CỔ VẬT HÔM NAY: THỜI CƠ & THÁCH THỨC
Đào Phan Long
        Dân thạo chơi cổ vật hiện nay đều nhận ra việc lùng sục sôi động cổ vật để mua, để bán cho người chơi, sưu tập như thời 2009, 2010 nay đã ắng lặng nhiều. Tại sao vậy?
Xin thưa có nhiều nguyên nhân, song có hai điều chính. Thứ nhất là sức mua cổ vật giảm mạnh vì các đại gia, chủ doanh nghiệp đang phải lao đao chống đỡ tiền bạc để trụ được khỏi vỡ trước cơn bão khủng hoảng tài chính quốc tế và quốc gia. Nay túi các vị đâu còn rủng rỉnh như những năm trước, hễ cứ xin được dự án, chương trình làm ăn là ra ngân hàng dễ dàng vay được lãi suất thấp để có mớ tiền. Doanh nghiệp thì vậy nên từ đó kéo theo các bác công chức nắm quyền “xin-cho” từ trên xuống dưới, đặc biệt các vị chức sắc cao ở các tỉnh, thành bị giảm nguồn “bổng lộc” dồi dào để mua sắm, để chơi cổ vật. Thứ hai là trên thực tế những cổ vật đích thực có giá trị thì không nhiều, đâu có dễ làm giả được, ngày càng hiếm hơn trước. Hiếm vì phần những cổ vật đẹp, qúy nay đã về một số sưu tập trong nước từ nhiều năm qua, phần chạy ra nước ngoài từ lâu, nên rất khó tìm là cái chắc.
Lá đề đắp hình Rồng, đất nung, triều Trần. TK 13-14.

Thạp, đồng (Văn hóa Đông Sơn), cách nay 2000-2500 năm, cao 45cm, ĐK 35cm.

Đèn dầu tượng hươu, đồng (Văn hóa Đông Sơn), cách nay 2000-2500 năm.

Rìu, đồng (Văn hóa Đông Sơn),

cách nay 2000-2500 năm.

Dao găm, đồng (Văn hóa Đông Sơn), cách nay 2000-2500 năm. Dài 29cm.

