GIAO THỪA CUỐI CÙNG CÓ MẸ  

                                                                                                Lan Phong

 

          Đêm giao thừa đón năm mới Bính Thân 2016, vợ chồng con trai đầu lòng của Mẹ và các cháu quây quần quanh giường Mẹ đang nằm thở giốc. Mặc dầu vài ngày nay chúng con đã chuẩn bị tinh thần có thể sớm phải đón nhận giờ khắc đau thương này. Vợ chồng con chỉ cầu mong Mẹ sẽ qua được để đón Tết này với con cháu. Không ngờ ông trời đã không cho ước nguyện của nhà ta.

Nhịp thở của Mẹ ngày càng khó khăn. Mẹ có tiêu chuẩn Bệnh viện Nhà nước, nhưng giờ đây khi con gọi cấp cứu 115 thì họ lần lữa có lẽ đang bận xem chương trình Táo Quân, gọi bệnh viện xin xe cấp cứu cũng khó được vì gần tới lúc giao thừa… Không đừng được, con đành phải gọi điện cho anh em bạn ngoài đời để nhờ cậy tìm bác sỹ đến chăm Mẹ và tư vấn nên xử lý như thế nào giữa lúc thủ đô Hà Nội đang rộn rã chuẩn bị đón giao thừa. Nhưng rồi con bất lực, đành quyết định cho các cháu phóng xe máy đi mua bình thở ôxy tư nhân bán ở phố Phương Mai để mang gấp về giúp Mẹ thở.

          Ngoài phố dân tình ồn ã đón giao thừa, còn nhà ta, vợ chồng con và các cháu  lo lắng bên Mẹ đang thở giốc mặc dầu đã có ôxy mang về để tiếp cho Mẹ. Dù đang hết sức lo lắng là vậy, nhưng con đã nói với các cháu: Hãy cứ chuẩn bị pháo hoa, dọn mâm cỗ cúng ngoài sân, mở sâmpanh... để nhà ta đón giao thừa. Con cho các cháu làm điều này chính vì Mẹ đã dậy chúng con: “Phải hiểu được quy luật trời đất chỉ cho con người được sống có hạn định. Không ai bất tử. Mỗi kiếp Người đều có giới hạn về thời gian tồn tại trên cõi đời, đều có nỗi buồn, niềm vui, có lúc khổ đau, có khi vui sướng và hơn cả là có lúc nhục, lúc vinh… Chỉ những ai biết sống tử tế với người thân ruột thịt của mình cũng như với mọi người xung quanh trong suốt cả thời gian được ông trời cho sống thì sẽ luôn thanh thản và không ngượng với đời”. Những lời này Mẹ dậy con đã ghi nhớ ngay từ thời con còn tấm bé.

          Mẹ đang thở ôxy trong tiếng pháo hoa đón giao thừa ngoài mảnh sân nhỏ nhà mình do chính các chắt của Mẹ thực hiện để đón mừng năm mới. Vợ chồng con và cháu gái yêu của Mẹ vẫn bên giường Mẹ để theo dõi nhịp thở ô xy khó khăn của Mẹ. Tivi vẫn diễn Táo Quân, ca nhạc, chào cờ, chúc Tết của Chủ tịch nước, có cả nhảy Híp Hốp, hát dân ca... trong lúc Mẹ đang thiêm thiếp dần. Mặc dầu có truyền hình kế bên, nhưng từ đáy lòng sâu thẳm, tim con nhói đau và đầu thì trống rỗng chỉ chứa toàn nỗi buồn vì thấy gương mặt Mẹ đang bạc dần theo từng nhịp thở khó khăn của Mẹ. Do phong tục cần kiêng kỵ không báo tin xấu trong ngày Tết, cho nên con đã điện thoại cho các em đang ở xa tận Sài gòn, Vĩnh Yên biết sức khỏe ngày càng yếu dần đi của Mẹ trước lúc giao thừa và động viên chúng: Mẹ cũng là một kiếp người, không tránh khỏi giờ phút ra đi…, hãy cứ bình tĩnh cùng con cháu đón Tết. Anh chị và các cháu sẽ thay các em bên Mẹ trong những phút giây lâm chung của Mẹ.

          Mẹ ơi, qua thời khắc giao thừa, đến 1giờ 30 phút - tức vào giờ Tý sáng ngày mùng một Tết là ngày đầu năm mới âm lịch Bính Thân - Mẹ đã ngừng thở để về chốn phiêu diêu tìm gặp Ba con, gặp ông bà Nội, Ngoại, gặp anh chị em ruột thịt, gặp các bạn thân thuở học trò… để lại chúng con và các cháu của Mẹ tiếp tục sống với đời. Trong giờ phút đau thương này con vẫn nhìn thấy Mẹ có gương mặt thanh thản như khi Mẹ đang ngủ hàng ngày. Con tin Mẹ đã thanh thản ra đi, vì con biết Mẹ là một phụ nữ có học vấn và can trường trước sóng gió cuộc đời suốt trọn gần một thế kỷ nên gương mặt Mẹ trông thanh thản là hoàn toàn đúng.

Mẹ ơi, Mẹ cho con được trải lòng với Mẹ trước khi trời sáng chúng con tiễn Mẹ, mặc dù con biết Mẹ chẳng còn trên cõi đời này. Con biết:

Gần 70 năm đã qua kể từ ngày Mẹ sinh con Mẹ đã luôn dành hết tình yêu thương cho con đầy dũng cảm. Thời kháng chiến 9 năm chống Pháp (1946-1954) là lúc chúng con còn thơ dại, Mẹ đã luôn vững vàng vượt lên mọi hoàn cảnh gian truân của cuộc sống để thay Ba nuôi dưỡng, chăm bẵm chúng con khôn lớn. Nhiều chuyện Mẹ nuôi con từ lúc lọt lòng ở chiến khu Tuyên Hóa, Quảng Bình, rồi thời con lẫm chẫm đi chưa vững trên rừng chiến khu Việt Bắc những năm 1948 -1950. Tiếp đến những ngày Mẹ lại địu chúng con trên lưng cùng với các chú liên lạc cuốc bộ hàng trăm cây số về sống với bà con nông dân trên đất Công Liêm, Nông Cống vùng tự do Thanh Hóa, Khu VI để được an toàn tránh đòn thù của giặc Pháp. Rời Việt Bắc không có Ba, chỉ mình Mