LTS: Tác giả bài viết này là của Nhà báo, Nhà sử học Đào Thế Hùng (Đào Hùng) đã mất,nay các con ông đều đã trưởng thành, có học vị là Tiến sỹ. Tết đến nhớ cha cho đăng lên Fb để mọi người hiểu về hồ Hoàn Kiếm - một địa danh tiêu biểu gắn với Hà Nội.
Trong tương lai của Hà Nội mở rộng thì Hồ Tây sẽ là một trung tâm mới của thành phố, nhưng hồ Hoàn Kiếm vẫn mãi là dấu tích cổ kinh của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 Bản báo xin phép Fb Đào Thế Đức cùng Mai Đào (con tác giả) và Nam Nguyên Linh được đăng lại bài viết ngắn gọn của cố nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Đào Hùng về nguồn cội của hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội để mọi người đọc chơi.
Tháp Rùa, Hồ Hoàn Kiếm cuối thu - Trung tâm Hà Nội đầu những năm 2000. (Ảnh Đào Phan Long)
Tên gọi hồ Hoàn Kiếm có lẽ chỉ xuất hiện từ sau thế kỷ 15, khi Lê Lợi lên ngôi vua, để gắn với truyền thuyết nhà vua được ban gươm thần chiến thắng giặc Minh. Còn trước và sau đấy, hồ vẫn có tên Lục Thủy vì nước quanh năm xanh biếc, lại còn có tên hồ Thủy Quân vì là nơi luyện tập quân thủy của nhà Lê. Hồi đó hồ còn rộng ăn thông tận phố Hàng Chuối ngày nay, nên thuyền chiến mới có thể thao diễn dễ dàng. Nhưng rõ ràng lúc này hồ chưa trở thành trung tâm của kinh thành, mà nằm ra ngoài rìa đông nam của Kẻ Chợ. Cho đến thời Lê mạt, các cuộc vui của cung Vua phủ Chúa phần lớn diễn ra ở Hồ Tây, chứ không ai nhắc đến hồ Gươm.
Hồ Hoàn Kiếm thời xa xưa
Đến cuối thế kỷ 19, sau khi người Pháp chiếm Hà thành, ngoài nơi đóng quân trong khu Nhượng địa, dọc đường Phạm Ngũ Lão ngày nay, họ còn trưng dụng những ngôi chùa quanh hồ Gươm làm doanh trại cho quân viễn chinh. Vì hồi đó xung quanh hồ có rất nhiều chùa lớn xây bằng gạch, có thể dùng làm nơi trú quân, chứ không phải cảnh hồ đã hấp dẫn họ. Bằng chứng là trong những bút ký của người Pháp từng đến Hà Nội trong những năm từ 1872 đến 1882, không thấy ai nhắc đến hồ Gươm.
Mãi đến năm 1883, có ba nhà báo là Paul Bonnetain, phóng viên tờ Le Figaro, Paul Bourde, phóng viên Thời Báo (Temps), G Fillion, phóng viên Hãng thông tấn Havas, đã cùng đến ở trong một ngôi chùa bên bờ hồ, và từng kể lại cái thú được dạo chơi quanh hồ và bơi thuyền trên mặt nước. Ông Paul Bourde viết: “Một hòn đảo nhỏ nom như một lẵng cây xanh với cành lá rủ xuống hồ soi bóng nước, để lộ cho ta thấy trong các lùm cây những làn mái cong, cái cột trắng và cái nhà thủy tạ mái chống cột gỗ của một trong những ngôi chùa đẹp nhất Hà Nội, ngôi chùa nối với bờ bằng một chiếc cầu tre mảnh mai thích hợp với bước đi nhẹ nhàng của con dê hơn là với bước chân nặng chịch của người Âu chúng ta. Xa xa, một hòn đảo nữa nhỏ hơn với một cái tháp ba tầng, tác phẩm của một người Hoa buôn bán bánh ngọt nào đó, với những khoang cửa theo phong cách gô-tích khá bất ngờ ở một chỗ như nơi đây”.
