CỔ VẬT PHỒN THỰC LUẬN
(Tản văn về tín ngưỡng phồn thực qua cổ vật)
Cố Gs.Trần Quốc Vượng
Cổ vật có hồn do người làm ra nó phả hồn vào chất liệu (đất, đá, đồng, sắt…), vào hình dáng (bầu tròn, trụ ống dài, nét lượn, nét cong, nét thẳng…) vào màu sắc (nâu, đỏ, xanh, vàng, lưu li…), vào hoa văn trang trí (hoa lá cành, tứ linh thú, tiên cô, lão trượng…)

Người không hiểu nổi sự đời, thì cứ tưởng các nhà Cổ vật học và Khảo cổ học chỉ chăm chăm vào sự săn tìm cổ vật, là những cái có thể sờ mó vào được, ngắm nhìn được… Thì cũng đúng thôi, chúng tôi là những người theo Triết lý nhân sinh thực tiễn:
Trăm nghe không bằng một thấy, Trăm thấy không bằng một sờ, Trăm sờ không bằng một…” (Sở hữu, chẳng hạn thế), nhưng… chúng tôi còn là người tin tưởng rằng có tồn tại Văn hóa tâm linh (Spritual Culture).
Cổ vật có hồn do người làm ra nó phả hồn vào chất liệu (đất, đá, đồng, sắt, gốm sứ…), vào hình dáng (bầu tròn, trụ ống dài, nét lượn, nét cong, nét thẳng…), vào màu sắc (nâu, đỏ, xanh, vàng, lưu li…), vào hoa văn trang trí (hoa lá cành, tứ linh thú, tiên cô, lão trượng…). Rồi chúng tôi sẽ trò chuyện dài dài… Hôm nay, ở bài báo này, tôi chỉ hầu chuyện quý vị về Phồn thực và tín ngưỡng tính - tình dục siêu thặng.
Làm con người sống ở Đời này, ai chẳng có Tính, có Tình, có Dục; mà chỉ có Tình thôi, thì ít nhất nói vui cũng có đến “thất tình” cơ mà! Rồi Đời còn có hỉ (mừng), nộ (giận), ai (buồn), lạc (vui), ái (yêu), ố (ghét), dục (ham muốn)…
Tín ngưỡng cũng vậy. Con người ai chẳng có niềm tin. Nhưng tin vào cái gì, tin vào ai, tin như thế nào, nơi nào, ngày nào. Có niềm tin bất tử, có “Hồn bướm mơ Tiên” không nhỉ? Hình như là có đấy!
Tín ngưỡng – tôn giáo luận cho rằng từ thời Tiền Sử, chí ít là từ trung kỳ Đá Cổ, chục vạn năm có lẻ, con người đã có ít nhất 3 tín ngưỡng:
Tín ngưỡng Hồn Linh hay Vạn vật hữu hình (Animism)
Đất có Hồn (Tín ngưỡng mẹ Đất), Cây có Hồn (Thần cây Đa, ma cây Gạo…), Đá cũng có Hồn, Đức phật dạy: Đá cũng có Phật tính!
Rồi Hòn đất nặn nên ông Bụt, ông Thần (chẳng thiêng ai gọi là thần?). Và thế là có tượng đất, tượng gỗ, tượng đá… lễ bái sì sụp, ai đó sẽ bảo là “mê tín” (cậu tôi bảo rằng phải gọi là “tín mê” (niềm tin mê muội)).
Tín ngưỡng Vật tổ (Totemism). Ở Tây Bắc xưa, họ Quăng thờ Hổ, thấy Hổ chết trong rừng còn để tang, đi đưa đám. Mà ngay ở Thăng Long - Hà Nội, vẫn có đền thờ Chó mẹ - Chó con (Cẩu mẫu – Cẩu nhi). Biết sao được? Truyền rằng Lý Thái Tổ Công Uẩn tuổi Canh Tuất, là năm con chó; thì phải làm lễ hiến sinh (Sacrifice) chó thay mình, và nó chết vô tội vì mình, thì mình phải “thờ nó chứ!” Còn thần Ngũ Hổ, thì đền Mẫu nào chả có.
Trước đây, ở cổng làng, ngõ xóm nào mà không đặt tượng chó đá. Chó giúp Dân canh cổng, sủa giặc cướp trộm, “chó sủa ma” nữa. “Ma” là một “thế lực siêu nhiên” xếp vào loại ác độc, làm hại cuộc sống an lành của con người. Tượng chó đá là cổ vật, có “chất thiêng” (scacré) đấy.
Tín ngưỡng Phồn thực (Fecundity). Bốn vạn năm trước, khắp Á - Âu, có nhiều tượng “Đàn bà”. Sau này, mỹ học cổ Hy Lạp phát triển, mới có chuyện ngắm nhìn mỹ nữ khỏa thân, rồi mới tiêu chí “nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt”. Thứ tượng đàn bà thời tiền sử (tôi ngắm - sờ mãi rồi), mặt thô lắm, chỉ cốt vú to, mông nở, bụng chửa phưỡn ra, thế không phải là “tín ngưỡng phồn thực” thì là gì? Nói đâu xa, bà con người Dao xưa không “mắn đẻ” (prolific) như đàn bà Kinh Việt, kiếm được một cô vợ đã mang bầu sẵn (chẳng cần biết cô/bà ấy có mang với thằng nào) đem về nhà còn cùng cả nhà hớn hở mừng vui hơn là mang về một cô gái “đồng trinh”. Thế mới biết, tùy tộc người, tùy quan niệm “chữ Trinh kia cũng có ba bẩy đường”!  
