Các khu lò sản xuất đồ gốm cổ 10 thế kỷ đầu công nguyên
Trần Anh Dũng – Viện Khảo cổ học
10 thế kỷ đầu Công nguyên là một giai đoạn lịch sử đặc biệt trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây là giai đoạn mà Việt Nam bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ, là giai đoạn người Việt luôn luôn nổi dậy đấu tranh giành quyền độc lập. Mở đầu giai đoạn này là từ năm 1979 trước Công nguyên khi Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc của An Dương Vương và kết thục vào năm 938 với chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mở đầu thời độc lập tự chủ.
Ở giai đoạn này, Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn trong sản xuất đồ gốm. Từ gốm đất nung ở nhiệt độ thấp, với sự xuất hiện của gốm sành các khu lò, được nung trong các lò nung có nhiệt độ cao là bước nhảy vọt và gốm tráng men, cốt làm từ caolin, gốm được sản xuất tập trung thành then chốt. Những kỹ thuật làm gốm men và kỹ thuật nung gốm trong lò, kiểu dáng đồ gốm có ảnh hưởng nhất định từ Trung Hoa. Những đồ gốm được làm tại Việt Nam theo phong cách Trung Hoa mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi là gốm Việt – Hán đã được sản xuất trong giai đoạn này. Cùng với nó là một hệ thống lò gốm lần lượt xuất hiện. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều khu lò sản xuất gốm cổ ở miền Bắc Việt Nam, tập trung ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Thanh Hóa. Vào thời điểm đó, đây là ba trung tâm sản xuất gốm chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam. Những cuộc khai quật khảo cổ học đặc biệt trở nên quan trọng trong việc làm sáng tỏ các khu lò sản xuất gốm trong các trung tâm này.
Trung tâm gốm Vĩnh Phúc
Tại đây đã phát hiện được các lò sau:
- Khu lò Thanh Lãng (thuộc xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên): là khu lò rất lớn, các lò nung gốm tập trung thành nhiều cụm lò từ 5-6 lò nung, nằm trên các sườn đồi hoặc gò đất cao ven dòng sông cổ vốn là nhánh của sông Cà Lồ. Phạm vi phân bố trải dài qua nhiều thôn như Minh Lương, Bên Đường và Hồng Hồ. Viện Khảo cổ học đã khai quật 2 khu lò gốm trong số hàng chục lò nung gốm còn lại. Các lò nung gốm đều được đắp bằng đất, dựa vào địa hình tự nhiên của gò đồi. Sản phẩm của các lò gốm ở đây là đồ sành và bát loại to, đáy tròn, trong lòng có các đường cạo men hình tứ giác. Khu lò gốm có niên đại từ cuối thời Lục triều đến đầu thời Đường.
- Khu lò Lũng Ngoại (thuộc xã Lũng Hòa, huyện Yên Lạc): đây cũng là một khu lò lớn, mật độ phân bố của các lò nung ở đây dày đặc, trải dài gần 1 km ven bờ Đông của dòng sông Phan. Khu lò này do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phát hiện và khai quật 1 lò gốm còn nguyên vẹn nhất. Năm 2003, Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật thêm 1 lò nung gốm nữa. Sản phẩm của các lò gốm ở đây là các loại vò sành 4-6 núm, bát, chậu, âu sành và đồ gốm men ngà. Loại bát gốm tráng men ngà tìm được trong lò là loại bát to, đáy gẫy, chân đế đặc, lòng có các đường cạo men hình tứ giác. Khu lò có niên đại khoảng đầu đến giữa thời Đường. Một số địa điểm khảo cổ học ở vùng ven biển Thanh Nghệ, Quảng Ninh cũng đã phát hiện được loại bát này, nhiều khả năng các lò gốm này đã tham gia vào việc buôn bán trong con đường tơ lụa thời Đường đi qua vùng biển Việt Nam. Một số địa điểm trong Hoàng thành Thăng Long như Bắc Môn, Trần Phú cũng tìm được loại bát này.
- Khu lò Đồng Đậu (thị trấn Minh Tân, huyện Yên Lạc): khu lò này nằm ngày dưới chân di chỉ thời đại kim khí Đồng Đậu. Nó được phát hiện ngẫu nhiên trong đợt khai quật di chỉ này. Hiện nay khu lò đã bị phá hủy hoàn toàn. Cấu trúc của lò gốm còn mang ảnh hưởng của lò gốm Nam Trung Quốc. Sản phẩm của lò là gạch múi bưởi in văn ca rô, trám lồng, sóng nước, bát đĩa bán sứ tráng men ngà rất giống với sản phẩm của lò Đại Lai (Bắc Ninh), đặc biệt là sự gần gũi nhau trong các ký hiệu khắc ở đáy bát, đĩa. Khu lò có niên đại khoảng đầu thời Lục triều.
