Chuyện “làm tình” trên cổ vật gốm Việt
Ts. Phạm Quốc Quân
Đó là một loại đề tài không nhiều trên cổ vật, nhưng xuất hiện khá sớm, được mỗi người nghiên cứu giải mã bằng những mã khóa của riêng mình, theo đó, bài viết nhỏ này của tôi, cũng có nhiều điểm giống người này, người kia, nhưng cũng có đôi, ba ý độc lập, do tư liệu lần đầu được biết đến, hay đã được công bố, nhưng chưa một dòng luận bàn.
Hình ản những cặp đôi nam nữ giao cấu trên nắp thạp đồng Đào Thịnh nổi tiếng, thuộc văn hóa Đông Sơn cùng nhiều di vật thuộc nền văn hóa này được bố trí cặp đôi đực – cái, âm – dương, xưa nay vẫn được hiểu như một tín ngưỡng phần thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đó là một tín ngưỡng nguyên thủy xa xưa của nhiều tộc người làm nông, được hình tượng hóa, thể hiện ước nguyện sinh sôi, nảy nở của con người và muôn loài. Đó dường như là tín ngưỡng chi phối và xuyên suốt ở một vùng văn hóa rộng lớn, trong đó có Đông Nam Á lục địa và hải đảo, mà Việt Nam là một điển hình. Do chi phối và xuyên suốt, nên ta không mấy ngỡ ngàng trước nhiều hình tượng nghệ thuật mang chất phồn thực kéo dài cho tới tận thời kì phong kiến, khi xã hội ấy đã được chi phối bằng đạo đức Khổng – Nho, hà khắc và chặt chẽ. Tôi đã được xem một chiếc chóe rượu cần men nâu, trang trí ba tầng hoa văn, bằng kĩ thuật khắc que tại một sưu tập tư nhân Hà Nội. Trên đó, nào là rồng chầu mặt nguyệt, rồng chầu lá đề, lưỡng long tranh châu, được hiểu như một biểu tượng của vương quyền và thần quyền, tôn kính và uy nghi, thì bên cạnh đó, vẫn có nhiều động vật làm tình, ngựa, chim, và đặc biệt là một đôi nam nữ, đang chuẩn bị truy hoan, với hình ảnh người đàn bà trần truồng nằm ngửa dạng chân, đang đợi người đàn ông có dương vật to quá cỡ lao tới. Sự hỗn dung trong một bức tranh hoành tráng bao gồm rồng, động vật và con người làm tình, phải chăng là sự phản ánh tín ngưỡng nguyên thủy xa xưa về sự sinh sôi nảy nở của muôn loài, đã vượt lên sự khắt khe của quy định quân – thần thời phong kiến. Lẽ đương nhiên, đó là hình ảnh trên chiếc chóe được sản xuất trong một lò gốm dân gian vùng phía Nam Trung Hoa, có niên đại thế kỷ 17, chứ không phải là dòng gốm chính thống, Quan diêu.
Đây là hai tư liệu, được giải mã theo tư duy tín ngưỡng nguyên thủy, của trí tuệ dân gian, của kiến thức bản địa, hẳn sẽ có nhiều người cùng chia sẻ với tôi điều ấy, và như thế, câu chuyện “làm tình” của người xưa được cao siêu hóa, khiến không còn nhiều sự thông tục, tầm thường, dẫu rằng, ai cũng hiểu rằng, đây là chuyện muôn thuở của con người.
Câu chuyện muôn thuở ấy được thể hiện qua hai tư liệu dưới đây, theo đó, chúng ta sẽ thấy được các cụ xưa vô cùng hiện đại và thoáng đạt.
Một chiếc đĩa nhỏ trong con tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, vẽ một đôi nam nữ đang làm tình. Người phụ nữ nằm ngửa, hai tay chống, chân dơ lên và dạng ra lộ liễu. Người đàn ông đang quỳ gối hành lạc với vẻ mặt của cả hai đầy sung sướng và phấn khích, trong một bối cảnh, không giường đệm, giữa một khoảng rừng, được diễn tả bằng đôi ba nét vẽ cây lá tài tình. Hiện lộ ở rìa miệng đĩa là khuôn mặt của người đàn ông thứ ba, đang nhòm ngó với bộ dạng đợi chờ, chứ không như tiểu cảnh, trên một chiếc ang gốm nhỏ, cũng của con tàu này, vẽ một cảnh nhìn trộm người phụ nữ tắm, khuất lấp sau một gốc cây, mỏm đá. Cả hai cổ vật này đều của Việt Nam có niên đại thế kỉ 15.
Tết Quý Tỵ vừa rồi, tôi đến thăm một sưu tập tư nhân Hà Nội, được xem một chiếc đĩa vẽ cảnh phòng the. Bằng đôi ba nét chấm phá, tạo bức rèm che, bên trong thấy rõ một phòng ngủ có giường nằm, đệm hoa và một đôi trai gái đang chuẩn bị hành lạc. Người con gái ngồi ở mép giường, chống tay, hai chân dạng, lộ rõ bộ phận sinh dục. Người đàn ông cởi trần, dương vật khá rõ, đang tiến tới cuộc truy hoan. Đây là sản phẩm thuộc lò gốm dân gian Sơn Đầu, Tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc có niên đại thế kỷ 17.
Nhiều nhà nghiên cứu gốm sứ nói rằng, cảnh vẽ tả thực như thế này, chỉ xuất hiện trong gốm hoàng cung Trung Hoa vào thời nhà Thanh, từ thế kỷ 18 trở đi. Chúng là đồ dùng sinh hoạt của Hoàng gia, là quà tặng cho các sứ thần nước ngoài, khi triều đại này mở cửa bang giao với thế giới Phương Tây. Do mở cửa mới có sự tiếp thu văn hóa thoáng đạt của người Tây Phương, còn từ thế kỷ 17 về trước, không có loại đề tài này trên gốm sứ, kể cả đồ dùng nội phủ.
Tư liệu này, cải chính được chăng nhận định ấy.
Như vậy là, dù ẩn ý từ tín ngưỡng nguyên thủy hay hiển lộ chuyện “làm tình” trên cổ vật, mà người xưa để lại, đều là những tác phẩm hiếm hoi, tôi luôn coi là những kiệt tác của thế giới cổ kim./.