CHIẾC ĐĨA HỎA BIẾN

                                                                                                Đào Phan Long 

         Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về trời ở tuổi 71 làm nhiều người Việt Nam tiếc thương thật lòng. Biết hung tin lập tức mạng xã hội Việt Nam đã sôi động chia sẻ tình cảm thương quý nhà văn. Thời của công nghệ số có khác. Còn BBC tiếng Việt ngày 20 tháng 3 năm 2021 có bài Nhà Văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi để lại nhiều cảm xúc, kèm bức ảnh của Thiệp chụp sau thời gian báo Văn Nghệ in loạt bài Tướng Về Hưu, Không Có Vua, Con Gái Thủy Thần, bộ ba Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết, đồng thời in đậm dòng chữ Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn được đánh giá cao nhất trong lịch sử Việt Nam sau 1975, đã qua đời.

         Tôi nghĩ ở Việt Nam một nhà văn được người đọc trong, ngoài nước bầy tỏ tình cảm công khai như vậy không nhiều kể từ 1945 đến nay.

          Về văn hay chữ tốt, về cuộc sống… của nhà văn quá cố để thiên hạ luận bàn, còn với tôi trước sau Nguyễn Huy Thiệp vẫn là một nhà văn đúng nghĩa thời nay mà tôi trọng nể vì anh đã góp công mở ra một cách suy nghĩ độc lập, cách viết, cách sống tử tế, tự chịu trách nhiệm khi cầm bút góp chuyện với đời và anh là một trong vài người Bạn văn chân tình, quý mến của tôi.

         Cuối thập niên 90 thế kỷ XX tình cờ tôi quen Nguyễn Huy Thiệp trong giai đoạn Thiệp mở nhà hàng Hoa Ban bên đất Gia Lâm để bù vào thu nhập từ đồng lương còm như nhiều công chức miền Bắc thời đó. Rồi chúng tôi thường xuyên giao du với nhau hơn kể từ khi tôi cùng vài người xin được lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đi đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc cho phép thành lập Hội sưu tập Gốm, Cổ vật Thăng Long - một tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới chơi, kinh doanh cổ vật ở Hà Nội - được hoạt động công khai, được luật pháp bảo vệ không phải chơi chui lủi, bắt bớ như thời trước nữa. Sự kiện này Việt Nam không chỉ mới lạ thời đó mà là một sự kiện sẽ đi vào lịch sử quản lý các hoạt động văn hóa của đất nước. Đến năm 2002 tôi lại tự huy động và bỏ tiền túi xin được ra đời tờ Tạp chí Cổ Vật Tinh Hoa xuất bản 6 số/năm, in 4 mầu đẹp thì Nguyễn Huy Thiệp càng hay gặp tôi hơn để đàm đạo, tâm tình, chia sẻ nỗi lòng buồn vui cho đến cuối đời.   

         Cố Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

       Nguyễn Huy Thiệp ký họa chân dung tại xưởng gốm Bát Tràng 2003 

       Nguyễn Huy Thiệp kém tôi 4 tuổi, thời nay đi thế là hơi sớm. Thiệp từ giã cõi đời gia đình và bạn bè của anh trong đó có tôi đương nhiên thương tiếc và rất buồn. Với tôi thế là lại bị mất thêm một người bạn chơi, bạn chữ trong số bạn tâm giao thân tình đã sống lâu năm với nhau ở Hà Nội. Tôi không xốc vì đã buồn kể từ khi người vợ hiền lành tần tảo của Thiệp đi xa, rồi không lâu sau chính Nguyễn Huy Thiệp lại đổ bệnh nằm liệt.

