GIÁ TRỊ CỦA CỔ VẬT
Đào Phan Long
Đa phần mọi người đều đặt câu hỏi: Không hiểu tại sao ba cái đồ được gọi là đồ cổ lại đắt vậy?, nhưng khi ta bước vào cuộc chơi mới thấy được tại sao giá mua bán cổ vật lại đắt.
Các hiện vật đạt được các tiêu chuẩn để trở thành cổ vật thật sẽ đắt bới giá trị của nó bao gồm nhiều giá trị từ kỹ mỹ chế tác đến dấu ấn lịch sử, dân tộc của một thời xa xưa mà mãi mãi về sau không ai có thể tạo ra được nữa. Cổ vật đắt còn vì chúng thỏa mẫn được thú chơi văn hóa của con người. Cổ vật là di sản văn hóa vật thể còn giúp cho người chơi hiểu biết thêm được bản sắc và truyền thống văn hóa riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Hơn nữa cổ vật có cái giá cao chính là vì sự sống sót của chúng qua bao biến động của thiên nhiên, của chiến tranh tàn phá do con người tạo ra theo dòng thời gian bất tận.
Bệ, gốm hoa nâu, thời Lý- Trần, TK 12-13
Năm 2007 tôi đã có dịp đến tham quan trụ sở Liên hợp quốc tại NewYork - Mỹ, thấy ở đây có một khu riêng để đặt “Logo văn hóa” tiêu biểu cho mỗi quốc gia thành viên. Sau khi Việt Nam thống nhất và độc lập thật sự vào năm 1975 để rồi được công nhận là thành viên chính thức của Liên hợp quốc, nước ta đã gửi đến chiếc trống đồng đúc mới phỏng mẫu cổ thời văn hóa Đông Sơn để trưng bầy nhân lần đầu tiên nguyên thủ nước ta sang dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần đầu tiên.
Tại sao nước ta lại chọn mẫu trống đồng Đông Sơn? Có lẽ vì các nhà khảo cổ, sử học, văn hóa nước ta và quốc tế đã khẳng định vẻ đẹp toàn mỹ của đồ “đồng mục” có tên gọi “đồng Đông Sơn” cách nay trên 2000 năm. Chính đó là những sản phẩm của tộc người Viểt cổ cư trú trên vùng đất Bắc bộ nước ta đã chế tác ra chúng. Đây là chứng tích văn hóa còn sống sót được đến ngày nay tiêu biểu cho các tộc người Âu Việt và Lạc Việt cổ (thời nhà nước Âu Lạc sơ khai) trước khi vùng đất này bị người Hán thôn tính cai trị suốt ngàn năm đau thương thời thuộc Bắc từ thế kỷ 1 đến 10 sau công nghuyên.
Là người Việt Nam chơi cổ vật mà không hiểu và trân trọng lưu giữ Cổ vật như “đồ đồng thời văn hóa Đông Sơn” và “đồ gốm cổ sinh ra trong thời phong kiến tự chủ Đại Việt Lý, Trần Lê” ở Bắc Bộ Việt ngày nay thì quả thật đáng tiếc!
Thố, Đồng, VHĐS, cách nay 2000-2500 năm |
Trống đồng VHĐS cách nay 2000-2500 năm |
Mũi tên & Mũi giáo đồng- VHĐS, cách nay 2000-2500 năm |
Lẫy nỏ đồng, VHĐS cách nay 2000-2500 năm |
|
|
Tôi ngẫm ra: Xã hội loài người muốn tồn tại phải luôn tìm cách để phát triển, đó là quy luật. Theo thời gian con người ngày một văn minh hơn, hoàn thiện hơn, song khi con người càng ngày càng văn minh hơn thì việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống, đối xử với nhau thực dụng hơn quá khứ, lãng quên bản sắc và văn hóa truyền thống lại ngày một mạnh hơn… Chính vì vậy những vật thể nào đã được con người làm ra từ thuở xa xưa mà còn sống sót được đến ngày nay do thoát được sự phá hủy của môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, của các cuộc chiến tranh cướp bóc, của sự tàn phá vô ý thức hoặc có ý thức của con người thì đều trở thành các giá trị văn hóa đáng lưu giữ.
