ĐÈN DẦU PHÁP & HỘP BẠC VIỆT CỔ
Lan Phong
Đại dịch Covid 19 Vũ Hán, Trung Quốc bùng phát vào những ngày Tết âm lịch vừa qua do chính con người đã làm lây lan ra hàng trăm quốc gia trên thế giới để từng ngày, từng ngày dịch bệnh âm thầm giết chết bao người vô tôi và làm cho cuộc sống người dân, hoạt động xã hội ở nhiều quốc gia bị đình đốn, đảo lộn. Những con virrust bé nhỏ quái ác này đã tấn công con người không chừa ai từ dân lành đến quân đội, chính khách, nguyên thủ quốc gia… Covid 19 đã làm cho kinh tế toàn cầu đình đốn suy giảm mạnh gây thiệt hại người và của không khác gì chiến tranh thế giới. Tôi không hiểu loại virust này sinh ra tự nhiên từ động vật hay do sự tàn bạo của con người với môi trường sống đã tạo ra? Quá nguy hiểm cho nhân loại trên trái đất trong thế kỷ 21.
Việt Nam kế bên Trung Quốc nhưng may lãnh đạo đất nước đã rất sớm có biện pháp quyết liệt cùng dân chống dịch như chống giặc nên rất hiệu quả. Mình là người dân trong cuộc khâm phục đã đành, nhưng lại rất vui và tự hào khi nhiều nước giầu có văn minh hơn Việt Nam rất nhiều cũng lên tiếng nể phục việc chống dịch của nước ta. Nằm nhà cách ly không ra đường tụ tập tôi hay hướng lên bàn thờ Phật để thầm cầu mong cho chúng sinh và mọi người trong gia đình mình được tai qua nạn khỏi trước đại dịch này.
Bàn thờ Phật tại gia
Trên ban thờ Phật nhà tôi có 2 kỷ vật của ông bà để lại cho cha mẹ nay tôi đang giữ trang trọng trong nhà để mong các cụ siêu thoát ở trên cao luôn phù hộ cho con cháu trong cuộc sống. Hai kỷ vật quý đó là cây đèn dầu hỏa của Pháp làm cuối thế kỷ 19, đầu 20 do ông ngoại tôi mang về từ Pháp khi sang đó học và chiếc hộp bạc hình bông sen của bà ngoại tôi được vua Nguyễn tặng cho những người trong dòng tộc, vì bà ngoại tôi là Công Tằng Tôn Nữ. Từ năm 1945 đến 1995 chiến tranh đã nổ ra liên tục ở Việt Nam mà bà ngoại và mẹ tôi vẫn âm thầm cất giữ được những kỷ vật này quả đáng khâm phục.
Đèn dầu hỏa Pháp cuối TK 19
Những người thạo chơi cổ vật đến nhà tôi đều trầm trồ khi nhìn thất hai kỷ vật này. Hộp bạc là sản phẩm do triều đình đặt nghệ nhân làm được tạo hình khối một búp hoa sen rất xinh xắn và trạm trổ tinh xảo nay đã phủ lớp men thời gian bóng lừ. Còn cây đèn dầu Pháp với các bộ phận cọc, đế bằng đá mầu ngà, bình chứa dầu và chụp bóng bằng thủy tinh mầu đã lên nước thời gian. Cây đèn được tạo dáng, bố cục và chế tạo khá cầu kỳ tinh xảo khác hẳn với những cây đèn đang bầy bán ở các cửa hàng đồ cũ hiện nay. Giỗ, Tết đến tôi vẫn đổ dầu thơm thay dầu hỏa để đốt đèn thắp sáng nhà. Thành thật mà nói để lưu giữ được lại 2 kỷ vật này cho đến hôm nay cũng không dễ bởi rất nhiều cao thủ đã đến gạ mua với giá cao nhưng mẹ tôi vẫn quyết giữ mặc dầu gia đình cũng cần tiền để sinh hoạt. Đến thời tôi giữ hai kỷ vật này cũng vậy. Sau này khi tôi mua được một số pho tượng Phật gỗ Việt cổ sơn thếp đẹp để bầy trang trọng cùng 2 kỷ vật thì càng phải tự nâng cao tính kiên quyết không bán đi để lấy tiền vì nhiều người cứ năn nỉ xin mua với giá rất cao. Đã có người quen đưa 2 người nước ngoài đang làm việc tại Hà Nội rất thạo cổ vật Việt đến tận nhà tôi xin được mua lại với giá cao hơn lúc tôi mua rất nhiều lần nhưng tôi từ chối và giải thích lịch sự rằng: Tôi có duyên mới rước được những pho tượng Phật cổ này về nhà để Phật phù hộ cho gia đình, không thể bán được. Mong các vị thông cảm. Khó thế đấy. Luôn tự phải đấu tranh giữa tiền, cuộc sống và kỷ vật trong nhiều hoàn cảnh. Chắc nhiều gia đình cũng tương tự như tôi.
