Hơn 20 năm trước,
Nxb Thế Giới đã xuất bản cuốn sách: Gốm Bát Tràng, thế kỷ 15-19 (Phan Huy
Lê, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc, 1995). Trong cuốn sách đó đã giới thiệu
nhiều tiêu bản thuộc dòng gốm men rạn của lò Bát Tràng. Đặc biệt, trong sách giới
thiệu những đồ gốm có minh văn chữ Hán
cho biết rõ nhiều thông tin về niên đại,
họ tên các tượng nhân và đồng thời cho phép theo dõi nhiều dấu mốc
chuẩn của dòng men này từ đời vua Lê Kính Tông, 1601 đến đời Nguyễn Gia
Long,1802. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi được biết thêm nhiều đồ gốm Bát
Tràng trong các sưu tập tư nhân rất đáng chú ý.Trong bài
này xin giới thiệu về nhóm đồ gốm men Bát Tràng của một sưu tập tư nhân ở Hà Nội
với nhiều chủng loại như ang, nậm rượu, bình, chóe, lọ và đĩa, niên đại thế kỷ
18-20. Đặc biệt,có chiếc đĩa gốm hoa lam ,minh văn cho biết chế tạo vào niên hiệu
Khải Định,1916-1925.
1.Đồ gốm Bát Tràng thời Lê- Nguyễn,thế kỷ 18-19
a)Ang gốm men rạn độc sắc, có miệng hình trụ, vai vát thân hình trụ thấp, dưới thu vào chân đế. Hai bên có tai hình thang. Lớp men rạn này có thể xếp vào kiểu rạn phiến hay nhành liễu. Ang có chiều cao 13,0cm, đường kính miệng 14,0cm. Đây là một tiêu bản gốm Bát Tràng, cuối thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 18.
b)Bình gốm men nhiều màu có miệng loe, cổ eo cao, vai phình, thân dáng chuông, đế lõm. Đây là dáng phổ biến ,cao75 cm. Thành ngoài trang trí nổi đề tài “cửu long”, và mây nổi. Các hình rồng mây này được chạm khắc nổi sau đó tô điểm men vàng, xanh trên nền men rạn ngà .
Cùng kiểu dáng loại bình gốm men nhiều màu trên có chiếc bình cao 87,8cm, xung quanh chạm đắp nổi, tô mem màu xanh, vàng trên nền men rạn diễn tả theo tích truyện Tam Quốc Chí: “Tam cố thảo lư” (ba lần đến lều cỏ), kể câu chuyện thời Tam quốc, ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi đến tìm Khổng Minh)
C) Chóe gốm men nhiều màu trong sưu tập này gồm năm chiếc đều còn đủ nắp và kiểu dáng tương tự nhau. Chóe có miệng đứng hình trụ, vai phình, thân thuôn, chân đế choãi. Trên vai chóe đều có gắn bốn đầu sư tử ngậm vòng. Trên thân chóe có trang trí các đề tài khác nhau:
+Chiếc thứ nhất, cao 65,5cm, đường kính miệng 20,0cm. Chóe có nắp chỏm búp sen,xung quanh vẽ mây; thân chóe trang trí đề tài cửu long và sóng nước. Hình rồng và sóng nước chạm nổi rồi tô men nâu, vàng .
+Chiếc thứ hai cao 83,5cm, đường kính miệng 24,8cm: Chóe có nắp, chỏm hình chim phượng và mây, thân chạm đắp đề tài “Ngư long hý thủy”.
+Chiếc thứ ba và thứ tư: Hai chiếc chóe này có nắp, chỏm nắp hình nghê quỳ, xung quanh nắp là mây nổi, vai chạm băng lá đề; xung quanh chân chạm băng sóng nước và thân chóe chạm đề tài tứ linh: Long-Ly-Quy-Phượng.
+Chiếc thứ năm: Chóe có nắp, chỏm búp sen, xung quanh là mây. Vai chóe chạm băng lá đề, xung quanh chân chạm băng sóng nước. Thân chóe chạm “ Lưỡng long tranh châu” và mây lửa.
Men màu trên năm chiếc chóe này là màu xanh, vàng, đen, nâu, trên nền men trắng rạn.
