CỔ VẬT DÙNG TRONG CUNG PHỦ CỦA VUA CHÚA & CỦA DÂN VIỆT

                                                                                      Đào Phan Long

 

Sau nhiều lần đi giám định cổ vật theo yêu cầu và được mời đến xem nhiều loại cổ vật chất liệu đồng, gốm sứ, gỗ, đá của những người sưu tập trong nước có vài suy nghĩ để chia sẻ với người hiện vẫn đang say chơi cổ vật ở ta.

Thời buổi hiện nay do công nghệ phát triển nên việc quảng bá sản phẩm qua mạng để mua bán rất phổ biến nên kinh doanh, trao đổi cổ vật ở ta cũng vậy thôi. Hơn nữa việc liên lạc thanh toán chuyển tiền, Ship hàng, bay đi về… cũng thuận tiện và văn minh hơn thời trước 2010 rất nhiều nên sưu tập, mua bán cổ vật ở ta đã đổi thay rất nhiều không còn như trước nữa. Thế là giới cổ vật cũng đã hội nhập với xu thế phát triển kinh tế xã hội theo quy luật thị trường với phương thức mới. Mặt khác khi tầng lớp trung lưu ở đất nước 100 triệu dân ngày càng nhiều lên thì tất nhiên nhu cầu chơi cổ vật, chơi tranh, tượng nghệ thuật… càng lớn lên, dẫn đến dung lượng của thị trường sẽ ngày càng lớn và sôi động mà rất nhiều quốc gia khác mơ ước. Nhưng cổ vật là loại hàng hóa có đặc thù khác hẳn với hàng hóa tiêu dùng khác, là loại hàng hóa đặc biệt nên việc mua bán, chọn hiện vật để chơi sẽ càng rất khắc nghiệt giữa thật, giả; giữa giá cả và giá trị thực của các món đồ.

Với tôi khi đã bước vào sân chơi này ngoài sự đam mê chơi văn hóa nên để tâm suy xét một số câu hỏi. Đó là: Thứ nhất chơi cổ vật có khái niệm sớm và muộn không hay chỉ có nên học cách chơi thế nào để vừa thỏa mãn được ý thích và giữ được lâu dài? Thứ hai sưu tập chơi cổ vật chọn theo giá trị hay giá cả? Hay để có được cả hai? Thứ ba nên chơi công khai để giao lưu học hỏi hay vẫn giữ cách chơi kiểu kín đáo để đỡ gặp rắc rối và “tránh bị soi” như thời trước khi có Luật Di Sản Văn Hóa Việt Nam ban hành năm 2000?

Đã có định nghĩa trong Luật Di Sản Văn Hóa Việt Nam rằng các hiện vật có tuổi kể từ ngày ra đời 100 năm trở lên so với hiện tại sẽ được gọi là cổ vật. Còn chưa đủ tuổi được gọi là đỗ cũ, đồ xưa. Do vậy số lượng cổ vật đạt được tiêu chí thời gian sẽ không tăng nhiều, nhất là các cổ vật có tuổi cao từ vài trăm năm trở lên đến hàng ngàn năm. Dẫn đến không phải bây giờ mà đã từ xa xưa việc làm đồ giả cổ để chơi, để bán kiếm lời thời nào cũng có.

Thực tế giới sưu tập cổ vật khác hẳn với giới buôn bán cổ vật chuyên nghiệp  nhưng họ lại rất biết gu chơi, trình độ của nhau và thường xuyên giao lưu, trao đổi thông tin với nhau, giúp nhau, nhưng không tránh khỏi việc “nhồi đồ” do trình độ và tính cách con người. Họ khác nhau ở chỗ người sưu tập do có tiền nên mua đồ để thỏa mãn thú chơi, giao lưu với chúng bạn, giữ lại tài sản cho gia đình… còn dân buôn thì thường “táo tươi”để quay vòng vốn liếm lời từ đó mua nhà mua đất, lo cuộc sống gia đình…Rõ ràng chơi cổ vật, sưu tập cổ vật mà không tương hỗ với các nhà kinh doanh cổ vật thì không thể chơi được. Quan hệ tương hỗ của họ là vậy, đừng nghĩ khác, vì đều là con người cả. Quan trọng là tìm ngưởi tử tế mà quan hệ, giao lưu để ngày càng có thêm nhiều kiến thức, thậm chí kinh nghiệm tốt bổ ích cho cuộc chơi.

