ĐẠO MẪU CỦA TÔI

 

                                                                                         Lan Phong

 

          Ở nước Việt Nam ta ngày nay có khoảng hơn 13 triệu/100 triệu dân tự xác nhận mình đang gia nhập những tôn giáo được đăng ký chính thức hoạt động. Họ nhận mình là con chiên của Chúa, phật tử của Phật giáo, đạo hữu của các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài, Ấn Độ giáo, Hồi giáo … Như vậy còn lại tới hơn 86% dân chúng tự xem mình là không tôn giáo, mặc dù trong năm họ vẫn có đến các địa danh của tôn giáo để thắp hương, nến khấn vái cầu mong nhận được phúc lành, tài lộc. Bên cạnh sự tồn tại các tôn giáo, đã từ lâu nhân dân ta thực hiện theo các Tín ngưỡng bản địa như thờ Đạo Mẫu, các Thánh, Thần, thờ cúng cha mẹ, ông bà …

          Càng có tuổi và càng chứng kiến nhiều biến động của xã hội Việt Nam qua bao năm tháng tôi càng quan tâm đến việc phải lập cho gia đình mình một bàn thờ để bản thân và mọi người thường xuyên hương khói nhớ ơn ông bà, cha mẹ và khấn Phật cốt mong bề trên phù hộ. Đồng thời hàng năm mỗi khi có dịp tôi lại cùng vợ con, cháu, các bạn hữu đi vãng một số chùa, đền thờ Mẫu, thờ Thánh… để khai tâm cho mình và mọi người thân. Không mê tín dị đoan nhưng theo lời người xưa tôi tự tâm niệm “Có thờ có thiêng có kiêng có lành”.       

         Trên bàn thờ của nhà tôi giữ lại một số kỷ vật của Bà ngoại truyền lại cho mẹ tôi và chiếc đỉnh đồng nhỏ của mẹ vợ. Chiếc hộp bạc, chiếc hộp bạch ngọc, chuỗi tràng hạt nhỏ mà Bà ngoại tôi đã luôn giữ theo mình suốt những năm tháng đất nước chiến tranh chia cắt cốt để tụng kinh cầu nguyện cho con cho cháu mình luôn an lành; Còn chiếc đỉnh đồng nhỏ của mẹ vợ tôi đã dấu được sau khi nhà cửa, tài sản đã bị tịch thu hết trong Cải cách ruộng đất ở Hà Nam thời 1954. Giờ đây những kỷ vật thiêng này của gia đình tôi đều quá trăm tuổi và trở thành cổ vật như quy định của Luật Di Sản Việt Nam ban hành năm 2000.

Hộp bạc, hộp bạch ngọc và vòng tràng hạt, đỉnh đồng nhỏ là kỷ vật của Bà & 2 Mẹ nay đều đã là cổ vật rất giá trị

          Đầu thế kỷ XXI ở Việt Nam kinh tế phát triển, đời sống dân chúng được nâng dần lên, đất nước hòa bình ổn định, cho nên theo lẽ tự nhiên nhiều Đình, Chùa, Phủ, Miếu, Nhà thờ, Thánh thất… trong cả nước đã được các chức sắc tôn giáo và nhân dân tôn tạo, xây mới rất nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và du lịch tâm linh của xã hội. Tự do tín ngưỡng ở Việt Nam đã tồn tại nhiều đời trong nhân dân nay khác xa thời  trước đây bị nhà nước cấm đoán triệt để ở miền Bắc từ 1954 đến 1990. Trong bức tranh toàn cảnh ấy tất nhiên cũng có chỗ, có nơi đã bị bọn xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến tôn giáo, tín ngưỡng đẹp truyền thống của dân ta. Được như hôm nay chỉ sau vài thập niên phải ghi nhận đây là kết quả của chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của nhà nước và nhận thức mới về Di Sản văn hóa của nhân dân. Gần đây nhất vào ngày 1/12/2016 “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việtđã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không chỉ riêng tôi mà chắc chắn còn nhiều người Việt Nam ta rất vui và tự hào về Đạo Mẫu và Thực hành tín ngưỡng này đã được thế giới ghi danh.

         Tượng Mẫu, gỗ sơn thiếp đầu TK XX

          Chuyện chung là vậy, còn riêng tôi lại nghĩ chắc chắn cũng do gốc rễ cao đẹp của tín ngưỡng Đạo Mẫu của người Việt Nam ta mà mình đã được các Bà nội, ngoại, Mẹ đẻ, rồi cả bà xã đã phò trợ để giúp mình vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Đúng là “nước mắt chảy xuôi” nên ở đâu trên cõi đời này đa phần các bà mẹ - MẪU - cũng đều luôn luôn hy sinh tất cả trong mọi hoàn cảnh vì con, vì cháu. Với tôi BÀ, MẸ đều là MẪU của mình và tôi luôn muốn truyền lại suy nghĩ này cho con cháu.

