Chuyện về một nhóm chơi Cổ vật ở Hà Thành
Đào Phan Long
Trong nhiều chục năm giao du sưu tầm, thưởng ngoạn đồ cổ tôi may mắn là quen được và kết bạn được với khà nhiều người suốt từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam của dải đất này. Mỗi người mỗi nghề, mỗi nghiệp xuất thân hầu như chả giống nhau mấy, chỉ hợp nhau về thú chơi cổ vật mà nên. Nhưng có cái lạ ở cánh chơi cổ vật thường là: Quen biết nhau thì lắm, nhưng để hay lui tới bù khú vui chơi đàm tiếu trêu chọc nhau, hoặc ý ới khoe nhau món đồ mới kiếm được để trao đổi ý kiến nhận xét chất lượng, giá trị của món cổ vật với nhau thì lại không nhiều, vì ai cũng giữ ý chứ đâu có sừng sực thẳng tưng ruột ngựa khi bình phẩm về mỗi món đồ. Đặc biệt cánh mua sưu tập chơi thì hay thận trọng giữ ý, còn cánh buôn bán đồ cổ có nghề thì họ thường chỉ khen mỗi chữ “đẹp” khi được hỏi để tránh va chạm và tạo được việc “đắt hàng tôi thì trôi hàng bà”, còn khi họ đã biết món đồ này của đối thủ cạnh tranh hoặc không ưa thì họ chê bai đủ kiểu, dù biết đó là món đồ tốt và quý. Phức tạp vậy cho nên ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn thì người chơi và buôn bán đồ cổ thường tự lưa chọn nơi để tụ tập sinh hoạt với nhau theo hướng các nhóm. Nơi tụ tập của các nhóm thường là quán cà phê hay ở nhà của một người có điều kiện. Các thành viên của nhóm thường chọn đến với nhau vì gần nhau theo khoảng cách địa lý nhà ở, nhưng còn phải hợp nhau về cá tính về cách sống và loại hình cổ vật chọn chơi…
Đã vào chơi đồ cổ tất phải tụ tập giao lưu. Ở Hà Nội trước khi mở rộng - nay có thể gọi vùng đất xưa này là Hà Thành - dân chơi đồ cổ đã tự hình thành những nhóm thường xuyên gặp nhau ngày ngày như ở Cà-phê Tô Hiến Thành, ở Nghi Tàm, ở Cà-phê Đình Ngang, Quán Thánh, Hoàng Mai… hay ở vài nhà riêng có điều kiện tụ tập. Nay Hà Nội đã mở rộng được 6 năm, tất nhiên sẽ hình thành thêm nhiều hơn các điểm để các nhóm chơi cổ vật, đồ xưa gặp nhau như ở Hoàng Hoa Thám, ở Gia Lâm, Hà Đông, Sơn Tây... Nhìn chung các nhóm chơi đều có không khí vui vẻ và có vài nhóm lại còn hay “chén chú, chén anh” khi người trong nhóm có chuyện vui do đã “kiếm được” vụ nọ, vụ kia, hoặc “cămpuachia thanh toán” sau mỗi chầu cùng nhau bia bọt. Tôi đã vui chơi với một số nhóm nêu trên nên được một số thành viên của các nhóm ấy mời đến nhà chơi và xem đồ sưu tập của họ. Mỗi người mỗi vẻ, chả ai giống ai do ý thích sưu tập, hoàn cảnh sống, làm việc của mỗi người mỗi khác.
