ĐÔI NÉT VỀ GIỚI CỔ VẬT VIỆT NAM THỜI COVID 19

                                                                                               Đào Phan Long

         Kể từ ngày đại dịch lạ hết sức nguy hiểm bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019 đến nay đã 2 năm. Toàn thế giới đã trả giá vì chết hàng chục triệu người và tốc độ lây lan của các chủng loại virus này rất mạnh trên phạm vi toàn cầu. Tất cả mọi hoạt động kinh tế văn hóa an sinh xã hội… của các quốc gia giầu nghèo đều bị đảo lộn do tập trung phòng chống đại dịch này mang tên gọi Covid 19.

          Trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trong ngoài nước đã nói nhiều về tác hại ghê gớm giết người của chủng loại virus này, về công sức, tập trung tài lực của nhiều quốc gia để con người nghiên cứu thành công các loại vacxin đặc hữu tiêu diệt chúng bảo vệ nhân loại, về quyết tâm, quyết liệt chống dịch cứu người của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam ta. Đại dịch đã làm bao gia đình mất mát người thân, quốc gia hao tổn tài lực đến nay vẫn chưa dừng. Thật bàng hoàng chứng kiến hậu quả khôn lường, chưa có tiền lệ của đại dịch Covit 19.

          Chỉ qua 2 năm đại dịch đã làm suy giảm trầm trọng tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng không thuận đến an sinh xã hội của mọi quốc gia, đời sống nhân dân khó khăn thiếu thốn gấp bội… tất nhiên hoạt động của giới cổ vật Việt Nam cũng không thoát cảnh bi đát do đại dịch gây nên. Giới cổ vật thành phố HCM còn có vài người đã qua đời do đại dịch… xin hành thật được chia buồn. Đây là nguyên nhân khách quan bất khả kháng đã làm hoạt động của giới cổ vật tạm lắng chờ thời.

          Trong hoàn cảnh khó khăn cách li cách trở do đại dịch gây ra việc giao lưu gặp mặt của giới cổ vật rất hạn chế nên cũng như những nghề khác mua bán cổ vật khá sôi nổi trên mạng. Xem ra với cổ vật mua bán kiểu này giữa mọi người không ổn vì đây là hàng hóa đặc biệt nếu không sờ tận tay, xem tận mắt là không tin được. Không ít cổ vật chào trên mạng của nhà đấu giá này nọ nước ngoài và nhiều chủ hàng trong nước nhưng đã phần không ổn với những người biết nghề. Đồ gốm Việt cổ đã được làm giả không ít ở nước ngoài để chào bán, mong đừng ham quá mà bị “vấp mìn”.

        Đáng ra trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch như vậy và bùng nổ mua bán qua mạng thì vai trò của các Hội cổ vật ở các tỉnh, thành cần lên tiếng cũng qua mạng xã hội để giúp nhau tránh “mìn” nhưng rất tiếc đã không có hoạt động này. Ngay Hội cổ vật Thăng Long là Hội có thâm niên lâu nhất, nhiều người giỏi về cổ vật nhất cũng không làm được, thậm chí hoạt động Hội còn xẹp lép vì không ai trong Ban lãnh đạo còn nhiệt tình, quan tâm và vì cái chung như trước đây. Rất đáng trách và đáng buồn. 

          Trước đại dịch lần này đã có một số cổ vật Việt, Trung Quốc, tranh của Họa sỹ Mỹ thuật Đông Dương có giá trị thật sự hồi hương là điều đáng vui, nhưng đây là hoạt động tự phát nên chỉ được một thời gian ngắn đã bị thật giả lẫn lộn do lợi nhuận của người kinh doanh nên đã làm cho một số người có điều kiện tầm chơi khốn khổ. Đã từ lâu một số quốc gia châu Á trước đây bị phương Tây cai trị trong nửa cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 nay đã giành được độc lập và xây dựng kinh tế văn hóa xã hội phát triển có vị thế trên trường quốc tế đã có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tìm kiếm mua cổ vật mang dấu ấn văn hóa cao của đất nước đã bị cướp bóc, mua rẻ mạt thời trước hồi hương. Còn ở ta nhà nước chưa làm được việc này và suốt bao năm qua vẫn hầu như để cho giới kinh doanh tự phát làm vì lợi nhuận. Không biết đến bao giờ Việt Nam ta mới học để làm được như các quốc gia châu Á khác? Nhìn chung đã từ lâu các Bảo tàng ở Việt Nam chưa mua được nhiều những cổ vật có giá trị cao trong dân nên làm sao lại mua được từ nước ngoài mang về chỉ vì những quy định hiện hành và do đó những cổ vật Việt có giá trị âm thầm vẫn ra đi mãi mãi.

          Để góp phần chấn hưng văn hóa, hiện ở ta đã có một số giới chủ, cá nhân có điều kiện tài chính đã bắt đầu dành một số kinh phí để đầu tư các sưu tập cổ vật giúp tôn vinh và truyền bá các giá trị văn hóa vật thể của đất nước cho hôm nay và mai sau. Đó là tín hiệu vui và giới chơi cổ vật trong nước cũng như Chính phủ nên có chủ trương tôn vinh, khuyến khích. Đáng ra việc này cần làm cách nay vài chục năm, nhưng dẫu sao muộn còn hơn không vì mục đích xây dựng đất nước phát triển vững bền. Nhưng nói đi phải nói lại. Hiện có không nhiều Bảo tàng tư nhân ra đời ở một số địa phương, có vài giới chủ cho người tìm mua cổ vật nhưng lại dựa vào tư vấn và môi giới chưa chưa có kiến thức thực chất về cổ vật nên hầu như chưa mua được nhiều cổ vật mang dấu ăn văn hóa Việt có giá trị cao. Có vị đã bỏ ra tới nhiều chục tỷ đồng để mua cổ vật nhưng vẫn là mua quạng nên rất phí vì các vị vẫn dựa vào mấy người có danh nhưng thiếu thực tế và những người kinh doanh cổ vật chưa có có tầm, có tâm nên không biết theo đà này rồi sẽ đến đâu?

          Nhân năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến xin có vài chia sẻ với bạn chơi cổ vật Việt Nam. Mong mọi điều tốt lành sẽ đến với tất cả chúng ta./.