Ngôi chùa bên hồ mà các nhà báo này đã ở trọ trong vài tháng có lẽ là chùa Liên Trì, còn gọi là chùa Báo Ân, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Quan Thượng, vì do Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Đăng Giai, hàm thượng thư, đứng ra quyên tiền xây dựng vào khoảng năm 1841 hay 1843. Còn trong sách của người Pháp thì gọi là chùa Thụ Hình (pagode des Supplices) vì trong chùa có hai vách ván chạm nổi cao ba thước, dài năm thước, tả cảnh Diêm Vương dùng cực hình đày đọa những kẻ phạm tội ác trên dương thế. Người Pháp đã biến ngôi chùa này thành doanh trại của cơ quan hậu cần quân đội viễn chinh, và đến năm 1889 thì cho phá bỏ. Chính sau này họ cũng phải than thở rằng “kiến trúc ngôi chùa không thiếu phong cách và việc dỡ bỏ nó là một quyết định không thể hiểu nổi và vô cùng đáng tiếc”. Nhiều pho tượng gỗ trong chùa đã được các nhà sưu tập Pháp đem về nước, và không hiểu hiện nay chúng có còn được nằm ở bảo tàng nào không, nhưng theo lời Paul Bourde thì “ở đó ta có thể thấy những pho tượng gỗ đặc sắc mà nếu đem tượng của ngôi chùa nổi tiếng Ngũ Bách Thần ở Quảng Đông ra so sánh thì đó chỉ là những phác thảo thô kệch”. Vị trí ngôi chùa nằm trên khu đất nay là nhà bưu điện trung tâm thành phố, chỉ còn lưu lại một ngọn tháp nhỏ gọi là tháp Hòa Phong, nằm trên vỉa hè cạnh con đường trước kia mang tên phố Hậu cần (rue Intendance).
Một tác giả khác là Jules Boissière năm 1894 lại viết rằng: “Thời đó các túp lều của dân bản xứ chen chúc nhau quanh bờ hồ, và muốn tới được bên hồ thì phải rời bỏ những con đường qua lại được (mặc dù rất bẩn) của thành phố để len lỏi vào những ngõ hẹp, loanh quanh chán chê giữa những mái nhà tranh gớm khiếp của những người nghèo khổ, nhảy tưng tưng qua những vũng nước hôi hám, những đống rác; và nào đã hết, sau một tiếng đồng hồ kiên nhẫn lần mò trong cái đám mê hồn trận ấy, nhà thám hiểm táo bạo của chúng ta thấy mình không phải là đứng bên bờ hồ mà là đứng ở... điểm xuất phát. Thậm chí nếu du khách có thoáng thấy một góc hồ ở cách đó vài bước thì ông ta cũng chẳng còn bụng dạ nào mà bước tới nữa, chán ngán khi vấp phải một bãi lầy bẩn thỉu ở một đầu ngõ hoặc ở phía sau những túp lều tối om.”
Một góc Hồ Tây, (Ảnh Đào Phan Long)
Hồi đó vẫn có một con đường chạy quanh hồ Gươm, nhưng chiều rộng của nó chỉ vừa vặn từ cái tháp nhỏ của chùa Liên Trì tới mép hồ, nghĩa là còn hẹp hơn nhiều so với cái hè bên hồ ngày nay, và con đường đó mang tên đường Hậu cần, sau lại đổi thành phố Fourès. Sau khi phá chùa Liên Trì, người Pháp đã xây dựng gần hồ bốn cái trại lính nhỏ bằng gạch, sau đó được sử dụng làm tòa Thị chính, Kho bạc, Nhà Bưu điện và tòa Thống sứ bao quanh một vườn hoa nho nhỏ. Có lẽ đó là vườn hoa đầu tiên của người Pháp làm ở Hà Nội, nhưng lúc đầu chưa ra đến mép hồ vì còn bị một số ngôi nhà che lấp. Đến khi ông Tổng trú sứ Paul Bert qua đời trong khi đang giữ nhiệm kỳ ở Hà Nội, người ta đặt tên vườn hoa là Paul Bert để kỷ niệm vị Tổng trú sứ đã có nhiều đóng góp cho thành phố này như cải tạo thành phố, mở trường đại học… Tuy nhiên cảnh quan quanh hồ vẫn chưa được cải thiện, ông Bourin đã viết trong cuốn Bắc Kỳ xưa rằng: “Đến năm 1886 vẫn là những túp lều quanh hồ, đây đó được thay bằng những ngôi nhà người Âu – tuy vậy vẫn còn khiêm tốn lắm và hầu hết lợp tranh – chân ngâm trong nước; và cả những mảnh vườn nho nhỏ của người An Nam”.
Năm 1884 Hội đồng thị chính Hà Nội mới lên kế hoạch cải tạo khu vực quanh hồ và đến tháng tư 1885 thì khởi công. Ngân sách do Hội đồng thành phố biểu quyết năm 1888 là 220.000 Franc cho con đường quanh hồ đó. Nhưng vì quanh hồ có nhiều nhà làm sát mặt nước, mà một số gia chủ đòi tiền đền bù giải phóng mặt bằng quá cao, trong đó có cả các gia chủ người Pháp, cho nên quan chức thành phố phải thương lượng đi thương lượng lại. Không thể để kéo dài nên công trình vẫn cứ tiến hành ở những chỗ nào có thể làm được.
