CHUYỆN VỀ BẢO VẬT QUỐC GIA

 Phạm Quốc Quân


Với đất nước giàu truyền thống, dầy lịch sử như Việt Nam, Bảo vật Quốc gia không hiếm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta xếp hạng, theo đó, được coi như thí điểm với một sự cẩn trọng cần thiết, nên hành trình cũng lắm nỗi gian truân.
 
Tượng phật nghìn mắt nghìn tay, Thế kỷ 17.

Chuyện chọn lựa: Tín hiệu được phát đến các địa phương. Các bảo tàng, di tích vào cuộc. Không phải là tất cả, do lần đầu tiên, kinh nghiệm chưa nhiều, cho dù, Cục Di sản văn hóa có cam kết hỗ trợ từ các chuyên gia, giúp chọn lựa sao cho phù hợp. Tuy nhiên, ở các bảo tàng Trung ương, các thành phố lớn, với sự “giầu có” di sản, Hội đồng địa phương và các bảo tàng Trung ương đề cử tương đối nhiều, như một chuyện thường tình của một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử với bao sự kiện long trời lở đất, được thế giới ghi tạc như những bức tượng đài trong mọi thời đại cổ, kim. Nhìn từ tổng thể, số lượng cần được điều chỉnh theo các tiêu chí Bảo vật quốc gia của Luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009, nên việc đề cử đã được hạn chế trước khi trình Hội đồng cấp tỉnh, thành phố và các bảo tàng Trung ương có quyết định. Thế rồi, việc làm hồ sơ cho Bảo vật  Quốc gia cũng lắm gian truân. Mặc dù đã có Form, nhưng những miêu thuật của người làm hồ sơ chưa đủ toát lên giá trị tiêu biểu, độc bản, đại diện... với những câu, những chữ bằng “vàng” khiến cho việc sửa chữa, điều chỉnh của không ít hồ sơ phải làm đi, làm lại. Cuối cùng, danh sách đề cử được đưa lên 185 hiện vật của 22 đơn vị trong toàn quốc, đại diện cho các nền văn hóa, các vùng, miền, các thời đại lịch sử, xuất phát từ hồ sơ đã được thực hiện, từ các bảo tàng Trung ương và các địa phương, chứ không phải từ thực tế, bởi còn rất nhiều tỉnh và thành phố chưa thực hiện lần này.
 

Tượng Phận văn hóa Óc Eo, Thế kỷ IV-VI

Tượng Ta Ra văn hóa Chămpa, Thế kỷ IX


Với 185 hiện vật đề cử, Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở rộng họp nhiều lần để xem xét từng hiện vật, đối chiếu từng hồ sơ, theo đó, đã loại ra gần một nửa với những phân tích thấu đáo từ các chuyên gia, mà quan niệm xuyên suốt rằng, do lần đầu, cần “tinh” chưa cần “ đông”.

Chuyện bình xét: Danh sách 92 hiện vật được hoàn thiện với một lý lịch trích ngang cũng rất cô đọng, kèm theo những bản ảnh chất lượng được trình lên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Phiên họp được hai phản biện phân tích cùng những ý kiến của lãnh đạo cơ quan thụ lý hồ sơ - Cục Di sản văn hóa, sau đó là ý kiến của 22 thành viên của Hội đồng (có mặt) với những phân tích, cân nhắc, so sánh, đối chiếu từ những chuyên gia am tường trong từng lĩnh vực với một tinh thần cởi mở, dân chủ, không ngại cọ sát, trái chiều. Ý kiến chung đều thấy rằng, danh sách đề cử hiện vật lần này đã đáp ứng được những tiêu chí của Bảo vật Quốc gia. Tuy nhiên, cũng là một quan điểm xuyên suốt, do đây là lần đầu tiên, ngoài những tiêu chí của Bảo vật Quốc gia cần được đặc biệt lưu ý, thì tiêu chí vùng, miền, tiêu chí đại diện cho các thời kỳ lịch sử, tiêu chí đại diện cho các văn hóa và văn hóa tộc người... cũng cần được lưu tâm, cho dù, có thể đó là những chỉ số phụ, nhưng quan trọng. Hội đồng cũng thảo luận, những tiêu chí về Bảo vật Quốc gia cần được cụ thể hóa hơn, tạo điều kiện cho cơ sở lựa chọn được thuận lợi ở những lần sau.
 
Trống đồng Ngọc Lũ, 2500-2000 năm cách ngày nay.

Sau gần ba giờ thảo luận, Hội đồng đã bỏ phiếu bầu chọn theo danh sách  đề cử để chọn ra những Bảo vật Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng hiện vật được quá bản là 45 đơn vị hiện vật, trong đó có 2 bộ sưu tập.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cũng kiến nghị bộ hồ sơ hiện vật cần được chỉnh sửa trước khi trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thủ tướng Chính phủ.

Chuyện tiềm năng: Bảo vật Quốc gia cũng giống như bao di sản khác của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, luôn được nghiên cứu, bổ sung. Công việc đề cử được diễn ra hàng năm, từng đợt, theo đó, sẽ có rất nhiều lần bình chọn tiếp theo. Với di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là di sản động sản, tiềm năng là vô cùng lớn. Chúng đang nằm trong các di tích, trong các bảo tàng, trong các sưu tập tư nhân và trong lòng đất, lòng biển Việt Nam. Lần bình chọn này chưa bao quát hết được đối tượng, chưa huy động được tất cả các địa phương, chưa quan tâm được tới các ngành, các sưu tập tư nhân, chưa lượng được tiềm năng còn chứa đựng trong nhân dân, khi mà chúng ta biết rằng, với một quốc gia dầy lịch sử, giàu di sản như Việt Nam thì câu chuyện bình xét Bảo vật Quốc gia chắc sẽ không có hồi kết.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946.
Xe tăng T59 số hiệu 390 - 30.4.1975