Khi nghiên cứu Kinh Dịch để viết cuốn DIỄN GIẢI KINH DỊCH - TỨ TRỤ - TRẠCH CÁT xuất bản năm 2007 (NXB Văn Hóa - Thông Tin) nhằm làm cho dễ hiểu khi đọc, trong Tự Bach tôi đã viết “… Người Trung Hoa cổ đại đã lấy LƯỠNG NGHI - tức Âm, Dương - là căn cốt hình thành nên mọi sự vật tồn tại và biến hóa theo thời gian cũng như để giải thích vũ trụ, con người và xã hội. Sau nhiều ngàn năm có Kinh Dịch các nhà khoa học thời nay đã phát minh ra máy tính điện tử xuất phát từ nguyên lý “đóng và mở” ký hiệu là “+ và –” mà ngôn ngữ toán học gọi Dương và Âm. Máy tính điện tử là thành tựu khoa học công nghệ cao của nhân loại, nhờ đó mà con người đã thu hẹp khoảng cách địa lý giữa các quốc gia trên trái đất…” Do vậy tôi tự nghĩ: Cây đèn dầu Pháp của ông ngoại biểu trưng cho DƯƠNG tính mạnh mẽ, cho Quẻ Thuần Càn (tức Trời), Quẻ Li (tức Lửa, luôn thắp sáng) của Dịch; Còn chiếc hộp bạc Việt của bà ngoại biểu trưng ÂM tính mềm mại, cho Quẻ Thuần Khôn (tức Đất) mang tính khoan dung của người phụ nữ luôn âm thầm hy sinh vì chồng con trong mọi hoàn cảnh.
Tôi năm nay U 80, mẹ tôi đã quá cố U 100 nên chắc chắn đây là những kỷ vật của ông bà còn lại đã đạt tiêu chuẩn là cổ vật theo quy định của Luật Di Sản Văn Hóa Việt Nam ban hành năm 2000. Mỗi khi nhìn 2 kỷ vật trong nhà tôi luôn nghĩ về cuộc đời ông bà, cha mẹ mình, đời mình đã trải loạn lạc chiến tranh chết chóc, gian khổ nhưng vẫn sống được chắc chắn nhà mình đã được đấng bề trên luôn phù hộ. Giờ đây khi đã có tuổi đôi khi tôi tự hỏi không biết con cháu mình sau này có tiếp tục giữ lại được trong nhà những kỷ vật của các cụ, ông bà, cha mẹ chúng đã luôn trân trọng hay lại để rơi vào tay thiên hạ?
Từ hai kỷ vật này tôi lan man chuyện người Pháp đã đến xâm chiếm cai trị Xứ Đông Dương gần trăm năm kể từ ngày họ bắt đầu nổ súng đánh vào Đà Nẵng, Việt Nam lần đầu vào năm 1847, rồi chính thức tổ chức tấn công đánh chiếm Việt Nam vào năm 1858. Đến năm 1984 vào ngày 9/6 Pháp đã ép Triều đình nhà Thanh, Trung Quốc ký Hiệp ước Thiên Tân để khẳng định chủ quyền của chính phủ Pháp trên toàn lãnh thổ Đông Dương trong đó có Việt Nam như ngày nay và có đặc quyền kinh tế tại một số tô giới ở Trung Quốc tại Thượng Hải, Vân Nam … Từ đây chế độ chính trị, tổ chức quản lý xã hội, hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, chữ viết, khoa học, kỹ nghệ … của Pháp từng bước hiện hình ở Việt Nam xóa dần mô hình xã hội rập khuôn nho giáo của phong kiến Trung Hoa đã tồn tại ở Việt Nam trong nhiều thế kỷ trước.