Tôi là người Kinh (xứ) Bắc, đã quá quen với hình ảnh các “cô gái quan họ” yếm trắng, yếm đào, áo dài tứ thân “mớ ba mớ bẩy” che kín thân hình. Khi đi điền dã ở xứ người mạn Lâm Đồng, ban đầu tôi rất ngạc nhiên khi thấy các cô gái Mạn cứ để trần “đôi vú tròn căng” còn các bà già thì lại che ngực vô cùng cẩn thận. Phải thân quen, tin cậy nhau rồi, hỏi ra mới biết: Chúng em vú căng tròn mới “hấp dẫn” đám trai buôn làng chứ, ngực lép kẹp không dám phô ra, thì ế chồng là cái chắc! Đấy chuẩn mực, giá trị về Văn hóa giữa các tộc người, các thời đại là khác nhau. Thiếu nữ Hà Nội mặc “áo hai dây” ra đường đã bị “phạt vi cảnh”, thiếu nữ Mạn ra Hà nội dự Seagame, “cảnh sát phong tục” Hà Nội có “nhìn lén lút” nhưng vẫn “phạt vạ” theo luật hiện hành không nhỉ?
Tôi nhớ mãi hình ảnh cái Thạp đồng Đào Thịnh thời Đông Sơn đào được ở Yên Bái, niên đại trước Công nguyên, trên nắp thạp có tạc 4 cặp gái trai giao cấu với nhau hồn nhiên giữa Đất Trời. Khi phát hiện mấy cán bộ Kinh thấy thế đã rút dao chém phạt lìa đôi, các nhà khảo cổ chúng tôi, khó khăn lắm mới “phục nguyên” được. Bày trưng ở Bảo tàng. Về thạp này có mẩu chuyện kể lại: Sau Mậu Thân 1968, hòa thượng yêu nước Thích Đôn Hậu (Huế) ra Bắc, muốn đi xem Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Bác Hồ vĩ đại của chúng ta, tính cẩn thận, đi xem trước, nhắc đồng chí Giám đốc Bảo tàng: “Chú tạm cất cái nắp thạp này đi, vì Hòa thượng là người tu hành, nhưng sau khi hòa thượng về rồi, chú lại bày biện như cũ nhé. Chuyện này tự nhiên thôi mà, cứ trưng ra để bà con xem”.
Ôi! Thế mới là Bác Hồ vĩ đại, là Danh nhân văn hóa thế giới chứ! Rõ chuyện Phồn Thực là chuyện Tự Nhiên, vì ngay thời cổ đại xa xưa ấy (thời đại Đông Sơn trước sau CN) Phồn thực còn là “tín ngưỡng sinh sản”. Con người muốn sinh sản, muốn có “lắm con nhiều cháu” để Lúa đẻ nhiều, Dân no ấm. Vậy sao Ta lại “phong kiến” che che đậy đậy dấu diếm làm gì?
Thì ở Thăng Long - Hà Nội và toàn vùng châu thổ, đầy tượng Bà Banh (cứ gọi chệch là tượng Bà Đanh). Bà cứ dang tay dang háng, để lộ ra cái “trung điển nữ tính” hình tam giác lộn ngược ra, nào có sao đâu? (Ai không tin, xin cứ lên chùa Tứ Liên - Yên Phụ chẳng hạn, nhìn sau bụi cây ngâu là thấy ngay), hay “say mê” hơn, xin đi ra chùa Phả Lại là thấy “tượng Bà Đanh” ngay!
Thơ Trạng Quỳnh cũng có đấy, ông ngắm Bà Đanh (ở chùa Châu Lâm vùng Bưởi) “cũng “thích” đi, nhưng lại nổi máu “sỹ diện” cho là bà “ngứa ngáy”, quanh đây còn nhiều “bụi dứa” lắm, muốn gãi ngứa nào có khó gì!
Ông Cống, ông Trạng cứ “vờ” theo nho giáo “nam nữ thụ thụ bất thân”, còn Dân gian chúng tôi thì cứ “thẳng băng”.
“Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma!
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn ngầy ngà như con”.
Cái “phi vật thể” của văn hóa phồn thực được “vật thể hóa” bằng lễ hội “nõ – nường”, “” đẽo vót bằng gỗ xoan, có vỏ tước xơ xơ ở đầu, “nường” được cắt bằng mo nang hình tam giác, có khoét “lỗ” - treo trên cành tre, kết thúc hội thường vụ tiên chỉ - chủ hội - rung cành tre, “nõ nường” rơi tha hồ tranh nhau nhặt.
Ba mươi sáu cái nõ - nường
Cái ấp đầu giường, cái để cầm tay
Và Miền Trung ta đấy, trong Tháp Chàm với Hin đu giáo, Siva giáo thì cặp đôi Linga - Yoni chẳng là cái nõ - nường thờ Phồn thực thì là cái gì? Linga nào có sức mạnh trần gian và siêu thực mà chả “cắm chốt” vào một cái Yoni cụ thể? Giới khảo cổ đã phát hiện được Linga - Yoni bằng ngọc. Và ở nhà một tiến sĩ Toán thích thưởng ngoạn cổ vật, tôi đã thấy tận mắt một Linga bằng ngọc cẩm thạch đỏ “cứ như thật” cứng ngắc! Ông tiến sĩ đã trải qua hai đời vợ - bảo tôi: Giá cái ấy của anh em mình cứ luôn cứng ngắc như tượng Linga em đang sở hữu đây thì các bà sướng lắm anh Vượng nhỉ? Tôi chỉ lúc lắc đầu, cười ngoẻn, và nhâm nhi li rượu “ông uống bà sướng” của ông tiến sĩ đã có nhã ý mời./.