Trung tâm gốm Thanh Hóa
Tại Thanh Hóa có một khu lò nung quy mô rất lớn đã được phát hiện, đó là khu lò Tam Thọ (xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn). Khu lò gốm Tam Thọ được Olov Janse phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1939. Trong lần khai quật này, ông đã phát hiện được hàng chục lò nung gốm, và lần đầu tiên chúng ta được biết rằng những đồ gốm Việt – Hán đã được sản xuất tại Việt Nam vào thời Đông Hán và Lục triều. Năm 2000 và 2001 khu lò gốm này được đào thám sát và khai quật lần thứ hai… Kết quả là đã phát hiện được thêm lớp lò thứ ba có niên đại khoảng đầu Công nguyên cùng với hai lớp lò nung gốm có niên đại từ thế kỷ II đến thế kỷ thứ IV. Những đồ sành và đồ gốm men, sản phẩm gốm gia dụng và gốm xây dựng của các lò gốm Tam Thọ được xác định một cách rõ ràng hơn. Trong khu vực Tam Thọ - Văn Vật còn phát hiện được một hệ thống gốm sành Việt nữa có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, cùng một di chỉ thời Trần thế kỷ XIII-XIV. Trong khoảng 4 thế kỷ hoạt động, tuy chỉ có một khu lò nung nhưng trung tâm gốm Thanh Hóa đã có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiêu thụ gốm ở miền đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ. Hầu hết ở các tỉnh thành miền Bắc. Trong các di chỉ và mộ táng thời Đông Hán và đầu thời Lục triều đều tìm được sản phẩm của lò gốm Tam Thọ, trung tâm gốm Thanh Hóa đã mở đầu cho một dòng gốm mới bên cạnh dòng gốm Đông Sơn truyền thống.
Trung tâm gốm Bắc Ninh
Bắc Ninh là một trung tâm lớn với nhiều khu lò gốm như Đại Lai, Luy Lâu, Tam Sơn, Đương Xá.
- Khu lò Đại Lai sản xuất các loại gốm tráng men gia dụng như bát, đĩa, âu, vò, bình… chất liệu bán sứ tiền thân của gốm men ngọc cùng những đồ sành mịn. Niên đại của khu lò kéo dài suốt thời Lục triều. Đây là những lò rồng đầu tiên và sớm nhất được phát hiện ở Việt Nam. Tại đây đã phát hiện được hàng ngàn con kê bát, đĩa – dụng cụ chống dính men trong nung gốm – là một trong những loại con kê gốm cổ nhất được làm bằng chất liệu sành. Nếu như các lò gốm Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Tam Thọ cung cấp những đồ đựng Việt – Hán điển hình với số lượng phong phú nhất thì lò Đại Lai lại cung cấp những sản phẩm bát đĩa tráng men điển hình nhất và nhiều nhất thời kỳ này. Những đống đồ gốm phế thải dày trên 2m ở Đại Lai đã cho thấy phần nào quy mô và thời gian sản xuất của khu lò này.
- Khu lò Luy Lâu sản xuất vật liệu xây dựng. Khu lò nằm ngay cạnh thành Luy Lâu thủ phủ thời Đông Hán. Tại đây có hàng chục lò nung xuất lộ. Đó là những lò cóc thời Đường, được bố trí dày đặc tập trung, có thể do chính quyền đô hộ quản lý. Trong các cuộc khai quật thành Luy Lâu, rất nhiều gạch, ngói đã được phát hiện. Nhiều khả năng những vật liệu kiến trúc đó là sản phẩm của các lò nung này.
- Hệ thống lò Đương Xá (xã Vạn An, huyện Yên Phong) là khu vực có nhiều khu lò gốm thuộc nhiều thời đại khác nhau nằm ở bờ phía Đông của sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Khu lò Xóm Núi có các lò gốm sản xuất sành thế kỷ IX-X, với các sản phẩm gốm gia dụng như nồi, vò, bát, âu, chậu… Sản phẩm của lò gốm này có mặt ở nhiều vùng thuộc tỉnh Bắc Ninh, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), di chỉ Thái Lai (Vĩnh Phúc). Khu lò Đồng Khống ở xóm Láng tiếp tục truyền thống của các lò gốm Xóm Núi sản xuất đồ sành, đồng thời sản xuất ngói mũi lá, đồ gốm men. Khu lò này có tới hàng chục lò gốm, mật độ phân bố dày đặc. Hai lò gốm trong số đó đã được khai quật vào đầu năm 2004 có niên đại cuối thời Lý đầu thời Trần. Các lò gốm sành tiền thân của làng Thổ Hà nằm trên đất Đương Xá đến chùa Láng có niên đại khoảng đầu thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Nhiều sản phẩm của các lò gốm ở đây được phát hiện ở vùng ven biển Bắc Việt Nam, trong các khu mộ Mường ở Hòa Bình, mộ cổ ở huyện Lục Yên (Yên Bái), trong di chỉ và mộ táng ở huyện Sóc Sơn, thành Thăng Long (Hà Nội)…
Các lò gốm 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc Việt Nam đã kết hợp được truyền thống gốm Đông Sơn với kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến đương thời của Trung Hoa đã sản xuất ra dòng gốm Việt – Hán mang sắc thái bản địa bên cạnh dòng gốm Đông Sơn tồn tại trong các làng Việt cổ. Các khu lò gốm được khảo cổ học phát hiện chắc chắn chỉ là phần nào của những lò gốm đã từng tồn tại ở giai đoạn này, nhưng chỉ chừng đó cũng đã cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhất trong việc sản xuất đồ gốm tiên tiến đương thời.