 
Người hiểu thường ví khi kinh tế xã hội của đất nước phát triển và ổn định thực sự thì giá trị bất động sản và cổ vật tăng nhanh, nhưng ngược lại thì rõ ràng lại khốn đốn. Hiện nhiều người vay tiền để làm bất động sản, buôn cổ vật nay muốn bán để thu hồi vốn đâu có dễ, trong khi lãi mẹ đẻ lãi con tạo áp lực nặng nề trong cuộc sống. Tóm lại chữ “vận” và chữ “thời” luôn đi liền nhau. Đâu có lường hết được!
Thời thế thách thức như vậy, nhưng trong cuộc chơi cổ vật khó khăn hiện tại vẫn có thời cơ để người có “cầu” tìm mua được những món cổ vật như ý do vẫn có người “cung”. Mặc dầu không nhiều, nhưng tôi biết giới kinh doanh cổ vật vẫn có vài người không chịu bó tay. Có người sang Nhật mua lại một số đồ gốm Đại Việt đẹp đã ra đi thời trước, rồi vài người sang Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ mua cổ vật triều Nguyễn, gốm Việt xuất khẩu TK 15 trong con tầu đắm Cù Lao Chàm - Hội An đã bán đấu giá quốc tế hồi những năm 2000, đồ sứ , đồ gỗ Trung Hoa thời Thanh, đồng hồ Âu châu cổ các loại…từ Việt kiều và các nhà đấu giá danh tiếng để mang về nước bán cho những người hiểu biết có tiền. Còn một số người khác thì sang Bangkok, Hongkong, Giacacta, Quảng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải để mua một ít đồ gốm Đại Việt xuất khẩu, còn phần lớn mua lư đỉnh đồng, bình, thống, chóe, đôn, chậu, tam đa, ống tranh sứ non tuổi cuối Thanh, hoặc đồ phóng tác cổ của các đời phong kiến Trung Quốc để về phục vụ các đại gia đông tiền mới nổi lên trong làm ăn thời đổi mới.
Đồng và Sứ Trung Hoa
Chính vì thế giới và trong nước hiện đang gặp khủng hoảng kinh tế cho nên cả nhà đất và đồ cổ đều xuống giá, cho nên nếu có điều kiện thì đây là thời cơ mua được những cổ vật giá trị với giá hạ. Những cuộc biến động kinh tế tài chính lớn sẽ là thách thức và buộc nhiều người phải bán bớt tài sản, người giữ cổ vật phải bán đi một số món để trang trải việc khác cần hơn. Đây chính là thời cơ cho những ai dám chấp nhận cuộc chơi lý thú này.
Như vậy hiện tại dân chơi cổ vật đích thực Việt Nam chúng ta đang đứng trước thách thức không nhỏ, nhưng đồng thời họ cũng có cơ hội lớn để bước vào một sân chơi có sự chọn lọc tự nhiên hơn. Trước đây tôi đã từng nêu ý kiến: Sân chơi cổ ngoạn không xem trọng khái niệm sớm, muộn mà luôn nhìn vào cách chơi, vào hiện vật chơi mang giá trị văn hóa, giá trị kinh tế thật trong mặt bằng thị trường để đánh giá. Như vậy theo thời gian chắc chắn phong cách chơi cổ vật ở nước ta cũng đã và sẽ có nhiều thay đổi. Thế hệ các cụ chơi cổ vật ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, Lục tỉnh… trước 1950 phần đông chỉ thiên về đồ gỗ và đồ sứ Trung Hoa, chưa có điều kiện và kiến thức để chơi đồ cổ Đại Việt. Từ sau 1975 đến nay lượng người chơi cổ vật Việt đã ngày càng tăng nhiều, bên cạnh vẫn có nhiều người thích đồ sứ, đồ gỗ bóng bẩy của Trung Quốc. Từ năm 2000 do thương nhân Trung Quốc sang ta lùng mua đồ sứ và đồ gỗ cũ của họ có ở Việt Nam để mang về bán cho dân chơi bên đó, cho nên giá đồ sứ và đồ gỗ Trung Quốc tăng vọt. Chẳng hạn các cụ ta xưa coi đồ gỗ gụ so với gỗ trắc không chênh nhau về giá trị sử dụng và tiền bạc là bao, nhưng chỉ vài năm lại đây do thương nhân Trung Quốc đây giá mà gỗ trắc đắt hơn nhiều so với gỗ gụ, còn gỗ sưa (hoàng hoa lý) thì lại được tính bằng trọng lượng để mua. Thật là thế mới chết!
 
Lọ sứ Trung Hoa. Cuối TK 19
Bình sứ Trung Hoa. Cuối TK 19
 Những năm gần đây hoạt động của các Bảo tàng, các Hội cổ vật, các cơ quan khảo cổ, lịch sử, văn hóa, truyền thông đã có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị cổ vật Việt, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại các hoạt động đẩy giá trị cổ vật ngoại lai lên mà không như các nước khác là thúc đẩy giá trị cổ vật mang giá trị văn hóa bản địa. Nếu cứ theo đà này thì thế hệ chơi cổ vật lớp sau ở nước ta không biết rồi sẽ đi về đâu? Đây là dấu hiệu không vui trong giới yêu thích cổ vật Việt Nam đương đại.
Thật ra trong bối cảnh kinh tế xã hội nước ta hiện nay đang gặp khó khăn như báo đăng, đài nói, tivi phát hàng ngày đã cho thấy mà lại đi bàn về cổ vật nhiều thì cũng không đúng lúc. Thế nhưng vì yêu văn hóa và góp phần bảo tồn văn hóa Việt trong thời buổi nước nhà mở cửa với thế giới cho nên chúng ta vẫn nên bàn qua về thách thức và thời cơ của giới cổ ngoạn Việt Nam để tìm cách lựa chọn vượt lên./.