ĐÌNH BỒ BẢN
Trần Văn Quyến
Đình Bồ Bản (蒲板亭) thuộc thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 04.01.1999. Đây là ngôi đình có giá trị lịch sử và kiến trúc, được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XIX, với lối kiến trúc cổ kính và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (Hội An).
Đình Bồ Bản
Làng Bồ Bản được thành lập vào những năm cuối thế kỷ XV (khoảng năm 1476) cùng với công cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông. Ban đầu có các tộc: Trần, Hồ, Trương, Nguyễn từ Thanh Hóa, Nghệ An vào khai khẩn đất đai và sinh cơ lập nghiệp. Về sau có các tộc: Tán, Đinh, Nguyễn, Phạm... đến ở. Khi đất đai được mở rộng, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, dân làng đã xây dựng đình Bồ Bản vào năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800) làm nơi thờ cúng, tế lễ và hội họp. Ban đầu đình được xây dựng bằng tranh tre tại gò Miếu Tam Vị, đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) đình được xây dựng lại bề thế hơn ở vị trí hiện nay. Phía trước mặt đình là cánh đồng rộng rãi với con sông Yên chảy bao quanh, lại có Gò Ổi phía trái; Gò Miếu Tam Vị bên phải tạo ra thế ‘rồng chầu hổ phục’.
Trải qua thời gian đình bị hư hỏng nên năm Thành Thái thứ 18 (1906) đình được trùng tu lại, vẫn giữ nguyên được hiện trạng lúc ban đầu. Trên thượng lương của đình hiện vẫn còn dòng chữ Hán khắc chìm: 成泰十八年歲次丙午三月二十五日依舊壬山丙向本社仝修造(Thành Thái thập bát niên, tuế thứ Bính Ngọ tam nguyệt, nhị thập ngũ nhật y cựu Nhâm sơn Bính hướng, bổn xã đồng tu tạo:Thành Thái năm thứ 18, Bính Ngọ, tháng 3 ngày 25, tọa Nhâm hướng Bính, bà con trong xã cùng trùng tu, tôn tạo).
Từ đó đến nay đình được tu sửa nhiều lần như làm lại mái, thay một số kèo ở hai gian chái, thay những cây cột hỏng bằng gỗ mít và kiền kiền... Tuy nhiên, kiến trúc nghệ thuật của đình thì hầu như không thay đổi.
Chính đường đình Bồ Bản
Đình Bồ Bản được kiến trúc theo kiểu ‘ba gian hai chái’. Bên trong phần chính điện đặt bàn thờ hương án thờ Thành Hoàng làng. Tả ban đề chữ quang tiền thờ tiên hiềnl hữu ban đề hai chữ dũ hậu thờ hậu hiền. Ngoài ra chính điện còn thờ: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương; Thần Nông Đại Đế; Quan Thánh Đế Quân; Thiên Y A Na Diễn Phi Ngọc Chúa Thượng Đẳng Thần; Dương Phi Phu Nhân... 36 cây cột trong đình đều được làm bằng gỗ mít và gỗ kiền kiền, được đặt trên kệ đá chạm hình trái bí. Ở phần mái hiên, các kết cấu ‘chồng rường giả thủ’, kèo giao kỷ 4 trụ chạm hình quy cánh quạt, 4 trính giữa chạm đầu rồng, bụng kèo chạm hình tứ quý, hình đầu rồng, dây lá... Tất cả đều được chạm trổ thành những tác phẩm độc đáo, tinh xảo và tài hoa dưới bàn tay của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng nổi tiếng một thời. Phần trang trí bên ngoài, trên nóc đình đắp hình ‘lưỡng long tranh châu’; gia thu giữa đắp ‘lưỡng phụng tranh ngọc’ và hình kim quy cá gáy; cuối mái ngói đắp cặp kỳ lân chầu vào cùng đồ án ‘thanh long - bạch hổ’ (còn gọi là ‘long hổ hội’) tạo cho ngôi đình dáng vẻ cổ xưa và nghệ thuật khảm sành sứ với kỹ thuật tinh xảo.
Ngoài giá trị nghệ thuật và điêu khắc, đình Bồ Bản còn là nơi tập họp đoàn biểu tình của tổng An Phước, huyện Hòa Vang để đi giành chính quyền từ tay thực dân phong kiến, thành lập Ủy ban Hành chính của xã Bồ Bản vào tháng 8.1945. Nơi đây cũng là địa điểm hoạt động cách mạng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Hình chạm trổ bên trong đình.
Hiện trong đình còn giữ được một bộ Long đình dùng để thỉnh sắc phong của vua, cao 2,2m, rộng 1m xung quanh chạm hình hoa lá, trên nóc chạm lưỡng long chầu nguyệt, 4 góc chạm 4 hình con lân rất cổ kính; một văn bia miếu Quan Thánh Đế Quân của làng, lạc khoản đề năm Tự Đức ngũ niên (1852); một bệ thờ mới được dân làng thỉnh về đình từ miếu Bà, vốn là phế tích của một tháp Chăm xưa.
Hàng năm vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ) làng tổ chức tế lễ cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Ngoài ra vào ngày mồng 1 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng còn tổ chức lễ Minh niên và ngày rằm tháng 8 có cúng tế các vị tiên hiền cầu an ở đình Bồ Bản.
Đình Bồ Bản hiện đang được nhân dân địa phương và các cấp chính quyền chung tay giữ gìn để bảo lưu một ngôi đình cổ còn nguyên vẹn mang nhiều dấu ấn lịch sử và nghệ thuật điêu khắc của thành phố Đà Nẵng, như ước nguyện của dân làng Bồ Bản thể hiện ở đôi câu đối trước đình làng: 禮樂衣冠之萃. 聲名文物將都 (Lễ lạc y quan chi tụy. Thanh danh văn vật tương đô: Nơi lưu giữ lễ lạc y quan. Chốn hội tụ thanh danh văn vật).