ĐẦU XUÂN NGẮM THƯ PHÁP CỦA VUA
Hải Trung
Thời Trung Đại trở về trước, các nước đồng văn như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Hoa đều chủ yếu dùng chữ Hán để làm ngôn ngữ viết, nhất là đối với các loại văn bản hành chính. Trong hoạt động hành chính, có một loại văn bản rất quan trọng, đó là châu bản. Không phải chỉ ở Việt Nam mới có châu bản. Các nước đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên cũng có châu bản của các triều đại ở đất nước họ và cũng được lưu trữ đến ngày nay.
Châu bản là những văn bản hành chính do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v.
Với triều Nguyễn, các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ và các dạng công văn khác. Ngoài việc cung cấp những thông tin về tư tưởng chỉ đạo, quan điểm của các hoàng đế của từng thời đoạn lịch sử đối với các vấn đề khác nhau trong điều hành tổ chức nhà nước, châu bản còn góp phần tìm hiểu chế độ văn thư triều Nguyễn nói riêng cũng như văn hóa lịch sử nói chung. Đặc biệt, có thể thấy rằng Châu bản triều Nguyễn còn là nơi lưu giữ sinh động nét bút và tâm trạng của các hoàng đế ở những ngữ cảnh khác nhau.
Khi phê trên Châu bản, lối chữ thảo thư là cách thức điển hình được các hoàng đế lựa chọn thể hiện qua một vận bút khá nhất quán. Hán tự có 5 thể chính là Triện thư, Lệ thư, Khải thư, Hành thư và Thảo thư. Đó cũng chính là những thủ pháp chính của cách viết thư pháp. Không chú tâm thể hiện chữ viết của mình theo chủ đích là những bức thư pháp, nhưng những dòng châu phê của các hoàng đế, đặc biệt là các dòng châu phê của vua Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Khải Định đã thể hiện một kỹ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mỹ rất cao. Có những châu bản được các vua phê tách ra khỏi nội dung văn bản được đệ trình đã trở thành như những bức thư pháp có sức sống độc lập (khi chú trọng về mặt hình thức).
Điều thể hiện căn cốt nhất trong chữ viết của các hoàng đế triều Nguyễn là kỹ thuật vận bút. Quan sát các châu bản, về mặt kỹ thuật có thể thấy rằng, các hoàng đế đã rất chú trọng cách cầm bút, cách điều khiển ngọn bút, cũng như cách điểm hoạch, kết cấu, bố cục. Về cách điều khiển ngọn bút (vận bút), ở đây có thể hình dung được, các hoàng đế đã chú ý các nét chính làm cốt lõi, nét lệch để tạo thần thái, nét kín để giữ khí thế, nét hở để phát tinh thần.
Nhìn toàn bộ phần ngự phê của hoàng đế Tự Đức trên bản tấu về tình hình chấm điểm thi của kỳ thi Hội năm Tự Đức thứ 2 (1849) có thể phỏng đoán được tâm trạng của nhà vua khi phê một loạt nội dung lên bản tấu này. Trên bản tấu của chủ khảo trường thi Hội Nguyễn Đăng Giai, phó chủ khảo Nguyễn Đức Chánh tâu trình về tình hình chấm điểm thi của kỳ thi Hội, nhà vua đã chỉ dụ xem xét để lấy đỗ thêm 5 trường hợp đỗ Phó bảng nữa. Tại châu bản này, nét chữ của vua cực kỳ khoáng đạt, uyển sảng khiến người xem dễ hình dung tâm trạng phấn chấn của vua Tự Đức về kỳ khoa cử này.
Hoặc chữ của vua Thiệu Trị, khi phê vào tờ phụng thượng dụ của các quan ở Nội Các là Lâm Duy Nghĩa, Lê Bá Tú, Trương Tiến Nhậm về việc cấp tiền gạo cho các quan phạm tội sai phái đến quân thứ Trấn Tây, nhà vua đã phóng bút “Không dẫn dắt người theo việc thiện, mà mở mang phép tắc thì sao tránh được mầm mống của việc khốn khó”. Trong phân bố các dòng thể hiện ở chương pháp (bố cục) với những mối quan hệ giữa các chữ, giữa các dòng đều cho thấy một cách thức nhất quán, lề lối của việc trình bày thể hiện cái thần vận rõ nét.
Trường hợp ở châu bản năm 1898, khi Tôn Thất Hoài Điển ở Thị vệ xứ tâu về việc xin may quần áo cho binh lính hộ giá, ngoài việc phê chữ truyền đạt ý chỉ: “Loại nón này chưa được đẹp, áo lính thì không tiện cưỡi ngựa. Nay chuẩn cho làm theo kiểu mới”, vua Thành Thái còn phóng bút vẽ lại mẫu cho chiệc nón “kim ngô” và áo “đội”. Điều này chứng tỏ nhà vua rất quan tâm đến mọi việc, dù là việc nhỏ.
Xem một số đoạn châu phê của các vua Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định có thể thấy được người viết bằng sự nhập tâm đã khiến những con chữ sẽ hiện ra sống động, huyền ảo. Chữ viết phóng ra, tuôn chảy cũng thể hiện được tâm trạng của người viết. Chữ được viết ra là kết tinh của những năm tháng khổ luyện không ngừng của người viết và còn thể hiện cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ của người tạo chữ.
Chữ viết vốn được đề cao trong xã hội xưa, nó được xem là công cụ gián tiếp để tuyển chọn nhân tài. Bởi trên hết chữ viết thể hiện rõ nhất tâm lý và tính cách người viết, là biểu trưng của Nho sĩ.
Thư pháp của các vua thể hiện trên Châu bản về căn bản cũng bộc lộ rõ nét sở học và trình độ của người viết. Những dòng châu phê như “rồng bay” khiến người đời sau dễ hình dung được cái thuở “tiềm để” học làm vua trước khi lên ngôi của từng hoàng đế. Các vua cũng phải trải qua một thời gian dài khổ luyện trong việc “rèn chữ” mới được như vậy. Phải trải qua khổ luyện, tu tâm dưỡng tính, nuôi dưỡng tình cảm mới đạt được cái thần của chữ nghĩa.
Từ cách thức thể hiện, thư pháp vốn được xem là một loại hình nghệ thuật có tính đỉnh cao. Dân gian xưa đúc kết rằng “Nhất tự, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” (thứ nhất chơi chữ, thứ nhì chơi tranh, thứ ba chơi đồ sành sứ, thứ tư chơi cây cảnh). Đầu xuân, ngắm bút phê của các hoàng đế thời Nguyễn mà lòng chợt nghĩ, chữ của các vua Nguyễn quả thực là một di sản đáng tự hào của nghệ thuật thư pháp Việt Nam.