CÂU CHUYỆN QUANH MỘT CHIẾC ẤN CỔ

                                        TS. PHẠM QUỐC QUÂN


          Cuối năm Giáp Ngọ, một nhà sưu tập đưa tôi xem một chiếc ấn đồng, nói là tìm thấy ở Quốc Oai, Hà Nội, do một người nông dân làm vườn phát hiện được. Ấn có kích thước 8cm x 4cm x 1cm, chuôi vồ, có một vết cưa, do tưởng là vàng, bởi đồng còn quá tốt, trọng lượng nặng tới 1,5 kg.

          Lạc khoản trên lưng ấn có hai dòng: “Quảng Oai châu âm dương học ký” “Lễ Bộ tạo” và “Vĩnh Lạc thập thất niên..nhật”. Mặt ấn có bẩy chữ triện khá nét “Quảng Oai châu âm dương học ký”.

          Khi còn đang loay hoay với những dòng chữ mờ và vật lộn với chữ còn, chữ mất, thì nhận được cú điện thoại của chính nhà sưu tập nọ, rằng, có một số người Trung Quốc đến gặng mua. Tôi hốt hoảng phi xe máy vượt cầu Chương Dương -  nơi anh ở, với một số vốn kiến thức của ba ngày tích lũy, qua nghiên cứu ấn này, may chăng có thể giải thích cho cả người bán lẫn người mua.

          Ba con buôn Trung Quốc, tuổi trung niên với chiếc ấn để trên bàn. Tìm hiểu, tôi được hay, họ là những người đi khắp thế giới để săn lùng những cổ vật đưa về Trung Hoa lục địa, với nhiều mục đích, chứ không chỉ vì tiên tổ, như họ đã từng nói với các nhà sưu tập, cùng nhiều người Việt Nam khác, qua gần 20 năm trở lại đây, biên giới được mở cửa thoáng rộng hơn. Họ là ba trong nhiều trăm người, điều phối và làm náo loạn thị trường “cổ vật ngầm” của Việt Nam, từ tiền đồng cổ, đến gỗ Sưa, ấn chương và nhiều thứ, nhiều điều khác nữa.


          Tôi nói với cả chủ nhân và ba người khách rằng, ấn của thời Vĩnh Lạc năm thứ 7 (1410) – một ông vua tàn bạo đầu Minh triều, đã xâm lược Đại Việt với chính sách đốt sách, phá trống đồng, giết học trò, để biến đất nước chúng tôi thành thuộc địa. Theo đó, họ đã làm được điều này trong 20 năm, mà lịch sử gọi là thời kỳ Minh thuộc. Hai mươi năm ấy, một thiết chế chặt chẽ và hà khắc đã được thiết lập với việc chia Đại Việt thành các châu, phủ, huyện, không khác nào của Trung Hoa thời đại ấy. Thủ tiêu văn hóa truyền thống Việt Nam bằng đốt sách, phá trống đồng, bắt người Việt theo duyên cách của người Trung Hoa, cộng với việc phân chia hành chính giống Trung Hoa và một cơ quan mang tính chất “bói toán” là chủ yếu, xuống tận các Châu, như Quảng Oai (là một vùng rộng lớn, gần giáp đất Hòa Bình về tới Bất Bạt hiện nay của Hà Nội) như một ý đồ thống trị lâu dài, nhưng không thành, vì một anh hùng nông dân của đất nước này là Lê Lợi, cùng sự tham mưu của nhà chiến lược Nguyễn Trãi kiệt xuất, đã dấy cờ khởi nghĩa đánh bại quân Minh trong trận quyết chiến ở Đông Quan (nay là Hà Nội) giải phóng đất nước. Như thế, chiếc ấn này, phải chăng như một biểu tượng của sự thất bại trong ý đồ chiến lược của nhà Minh nói riêng và Trung Hoa nói chung trong lịch sử xâm lăng Đại Việt? Tôi cũng nói thêm rằng, người Pháp, không chỉ 20 năm, mà gần cả trăm năm đô hộ, với một thiết chế chính quyền nhiều cấp, với một cơ sở vật chất được xây dựng hiện đại, vững bền và với một chiến lược “ru ngủ”, vua bên cạnh toàn quyền, còn không thành công, biến Việt Nam thành thuộc địa, thì mọi ý đồ, mưu toan đô hộ và xâm lược đối với dân tộc Việt Nam đều là vô nghĩa.


Viết tới đây, hồi cố lại chuyện năm trước, khi tàu cổ Châu Thuận Biển (Quảng Ngãi) được khai quật, hàng hóa chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc. Một bạn đồng nghiệp nước ngòai băn khoăn vì xuất xứ hàng hóa ấy như một sự chứng minh chủ quyền của người Trung Hoa ở vùng biển này chăng? Tôi giải thích rằng, đó là sự khẳng định vai trò vị trí của biển Việt Nam trên con đường giao thương quốc tế. Sự xuất hiện những di sản vật thể hay phi vật thể của Trung Hoa, Pháp, Mỹ, cùng nhiều quốc gia khác ở đất nước tôi, không thể là chứng cứ của chủ quyền, mà đó chỉ là những câu chuyện liên quan tới lịch sử đã nói tới ở trên, hoặc là sự giao thoa văn hóa, khi Việt Nam luôn là ngã tư đường của các nền văn minh trong suốt dặm dài lịch sử.

          Tôi còn nói nhiều chuyện nữa, nhưng cả ba đều đứng dậy, cáo lỗi ra về. Tôi nán lại một vài chục phút nữa, để lưu ý thêm với chủ nhân chiếc ấn cổ (chính xác là chiếc ký), về Quảng Oai, nay là Quốc Oai - một phần của châu Quảng Oai xưa và chức quan Âm dương huấn thuật cùng phẩm trật của vị quan này (Tòng cửu phẩm) cùng cơ quan Âm dương học, không chỉ có bói toán, dịch, quẻ, mà cả phong thủy và dự báo thời tiết thiên văn, để đến thời Lê Thánh Tông, trở thành Tư thiên giám, đâu đó trên phố Khâm Thiên hiện nay của Hà Nội, đã được sử sách ghi danh.

          Thông tin và tín hiệu trên chiếc ấn còn nhiều, nhưng việc nhấn mạnh của tôi với chủ nhân rằng, sự bổ sung nguồn sử liệu quan trọng của nó về địa danh học lịch sử, về quan chức chí và lịch sử cơ quan khi tượng thủy văn và mười bốn châu trong chính sử, còn thiếu châu Quảng Oai này thời thuộc Minh, là những tư liệu quý giúp cho công tác nghiên cứu lịch sử nói chung và Hà Nội nói riêng, theo đó, đây phải là khúc gỗ trầm, cần được cất trong hòm dương, chứ không thể là thanh gỗ mục vứt ở ngoài đường - điều mà bấy lâu nay, các nhà sưu tập nước ta chưa hoàn toàn thấu hiểu, thường tráo lộn giá trị giữa trầm hương và gỗ mục.

          Tôi nguyện ước cho chiếc ấn này còn lưu lại được cho hậu thế.