Từ thời sau Hiệp ước Thiên Tân nêu trên Xứ Đông Dương chính thức được nhiều nước lớn thừa nhận thuộc về nước Pháp. Người Pháp đã nhanh chóng thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng như làm mới một số thành phố lớn Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Nam Định…, làm cầu cống, đường bộ, đường sắt xuyên Đông Dương, một số cảng sông, biển, một số nhà máy điện, nước, hệ thống bưu chính điện tín, trường học tiếng Pháp, Viện nghiên cứu nông học, y dược, văn hóa, mỹ thuật… Người Pháp thời đó đã khảo sát thi công hệ thống đường bộ, đường sắt xuyên Đông Dương lên tận Vân Nam Trung Quốc chui qua 100 hầm (tunen) trong núi để thuận lợi khai thác tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực lao động thuộc địa mang về cho nước Pháp. Công bằng mà nói bên cạnh sự cai trị thâm độc, bóc lột tàn bạo, đàn áp dã man người yêu nước, làm ngu dân ở xứ thuộc địa, với Việt Nam nước Pháp cũng đã đặt nền móng xây dựng mô hình quản trị nhà nước, phát triển kinh tế văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng… ở trình độ cao hơn, mạnh hơn thời chế độ phong kiến Việt Nam cai trị bị lệ thuộc phong kiến Trung Quốc trước đây. Nhà sử học về Đông Dương Georges Taboulet đã viết về quá trình xâm chiếm đô hộ, xây dựng các nước ở xứ Đông Dương “là một kỳ tích của Pháp”!
Bản đồ đường sắt xuyên Đông Dương thập niên 20, TK XX
Có thể gọi đây là lần “Thoát Trung” đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do người Pháp thực hiện.
Khi làm cuốn sách song ngữ Việt - Anh TÌM CHƠI CỔ VẬT VIỆT đã được NXB Hà Nội in năm 2005, mặc dầu đã mầy mò tìm đọc nhiều sách, tài liệu liên quan để có thể trả lời câu hỏi người Việt Nam đã chơi cổ vật từ khi nào? nhưng quá khó đối với tôi. Các tài liệu lịch sử Việt Nam cổ chữ Hán ít nói về việc này, song thiết nghĩ chắc chắn Vua chúa, quan lại, hào phú nước Việt thời xa xưa cũng có người mê chơi món này chứ?
Sách NXB Hà Nội in 2005
Từ những biến động lịch sử nói trên, với cách nghĩ của kẻ chơi cổ vật thiết nghĩ một cách tương đối là từ khi người Pháp cho thành lập ĐÔNG DƯƠNG BÁC CỔ tại Hà Nội đầu thế kỷ 20 (nay là Bảo tàng quốc gia Việt Nam) đã mở ra một phong cách chơi cổ vật mới cho người Việt Nam. Vì từ đây đã có một số người Việt sang Pháp học tập, làm ăn buôn bán thời đó đã hiểu biết về giá trị, về thương mại, về đấu giá cổ vật… ở Pháp nên đã có một số ít người Việt giầu có bắt đầu biết cách chơi, cách lựa chọn các loại đồ cổ mang dấu ấn văn hóa riêng biệt để tìm chơi.
Hiện nay nhiều người chơi cổ vật Việt Nam chỉ biết sơ lược về cụm từ Bán đảo Đông Dương, nhưng theo tôi người chơi nên hiểu rõ hơn lịch sử ra đời cùng các dấu ấn văn hóa ở các vùng đất trên Bán đảo này để thêm phần trân quý các cổ vật còn lại đến nay. Tôi đã đọc cuốn sách ĐÔNG DƯƠNG XƯA của tác giả Jean Despierres do NXB Giáo Dục Việt Nam dịch in 2010 đã viết: Bán đảo Ấn - Trung, Đông Dương thuộc Pháp (Indo-China) có tên gọi như vậy là do nhà địa lý Malte-Brun đã đặt tên từ năm 1907 và là tên gọi chính thức cho vùng đất này. Vùng đất rộng lớn ấy nằm giữa hai tiểu Châu lục Ấn Độ và Trung Hoa, có biên giới kéo dài đến biên giới Ấn - Trung phía bắc, đến các vịnh Ấn độ dương và Biển Đông ở phía Nam. Trên vùng đất này đac có nhiều Vương quốc tồn tại lâu đời và không ngừng bành trướng xâm lấn lãnh thổ của nhau. Các Vương triều đánh nhau khi thành công, lúc diệt vong kể từ thời Đế chế Kơme, Myanma, Đại Việt, Chămpa, Phù Nam… Cho đến TK 17 nhiều nhà truyền giáo và thương gia Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã đến đây để xây dựng các chi nhánh thờ tự và buôn bán của họ. Vào TK 19 là cao trào xâm chiếm thuộc địa của các nước Châu Âu nên Anh và Pháp là những nước lớn, giàu có và phát triển đã mang quân đến xâm chiếm vùng đất này để cho Hải quân của họ có căn cứ trên đường qua Trung Hoa, Nhật Bản. Vùng đất Đông Dương có địa chính trị để giao thương thuận lợi giữa Âu-Á, Đông-Tây.