Nhiều thiên niên kỷ đã qua, nhân loại đã chứng kiến, bất kỳ ở đâu trên trái đất này, cứ mỗi cuộc đổi thay thể chế, mỗi cuộc tranh giành quyền lực đều gây ra chết chóc, gây nên đổ vỡ. Chỉ xét riêng lĩnh vực cổ vật, chúng ta còn nhớ khi nhà Minh sang cướp nước ta thời thế kỷ 15 rồi đô hộ trên 20 năm, họ đã thực hiện chính sách tàn bạo nhằm mục đích đồng hóa cư dân vùng đất này, nên ngoài việc cướp bóc chém giết dân lành, chúng còn đốt sách, phá dỡ đình chùa, miếu thờ, thay đổi cách ăn mặc, thờ cúng tổ tiên của người Việt ta… như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi đã viết. Bọn xâm lược phương Bắc làm vậy nhằm xóa sạch bản sắc riêng của cộng đồng cư dân Việt chúng ta. Hoặc mới cách đây vài chục năm thôi, khi quân Khơme đỏ chiếm đóng khu đền Angko của Campuchia, nhiều hiện vật quý tại đây đã bị đập phá, đánh cắp, rồi việc quân Taliban ở Afghanistan phá hủy những pho tượng Phật khổng lồ đã ra đời cách đây nhiều thế kỷ để “mặc cả” cho mục đích kinh tế và chính trị. Gần đây nhất là sự cướp phá các cổ vật quý tại Bảo tàng ở Bát Đa - xứ sở của chuyện “Nghìn lẻ một đêm và Vườn treo Babilon” nổi tiếng... Những hành động man rợ đó đã làm cả thế giới văn minh phải lên án.
Trên thế giới hiện nay chỉ ở một số quốc gia Âu châu mới có những Bảo tàng lưu giữ được nhiều các cổ vật quý hiếm của các nước khác. Chính các nước có các bảo tàng như vậy đang thu lợi rất nhiều thông qua hoạt động du lịch. Nhưng cũng chính các cổ vật quý hiếm vô giá của các bảo tàng lớn này đã minh chứng cho một giai đoạn đau thương của nhiều quốc gia khi một số nước Âu châu trở thành đế quốc thực dân tàn ác kéo nhau đi xâm chiếm các nước ở các châu lục khác nhằm vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân công và chiếm thị trường từ thế kỷ 16. Lũ thực dân đó đã nhân danh “mang quân đi khai hóa văn minh cho các dân tộc khác”, thế mới ác hiểm làm sao? Có thể nói các cổ vật quý của nhiều nền văn minh như Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ đến các nước Nam Mỹ, Châu Á, Châu Đại Dương ngày nay đều đã trở thành tài sản riêng của các Bảo tàng lớn của một số nước Châu Âu, Bắc Mỹ. Đó là một phần thành quả của chính sách thực dân cướp bóc dưới mọi hình thức của bè lũ đế quốc thực dân suốt từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20. Đây là “đêm trường áp bức nô lệ” đối với các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Tôi yêu thích cổ vật Bắc bộ Việt Nam bởi qua chúng có thể hiểu sâu sắc hơn lịch sử văn hóa nước ta hiện tại.
Tượng người hầu, gốm Việt, thời Lê, TK 15, xuất khẩu.