Đĩa Nội Phủ Thị Đoài- Thời Lê- Trịnh, TK 17 

Đã gọi là chơi là phải được thú. May mắn trong cuộc chơi do luôn biết tôn trọng và chân thành với bạn chơi nên tôi kết giao thân tình được với khá nhiều người kinh doanh cổ vật cả “chìm lẫn nổi” ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Thiết nghĩ không thể dùng tiền mua được những mối quan hệ này. Hiện phần lớn họ đã U 60, 70 cả chỉ còn một số giữ nghề, đa phần họ đã chuyển vốn sang làm nghề làm ăn “đất, nhà”, kinh doanh khác, tất nhiên cũng có những người đã bị “thân bại danh liệt” hoặc về nơi suối vàng. Cuộc đời ngắn lắm! Có nhiều người hỏi:

- Bác có tiếc đã không giữ được lại nhiều đồ đẹp không? Vì bây giờ giá quá cao mà quá hiếm?

- Đời mà tiếc thì tiếc nhiều thứ lắm. Đã chơi thì có gì mà tiếc. Vật chất chuyển từ dạng này sang dạng khác là thường tình, nhưng chuyển sang các thú vui khác thì tiếc làm cái gì? Phù du thôi.

- Bác mà giữ lại được các món đồ Huế thì bây giờ có sướng không?

- Oh! Trước hết xin nói rõ về việc nhiều người chơi hiện hay dùng những cổ vật được người bán mua hiện tại gọi là đồ Huế để định giá rất cao. Mới đây trên mạng có người nói trước Tết mua bán 1 chiế đĩa Nội phủ thị Nam, Đoài gì đó 1,2 tỷ VND mình thấy thị trường cổ vật Việt Nam hiện có nhiều thay đổi hơn trước. Đó là tất yếu vì cổ vật đâu còn nhiều mà người chơi đông lên và đặc biệt cánh buôn họ làm thị trường giỏi. Khi tụi này đi giám định cổ vật có rất nhiều chủ sở hữu cứ gọi những món đồ sứ Tầu men xanh trắng như nậm rượu, dầm bàn quân tống không hiệu đề hoặc chiệu đề Ngoạn Ngọc, Trân Ngoạn, Nhược Thâm Chân Tàn, Chữ Thọ, vẽ Nấm Linh Chi… đã mua được với giá rất cao là đồ Huế. Chúng tôi giải thích và ghi rõ trong Giấy chứng nhận đây là những đồ sứ men xanh trắng TK 19, đầu 20 của Trung Quốc đã sản xuất rất đẹp để xuất khác sang thị trường Việt Nam xưa. Nay những người bán chúng gọi là đồ Huế để có vẻ là đồ cung đình để bán giá cao thôi chứ thực sự không phải cổ vật của cung đình đặt làm để dùng riềng đâu. Đó là đồ để cho những người có tiền mua dùng.

Bát Khánh Xuân Thị Tả- Thời Lê- Trinh, TK 17

Rõ ràng nếu nói về đồ sứ men xanh trắng của Trung Quốc làm theo đơn đặt hàng của Chúa Trịnh, Vua Lê ở miền Bắc vào TK 17 và về sau các Chúa, rồi Vua nhà Nguyễn TK 18 ở miền Trung và Nam đặt làm ở Trung Quốc mang về dùng nội phủ đều có hiệu đề rất rõ là NỘI PHỦ THỊ TRUNG, THỊ BẮC, THỊ NAM, THỊ ĐOÀI và KHÁNH XUÂN THỊ TẢ; Còn khi sang thời các đời Vua Nguyễn thì có GIA LONG, MINH MẠNG, THIỆU TRỊ, TỰ ĐỨC niên tạo… mới là đồ cung phủ thì mới có giá trị cao. Còn cùng thời gian này nhiều đồ sứ men xanh trắng Trung Quốc bán sang Việt Nam cho quan dân Việt mua về dùng không được ghi hiệu đề nói trên. Cần phân biệt rõ hai loại này để chơi. Đúng là ở ta còn lại một số đồ gốm sứ Trung Quốc làm ra từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, sang nhà Thanh vào thời Khang Hy, Càn Long, Tuyên Đức…rất quý, nhưng ít lắm. Phần lớn là đời sau làm phóng tác, làm giả đời trước. Người có chuyên môn cao mới nhận biết thật giả được.

Bát Nội phủ Thị Nam- thời Lê- Trịnh, TK 17

Bộ uống trà hiệu đề Tự Đức triều Nguyễn TK 19

Người chơi nên biết thêm để góp phần đừng biến thị trường cổ vật của Việt Nam thành nơi chứa đồ giả cổ nước ngoài cũng tương tự như trong sản xuất hàng hóa khác có thời tham rẻ người Việt đã rước về nhiều công nghệ, máy móc cũ đã bị nước ngoài thải loại để họ đổi mới trang thiết bị.

Vâng. Vậy xin cám ơn bác./.

Nậm rượu, sứ Trung Hoa. TK 17

Chum sứ Trung Hoa, men xanh trằng,  TK 17