Trong nhóm gặp gỡ ở nhà tôi biết nhà ông bạn Thành ở phố Trần Hưng Đạo đã duy trì sinh hoạt vui vẻ với nhau từ gần hai chục năm nay. Hầu như ngày nào khoảng từ 9 đến 10 giờ sáng cũng có “ngũ lão, thất lão” đến đây để “bình đồ và tán gẫu”. Ngoài ông Thành là chủ nhà thường có những người chơi cổ vật lâu năm nhà gần đấy đến giao lưu. Trong 5, 7 người của nhóm có các anh là Tiến sỹ khảo cổ - Giám đốc bảo tàng Phạm Quốc Quân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ sử học Tạ Ngọc Liễn, kỹ sư Châu Diệu Hải Vân, Anh Thọ cán bộ Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, anh Hòa ở Hàng Bồ, anh Cường, đôi khí có cả anh Bài Cục trưởng Cụ Di Sản... Nhóm này có đặc điểm là họ chỉ gặp nhau một lúc buổi sáng nếu không bận rồi giải tán, hầu như không tổ chức nhậu nhẹt và thi thoảng lại rủ nhau “đi sứ tầm đồ” kết hợp du hý ở những địa danh xa Hà Nội khi có lời mời. Đây là nhóm những người chơi cổ vật đã gắn bó với nhau khá lâu bền và chỉ quanh một số người như vậy. Họ gắn kết với nhau không xuất phát từ lợi ích vật chất, việc ai người ấy làm và suốt đời họ đều là cán bộ nhà nước và nay đều đã nghỉ hưu. Tôi rất biết và quý các anh trong nhóm chơi này vì vật có 4, 5 người đều đã cùng tôi tham gia thành lập Hội cổ vật Thăng Long ngay từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.
Lẽ ra tôi đã giới thiệu tất cả các anh trong nhóm chơi này với bạn đọc để biết về một thời đồ cổ Hà Thành, nhưng vì họ chưa muốn. Giờ đây tôi được vài người trong nhóm đồng ý nên xin viết đôi lời về họ.Trong nhóm này anh Phạm Quốc Quân tôi thường xuyên gặp gỡ trao đổi công việc Hội và chuyện trò với nhau, còn các anh khác ít gặp hơn, nhưng chúng tôi vẫn luôn quý mến nhau.
Trước hết tôi xin nói về anh Tạ Ngọc Liễn là bạn chơi cổ vật quý của tôi, người đã được giới thiệu trong cuốn sách “36 gương mặt văn nghệ sĩ Thăng Long Hà Nội” do NXB Thanh Niên xuất bản năm 2010 nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Anh hơn tôi vài tuổi, là Phó Giáo sư,Tiến sĩ sử học, nhưng đã bước vào chơi và nghiên cứu cổ vật Trung Hoa từ nhiều năm trước (bởi anh là người Việt Nam đầu tiên được chọn đào tạo tại Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ) để nghiên cứu về Trung Quốc). Ngoài chuyên môn chính, trong lĩnh vực cổ vật hiện anh là thành viên Hội đồng chuyên gia giám định cổ vật do Sở Văn hóa, TT, DL Hà Nội cấp chứng chỉ năm 2013 cùng với vài người chúng tôi. Xin trích một số đoạn viết về Tạ Ngọc Liễn trong cuốn sách nêu trên. “Gần 30 năm trước bạn đọc văn học cùng giới sáng tác văn chương đã biết đến Tạ Ngọc Liễn qua một số bài phê bình tiểu luận, nhất là các bài phê bình những tác phẩm viết về đề tài lich sử, về các nhân vật lịch sử. Tạ Ngọc Liễn là một nhà sử học và đã bộc lộ thiên hướng đi sâu vào lich sử văn hóa Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến bộ phận rất nhậy cảm của văn hóa là văn học…”
Ngoài những bài viết về văn hóa, lịch sử, cổ vật Trung Hoa, tiểu luận phê bình văn học, làm thơ chơi…, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Liễn đã xuất bản những cuốn sách “Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV- đầu thế kỷ XVI (1995); Chân dung văn hóa Việt Nam (1998); Bút hoa (2006)”... Hiện anh đang tham gia viết bộ Lịch sử Việt Nam, nhiều tập, do Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội chủ trì. Công việc nghiên cứu, hội thảo, viết lách khá bận rộn nhưng anh vẫn có thú sưu tập chơi cổ vật từ khi còn trẻ. Trong ngôi nhà nhỏ khiêm nhường của anh ngoài sách báo, tài liệu nghiên cứu lưu giữ, Tạ Ngọc Liễn còn bầy những món cổ vật khá độc đáo ví như:
- Bộ Trâm thư khảm Huế, ghi niên đại: MINH MỆNH ẤT MÙI NIÊN (1835). Đây là bức Trâm thư trang trí cổ đồ ... và thơ. Thí dụ: “KHAI QUYỂN PHƯƠNG TRI THI HỮU SẮC/ BẾ THƯ HOÀN GIÁC BÚT SINH HƯƠNG” (MỞ QUYỂN MỚI BIẾT THƠ CÓ SẮC/ ĐÓNG SÁCH LẠI HIỂU BÚT TỎA THƠM)
- Đạo sắc phong có niên hiệu: DƯƠNG HÒA NGŨ NIÊN (1623) đời vua Lê Thần Tông.
