GIÁ TRỊ TAM TRÙNG CỦA CỔ VẬT
TS Phạm Quốc Quân
GĐ Bảo tàng Cách Mạng VN
Đọc, giả mã chức năng, công dụng và hoa văn trên cổ vật, rồi đặt nó trong không gian, bối cảnh nó phát huy, thiết tưởng là bội phần tăng thêm giá trị vốn có của cổ ngoạn.
1- Người buôn thường quan tâm nhiều tới giá trị hoàn mỹ của cổ vật, còn Người chơi ít lưu ý tới điều này. Dường như sự hoàn mỹ của cổ vật không đại diện cho bất cứ điều gì, nhưng khi giá trị văn hóa, lịch sử hiển hiện thì dù cổ vật ấy có vết nứt rạn hay đôi ba chỗ sứt mẻ nó vẫn có giá trị cao. Dưới con mắt của Bảo tàng học, những khuyết tật hay vỡ mẻ do người xưa để lại, gợi ý nhiều thông tin, ánh xạ một tín ngưỡng xa xăm mà O.Janse – nhà khảo cổ tài danh người Thụy Điển, từ những năm 40 của thế kỷ trước, ông đã nhận ra rằng, việc đập vỡ hay cố ý làm cho méo mó, hoặc hư hại đồ tùy táng trước khi chôn vào mộ, được coi là một hiện tượng tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, với quan niệm, mọi vật trong vũ trụ đều có linh hồn, đều có đời sống riêng. Nó chẳng khác với bao sinh linh, theo đó đã đưa đến một phong tục tập quán riêng cho mỗi cộng đồng, bằng cách làm tổn hại, làm thương tổn (hoặc làm “đau”) một vật, người ta có thể giết nó và giải thoát linh hồn cho nó trước khi sang thế giới bên kia. Vết “đau” ấy chính là tín hiệu thật đáng quan tâm. Và, còn nhiều vết, chẳng phải “đau”, ví như sự dính nhau của chồng bát đĩa, gợi mở cho nhà khảo cổ học tìm tìm thấy vết tích của lò nung của một trung tâm sản xuất, khiến Chu Đậu nổi danh và chiếc bình Thái Hòa tại bảo tàng Istambun Thổ Nhĩ Kỳ tìm lại được quê hương.
Dẫu vậy, sự hoàn mỹ của cổ vật vẫn được coi là tiêu chí của người chơi, khiến giá trị kinh tế của nó tăng lên nhiều lần, không hẳn, gần đây, những cổ ngoạn ấy bị lạm dụng, làm đồ dùng cho những khách sạn sang trọng, khi chiếc bát cổ cần vẹn nguyên trong trà đạo, hay chén súp yến khai vị, của những đại gia lắm tiền, nhiều của. Tiêu chí của sự hoàn mỹ để cổ vật ấy có giá trị kinh tế cao, đó chính là sự trả giá cho công lao bảo quản và gìn giữ của người sở hữu. Quả thật, một cổ vật gìn giữ cả nghìn năm, không vỡ, không sứt, không bong tróc men, ở một đất nước chiến tranh liên miên như Việt Nam, thì số tiền lớn cũng chẳng thấm tháp gì, để có sự hoàn hảo tuyệt vời của cổ ngoạn.
2- Người chơi cổ ngoạn, đặc biệt là ở Việt Nam ít quan tâm tới lai lịch, nguồn gốc xuất xứ, khiến cho giá trị lịch sử văn hóa bị lu mờ, giá trị kinh tế bị giảm sút. Vừa rồi, một chiếc bình “Càn Long” ngũ thái được bán đấu giá ở Lon don lên tới 69 triệu đô la, trong khi giá khởi điểm được đặt là 1 triệu. Thông tin ấy và nhiều đồ đắt giá khác vang xa trong làng chơi, khiến một nhà sưu tập nói rằng, chiếc bình ấy so với của tôi chẳng đẹp bằng. Thế nhưng, anh đâu biết, đó là cổ ngoạn quý của hoàng gia triều Thanh, đã được vua Càn Long hai lần ngự lãm và lưu bút. Chính vì điều ấy, mà giờ đây, ai trong làng chơi mà chẳng biết, đồ “xu phủ” hoặc “nội phủ”, có minh văn và niên hiệu, bao giờ chẳng hơn đồ ngang, đồ phố.
