ĐIỀU NÊN BIẾT KHI CHƠI CỔ VẬT
Lan Phong
Để giúp bạn đọc hiểu thêm về giá trị văn hóa, kinh tế của cổ vật Việt Nam, xin giới thiệu đôi nét về CÁC BẢO TÀNG QUỐC TẾ, NHÀ NGHÊN CỨU ĐÃ ĐÁNH GIÁ & TRƯNG BẦY CỔ VẬT VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?, để ai đó đừng vì “lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân” mà tự xướng lên, rồi ngầm đưa ra những “dư luận đồn thổi”, hoặc quảng bá chủng loại cổ vật “lạ hoắc” và kêu lên là “tầm chơi loại này mới quý, còn loại kia thì không ra gì, thậm chí xúi quẩy, để trong nhà đen đủi…, còn những cổ vật loại này mới đích thực là đỉnh cao và rất có giá trị, bởi chúng đã được quốc tế đánh giá cao…!” nhằm lừa tiền thiên hạ kém hiểu biết.
Chúng ta có thể thấy giới chuyên môn trong ngành bảo tàng lịch sử nói riêng, khoa học xã hội, văn hóa nói chung, cũng như những người Việt Nam có điều kiện đã đến thăm một số Bảo tàng ở các nước Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Bỉ…, hoặc đã tham dự một số cuộc đấu giá ở HongKong, Bangkok, Pháp, Mỹ… đôi khi đã thấy một số hiện vật, cổ vật Việt Nam tại đó. Tất nhiên số lượng hiện vật không nhiều như các quốc gia có nền văn minh lâu đời khác trên thế giới như Ấn Độ, Ai Cập, Trung Hoa...
Vậy Việt Nam đã có những loại hình cổ vật nào đã được các bảo tàng quốc tế tuyển chọn giới thiệu? Xin thưa chỉ thấy có:
Các cổ vật đồng “văn hóa Đông Sơn” cách nay 2000 đến 2500 năm;
Các cổ vật gốm Đại Việt từ thế kỷ 11 đến 17, 18 (gốm Bắc Việt);
Các cổ vật văn hóa Chămpa (đá, đồng, vàng thế kỷ 7- 14 ở miền Trung);
Một số pho tượng Phật (gỗ, đá có niên đại muộn).
Còn về đấu giá quốc tế, thi thoảng thấy có một số ít cổ vật Việt Nam thuộc loại hình các cổ vật nêu trên, cộng thêm vài món “sứ ký kiểu”, một số bức tranh của vài họa sỹ được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945) đã được người Việt Nam chúng ta qúy trọng, còn đối với khách quốc tế thì họ hầu như ít quan tâm tới “sứ ký kiểu” và tranh mỹ thuật Đông Dương.
Thời gian qua, với chính sách mở cửa hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có sự giao lưu văn hóa với một số nước, vì vậy tại Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… đã có sự phối hợp giữa Bảo tàng lịch sử Việt Nam với các Bảo tàng của các quốc gia nêu trên để tổ chức trưng bầy giới thiệu một số cổ vật Việt Nam ở những nước đó. Các cổ vật chọn đi triển lãm đều do chuyên gia hai bên thống nhất tuyển chọn và chủ yếu vẫn là các cổ vật thuộc các nhóm nêu trên.
Đặc biệt một số nhà nghiên cứu cổ vật có uy tín người Pháp, Mỹ, Nhật đã làm sách xuất bản giới thiệu về cổ vật Việt Nam từ rất sớm, khi mà chính người Vệt Nam chúng ta còn chưa làm được việc này. Các tập sách giới thiệu cổ vật Việt Nam của quốc tế chỉ tập trung giới thiệu các cổ vật chất liệu đồng, gốm chưa có men, đá đã được chế tác vào thời “văn hóa Đông Sơn”, “văn hóa Champa” và dòng “Gốm cổ Đại Việt các thời Lý, Trần, Lê (Bắc VN)”. Bên cạnh đó cũng có một số sách quốc tế giới thiệu về đình chùa, tượng cổ ở phía Bắc Việt Nam, Champa... Bên cạnh đó do có thời kỳ lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” nên những cổ vật Hán - Việt cũng được các sách giới thiệu. Có thể thấy hầu như chưa có sách nước ngoài viết về các loại cổ vật khác nữa mà cho là quý của Việt Nam.
Gần đây ở Nhật Bản có một nhà sưu tập cao niên người Nhật do yêu thích, đam mê gốm Đại Việt (thế kỷ 11-17), nên trong nhiều năm qua khi còn làm vệc ở nước ta ông đã sưu tập để sở hữu được rất nhiều gốm Bắc Việt cổ Lý, Trần, Lê có giá trị cao (khoảng trên dưới 1500 món). Nghe nói vì tuổi đã cao nên ông ta đã tự nguyện hiến các cổ vật này cho 02 Bảo tàng ở Nhật Bản lưu giữ và trưng bầy giới thiệu với công chúng đất nước Phù Tang và khách quốc tế đến thăm, du lịch Tokyo (xem ảnh kèm). Khi xem người Nhật mới vỡ lẽ về kỹ, mỹ thuật rất cao trong việc chế tác các sản phẩm gốm của người Việt xưa, có thể đánh giá đứng đầu khu vực, kể cả Nhật Bản vào thời đó.
Có một Bảo tàng ở nước ngoài họ cho bầy 02 hiện vật gốm cổ men xanh trắng của thời Nguyên Trung Hoa (TK 13 - 14) và của Đại Việt cùng thời, người xem có nghề thấy rõ sản phẩm gốm Việt xưa long lanh, tinh xảo hơn. Đâu kém cạnh gì?
Như vậy rõ ràng Việt Nam chúng ta đã có những cổ vật chủng loại nào được quốc tế đánh giá cao và thừa nhận là quý, hiếm thì đã rõ.
Có một lời khuyên: Khi chơi cổ vật nên tìm kết giao với những người có kiến thức, có thực tiễn chuyên môn khi xem, nhận biết được đó là cổ vật cũng như biết được giá trị của nó (theo từng chủng loại và chất liệu), có tâm tính không tham lam… thì sẽ tránh được sự “đồn thổi”, “bao vây” của những tay buôn cổ vật không tốt. Tất nhiên không phải làm nghề buôn đồ cổ là tà tâm tất cả, thiết nghĩ đời nào cũng có những người buôn bán cổ vật có lương tâm và tử tế chứ! Không có người buôn bán cổ vật thì không có cổ vật để sưu tập. Đó là lẽ đương nhiên không cần bàn./.