         Mỗi người mỗi cảnh từ bận bịu công việc, cuộc sống gia đình và thú tìm bạn giao lưu... Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn sống, viết lách không ồn ào. Anh thường cặp kè cà phê, trà lá với Bảo Sinh - bạn thơ dân dã, ông chủ khách sạn chó, mèo nổi danh ở Hà Nội và họa sỹ Lê Thiết Cương trẻ tuổi so với chúng tôi -  còn tôi là dân kỹ thuật lại chơi cổ vật thì có phần ngược lại, hay vui chơi đàn đúm với đủ loại người từ ông nọ bà kia cho đến giang hồ ký cốt làm ăn đủ mọi nghề và có hoàn cảnh sinh sống khác nhau. Tất nhiên các bạn tôi quen biết chơi với tôi trong giới văn nghệ sỹ như Nguyễn Khắc Phục, Trần Ninh Hồ, Tô Hoàng, Chu Lai, Đào Trọng Khánh, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến, Đào Châu Hải, Thành Chương, Phó Đức Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Trọng Đài…và các giới khác như các ông anh Trần Quốc Vượng, Đào Hùng, ông bạn Dương Trung Quốc… Nay người còn, người mất nhưng đều nói với tôi thích và quý tài của Nguyễn Huy Thiệp. Đã có vài lần tôi tụ tập mời Thiệp, Bảo Sinh cùng dự nhậu nhẹt với các bạn tôi để giao lưu, làm quen và làm bạn với nhau.

 

MỘT SỐ BẠN TÔI ĐỀU QUÝ MẾN NGUYỄN HUY THIỆP

 

 

Cùng Cố Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

 

Cùng Cố GS.Trần Quốc Vượng, Nhà LS học

 

Cùng Cố Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Giao hưởng VN Ngô Hoàng Quân

Cùng Nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh

 

         Một hôm Nguyễn Huy Thiệp rủ tôi sang Bát Tràng đến chỗ anh làm thêm nghề vẽ trên gốm. Đến nơi Thiệp nói: Tôi có kết hợp với chủ lò này để vẽ trên sản phẩm gốm. Tôi thích làm thêm việc này vì cũng thích vẽ. Tôi có ý định sẽ ký họa được 100 chiếc đĩa chân dung những người tôi thích vừa để tặng, vừa để giữ lại làm kỷ niệm cho mình. Ông Thấy thế nào?

       - Vậy hôm nay ông ngồi xuống đây để tôi hý hoáy một tí nhé.     

       -Quá hay và độc đáo. Ông biết ký họa mà thích thì cứ làm.

        - Cám ơn. OK.

       Thế là vài hôm sau đầu 2003 Thiệp gọi tôi đến nhà anh để tặng chiếc đĩa vẽ chân dung tôi ngậm tẩu và còn được vợ chồng anh cho thưởng thức vài món cùng rượu quê khá ngon.

       - Ông ơi tiếc qúa, chiếc đĩa này khi nung bị hỏng nên men nền đổ mầu lạ.

       - Ô. Tuyệt vời. Hỏng lại thành ra tuyệt và độc đáo đấy.

       - Sao vậy?

       - Dân chơi cổ vật chúng tôi gọi món đồ mà men bị hỏng khi nung không như ý của người làm là bị hỏa biến. Mà hỏa biến là ngẫu nhiên ngoài ý muốn của người thợ, tức sản phẩm hoàn toàn ra mầu tự nhiên do lửa và đất tạo thành đấy. Cho nên món gốm này là đồ độc đấy. Tôi thích. Cám ơn.

      - Thế à. Nguyễn Huy Thiệp ngạc nhiên và nói, vậy ông cầm về chơi. Ông thích là vui rồi. Lần khác tôi làm lại nhé.

       - Cám ơn nhiều.

      Nhớ nhau khi rảnh rỗi tôi gọi điện hẹn đến thăm vợ chồng Thiệp, anh thường ra tận cổng niềm nở đón, chỉ khác lần Thiệp để râu dài trông già hẳn.

