ĐỒ TRANG SỨC TRONG VĂN HÓA ÓC EO
Trần Đức Anh Sơn
Văn hóa Óc Eo
Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 và phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu, thuộc địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Bạc Liêu… của Việt Nam và một phần đất đông nam vương quốc Campuchia. Tên Óc Eo được đặt cho nền văn hóa khảo cổ này xuất phát từ địa điểm phát hiện những cổ vật đầu tiên là cánh đồng Óc Eo - Ba Thê (nay thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào đầu thế kỷ 20. Sự độc đáo của các hiện vật mang đậm dấu ấn của văn hóa Ấn Độ đã khiến các học giả người Pháp đương thời như G.Coedes, L.Malleret, H. Parmentier… quan tâm đến nơi này. Tuy nhiên, phải đến ngày 10/2/1944, nhà khảo cổ học L.Malleret mới bắt đầu khai quật di chỉ Óc Eo và phát hiện những dấu vết nền móng của những công trình kiến trúc lớn và rất nhiều di vật có nguồn gốc bản địa lẫn ngoại lai, chứng tỏ nơi đây từng là một trung tâm thương mại lớn của khu vực hạ lưu sông Mêkông vào những thế kỷ đầu Công nguyên. L.Malleret chính là người đã lấy tên di chỉ Óc Eo để đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này. Những nghiên cứu khảo cổ sau này cho thấy cách đây khoảng 3.000 năm, do mực nước biển dâng cao hơn ngày nay, nên khu vực Óc Eo - Ba Thê ngày nay từng là một cửa biển nối thông với vịnh Thái Lan. Trong thời kỳ vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1 - 7), nơi đây là một hải cảng sầm uất, là cửa ngõ giao thương giữa phương Đông và phương Tây thời cổ đại. Nhiều hiện vật bằng đá quý, kim loại quý cùng nhiều hàng hóa có nguồn gốc từ những châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á… đã chứng minh cho nền thương mại phát đạt nơi đây.
Chuỗi trang sức gồm 1 hạt chuỗi bằng thạch anh tím và 33 hạt chuỗi bằng pha lê, khai quật ở di chỉ Gò Hàng (Long An). Thế kỷ 1 Trước CN - 3 Sau CN. Hiện vật của Bảo tàng Long An
Từ sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiếp tục khai quật nhiều di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo ở các tỉnh đồng bằng sông Mêkông và đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc, di chỉ mộ táng và đặc biệt là dấu vết của một trung tâm sản xuất muối thời cổ đại thuộc nền văn hóa Óc Eo. Nhà khảo cổ học người Đức Andreas Reinecke đã cùng các đồng nghiệp Việt Nam khai quật di tích Gò Ô Chùa (ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã phát hiện hàng nghìn mảnh “chạc gốm” trong tầng văn hóa Óc Eo. So sánh với những công cụ làm muối bằng gốm được phát hiện ở châu Âu cách ngày nay từ 3.000 đến 2.000 năm, TS. Andreas Reinecke, cho rằng những “chạc gốm” 3 chấu thuộc nền văn hóa Óc Eo phát hiện ở Gò Ô Chùa chính là dụng cụ nấu muối của người cổ đại. Ông cũng khẳng định đây là trung tâm “sản xuất muối” sớm ở Đông Nam Á.
Dây chuyền bằng vàng. Thế kỷ 7-8. Hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Các nhà khảo cổ học cũng xác định chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo là những người bản địa thuộc chủng Indonesien, là những người có đời sống kinh tế khá giả, có tôn giáo tín ngưỡng phát triển, chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ cổ đại. Họ đã làm chủ nhiều ngành nghề thủ công phát triển cao như nghề làm gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn, nghề làm thủy tinh…, mà bằng chứng là hàng ngàn hiện vật có độ tinh xảo cao được phát hiện trong các di chỉ thuộc nền văn hóa Óc Eo, đặc biệt là nghề làm kim hoàn, chế tác đồ trang sức. Họ cũng là những người không chỉ giỏi về thủ công mỹ nghệ, mà còn là những thương nhân và đặc biệt là những “tổ sư” của nghề làm muối ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Mặt dây chuyền bằng vàng nạm thạch anh tím (trên); Nhẫn vàng nạm ngọc xanh (dưới, trái) và nhẫn vàng nạm ngọc ruby (dưới, phải). Khai quật ở di chỉ Gò Xoài (Long An). Thế kỷ 7-8. Hiện vật của Bảo tàng Long An
Đồ trang sức trong văn hóa Óc Eo
Một trong những thành tựu nổi bật của chủ nhân văn hóa Óc Eo chính là kỹ nghệ chế tác đồ trang sức và lối phục sức của chủ nhân nền văn hóa này. Theo các nhà khảo cổ, người xưa chế tác và sử dụng đồ trang sức vì nhiều lý do: làm đẹp, thể hiện sự giàu có, thể hiện địa vị xã hội, tuân theo tập tục và tín ngưỡng. Vì thế, họ đã kỳ công sáng tạo ra những món trang sức rất tinh xảo, kỹ thuật cao và giàu tính nghệ thuật. Chủ nhân văn hóa Óc Eo cũng làm điều tương tự.