Viết đến đây, tôi chạnh nghĩ đến bộ sưu tập hoàng cung triều Nguyễn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sau nửa thế kỷ nằm trong két sắt ngân hàng, mới được đưa về Bảo tàng để nghiên cứu, phát huy. Ngoại trừ số kim ngọc, bảo tỷ được xác tín là của vua, hoàng hậu và hoàng tử, thì dường như, những đồ dùng chưa biết là của ai, ở cung nào, điện nào của Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, khiến những cổ ngoạn ấy giảm đi quá nhiều giá trị. Nếu như, chiếc chậu thau bằng vàng, chiếc châm cài tóc bằng ngọc, chiếc cối giã trầu bằng bạc v.v và v.v được điều tra hồi cố, để nhận ra, đó là vật dụng của vua Minh Mạng, của bà Nam Phương hay của Từ Cung… hẳn câu chuyện sẽ nhường nào sinh động, đằng sau sự tinh xảo của từng đường nét hoa văn. Sẽ là khó cho quá trình tư liệu hóa với hàng nghìn hiện vật trong kho báu ấy, nhưng vẫn có thể làm được, khi còn nhiều cháu con của hoàng tộc chưa đi xa và nhứng nhà nghiên cứu Huế còn tràn đầy sinh lực, phấn khích để góp công.
3- Cổ vật vốn có giá trị và vẻ đẹp tự thân, nên người chơi, người sưu tầm và người làm bảo tàng ít nghĩ suy đến giá trị phi vật thể, mà ý thứ hai, tôi mới chỉ nói tới một phần. Giá trị phi vật thể hay câu chuyện của hiện vật của bảo tàng, đặc biệt với hiện vật đương đại là vô cùng quan trọng, nó làm cho người xem có được sự biểu cảm tức thời, khi chiếc quạt bàn cũ nát kia, là sản phẩm của thời kỳ đổi mới. Nó khiến cho vị giám đốc nọ phải chịu tù đầy, do vay tiền ngân hàng để thay đổi công nghệ sản xuất quạt con cóc, nhưng sản phẩm làm ra không bán được, nợ chất chồng, bị phe bảo thủ tấn công. Một sự trả giá cho người bước sớm. Đau đớn và bầm dập. Cổ ngoạn không có những câu chuyện ấy, nhưng nó phải được xác định chức năng. Một đôi đèn thời Mạc là vật dụng hay đồ thờ. Nó được thờ trong chùa, đình hay đền, thì minh văn trên nó có thể mách bảo, trong khi loại hình học không nói được điều gì. Một chiếc “lẵng hoa” – từ chỉ chiếc thố đồng Đông Sơn của người chơi cổ ngoạn, đâu phải có công năng như tên gọi của người chơi. Nó là một bộ phận của cây đèn, liên quan tới một tín ngưỡng cổ xưa của người Phương Đông, mà cây đèn là trung tâm, với ý tường vể vũ trụ bao la, trong đó có mặt trời, trăng và sao. Ánh sáng là biểu tượng của tâm hồn và chứa đựng nội dung thiêng liêng. Ánh sáng phát ra từ cây đèn như hào quang chói lọi. Ánh hào quang đó đưa lại cho mỗi con người luôn tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và sự bất tử. Những chiếc đèn có thể được xem là biểu hiện luân hồi của tạo hóa. Đó là vật chỉ lối đưa đường cho người chết trong cuộc du ngoạn ở thế giới bên kia. Và, những cây đèn như thế, có liên quan tới nhiều cuộc hành lễ, mà nếu như những cuộc hành lễ ấy được phục dựng, dù chỉ một phần như cây đèn vũ trụ ở di chỉ Tam Tinh, Tứ Xuyên (Trung Quốc) cũng đã hấp dẫn biết nhường nào.
Rồi, một họa tiết hoa văn – những người đàn bà cưỡi voi ra trận, trên một chiếc trống đồng, gợi nhắc lại hình ảnh Hai Bà Trưng xông pha trận mạc bằng voi, đánh quân Đông Hán, ảnh xạ một thời kỳ mẫu hệ vàng son của người Việt cổ, nay còn sót lại hóa thạch trên cao nguyên. Cũng trên chiếc trống đồng ấy còn một hình ảnh của buổi lễ hiến sinh, na ná lễ đâm trâu của đồng bào Thượng.
Đọc, giải mã chức năng, công dụng và hoa văn trên cổ vật, rồi đặt nó trong không gian, bối cảnh nó phát huy, thiết tưởng là bội phần tăng thêm giá trị vốn có của cổ ngoạn.
Giá trị của cổ vật, hẳn không chỉ có ba điều trùng hợp như đã nêu. Chúng còn rất nhiều giá trị khác nữa mà tính biệt lập và đơn lẻ, theo đó, luôn là những bất ngờ cho những ai si mê và đắm đuối.
