Trong nhiều loại hình cổ vật còn lưu giữ và trưng bày ở điện Long An (Bảo Tàng Cổ vật Cung Đình Huế) cũng như một số cung điện, lăng tẩm khác thì tranh gương là một loại cổ vật đặc sắc. Tranh gương phản ánh được phần nào diện mạo của mỹ thuật triều Nguyễn ở Huế ngày xưa cũng như nhận thức thẩm mỹ của một thời đại.

Một số ngôi điện như điện Long An (không gian trưng bày của Bảo Tàng Cổ vật Cung Đình Huế); điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị); điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh) v.v. đều được trang trí thêm bằng những bức tranh gương này. Vua Tự Đức bấy giờ vốn là một người nổi tiếng về đạo hiếu, đã cho treo ở điện Hòa Khiêm, Lương Khiêm của lăng mình các bức tranh gương đề thơ của hoàng khảo Thiệu Trị. Những bài thơ được viết trên tranh gương của vua Thiệu Trị chủ yếu về đề tài vịnh cảnh. Điều thú vị là ở đây có bức Xuân vịnh miêu tả một cuộc yến tiệc mừng xuân mới và trong lòng tranh lại được ghi bài thơ vịnh cảnh uống rượu đầu xuân của vua Thiệu Trị.


 

Bức tranh Xuân Vịnh được treo ở điện Hòa Khiêm tại gian thứ 2 bên trái. Đó là bức tranh có kích thước khoảng 0,8m x 0,6m. Bản thân chiếc khung gỗ đã là một tác phẩm mỹ thuật với những đường nét chạm trổ sắc sảo, bên ngoài được thếp bằng vàng. Bằng một loại sơn truyền thống, nội dung chi tiết của bức tranh được thể hiện ngược sau mặt gương nên khi xem từ mặt trước, ta vẫn thấy rất rõ độ bóng loáng của toàn bộ bức tranh.

Như sử sách đã chép về các cuộc yến tiệc của triều đình nhà Nguyễn, ngày xuân trong bức tranh gương được gợi lên bằng hình ảnh của một cuộc vui, uống rượu mừng xuân mang đậm màu sắc cung đình.

Điều đáng lưu ý là bức tranh này mang dáng dấp của phong cách họa pháp Trung Quốc khá rõ. Điều này cũng được nhắc đến trong một số sử liệu của nhà Nguyễn. Vào năm 1844, sau khi vua Thiệu Trị biên soạn xong bộ thơ Ngự Đề Đồ Hội Thi Tập, Nội Các triều Nguyễn đã cử người vẽ tranh một bản minh họa cho những bài thơ trong tập thơ này. Về sau, triều đình lại cho người sang đặt họa sĩ ở Trung Quốc vẽ lại theo những mẫu tranh mộc bản ấy. Bức tranh gương ghi bài thơ Xuân Vịnh cũng ra đời trong bối cảnh này. Chính sự chủ động “đặt mẫu” cho họa sĩ Trung Quốc thể hiện trên gương nên dù là vẽ ở Trung Quốc, nhưng khi đọc thơ và xem tranh, ta vẫn thấy ở đây có một sự hài hòa, liên tưởng từ hai phía thơ và họa. Chúng tôi xin được giới thiệu nội dung của bài thơ được thể hiện trong bức tranh này.

Bài thơ do Thiệu Trị trước tác vào năm Ất tị (1845) có nhan đề là Tam thủy tiêu thương (uống rượu đầu xuân):

Phiên âm:

            Ngự chế xuân vịnh

               Tam thủy thúc thương

Cử thương tôn tử hỉ xuân lai

Gia trưởng tiền đường thọ tịch khai

Trần thị phu ngôn thiên tuế tụng

Thành công cao bổng vạn niên bôi

Khẳng thôi bách diệp liên châm chước

Tranh dự đồ tô cửu bát phôi

Tùng thử hương nồng phù Tấn điện

Nguyên do lễ ý tự câu đài.

Thiệu Trị ất tỵ cung lục

Dịch thơ:

            Thơ ngự chế vịnh mùa xuân

            Uống rượu đầu năm[1]

Nâng rượu cháu con vui xuân đến

Trước sân gia trưởng tiệc thọ mừng

Họ Trần chúc tuổi thêm lời tụng

Thành tộc ca danh đã cạn chung

Bách diệp rượu ngon xin rót mãi

Đồ tô[2] men ngấm hãy cùng nâng

Hương nồng tỏa ngát cung nhà Tấn

Cùng tỏ lòng thành lại kính dâng.

Cung lục vào thời Thiệu Trị năm Ất tị.

(Hải Trung)

Rõ ràng, giữa các nội dung và hình thức là một mối liên hệ mật thiết của thi trung hữu họa với một cách nhìn giàu tính văn hóa của con người thuở ấy.



[1] Nguyên văn là tam thủy (ba điều bát đầu) tức là tam dương (ba hào dương), ở đây chỉ tháng Giêng. Đây là một khái niệm liên quan đến Kinh Dịch. Thứ tự tên các quẻ tương ứng với số thứ tự của các tháng trong năm (1.Thái, 2.Đại Tráng, 3.Quải, 4.Càn, 5.Cấu, 6.Độn, 7.Bĩ, 8.Quán, 9.Bác, 10.Khôn, 11.Phục, 12.Lâm). Trong ký hiệu các quẻ, vạch ngang liền (-) gọi là hào dương vạch ngang gián đoạn (- -) gọi là hào âm. Tháng giêng thuộc quẻ Thái ()  gồm có ba hào dương nên gọi là tháng “tam dương”. Tam dương là cụm từ miêu tả đặc trưng của hình quẻ, Thái là tên gọi của quẻ.

Trong nhan đề bài thơ trên, Tam thủy một hình thức diễn đạt hàm nghĩa là ngày đầu năm, chỉ mùa xuân.

[2] Bách diệp, Đồ tô: tên các loại rượu ngày xưa.