CỔ VẬT VIỆT NAM CHẤT LIỆU ĐÁ

Trích cuốn sách “Tìm chơi cổ vật Việt” – Đào Phan Long






C VT BC VIT NAM CHT LIU ĐÁ, ĐT NUNG VÀ GM SỨ THI     LÝ, TRN, LÊ, NGUYN (Thế k 11 - 19) - Tác giả: Đào Phan Long – Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long HN

Gốm cổ Bắc Bộ Việt Nam ra đời rất sớm, song gốm sứ có men từ thế kỷ 10 đến 19 được quý trọng vì đây chính là dấu ấn văn hóa của cư dân Việt sống trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, được sống trong một nhà nước phong kiến tự chủ mà đế chế phong kiến Trung Hoa phải thừa nhận. Gốm sứ cổ Bắc Việt  Nam được biết và phân chia theo các giai đoạn lịch sử của các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn khá rõ.

Với tư cách là một nhà nước phong kiến tự chủ nên vua quan và người dân Đại Việt đã sáng tạo và xây dựng nhiều công trình tín ngưỡng như đình, chùa, đền đài, cung phủ… để duy trì và phát triển đời sống kinh tế xã hội, đưa đất nước hưng thịnh. Chính vì vậy mà thời này nghề gốm, nghề làm gạch, nghề chạm mộc… đã được phát triển mạnh mẽ. Các nhà nghiên cứu đã cho rằng đây là thời kỳ Phục hưng bản sắc văn hóa Việt cổ sau đêm trường đồng hóa của văn hóa Đại Hán.

Đồ gốm Việt cổ thường phân chia theo niên đại sau:

Phân biệt giữa đồ Gốm và đồ Sứ chủ yếu là công nghệ chế tác, men mầu, nhiệt độ nung, độ cứng. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 19 nước ta chủ yếu sản xuất đồ gốm mà không làm đồ sứ. Cho nên cổ vật gốm Việt là di sản văn hóa vật thể còn lại được nghiên cứu và gìn giữ.

- Gốm thời Lý ở TK 11-12

Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng đây là thời kỳ phục hưng văn hóa Việt sau ngàn năm Bắc thuộc. Gốm thời này thường có men độc sắc hoặc có ít ám họa và trang trí hoa văn họa tiết không nhiều trên các món cổ vật. Mầu men thường trắng ngà hoặc mầu vàng nhạt, cốt gốm mịn và trắng. Nhưng về trang trí cánh sen đơn, sen kép đều rất tinh xảo, đẹp, vì phật giáo là tôn giáo chính thống và phổ biến thời ấy. Gốm Lý bắt đầu làm cả men nâu vẽ trang trí hoa lá, người, cánh sen…trên men nền. Có một số được tạo dáng và phủ men trắng độc sắc còn ảnh hưởng hình bóng đồ gốm sứ nhà Tống Trung Hoa nên rất đẹp.

- Gốm thời Trần TK 13-14

Thời kỳ này nghề làm gốm vẫn tiếp nối truyền thống gốm thời Lý, song thô và khỏe hơn. Trang trí chủ đạo của những chiếc thạp gốm hoa nâu vẫn có cánh sen, nhưng không chau chuốt tinh xảo như thời Lý. Có thể thấy trên các món gốm hoa nâu, ngoài khắc vẽ hoa lá đã xuất hiện nhiều đề tài đồ họa ngựa, voi, chiến binh, săn bắt…






































Tôi đã từng cho rằng gốm Lý trắng, gốm men ngọc được làm tinh xảo vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng gốm nhà Tống Trung Hoa về mặt tạo dáng và cách dùng men độc sắc để phủ lên bề mặt món đồ. Nhưng đến Triều Trần thì thấy còn rất ít gốm men trắng độc sắc được làm nữa, mà đã xuất hiện nhiều mầu men mới. Ngoài men nâu đậm đã có men nâu nhạt, xanh lá cây. Triều đại nhà Trần trong suốt nhiều thập kỷ luôn phải tổ chức chiến đấu chống lại sự xâm lược của thế lực Nguyên Mông phía Bắc và quân Chămpa phía Nam, cho nên việc giao thương với các nền văn minh khác bị hạn chế, dẫn đến việc tìm kiếm nguyên liệu mới làm gốm để phát triển cũng bị hạn chế. Sau khi vua tôi nhà Trần lãnh đạo nhân dân chống quân Nguyên và quân Chămpa thắng lợi, có nhiều món đồ gốm đã được người thợ vẽ “bó hoa sen thắt dây” mang ít phong cách gốm Nguyên, hoặc các Tước để uống rượu có thân chim nhưng đầu người mang nét văn hóa thần linh Chămpa, rồi hình tượng người hầu cởi trần, đóng khố qùy (chú tễu) là biểu tượng các tù binh được nhà Vua ban cho các vương công, quan lại triều đình để đưa về làm nô lệ…