       - Dạo này viết thêm được gì mới không? tôi hỏi

      - Có viết tiểu thuyết, kịch nhưng tự cảm thấy chưa đạt. Chán. Chắc dừng viết thôi ông ạ. Hôm nay ông đến chơi tôi có mang ít phôi gốm về nhà, ông ngồi để tôi vẽ nhé. Đằng nào cũng chờ bà xã chuẩn bị vài món nóng rồi nhậu.

      - Oh thế à. Ông vẫn nhớ hẹn sẽ vẽ lại cái mặt tôi vì chưa ưng nhỉ?

      - Ông chiều tôi. Tôi thích mặt ông mà. Thiệp hồn nhiên vào việc.

Thế là tuần sau Thiệp mang tác phẩm của mình đến nhà tôi để tặng bạn. Đó là năm 2006. Tất nhiên quá cám ơn bạn và mời đi quán gọi thêm vài chiến hữu nữa để nhậu trưa. Lần vẽ và nung đĩa này tôi thấy Thiệp vui và liên tục dục Bảo Sinh đọc thơ mới sáng tác để mọi người nghe, tán và cười. Thiệp không hay rượu, khác hẳn tôi, Bảo Sinh và Trần Ninh Hồ thì uống tì tì.

Từ trái sang Nguyễn Huy Thiệp, Trần Ninh Hồ, Đào Phan Long

     - Ông Hồ ơi, thơ ông hơi ngạo đấy: Thơ ông viết “ông lão lục tuần đi trong tuyết giá. Tuyết giá không biết ông lão lục tuần”. Thảo nào nhà thơ uống rượu như uống nước. Tôi thấy ông và các vị uống được mà thèm. Tôi chịu. Ông trời không cho.

     - Ông nói đúng. Cánh đàn ông uống được là trời cho. Nhưng cũng phải rèn luyện uống đấy. Sợ nó, ngại nó không uống thường xuyên thì có mà thua… Hồ cười

Năm 2019 tôi nhận được điện thoại Thiệp gọi.

     - Ông dạo này có hay gặp ông Hồ không phải Chí Minh không?

     - Thưa hơn trước. Có việc gì?

    - Là thế này. Tôi vẫn vẽ trên đĩa gốm để gửi bán. Một lần tôi thấy một bức tranh Tầu vẽ chân dung một nhà thơ Trung Hoa xưa nổi tiếng đang tay bị, tay gậy, đeo theo bầu rượu, có dáng người rất giống Trần Ninh Hồ. Tôi thích nên vẽ theo trên đĩa nhưng viết câu thơ “ông lão lục tuần đi trong tuyết gía…” cố ý để tặng nhà thơ Trần Ninh Hồ. Ông nói dùm và đưa ông ấy đến tôi chơi nhé.     

     - Hay quá. Thế thì Hồ sẽ phấn khởi lắm đấy, vì Nguyễn Huy Thiệp vẽ và trích thơ của hắn thì quý quá đi chứ.

     Mấy hôm sau quả Trần Ninh Hồ rất cảm kích khi tôi báo tin và thu xếp đi cùng tôi đến nhà Thiệp để nhận quà. Cầm chiếc đĩa, nghe Nguyễn Huy Thiệp nói lý do vẽ và tặng tất nhiên Trần Ninh Hồ quá vui, liên tục cười khà khà vì được nhận quà lại còn được gia chủ  thết đãi đàng hoàng khi lần đầu đến nhà Thiệp. Tôi nhớ hôm đó ngày rằm hay mùng một gì đó đang đi giữa đường Trần Ninh Hồ đề nghị tôi nói taix đến một cửa hàng giò chả, bánh tẻ ngon. Hồ nói: Để tớ mua ít giò chả, bánh tẻ đến thắp hương trước tượng Phật đặt ngoài sân nhà Thiệp cho phải lẽ.

      - Hay đấy. Quá chu đáo. Thực hiện thôi. Tôi đồng tình.