GIÁ TRỊ TAM TRÙNG CỦA CỔ VẬT
TS Phạm Quốc Quân
GĐ Bảo tàng Cách Mạng VN
Đọc, giả mã chức năng, công dụng và hoa văn trên cổ vật, rồi đặt nó trong không gian, bối cảnh nó phát huy, thiết tưởng là bội phần tăng thêm giá trị vốn có của cổ ngoạn.
1- Người buôn thường quan tâm nhiều tới giá trị hoàn mỹ của cổ vật, còn Người chơi ít lưu ý tới điều này. Dường như sự hoàn mỹ của cổ vật không đại diện cho bất cứ điều gì, nhưng khi giá trị văn hóa, lịch sử hiển hiện thì dù cổ vật ấy có vết nứt rạn hay đôi ba chỗ sứt mẻ nó vẫn có giá trị cao. Dưới con mắt của Bảo tàng học, những khuyết tật hay vỡ mẻ do người xưa để lại, gợi ý nhiều thông tin, ánh xạ một tín ngưỡng xa xăm mà O.Janse – nhà khảo cổ tài danh người Thụy Điển, từ những năm 40 của thế kỷ trước, ông đã nhận ra rằng, việc đập vỡ hay cố ý làm cho méo mó, hoặc hư hại đồ tùy táng trước khi chôn vào mộ, được coi là một hiện tượng tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, với quan niệm, mọi vật trong vũ trụ đều có linh hồn, đều có đời sống riêng. Nó chẳng khác với bao sinh linh, theo đó đã đưa đến một phong tục tập quán riêng cho mỗi cộng đồng, bằng cách làm tổn hại, làm thương tổn (hoặc làm “đau”) một vật, người ta có thể giết nó và giải thoát linh hồn cho nó trước khi sang thế giới bên kia. Vết “đau” ấy chính là tín hiệu thật đáng quan tâm. Và, còn nhiều vết, chẳng phải “đau”, ví như sự dính nhau của chồng bát đĩa, gợi mở cho nhà khảo cổ học tìm tìm thấy vết tích của lò nung của một trung tâm sản xuất, khiến Chu Đậu nổi danh và chiếc bình Thái Hòa tại bảo tàng Istambun Thổ Nhĩ Kỳ tìm lại được quê hương.
Dẫu vậy, sự hoàn mỹ của cổ vật vẫn được coi là tiêu chí của người chơi, khiến giá trị kinh tế của nó tăng lên nhiều lần, không hẳn, gần đây, những cổ ngoạn ấy bị lạm dụng, làm đồ dùng cho những khách sạn sang trọng, khi chiếc bát cổ cần vẹn nguyên trong trà đạo, hay chén súp yến khai vị, của những đại gia lắm tiền, nhiều của. Tiêu chí của sự hoàn mỹ để cổ vật ấy có giá trị kinh tế cao, đó chính là sự trả giá cho công lao bảo quản và gìn giữ của người sở hữu. Quả thật, một cổ vật gìn giữ cả nghìn năm, không vỡ, không sứt, không bong tróc men, ở một đất nước chiến tranh liên miên như Việt Nam, thì số tiền lớn cũng chẳng thấm tháp gì, để có sự hoàn hảo tuyệt vời của cổ ngoạn.
2- Người chơi cổ ngoạn, đặc biệt là ở Việt Nam ít quan tâm tới lai lịch, nguồn gốc xuất xứ, khiến cho giá trị lịch sử văn hóa bị lu mờ, giá trị kinh tế bị giảm sút. Vừa rồi, một chiếc bình “Càn Long” ngũ thái được bán đấu giá ở Lon don lên tới 69 triệu đô la, trong khi giá khởi điểm được đặt là 1 triệu. Thông tin ấy và nhiều đồ đắt giá khác vang xa trong làng chơi, khiến một nhà sưu tập nói rằng, chiếc bình ấy so với của tôi chẳng đẹp bằng. Thế nhưng, anh đâu biết, đó là cổ ngoạn quý của hoàng gia triều Thanh, đã được vua Càn Long hai lần ngự lãm và lưu bút. Chính vì điều ấy, mà giờ đây, ai trong làng chơi mà chẳng biết, đồ “xu phủ” hoặc “nội phủ”, có minh văn và niên hiệu, bao giờ chẳng hơn đồ ngang, đồ phố.