Khuyên tai bằng vàng. Thế kỷ 6. Hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Do đã làm chủ được những kỹ thuật cao trong lĩnh vực thủ công - mỹ nghệ như nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn nên người Óc Eo đã làm ra những món trang sức xuất chúng. Họ đã biết cách mài thạch anh để làm nên một chuỗi trang sức gồm một 1 hạt chuỗi bằng thạch anh tím và 33 hạt chuỗi bằng pha lê, dài 41cm, được tìm thấy trong di chỉ Gò Hàng, tỉnh Long An, có niên đại vào khoảng thế kỷ 1 - thế kỷ 3. Kỹ thuật khoan và chạm khắc chìm trên những vật thể cứng và nhỏ cũng được người Óc Eo sử dụng thành thạo. Bằng chứng là những món trang sức phẳng, tương tự như mặt dây chuyền hay mặt nhẫn trong nữ trang hiện đại, làm bằng mã não và carnelian, trên đó có khắc chìm hình sư tử và hình người ngồi, khai quật ở di chỉ Óc Eo, tỉnh An Giang, có niên đại vào khoảng thế kỷ 6.
Vòng tay bằng vàng. Thế kỷ 6. Sưu tập tư nhân
Tuy nhiên, thành tựu nổi bật nhất trong nghệ thuật chế tác đồ trang sức của chủ nhân văn hóa Óc Eo chính là việc tạo nên những món trang sức bằng vàng với sự điêu luyện trong thuật luyện kim và sự tinh tế về mặt thẩm mỹ. Họ đã biết làm ra những sợi dây chuyền bằng vàng với sự tinh xảo mà thợ kim hoàn đời nay cũng phải thán phục, hoặc những hạt chuỗi bằng vàng hình khối cầu có 8 đỉnh tỏa ra 8 hướng tạo thành 1 chuỗi trang sức với 14 hạt có kích thước nhỏ dần, gắn với một hạt chuỗi bằng thủy tinh tinh luyện, trông rất bắt mắt. Các nhà khảo cổ học còn phát hiện trong di chỉ Óc Eo những chiếc nhẫn gắn hình bò thần Nandin bằng vàng (đk 1,9cm), những chiếc khuyên tai bằng vàng với nhiều kiểu dáng khác nhau, những chiếc vòng tay hình lò xo và những chiếc chuông bằng vàng xâu chuỗi đeo ở cổ chân.
Vòng cổ chân bằng vàng. Thế kỷ 6. Sưu tập tư nhân
Sang thế kỷ 7-8, người Óc Eo dùng vàng lá để chế tác các vật trang sức và trang trí dạng phẳng, với kỹ thuật khắc miết tạo hình và chữ trên lá vàng để tạo nên các đồ án trang trí mà chiếc hoa sen bằng vàng (đk 7,1cm) khai quật ở di chỉ Gò Xoài (Long An) là hiện vật điển hình. Ngoài ra, vàng cũng được chế tác các vật để dâng hiến thần linh như hình rắn hổ mang và nhiều mảnh vàng dát mỏng có khắc chữ Phạn, dấu tích chứng tỏ sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Óc Eo. Trong số đó, đáng chú ý nhất là chiếc nhẫn vàng có khắc dòng chữ Phạn trên bề mặt, có niên đại vào thế kỷ 7 - thế kỷ 8.
Vật trang sức làm bằng mã não và pha lê có khắc chìm hình sư tử và hình người ngồi, khai quật ở di chỉ Óc Eo (An Giang). Thế kỷ 6. Hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Tp.Hồ Chí Minh
Người Óc Eo cũng đã biết đến kỹ thuật khảm đá quý lên các món đồ trang sức bằng vàng. Tại di chỉ Gò Xoài (Long An), các nhà khảo cổ học đã phát hiện 3 món trang sức rất đặc biệt của người Óc Eo, gồm một mặt dây chuyền bằng vàng nạm thạch anh tím (cao 2,6cm, rộng 1,9cm; dày 0,2cm); một chiếc nhẫn vàng nạm ngọc xanh (đk 2,2cm) và một nhẫn vàng nạm ngọc ruby (đk 1,8cm). Ba hiện vật này được coi là những đại diện tiêu biểu cho đồ trang sức khảm đá quý của văn hóa Óc Eo.
Khuôn đúc nữ trang và tiền chinh bằng đá, khai quật ở di chỉ Óc Eo (An Giang). Thế kỷ 5-6. Hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Tp.Hồ Chí Minh
Không chỉ phát hiện các món trang sức, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện cả khuôn đúc đồ trang sức bằng đá trong di chỉ Óc Eo (An Giang). Điều này đã chứng minh tính bản địa của các món đồ trang sức Óc Eo, cho dù, Óc Eo nằm trên con đường giao lưu thương mại nổi tiếng, liên kết các nền văn minh cổ đại là Trung Hoa và Ấn Độ ở phương Đông với La Mã ở phương Tây.
Có thể nói rằng, nghệ thuật chế tác đồ trang sức trong văn hóa Óc Eo là những thành tựu rực rỡ, phản ánh trình độ văn hóa, thẩm mỹ, kỹ thuật điêu luyện của những chủ nhân xưa của vùng đất Nam Bộ Việt Nam. Nhiều món đồ trang sức của người Óc Eo xưa không chỉ có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giá trị kinh tế, mà còn xứng đáng là hình mẫu cho các bộ sưu tập trang sức hiện đại, nhất là trong bối cảnh xu hướng “hoài cổ” đang là thời thượng trong giới thiết kế đồ trang sức ở Việt Nam hiện nay.