      Hôm đó chỉ tôi và Hồ uống thật lực, còn Nguyễn Huy Thiệp thì không và chỉ tán chuyện và luận chữ THỜI. Tôi cảm động thật lòng khi Thiệp lấy trong tủ ra chiếc đĩa vẽ cảnh gà mái nuôi con, men xanh trắng, ra lò vào năm 2013 tặng tôi và nói: Bây giờ ít vẽ hơn rồi, tay không thuần như trước nữa nên tôi tặng ông chiếc đĩa nhỏ này để kỷ niệm nhé.

     - Cám ơn bạn nhiều. Này. Nếu nói về chữ Thời của người xưa thì trong ba chúng mình có Trần Ninh Hồ là gặp thời nên thơ mới được xuất bản nhiều tập, danh cũng được nổi trong làng thơ và cuối cùng cũng được giải thưởng thơ nhà nước. Thế là có danh sánh vai cùng đồng đội rồi. Còn mình thi làm cơ khí vất vả, nhưng đến 1990 người ta giải thể Bộ chủ quản nên phải đi làm ăn làng nhàng qua ngày. Còn Nguyễn Huy Thiệp thì chỉ gặp được một đoạn của chữ Thời là khi ông Trần Độ được lãnh đạo Đảng nhiệm kỳ Đại hội VI (1986 - 1991) phân công phụ trách văn hóa, văn nghệ; nhà văn Nguyên Ngọc phụ trách Báo Văn Nghệ mới cho đăng công khai những truyện ngắn của Thiệp mà giờ đây thiên hạ mới khen nhiều. Sau đó thay đổi lãnh đạo lại hết được chữ Thời cho đến nay có đúng không nào?

     - Ờ, tay này nghiên cứu Kinh Dịch nói được đấy. Nhưng mình nghĩ chưa chắc ai đã sướng hơn ai. Hai ông được tự do viết theo ý mình và cũng in nhiều đấy chứ. Thế là cũng là gặp thời rồi. Thiên hạ biết đến các ông là người tử tế, tài năng đâu có ít? Bảo Ninh viết mỗi cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh mà được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất, thứ đến truyện của Nguyễn Huy Thiệp, còn ông làm 2 tờ Tạp chí như chơi, chả xu nào của nhà nước mà khối người thích. Đấy. Trần Ninh Hồ tay cầm li rượu lên tiếng, còn Nguyễn Huy Thiệp chỉ gật gù cười.

      Tết âm lịch đón năm 2021, đường Hà Nội vắng hơn Tết mọi năm, vì vài nơi lại bùng dịch Covid 19. Cả mấy ngày trước và sau Tết tôi chỉ ở nhà, đến sáng ngày 3 Tết lấy xe máy xuất hành đến thăm Nguyễn Huy Thiệp. Câu con trai thứ ra mở cổng đón khách. Theo cháu vào nhà đến thẳng nơi Thiệp nằm bất động, mắt nhắm nghiền như đang ngủ. Tôi chỉ biết nắm tay bạn.

      - Bố cháu còn ở Hội Nhà Văn không?

      - Vẫn chứ ạ.

      - Bố lịm mấy ngày rồi cháu?

      - Hơn tuần nay rồi ạ. Ăn xông.

      - Ngoài các bạn bố đến thăm thì có ai trong lãnh đạo Hội đến chưa?

      - Chưa ạ.

      Tôi thở dài lấy điện thoại gọi Trần Ninh Hồ:

      - Alo, tôi đang đến thăm Nguyễn Huy Thiệp.

      - Thiệp ốm biết rồi, nhưng lu bu quá, đang ở quê nên tết không đến ông được.

     - Thiệp nằm liệt hầu như không còn biết gì nữa. Hỏi thằng cháu mới biết Hội Nhà Văn vẫn chưa có ai trong cơ quan đến thăm hỏi han gia đình cả. Buồn quá.

     - Ừ, ừ… Tôi biết Hội đã có đề nghị Nguyễn Huy Thiệp vào danh sách nhận Giải thưởng văn học nhà nước lần này. Đang chờ Chính phủ nhiệm kỳ mới duyệt ký.