Viết đến đây, tôi chạnh nghĩ đến bộ sưu tập hoàng cung triều Nguyễn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sau nửa thế kỷ nằm trong két sắt ngân hàng, mới được đưa về Bảo tàng để nghiên cứu, phát huy. Ngoại trừ số kim ngọc, bảo tỷ được xác tín là của vua, hoàng hậu và hoàng tử, thì dường như, những đồ dùng chưa biết là của ai, ở cung nào, điện nào của Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, khiến những cổ ngoạn ấy giảm đi quá nhiều giá trị. Nếu như, chiếc chậu thau bằng vàng, chiếc châm cài tóc bằng ngọc, chiếc cối giã trầu bằng bạc v.v và v.v được điều tra hồi cố, để nhận ra, đó là vật dụng của vua Minh Mạng, của bà Nam Phương hay của Từ Cung… hẳn câu chuyện sẽ nhường nào sinh động, đằng sau sự tinh xảo của từng đường nét hoa văn. Sẽ là khó cho quá trình tư liệu hóa với hàng nghìn hiện vật trong kho báu ấy, nhưng vẫn có thể làm được, khi còn nhiều cháu con của hoàng tộc chưa đi xa và nhứng nhà nghiên cứu Huế còn tràn đầy sinh lực, phấn khích để góp công.
3- Cổ vật vốn có giá trị và vẻ đẹp tự thân, nên người chơi, người sưu tầm và người làm bảo tàng ít nghĩ suy đến giá trị phi vật thể, mà ý thứ hai, tôi mới chỉ nói tới một phần. Giá trị phi vật thể hay câu chuyện của hiện vật của bảo tàng, đặc biệt với hiện vật đương đại là vô cùng quan trọng, nó làm cho người xem có được sự biểu cảm tức thời, khi chiếc quạt bàn cũ nát kia, là sản phẩm của thời kỳ đổi mới. Nó khiến cho vị giám đốc nọ phải chịu tù đầy, do vay tiền ngân hàng để thay đổi công nghệ sản xuất quạt con cóc, nhưng sản phẩm làm ra không bán được, nợ chất chồng, bị phe bảo thủ tấn công. Một sự trả giá cho người bước sớm. Đau đớn và bầm dập. Cổ ngoạn không có những câu chuyện ấy, nhưng nó phải được xác định chức năng. Một đôi đèn thời Mạc là vật dụng hay đồ thờ. Nó được thờ trong chùa, đình hay đền, thì minh văn trên nó có thể mách bảo, trong khi loại hình học không nói được điều gì. Một chiếc “lẵng hoa” – từ chỉ chiếc thố đồng Đông Sơn của người chơi cổ ngoạn, đâu phải có công năng như tên gọi của người chơi. Nó là một bộ phận của cây đèn, liên quan tới một tín ngưỡng cổ xưa của người Phương Đông, mà cây đèn là trung tâm, với ý tường vể vũ trụ bao la, trong đó có mặt trời, trăng và sao. Ánh sáng là biểu tượng của tâm hồn và chứa đựng nội dung thiêng liêng. Ánh sáng phát ra từ cây đèn như hào quang chói lọi. Ánh hào quang đó đưa lại cho mỗi con người luôn tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và sự bất tử. Những chiếc đèn có thể được xem là biểu hiện luân hồi của tạo hóa. Đó là vật chỉ lối đưa đường cho người chết trong cuộc du ngoạn ở thế giới bên kia. Và, những cây đèn như thế, có liên quan tới nhiều cuộc hành lễ, mà nếu như những cuộc hành lễ ấy được phục dựng, dù chỉ một phần như cây đèn vũ trụ ở di chỉ Tam Tinh, Tứ Xuyên (Trung Quốc) cũng đã hấp dẫn biết nhường nào.
Rồi, một họa tiết hoa văn – những người đàn bà cưỡi voi ra trận, trên một chiếc trống đồng, gợi nhắc lại hình ảnh Hai Bà Trưng xông pha trận mạc bằng voi, đánh quân Đông Hán, ảnh xạ một thời kỳ mẫu hệ vàng son của người Việt cổ, nay còn sót lại hóa thạch trên cao nguyên. Cũng trên chiếc trống đồng ấy còn một hình ảnh của buổi lễ hiến sinh, na ná lễ đâm trâu của đồng bào Thượng.
Đọc, giải mã chức năng, công dụng và hoa văn trên cổ vật, rồi đặt nó trong không gian, bối cảnh nó phát huy, thiết tưởng là bội phần tăng thêm giá trị vốn có của cổ ngoạn.
Giá trị của cổ vật, hẳn không chỉ có ba điều trùng hợp như đã nêu. Chúng còn rất nhiều giá trị khác nữa mà tính biệt lập và đơn lẻ, theo đó, luôn là những bất ngờ cho những ai si mê và đắm đuối.