Giờ đây khi thế hệ chúng tôi sinh ra và đang sống ở giai đoạn nửa cuối TK 20 sang đầu TK 21 đều đã chứng kiến và chịu đựng hoàn cảnh đất nước trải qua bao năm chiến tranh chống ngoại xâm, rồi sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch hòng khuất phục ý chí độc lập tự chủ của người dân Việt Nam chúng ta. Đời sống nhân dân rất thiếu thốn, đói khổ và để tồn tại, người dân Việt đã làm ra nhiều sản phẩm nội địa để đáp ứng nhu cầu dân sinh. Từ thực tế ấy ta có thể nhận ra các sản phẩm gốm Việt thời Trần cũng được người Việt xưa cho ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Chính vì thế mà gốm thời Lý -Trần đã mang một vóc dáng, chất liệu, hoa văn, họa tiết độc đáo khác hẳn với gốm cùng thời của các vương triều khác trong khu vực.

- Gốm thời Lê Sơ TK 15-16 và Lê - Mạc 16-17

Sang giai đoạn này hầu như còn rất ít gốm hoa nâu mà chuyển sang gốm men xanh trắng, men mầu tam thái, ngũ thái và đã đạt chất lượng cao để xuất khẩu sang nhiều quốc gia châu Á.

Chính biển Đông đã hình thành “Con đường gốm sứ trên biển” như nghiên cứu của các nhà Sử học, Khảo cổ học thế giới và trong nước đã nêu ra. Họ đã viết nhiều về “Con đường gốm sứ trên biển Đông Việt Nam” qua dấu tích của những con tầu cổ chuyên chở hàng hóa bị đắm ven biển nước ta. Đó là những con tầu chở gốm sứ bị đắm được ngư dân phát hiện sớm nhất tại Hòn Cau, Bà Rịa - Vũng tầu (chở

gốm sứ Trung Hoa sản xuất tại Lò Cảnh Đức Trấn niên đại Khang Hy (1662-1772); rồi tại Hòn Dầm, Phú Quốc (chở gốm độc sắc chủ yếu mầu xanh ngọc và số ít mầu chì, da lươn, nâu… làm tại các Lò Thái Lan TK 15; tiếp đến là tầu ở Cù lao Chàm, Hội An - Quảng Nam (gốm Bắc Việt Nam sản xuất TK 15); tầu cổ Cà Mâu (sứ men xanh trắng Trung Hoa sản xuất vùng Cảnh Đức Trấn ghi niên hiệu “ Đại Thanh Ung Chính niên chế” (1723 -1735 và gốm men tam thái, ngũ thái sản xuất tại vùng lò Quảng Đông); tầu cổ Bình Thuận (chở gốm sản xuất tại Sơn Đầu - Quảng Đông, Trung Hoa sản xuất vào thời Minh Vạn Lịch trong khoảng từ (1573 - 1620). Chắc chắn còn nhiều con tầu cổ xấu số chở theo nhiều gốm sứ còn nằm lại trên con đường biển này mà hiện chúng ta chưa biết đến?

Là người chơi cổ vật Việt, chúng ta tự hào về những sản phẩm Gốm Việt xuất khẩu vào TK 15 của cha ông, bởi chúng được chế tác qúa hoàn mỹ và chất lượng cao. Chính một số hiện vật qúy này của con tầu đắm ở Cù lao Chàm, Hội An - Quảng Nam đã được Chính phủ Việt Nam cho phép bán đấu gía quốc tế vào ngày 11-13 tháng10 năm 2000 tại Mỹ.

Năm 2005 tôi đã viết trên Tạp chí Cổ vật Tinh Hoa giới thiệu về gốm Việt xuất khẩu tìm thấy trên con tầu đắm biển Cù Lao Chàm, Hội An và nêu lên câu hỏi: “Đây có phải là dòng gốm của các lò gốm ở Chu Đậu, Hải Dương như nhiều nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đã khẳng định không? Tôi đưa ra ý kiến do trong quá trình sưu tập nhiều người đã không thấy bất kỳ mảnh vỡ còn sót lại của dòng gốm xuất khẩu vẽ rất kỹ thuật này tại khu vùng các lò làm gốm cổ ở  Chu Đậu, mà chỉ thấy có ở khu vực thành cổ Thăng Long khi khai quật. Phải chăng gốm xuất khẩu được sản xuất ở khu lò “Quan dụng” nào đó mà hiện chưa tìm ra được chứ không phải của Chu Đậu như nhiều người khẳng định chăng?”. Đến tháng 11 năm 2011 khi đọc báo Thanh Niên đăng loạt bài về “Bảo vật Quốc gia” giới thiệu “Chiếc bình sứ có vẽ hình Thiên nga” có trích ý kiến của TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam đã đưa ra những ý kiến và cho rằng đây hoàn toàn không phải gốm Chu Đậu mà phải là gốm của lò Quan ở Hoàng thành Thăng Long xưa? Do vậy, thiết nghĩ vấn đề này vẫn còn là câu hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu để có được sự thuyết phục.