      - Thôi. Chuyện ấy để sau, bạn ta sắp đi rồi. Biết ông nghỉ hưu rồi nhưng tôi nhờ ông nói với đám bạn văn thơ đang làm trong Hội của ông rằng Thiệp nó sắp đi. Đại diện Hội cần cho người đến thăm và hỏi gia đình có cần giúp gì lúc này không để giúp cụ thể mới quan trọng. Đất sinh phần cho bố các cháu đã chuẩn bị bên Đông Anh rồi. Ông gọi giúp nhé. Tôi đếch quen thằng nào cả ông ạ.

      - Thông cảm. Mình đang ở quê. Mình sẽ liên lạc ngay.

      Thằng bé tiễn tôi và nói: Chú Phú Quang còn được hưởng chế độ nằm phòng riêng ở Bạch Mai. Bệnh chú ấy cũng nặng rồi, còn bố cháu không có chế độ, Hội không có ý kiến nên nằm nhà. Chia tay cháu tôi ngao ngán ra về.

       Giờ đây nhìn chiếc đĩa gốm hỏa biến tôi nhớ tác giả đã làm ra nó nay đã về trời.

      Ngày 24/3/2021 Hội Nhà Văn Việt Nam và gia đình anh làm tang lễ tiễn đưa Nguyễn Huy Thiệp về với tổ tiên. Tôi lặng lẽ gật đầu chào những người quen ngoài sân Nhà tang lễ khá đông người rồi hòa vào một nhóm đi vào viếng bạn.

     Vào viếng xong ra sân chờ giờ di quan, tôi tìm một chỗ đứng. Một số bạn quen đến bắt tay, tôi âm à qua chuyện vì không muốn ba lô ba la lúc này. Cuối cùng vẫn như những đám tang muôn thuở là những người đến tiễn đưa người quá cố lại được nghe một bài điếu như đã thành công thức của cơ quan chủ quản thay mặt gia đình. Lại vẫn diễn cảnh đại diện lãnh đạo đến chạm tay vào quan tài người quá cố để đi một đoạn nhằm tỏ lòng thương tiếc, tất nhiên cốt để ghi lại hình. Hôm nay đến tiễn biệt Nguyễn Huy Thiệp và bám tay vào quan tài có cả hai ông nhà thơ cựu và tân Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam tiễn anh lên xe tang về Đông Anh. Trước hình ảnh cảm động này chắc hai đứa con anh, họ hàng anh và nhiều người cảm thấy ấm lòng, thậm chí còn vinh hạnh đến dự tang để được nhìn cảnh tượng trang nghiêm và cảm động này. Còn tôi thì biết trong 4 nhiệm kỳ liên tục, tức là suốt cả 20 năm qua của ông cựu Chủ tịch Hội thay người tiền nhiệm đã là 20 năm Nguyễn Huy Thiệp lặng lẽ sống và nhận được những gì cho bản thân, gia đình như nhiều ông nhà văn, nhà thơ khác?   

      Lặng lẽ ra về tôi ngẫm 2 câu của ông Bửu Tiến, nhà biên kịch nổi tiếng thời trước 1975 nhưng là dân Mệ (tức người dòng Hoàng phái nhà Nguyễn) đã theo tiếng gọi yêu nước của chính phủ cụ Hồ từ năm 1945, nay đã mất, khi ông đến viếng Học giả Đào Duy Anh năm 1985 đã tặng gia đình:

       Đậy nắp quan tài chưa hết chuyện,

       Mở trang Từ Điển hỏi bao công?

      Với tôi NGUYỄN HUY THIỆP là NHÀ VĂN HỎA BIẾN thời nay, tức được vào loại rất ít những người cầm bút do đất trời tạo ra.

       Vĩnh biệt BẠN./.

                                                                                          Hà Nội, đêm 24/3/2021