- Đôi câu đối sơn thếp có lạc khoản ghi: THIỆU TRỊ LỤC NIÊN (1846). Nội dung “QUAN HÀ VŨ TRỤ HOÀN THIÊN ĐỊA/ HÀO KIỆT CÔNG DANH CẮNG CỔ KIM” tức (VŨ TRỤ NÚI SÔNG LÀM NÊN TRỜI ĐẤT/ CÔNG DANH CỦA NGƯỜI HÀO KIỆT XUYÊN SUỐT CỔ KIM). Dưới đề “PHỤNG THƯỢNG” Nghĩa là: VÂNG LỆNH BỀ TRÊN VIẾT.
- LƯ HƯƠNG ĐỒNG, có lạc khoản khăc chữ: “THIỆU TRỊ NHỊ NIÊN CUNG TẠO” Nghĩa là: NĂM THIỆU TRỊ THỨ HAI (1842) CUNG KÍNH ĐÚC.
- QUẢ LỰU GỖ SƠN THẾP của Trung Hoa cổ. Có 2 chữ: “NGƯNG TÚ” Nghĩa là: CÁI ĐẸP KẾT TỤ LẠI.
Chơi chữ thì anh chọn được những cổ vật nêu trên, ngoài ra anh còn sở hữu được một số đồ gốm Việt và sứ Trung Hoa cổ có giá trị như chiếc chân đèn thời Mạc có hai dòng minh văn “Hưng trị nhị niên”, tức làm năm 1589 đời Mạc Mậu Hợp và “Thanh Lâm Huyện, Hùng Thắng Xã, Đặng Huyền Thông tiến” hoặc chiếc bình sứ lục giác men xanh trắng vẽ các loài hoa quý thời Càn Long…
Đối với tôi anh Tạ Ngọc Liễn là một nhà khoa học được đào tạo bài bản, cuộc sống khiêm nhường, anh là người làm sử và nghiên cứu văn hóa thật sự ở nước ta, có tác phẩm cụ thể chứ không chỉ như đống người đương thời đang luôn tự khoác lên mình ba cái danh hão rất kêu, nhưng đầu thì rỗng tuyếc và tâm thì không sáng sủa gì. Chuyên môn thì vậy, song bên bận rộn ấy anh vẫn say mê dành thời gian, tiền bạc không dư dật gì của mình để nghiên cứu và sưu tập, lưu giữ được một số cổ vật quý hiếm qua bao năm tháng cho đến hôm nay. Với tôi so với chán vạn người khác, anh xứng đáng là người chơi cổ vật có chữ.
