CHỢ PHIÊN ĐỒ CŨ “DẤU XƯA” – HÀ NỘI

Việt Nam là đất nước có nhiều dân tộc sinh sống ở châu thổ của các dòng sông lớn, ở vùng trung du, núi cao, ven biển. Từ xa xưa cư dân sinh sống, làm ăn ở các vùng miền của đất nước nông nghiệp này đã hình thành các Chợ phiên để trao đổi sản vật, mua bán hàng hóa nhằm duy trì cuộc sống và sản xuất.
Chợ phiên không họp hàng ngày mà được cộng đồng cư dân sinh sống tại một số các làng, xã, buôn, bản… gần nhau lập ra ở một địa điểm thuận tiện đi lại để vận chuyển hàng hóa. Ngày họp chợ chọn theo lịch mặt trăng và không thay đổi trong năm.
Có loại Chợ phiên lập ra để cư dân đến chợ mua bán nhiều thứ hàng hóa khác nhau, nhưng cũng có chợ phiên chỉ có thể mua bán một vài loại hàng hóa mang tính sản vật đặc sắc mà các nơi khác không có hoặc chất lượng không bằng. Rồi có Chợ phiên được cộng đồng lập ra để mọi người đến chợ vừa mua bán hàng hóa vừa vui chơi giao lưu văn hóa hẹn hò.
Hiện nay Việt Nam không còn là đất nước thuần nông như xưa mà đang là nước phát triển, do vậy ở các thành phố lớn đã ra đời các siêu thị thay dần cho các chợ truyền thống. Nhưng với phong tục tập quán ngàn đời của người Việt, các Chợ phiên nêu trên vẫn tồn tại trong lòng các thành phố, thị trấn, nông thôn, vùng cao, biển đảo.
Thủ đô Hà Nội nhỏ nhắn cách đây vài thập niên, nay được mở rộng với cư dân 5, 6 triệu dân chưa kể khách thập phương trong, ngoài nước đến làm việc, học tập, du lịch… mới đây đã ra đời Chợ phiên khá hấp dẫn. Chợ có tên Dấu Xưa, họp vào ngày chủ nhật cuối tuần trong khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội khang trang, rộng rãi kế bên Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Chợ được cơ quan quản lý văn hóa, du lịch thành phố cho phép thành lập theo đề xuất của Hội cổ vật Thăng Long và Bảo tàng Hà Nội, mới khai trương ngày chủ nhật 03 tháng 11 năm 2013.
Đây không phải Chợ phiên đồ cũ tự phát chuyên mua bán đồ cũ (đồ đã qua sử dụng) và một số hàng lưu niệm như đã ra đời gần đây ở đường Bưởi, đường Ngô Gia Tự..Hà Nội mà là một chợ phiên có tổ chức, an toàn, bố trí khá đẹp bởi các dẫy gian hàng ngăn nắp được trang trí họa tiết văn hóa thời Lý, Trần, Lê. Đến chợ bạn còn được nghe những giai điệu ca nhạc dân tộc khi đi chọn mua các hiện vật đã qua sử dụng chất liệu gốm sứ, kim loại, gỗ, đá, đồng hồ, bật lửa, kính, bút, xe đạp, tiền cổ, tem thư, bưu thiếp cũ, ảnh đen trắng Hà Nội thời Pháp thuộc…, rồi các hiện vật thời chiến, thời “bao cấp” trước đây. Khách du lịch có thể tìm mua những hàng lưu niệm của các làng nghề nổi tiếng chất liệu lụa, sừng, gỗ…
Chủ các gian hàng trong chợ không chỉ là người Hà Nội mà còn ở các nơi khác như Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Đông, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đã không quản ngại đường xá mang hàng hóa đến bán, đồng thời họ lại mua hàng của nhau để phục vụ nhu cầu địa phương mình ở.
Chợ mới họp được một số phiên vào ngày nghỉ chủ nhật cuối tuần nhưng khá đông vui. Từ ngày kha trương chợ 03-11-2013 đến nay đã họp được 05 phiên. Các chủ gian hàng ngày càng mang tớ chợ nhều hàng đẹp và đa dạng. Ngườ đến mua cũng ngày càng đông. Trên sân Bảo tàng rất rộng nhưng kín chỗ đỗ ôtô, xe máy. Quang cảnh người dân thủ đô, khách du lịch trong ngòai nước đến địa chỉ văn hóa này để thăm thú chợ kết hợp xem bảo tàng Hà Nội vào ngày nghỉ chủ nhật rất có lý.
 Theo quy luật thị trường, cung cầu chắc chắn Chợ phiên đồ cũ Dấu Xưa – Hà Nội sẽ ngày càng phát triển để trở thành một địa điểm văn hóa của thủ đô đáp ứng nhu cầu của nhân dân Hà nội và khách du lịch thập phương trong, ngoài nước.