Sách của tác giả Pháp dịch tiếng Việt in tại NXB Giáo Dục Việt Nam năm 2010.
Đông Dương thuộc Pháp bao gồm 3 Xứ Bắc, Trung, Nam Kỳ của Việt Nam và Vương quốc Lào, Vương quốc Cămpuchia với diện tích khoảng 735.000 km2 rộng hơn gần 1,5 lần nước Pháp. Năm 1930 dân số ở đây xấp xỉ 30 triệu.
- Nam Kỳ là vùng đất sau tỉnh Bình Thuận kéo đến Cà Mâu hưởng chế độ luật pháp thuộc địa do một Thống sứ người Pháp cai quản.
- Trung Kỳ là vùng đất từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận do Triều đình nhà Nguyễn cai quản cùng một viên Khâm sứ Pháp có bộ máy riêng đóng ở Huế làm cố vấn.
- Bắc Kỳ là các tỉnh từ Ninh Bình lên phía Bắc giáp Trung Quốc là xứ Bảo hộ của Pháp do một viên Công sứ người Pháp quản lý điều hành.
- Vương quốc Campuchia thủ đô Phnom Pênh có chế độ quân chủ dưới sự bảo hộ của Pháp.
- Vương quốc Lào thủ đô Luang Prabang có chế độ quân chủ dưới sự bảo hộ của Công sứ Pháp làm việc tại Viêng Chăn.
Thủ đô của toàn Xứ Đông Dương là Hà Nội. Ở đây có viên toàn quyền người Pháp, hàm tương đương Bộ trưởng của Chính phủ trực tiếp lãnh đạo toàn Xứ.
Với việc chia các vùng đất để cai trị của Pháp ngót trăm năm cho nên văn hóa các vùng miền ở Việt Nam không giống nhau thể hiện qua phong tục tập quán, di sản văn hóa phi vật thể, cổ vật…
Bản thân tôi luôn không phủ nhận thời đó nước Pháp đã mang đến văn minh và làm cho Việt Nam phát triển hơn thời nhà nước phong kiến theo Tầu. Người Pháp đã xây dựng ở Việt Nam một số ngành như y dược, giáo dục, nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc, xây dựng cầu đường, báo chí, đào tạo nguồn nhân lực… Có thể khẳng định chính người Pháp đã đặt nền móng của văn minh phương Tây ở Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu về địa chất, thiên văn, y dược, biển, rừng, nông nghiệp, thủy lợi, quy hoạch kiến trúc, giao thông thủy bộ, xây dựng … ở Việt Nam rất có giá trị khoa học cho đến ngày nay. Bên cạnh một số việc Pháp đã khai trí cho các nước thuộc địa thì nước Pháp thực dân với tư duy và bản chất tham tàn của nhà cầm quyền đế quốc đã làm cho nước Pháp mất lòng dân thuộc địa để rồi họ mất nhiều hơn là được.
Nhà hát lớn Sài gòn thập niên 30 TK XX
Nhà Đấu Xảo (đã bị phá) nay là Cung Hữu Nghị và Nhà thờ lớn Hà Nội thập niên 30, TK XX
Cầu Tràng Tiền Huế, thập niên 30 TK XX
Đã thành quy luật ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh, chính những thanh niên học sinh, trí thức người Việt được Pháp đào tạo và có người đang được ăn lương Pháp đã sớm tự nhận ra người Việt Nam đã bị mất nước, đại đa số dân chúng đang bị áp bức bóc lột tàn bạo… Chính họ là những người Việt Nam yêu nước đã chấp nhận bị tù đầy chém giết của Pháp để dấn thân bí mật lập Đảng tập hợp dân chúng đứng lên chống lại chính quyền cai trị của thực dân Pháp. Sau bao năm tranh đấu máu chảy đầu rơi, kết bè với các nước cộng sản trên thế giới để có sự giúp đỡ nguồn lực để đánh nhau với kẻ xâm lược, cuối cùng người Pháp đã bại trận buôc phải rút khỏi Xứ Đông Dương từ năm 1955.
Giờ đây bài học Việt Nam mất nước vào tay ngoại bang vẫn luôn còn giá trị cho hôm nay và mai sau. Người Việt Nam ta hiện nay và mai sau cần hiểu được đặc điểm lịch sử hình thành đất nước để tự trau dồi cho mình luôn có tinh thần đoàn kết dân tộc xây dựng đất nước vững mạnh mới mong yên ổn trước sự dòm ngó và mưu toan của các thế lực ngoại bang. Còn với giới chơi cổ vật khi hiểu được lịch sử đất nước sẽ định hướng rõ hơn việc sưu tập các loại cổ vật đã được sản sinh tại Việt Nam và Đông Dương xưa để lưu giữ cho mai sau.