          Giờ đây Mẹ tôi đã mất được hơn 5 năm, Bà nội, ngoại tôi đã mất hơn nửa thế kỷ. Thời Bà, Mẹ tôi sống và làm việc là thời đất nước chiến tranh ly tán, nồi da xáo thịt, cuộc sống gian nan vô vàn. Như bao bà mẹ Việt Nam khác Bà, Mẹ tôi đã hy sinh tất cả vì con cháu để chúng tôi có được hôm nay. Tôi luôn biết ơn và nhớ đến công lao sinh dưỡng của các MẪU của riêng mình cùng tất cả các MẪU là các bà mẹ Việt Nam khác đã sinh ra lớp lớp con cháu người Việt Nam hôm nay. Nhớ Bà, nhớ Mẹ, nhớ các bác, cô, dì của mình đã khuất tôi nhất định sẽ viết lại cuộc đời, cuộc sống của họ - của các MẪU riêng mình - họ là những phụ nữ Việt Nam sông đầy cao thượng.  

          Mẹ tôi mất 2016. Về già bà vẫn minh mẫn và càng thương nhớ con cháu mình - nhất là những đứa ở xa không được gần bà ngày ngày. Tôi có thằng cháu đầu tiên sinh năm 2001. Năm 2004 nó 5 tuổi ngày ngày đeo chiếc ba lô to át cả người để đến trường Mầm Non bán trú. Nó là thằng cháu được ở với ông bà và cụ Cố từ bé. Mẹ tôi thường lo lắng dõi theo cháu mỗi khi nó ra cổng đến trường và nói “Quá dễ thương. Nhìn nó mẹ lại nhớ các con nay đã là ông bà của nó thủa nhà ta mới từ Chiến khu về sống ở thủ đô Hà Nội năm 1954”.

 

 Cháu nhỏ của cụ Cố

          Một chiều tan học về thằng cháu chạy lại cụ Cố khoe “tác phẩm môn thủ công” của nó được cô cho điểm 10 và được mang về làm kỷ niệm.

-  Cháu cụ giỏi quá. Cho cụ hôn cái đã. Đẹp quá. Cháu cất lên nhà để tối về ông bà, bố mẹ cháu xem.

- Vâng ạ. Thằng bé để Cố ôm hôn rồi thoăn thoắt chạy lên gác.

Bữa cơm tối ấy cả nhà tôi rất vui. Cháu thì khoe “tác phẩm” của mình, còn Cố thì lẳng lặng đem bài thơ Cố viết tặng cháu làm cả nhà bất ngờ.

Tác phẩm thủ công của cháu

            Thời gian cứ vô tư trôi, nay Cố đã về trời năm 2016, còn cháu thì đã sang trời Tây học Đại học năm thứ 2 ngành kỹ sư thiết kế phần mềm với học bổng trường bên ấy cấp. Dịch Covid - 19 đang hoành hành nhân loại. Nhớ Mẹ, nhớ cháu, hôm nay tôi tìm đọc lại bài thơ Mẹ tôi viết tặng cháu và xem “tác phẩm thủ công” của thằng bé đã làm năm 2004 mà tôi vẫn lưu giữ cẩn thận.

Cháu đã là sinh viên học nước ngoài 2020

Thơ cụ Cố tặng cháu.

CHẮT TÔI!                                                                                    

Cháu bé bỏng mong manh như chuồn chuồn kim,

Thoắt đậu, thoắt bay, cụ không sao theo kịp.

Mắt cháu sáng, đầu cháu to, thông minh, nhậy cảm.

Chỉ tội thân hình bé nhỏ quá đi thôi!

 

Cụ yếu rồi, cháu dơ tay đòi bế,

Bế làm sao khi ngực tức cháu ơi!?

Thương quá là thương cháu đọc truyện dễ như chơi,

Trẻ lên ba mà như bạn bè lên tám!

Không biết chữ mà tưởng chừng thạo chữ…

 

… Cháu quý cha, quý mẹ, quý ông bà,

Luôn níu áo ba đòi về bà nội.

Mẹ đi vắng sà vào lòng bà ngoại,

Nhìn ảnh mình ông chụp mắt sáng trưng,

Chúm chím cười đôi môi nhỏ xinh xinh

Có lúc nhọn như mỏ chích chòe buổi sáng!

 

Cụ mong sao mai kia khôn lớn,

Cháu thành người nghị lực hiên ngang,

Đi giữa đời không chịu cảnh lầm than

Đủ đức, đủ tài được mọi người qúy mến!

                                                                                                                BÀ CỐ

                                                                                                                Hà Nội, 29/7/2004 

        Ngẫm nghĩ lan man lúc giao mùa, bước ra khoảng sân nhỏ ngắm những chậu cây tôi lại chuẩn bị được chiêm ngưỡng những chùm hoa Mai Chiếu Thủy trắng muốt tỏa hương thơm dịu đón mùa hè. Ngước lên trời cao tôi hình dung các Mẫu của mình đang âm thầm dõi theo cuộc sống của con cháu và luôn sẵn lòng phù hộ cho chúng./.