Sau khi công trình hoàn thành, đường Hàng Thêu và Hàng Trống chạy dọc phía tây hồ, được đổi thành phố Jules Ferry, tên của ông thủ tướng Pháp chủ trương bành trướng thuộc địa sang Đông Dương (1880-1885). Con đường này đoạn nhìn ra hồ có vị trí đẹp, nên nhiều người Pháp đã tìm cách mua lại đất ở đây để lấy chỗ kinh doanh. Tên Hàng Thêu đã bị mất hẳn, người Việt chỉ còn nhớ tên Hàng Trống để chỉ con đường mang tên một ông Tây. Các hàng thêu của người Việt bị đẩy sang cuối phố Hàng Trống, nên mặc dầu đường mang tên Hàng Trống nhưng lại là nơi hành nghề của thợ thêu. Bên cạnh nghề thêu truyền thống của người Việt, còn du nhập thêm nghề thêu ren do các nữ tu Pháp truyền nghề cho các cô thiếu nữ công giáo đến từ các tỉnh quanh Hà Nội, nghề đó vẫn duy trì mãi cho đến ngày nay. Thời Pháp thuộc, người ta vẫn còn nhớ hình ảnh những người đàn bà mặc áo tứ thân, đi dọc phố này, miệng rao “Bô đê bà đầm!” Đấy là những người thêu ren chuyên đi may thuê cho các quí bà người Pháp, họ đến làm tận nhà hay nhận hàng đưa về (bô đê là phiên âm chữ broderie, có nghĩa là thêu thùa). Người Việt gọi họ là những “cô khâu đầm”.
Phố Jules Ferry là nơi xuất hiện hiệu ảnh đầu tiên của Hà Nội, do Dieulefils nhà nhiếp ảnh Pháp đã đến đây từ năm 1885 và trở lại năm 1888 để lập nghiệp. Tại ngôi nhà số 53 trên phố này, Dieulefils đã cho ra đời những bưu ảnh đầu tiên của Bắc Kỳ. Khách sạn đầu tiên của Hà Nội cũng nằm ven hồ trên con phố này, đó là khách sạn Grand Hotel ở cái nơi sau này trở thành tòa soạn báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai của Bắc Kỳ) của người Pháp, về sau nhượng lại cho nhà in Teresa của Nhà Chung (nay là trụ sở báo Hà Nội mới).
Hồ Gươm mùa hè, ảnh Đào Phan Long.
Phải đến đầu năm 1891, công việc giải tỏa hoàn toàn vùng xung quanh hồ Gươm mới trở thành mối bận tâm hàng đầu của chính quyền thành phố. Con đường mới quanh hồ định khai trương vào ngày 1 tháng giêng 1892. Công việc được đẩy mạnh trước tiên là ở phía vườn hoa Paul Bert. Vào tháng 5 năm đó, ở đây vẫn còn một ngôi trường học, ngôi nhà của vị quan An Nam Bảo Kim và hiệu thuốc cũ Reynaud-Blanc đặt tại một ngôi chùa cũ bên hồ. Nhưng công việc đã chậm lại khi đất và nhà cửa cần giải tỏa lại thuộc nhà binh, cho nên một thời gian dài phố Hậu cần vẫn phải đi qua một cái đầm bẩn thỉu hôi hám gần chùa Thụ hình. Báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ), trong số ra ngày 23 tháng tư 1892 đã viết: “Những ngôi nhà cuối cùng phía phố Paul Bert còn che khuất Hồ Gươm sập xuống như những lâu đài trên cát dưới lưỡi cuốc của những người phá nhà”.
Công bằng mà nói thì chính người Pháp đã đem lại dáng vẻ mới cho hồ Hoàn Kiếm. Tất cả những nhà nằm sát mặt hồ đều bị giải tỏa, thay vào đấy là những bãi cỏ non chạy xuống mép nước, những ngôi nhà xung quanh hồ cũng có qui định không được xây cao vượt quá ngọn cây trồng quanh hồ, để duy trì cảnh quan thông thoáng của hồ. Nếu không kể đến những kiốt bán hoa ven hồ đầu đường Hàng Khay, thì chỉ duy nhất có một ngôi nhà được xây sát hồ về phía tây, nay ta gọi là nhà Thủy Tạ. Khởi thủy đấy là Câu lạc bộ dưới nước (Cercle nautique), nơi để thuyền cho những người ưa thích các môn thể thao trên hồ. Vì diện tích hồ hẹp, nên thuyền buồm và sau này là canô máy ít hoạt động, mà phần lớn chỉ cho thuê thuyền nhọn một hay hai người chèo (périssoire). Đó cũng là nơi chiều chiều người ta ra ngồi nhâm nhi vài ly rượu khai vị để hứng gió mát từ hồ.
Bến xe điện và nhà Thủy tạ bên Hồ Hoàn Kiếm trước 1954