Còn về anh bạn Nguyễn Văn Thành - chủ nhân địa điểm anh em trong nhóm gặp nhau thường nhật – là người đồng niên mà tôi đã được quen biết khi vào sân chơi cổ vật. Tôi quen biết anh Thành trước cả quen biết các anh Quân, anh Liễn. Cái trò đã vào sân chơi đồ cổ là sẽ quen bắc cầu. Tôi quen anh Thành qua người bạn Châu Diệu Hải Vân cùng học đại học và Vân là người kín đáo, nhưng chơi cổ vật khá sớm ở đất Hà Thành. Nhà anh Thành ở khu tập thể do cơ quan phân trên phố Trần Hưng Đạo. Nhà chật nhưng ông bà chủ này lại rất đam mê cổ vật và luôn vui vẻ đón bạn đến chơi hàng ngày mà không biết chán. Anh chị Thành đều là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu lâu nên cũng rảnh và chả vướng gì chuyện cơ quan nữa. Ông bạn này của tôi cũng thích tầm chơi cả đồ cổ của Ta lẫn đồ cổ của Tầu với chất liệu sành, gốm sứ. Do anh có thâm niên sớm chơi cổ vật nên cũng đủ bản lĩnh để “bình đồ” và vui đùa với các vị “có danh, có vị” trong nhóm. Thời nay cuộc sống kim tiền đang hiện hữu, nhu cầu vật chất cuộc sống ngày càng tăng lên, nhưng anh Thành vẫn còn giữ lại được những món cổ vật quý mà anh đã kiếm được từ nhiều năm trước.
Đã có một số bài viết giới thiệu về cổ vật của anh Thành, nay chỉ xin được lược trích bài viết về “Một chiếc bình gốm cổ độc đáo” của T-Sĩ Khảo cổ học Nguyễn Anh Dũng để bạn đọc cùng thưởng ngoạn (xem ảnh).
“Chiếc bình này được phát hiện trong ngôi mộ Mường cổ ở Hòa Bình. Bình có men vàng lẫn sắc đỏ. Họa tiết mặt ngoài bình khắc chìm (dân chơi cổ vật thường gọi là vẽ bằng que) chia làm 4 tầng tính từ trên miệng xuống.
- Tầng trên cùng trang trí đơn giản cách điệu hình 4 con bướm
- Tầng thứ hai trang trí chim mỏ dài, các bông hoa cánh tròn, hoa sen và điểm nhấn là cặp rồng chầu nguyệt.
- Tầng ba có hình cặp rồng dữ tợn “lưỡng long tranh châu”và hình chó, voi.
- Tầng cuối cùng là cảnh sinh hoạt đời thường của người và động vật mà chủ yếu thể hiện sinh hoạt tình dục. Tả các cảnh người túm đuôi ngựa, đàn ông, đàn bà, chim đực đè chim cái, cặp hổ và con trăn ngóc cổ nhìn.
Theo TS Dũng chiếc chum này là số chum gốm men da lươn được phát hiện nhiều trong các mộ Mường ở khu mộ Đống Thếch - Hòa Bình, thế kỷ XVII.
Còn về anh bạn đồng môn của tôi Châu Diệu Hải Vân luôn tự nhận mình có tổ tiên ở Trung Hoa và anh đã được chọn sang Trung Quốc học đại học, nhưng do bên đó xây ra Đại cách mạng văn hóa giữa thập niên 60 của thế kỷ trước nên các lưu học sinh Việt Nam đã về nước để tiếp tục học tập. Có lẽ anh là người vào với cuộc chơi cổ vật sớm nhất trong nhóm, vì ra trường anh đi làm ở Hà Nội cho nên được tiếp xúc nhiều với dân phố cổ và vì biết tiếng Trung Quốc nên đã nhìn ra được cái đẹp, sự tinh xảo, xuất sứ, niên đại của đồ sứ, đồ gỗ cổ Trung Hoa có ở các gia đình anh quen. Thời gian về sau, theo bạn chơi anh cũng thích sưu tập đồ gốm Việt cổ. Anh Vân là người khiêm nhường nhưng chân thành, thẳng thắn với bạn trong cuộc chơi thú vị, đầy đam mê nhưng cũng khá phức tạp này.
Nay các anh trong nhóm Thành - Trần Hưng Đạo và tôi đều đã có tuổi, nhìn lại một thời gian dài quan hệ bạn bè ân tình với nhau tôi mới thấy trong cuộc chơi cổ vật kết thành bạn đã khó, nhưng giữ được tình bạn tâm giao qua năm tháng mới quý làm sao? Lẽ đời là vậy./.