Lịch sử Việt Nam cận, hiện đại đã cho thấy đất nước này có địa chính trị quan trọng như thế nào với quốc tế nên luôn bị các nước lớn mưu toan dằng xé. Thôi thì chính sự không dám luận bàn, nhưng còn về lĩnh vực cổ vật thì xin tâm sự.
Tôi buồn khi hiện nay giới chơi và giới buôn cổ vật ở Việt Nam đang chi khá nhiều tiền (cả ngoại tệ mạnh) để rước về Việt Nam cơ man đồ giả cổ của Trung Quốc và Châu Âu bán đầy ở các cửa hàng. Chắc chắn đó không phải cổ vật mà là hàng hóa ngoại nhập. Thực tế các món đồ gốm, sứ, đồng, gỗ, tranh… được những người mua ở nước ngoài giới thiệu là đồ cổ ùn ùn mang về Việt Nam cốt để bán cho những người có tiền đang thích chơi sang nhưng lại chơi trong vòng kín đáo. Những người chơi đồ cổ kiểu này đã không tiếc tiền đặt các tay buôn mua các đồ sứ đẹp Trung Quốc, các loại đồng hồ vỏ gỗ Châu Âu… và tin đó là đồ cổ để kín các tầng nhà. Tại sao tôi nói như vậy vì thực tế hiện rất ít người Việt Nam có đủ tiền để tranh mua được đồ cổ thật với người Trung Quốc và các nước giầu có khác. Có thể thấy ở các thành phố hiện có các cửa hiệu bán đồ sứ Trung Quốc, các loại đèn, đồng hồ, bàn tủ, xe đạp, xe máy cũ của Pháp, Đức, Anh, Bỉ… đã được mông má, thậm chí được đặt làm để bán cho người Việt. Thời nào chả vậy, làm kinh doanh là phải kiếm lợi nhuận, nhưng trong thời buổi toàn cầu hóa và phổ cập Intenet như hiện nay thì việc giới thiệu và mua bán hàng hóa trên mạng là bình thường, nhưng đối với cổ vật là hàng hóa đặc biệt thì mua bán theo kiểu giới thiệu trên mạng là khốn!
Nay đọc lại bài CỔ VẬT VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI của Trần Đức Anh Sơn đã đăng trên Tạp chí Cổ Vật Tinh Hoa số 10 và 11 năm 2004, 2005 tôi càng thấy nản vì ở các Bảo tàng nghệ thuật có tiếng của Pháp, Đức, Bỉ, Anh và một số sưu tập tư nhân ở các nước ấy hiện đang lưu giữ rất nhiều cổ vật Việt có giá trị cao mà nước ta không có. Lịch sử Trung Quốc cũng như Việt Nam trong thế kỷ XX đã bị nước ngoài xâm lược cướp phá nên mất nhiều cổ vật quý, giờ đây khi đã hưng thịnh chính phủ cũng như người dân Trung Quốc đã bằng mọi cách bỏ tiền mua lại nhưng món cổ vật đã bị mất mang về nước lưu giữ cho các thế hệ mai sau. Còn ở ta thì hầu như vẫn vắng lặng.
Tôi không dám cường điệu và quan trọng hóa vấn đề nhưng hãy thử hỏi nếu cứ đà này thì dấu ấn văn hóa nước ngoài sẽ lấn át dấu ấn văn hóa vật thể của Việt Nam ta đến thế nào trong thời gian tới? Biết rằng ở ta hiện dân trí thì chỉ có vậy, dân kinh doanh thì chỉ cần lợi nhuận rước về đủ thứ, thế nhưng còn quan trí thì sao? Liệu họ có nghĩ ra cách làm gì để mang lại hiệu quả trong việc xã hội hóa hoạt động sưu tập và bảo tồn các cổ vật quý cho đất nước hay vẫn cứ vậy?
Thiết nghĩ cuộc chơi là đa sắc, mong mọi người có thú chơi cổ ngoạn hãy bỏ tiền mua những thứ được gọi là cổ vật thật chứa đựng dấu ấn giá trị văn hóa Việt để lưu giữ cho gia đình, đất nước hôm nay và mai sau. Có như vậy thú chơi cổ vật mới đích thực là thú chơi văn hóa./.
Nhà thớ lớn- Bưu Điện, Sài gòn
Sài gòn, Dinh Thống Sứ