2. Đồ gốm Bát
Tràng thời Nguyễn ,thế kỷ 19-20
a) Cặp bình gốm men rạn, kiểu dáng như nhau, miệng loe, cổ cao, vai phình, thân hình trụ, đế lõm có men. Người sưu tầm thường gọi là loại bình hình “trái bí”. Cặp bình này có trang trí giống nhau, xung quanh thân bình gắn hai chữ nổi, kiểu chữ triện: “ Thanh, Phong” trong ô viền nổi hình khánh, tô men vàng, xen kẽ hai chữ Thọ kiểu triện. Bình cao 52,8cm .
Ngoài ra có chiếc bình gốm men nhiều màu, miệng loe, cổ eo, vai phình, chân đế thót, đáy có men, xung quanh thân chạm nổi đề tài tứ quí trong bốn ô hình bông hoa tròn: Tùng hạc, mai điểu, cúc điệp và trúc điểu, tượng trưng cho bốn mùa xuân-hạ-thu-đông.
Đặc biệt có chiếc bình gốm men nhiều màu với nền men xanh sẫm, miệng loe, cổ cao, thân dáng “túi mật”, đế thấp, đáy lõm phủ men trắng. Trên cổ bình có hai quai hình cành mai. Xung quanh thân bình thể hiện đề tài: “Tô Vũ chăn dê” với cây tùng, ông lão cầm gậy và xung quanh là những con dê. Bình cao 59,8cm, đường kính miệng 29,5cm .
b)Nậm rượu có nắp, nắp hình chỏm cầu, chỏm nắp hình núm quả đào. Nậm có cổ cao hình trụ, thân hai bầu, đế thấp và rộng. Xung quanh nậm trang trí nổi, tô men xanh ,vàng và nâu, đề tài: “Bát tiên quá hải” (tám vị tiên qua biển, mỗi vị đứng trên một dải mây), xen giữa nhiều dải mây lửa, trên nền men rạn.(ảnh 4) Chiếc nậm này cũng thuộc loại khá hiếm quý, cao 48,0cm, thuộc đầu thời Nguyễn, thế kỷ 19
c)Lọ rượu gốm
men nhiều màu, dáng củ tỏi, cổ cao vút, thân phình, đế thấp. Trang trí nổi trên
cổ và thân là mây và hình “Long mã hà đô”.
Lọ cao 30,2cm. Men nền màu xanh ghi, men tô trên hình long mã và mây là các màu
vàng, xanh thẫm và trắng. Đây là một đồ gốm Bát Tràng, đầu thời Nguyễn, thế kỷ
19.
d) Lọ rượu gốm men vàng rạn trong men, tạo dáng củ tỏi, miệng hơi loe, cổ cao, thân dáng túi mật treo, chân đế thấp, đáy lõm có in chữ “Thọ” tròn, phủ men vàng. Trên thân chạm nổi hình một người dắt trâu dưới gốc liễu. Đây là thể hiện đề tài theo tích cổ Trung Quốc. Lọ rượu gốm này là đồ gốm Bát Tràng, thời Nguyễn, thế kỷ 19.
e) Lọ rượu gốm men nhiều màu, miệng hơi loe (đã bịt kim loại), cổ cao hình trụ, thân dáng củ tỏi, chân đế cao. Trên thân chạm nổi đề tài : “ Lã công điều vị” mô tả một ngư ông, áo tơi nón lá, dưới gốc liễu, men phủ trên trang trí men vàng, xanh lục và trắng xám. Lọ cao 26,0cm, đường kính miệng 6,0cm.
f)Đĩa gốm hoa lam Bát Tràng tạo đời Khải Định . Đĩa có vành miệng loe ngang, nông lòng, đế thấp và rộng. Lòng đĩa vẽ đề tài trúc-thạch với ba cây trúc, dưới gốc là những mảnh đá. Viền miệng và thành ngoài có ba đường chỉ men lam. Dưới đáy viết bốn chữ Hán: “Khải Định niên chế” bằng men lam.
Men vẽ màu xanh tím, men nền trắng xám nhạt. Đĩa có chiều cao 4,4cm, đường kính miệng 41,2cm . Đây là chiếc đĩa gốm Bát Tràng có minh văn chế tạo vào đời Khải Định (1916-1925).
Như vậy, chiếc đĩa này, tính đến năm nay (2016), có thể đã vừa tròn 100 năm và là trường hợp gốm Cung đình thời Nguyễn có minh văn muộn nhất, lần đầu tiên được giới thiệu trong sưu tập này.