truy đuổi của quân Tây Sơn khiến quân Thanh rơi xuống sông chết đuối nhiều vô kể. Vậy nhưng bài từ ghi trên bức tranh Phú Lương giang chi chiến lại cho rằng Tôn Sĩ Nghị rất muốn “sống mái” với quân Tây Sơn nhưng do Hứa Thế Hanh khuyên nhủ nên đã rút lui để giữ “quốc uy” cho Thanh triều, còn Hứa Thế Hanh và những tướng lĩnh khác đã tuẫn tiết vì nước, khiến Nguyễn Huệ phải xót thương cho lập đền thờ.
Tuy có nhiều chi tiết không đúng với lịch sử, nhưng bộ tranh này cũng cho thấy việc quân Tây Sơn trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đã chủ động lui binh, tránh thế giặc mạnh để bảo toàn lực lượng, khiến cho quân Thanh dễ dàng giành thắng lợi lúc ban đầu nên chủ quan khinh địch. Kết quả là khi quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ tiến hành phản công thì quân Thanh đã rơi vào thế bị động, quân tướng tháo chạy tán loạn và thất bại nhanh chóng.
Đặc biệt, bức tranh Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ đã phản ánh tài ngoại giao khôn khéo của Nguyễn Huệ, dù đánh bại quân Thanh nhưng lại gửi sứ sang cầu hòa với vua Càn Long, “khiến cho tự ái của vua Càn Long được vuốt ve và không bị mất mặt với quần thần. Có lẽ trong lòng vua Càn Long cũng thầm biết ơn sự tế nhị của vua Quang Trung, và Quang Trung cũng tương kế, tựu kế khai thác ưu thế ngoại giao ông vừa đạt được” (nhận xét của học giả Nguyễn Duy Chính) để chấm dứt chiến tranh, giữ yên bờ cõi ở phía Bắc. Có như vậy, vua Quang Trung mới có thể yên tâm để lo ổn định nội tình trong nước. Đây có lẽ là bài học sâu sắc nhất về vấn đề giải quyết hậu chiến sau khi chúng ta chiến thắng một kẻ thù hung bạo, cho dù tên của bộ tranh là Bình định An Nam đắc thắng đồ.
Nhưng, như người Nam Bộ vẫn thường nói: “Trông dzậy, mà không phải dzậy!”.
Đây mới là điều mà hôm nay và hậu thế đáng phải suy ngẫm./.