Đất nước Việt Nam ngày nay cong hình chữ S nằm ở vùng đất địa đầu phía Nam của lục địa Châu Á. Về địa hình, phía Tây có dãy núi Trường Sơn chạy dọc từ Bắc xuống Nam, phía Đông có Thái Bình Dương ôm trọn kể từ bãi Trà Cổ - Quảng Ninh kéo dài đến đất Mũi Cà Mau. Lịch sử đã xác định trong số cư dân “Bách Việt” thì tộc Việt Âu - Lạc là cư dân bản địa chiếm đa số, tồn tại lâu đời cách nay nhiều ngàn năm trên vùng đất Bắc Bộ Việt Nam, họ đã luôn phải chiến đấu chống lại sự bành trướng thôn tính, đồng hóa tàn bạo của người phương Bắc. Điều đó cũng là tất yếu bởi với địa chính trị như vậy nên nước ta luôn được người phương Bắc quan tâm và muốn nơi đây là vùng đất của mình. Sau nhiều ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm dựng nước và giữ nước, có lẽ chúng ta phải luôn rút ra bài học muôn thuở là: Nếu làm cho nước mạnh, dân giầu lên thì mới mong thoát khỏi sự đe dọa của lũ ngoại xâm. Còn nếu nước mà nghèo, dân khổ thì ắt sẽ bị mất nước!
Qua tầm chơi cổ vật Việt tôi thấy rõ hơn các giai đoạn lịch sử của đất nước. Nhìn lại thời phong kiến triều Nguyễn (1802 - 1945) nước ta bị thực dân Pháp nổ súng xâm lược vào nửa cuối thế kỷ 19 rồi đô hộ gần trăm năm, nhưng rồi chính người Pháp đã phát hiện ra những cổ vật Việt chất liệu đồng và đặt tên gọi “Đông Sơn” ra đời cách nay trên 2000 năm do chính cư dân Việt cổ chế tác để sinh tồn trước khi vùng đất này đã bị người Hán tràn xuống đô hộ suốt ngàn năm “đêm trường Bắc thuộc”. Rồi chính họ, người Pháp cũng nhận ra các cổ vật chất liệu gốm ra đời trong suốt thời kỳ hình thành nhà nước phong kiến tự chủ Đại Việt kể từ triều Đinh, Tiền Lê, Lý (1010 - 1225), Trần (1226 - 1400), Lê Sơ (1428 - 1527), Mạc (1527 – 1592)… tuyệt đẹp, mang dấu ấn sáng tạo của người dân Việt không lẫn với các tộc người khác trong khu vực. Những cổ vật Việt ấy đã được chế tác tinh xảo, khéo léo khác biệt hẳn với đồ đồng, đồ gốm của các nước Châu Á lân bang cùng thời. Do biết được cái đẹp, cái quý và giá trị văn hóa vô giá của đồng Đông Sơn và gốm Đại Việt có men thời phong kiến tự chủ, cho nên chính người Pháp và một số người Châu Âu khác khi đến làm ăn ở xứ sở này đã tìm kiếm cổ vật để chơi và rồi để bán cho các bảo tàng Châu Âu nổi tiếng thế giới ngày nay.
Tôi may mắn có dịp đi công tác nhiều nước trên thế giới nên tranh thủ đến xem một số Bảo tàng Âu Mỹ nổi tiếng. Quả trong lòng tôi rất xúc động và tự hào khi thấy các cổ vật Việt thời Đông Sơn, thời phong kiến Đại Việt tự chủ được trưng bầy trang trọng nơi trời Tây xa xôi.
Người Việt Nam chúng ta hiện đang sống ở những thập niên đầu của thế kỷ 21 trong môi trường hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Với công nghệ thông tin và phương tiện sinh hoạt, làm việc, học tập, hưởng thụ… tân tiến của nhân loại như ngày nay đã làm cho “Thế giới phẳng” và rất thuận tiện trong hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa… giữa các dân tộc, các quốc gia, nhưng cũng sẽ rất thuận tiện cho sự nô dịch văn hóa ngoại lai đối với thế hệ trẻ nước ta. Do vậy thiết nghĩ nếu dân Việt chúng ta có ý thức lưu giữ được nhiều cổ vật Việt quý hiếm mang giá trị cao sẽ góp phần giữ gìn được bản sắc văn hóa của đất nước, của dân tộc trước bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại./.