Có một ý nữa mà tôi cũng đã viết cách đây gần 10 năm: Phải chăng gốm thời Lê Sơ với men xanh trắng (hoa lam) là chủ đạo, đặc biệt gốm xuất khẩu và quan dụng tìm thấy qua con tầu đắm và phế tích kinh thành Thăng Long xưa có ảnh hưởng từ cách vẽ trang trí cho đến công nghệ làm gốm sứ của nhà Minh Trung Hoa? Đây là một phần kết qủa của chủ trương đồng hóa,


























































tiêu diệt văn hóa Việt của thiên Triều trong hơn 20 năm đô hộ của nhà Minh? Về đồ đồng gồm ấm, cốc đốt trầm, bộ tam, ngũ sự thờ cúng… được gọi là đồ đồng thời Lê thế kỷ 15, 16 cũng được làm tinh xảo, công nghệ cao cũng vậy không? Đây cũng là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Sưu tập gốm cổ Bắc Bộ không thể thiếu gốm thời nhà Mạc. Mặc dù thời gian tồn tại triều đại này không dài, nhưng những cải cách kinh tế, văn hóa, xã hội để lại dấu ấn nhất định trong lịch sử nước ta. Gốm Mạc có cách chế tác và làm men rất đặc trưng so với các thời sản xuất gốm cổ Bắc Bộ trước đó. Cổ vật gốm Mạc đặt cạnh các cổ vật gốm Chu Đậu, Bát Tràng cổ ta nhận ra ngay vì chúng có lớp men xanh tím (gọi là men lam xám), đắp nổi rồng ổ và các họa tiết trên mỗi món đồ. Vì thời gian tồn tại của triều đại nhà Mạc ngắn, cho nên cổ vật gốm Mạc không nhiều. Với vẻ đẹp độc đáo, hiếm, nên gốm thời Mạc cũng xứng đáng để chúng ta trân trọng lưu giữ.

   - Gốm thời Nguyễn ở TK 18-19

Sang thời Trịnh Nguyễn phân tranh rồi tiếp đến triều Tây Sơn - Nguyễn Huệ ngắn ngủi và sau đó là nhà Nguyễn, do kinh đô của đất nước đã chuyển về Phú Xuân - Huế, cho nên dòng gốm chủ đạo của Bắc bộ chỉ còn lại dòng gốm truyền thống Bát Tràng - Hà Nội, thứ nữa là dòng gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay), gốm Cậy ở Quảng Ninh. Nhớ lại cách nay khoảng 15 năm ở nước ta những cổ vật gốm Bát Tràng, gốm Thổ Hà, Phù Lãng rất rẻ so với gốm Chu Đậu, thế nhưng ngày nay để tìm mua được những món đồ gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng đẹp có chất lượng cũng rất khó và giá đâu còn rẻ nữa. Đây là điều minh chứng cho giá trị cổ vật gốm Việt ngày càng tăng mạnh vì nhận thức văn hóa của cộng đồng đã khác trước.

Sưu tập gốm cổ Bắc bộ Việt Nam  cần so sánh với các dòng gốm của các nước khác và ngay cả các vùng làm gốm ở miền Trung, miền Nam nước ta ra đời cùng niên đại mới thấy được hết cái đẹp và sự tài hoa của các lò gốm Bắc Việt Nam xa xưa. Tôi đã thấy cổ vật gốm Việt cổ Bắc bộ làm ra ở từng giai đoạn so với đồ gốm của các nước trong khu vực như Nam Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên - Hàn Quốc, Thái Lan, Indonexia cùng thời và thấy được nghệ thuật và sự phong phú của nghề làm gốm Bắc Việt xưa rất đáng tự hào.

Để giới thiệu vẻ đẹp và chất lượng của gốm Việt cổ Bắc bộ xưa sản xuất ra trong thời gian dài từ TK 10 đến TK 19, các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đã xuất bản những tập sách quý phát hành rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế. Chính vì những giá trị cao của dòng gốm Việt cổ Bắc bộ mà rất nhiều cổ vật gốm đặc sắc của xứ ta đã bay sang định cư ở xứ người. Đây là điều rất đáng tiếc./.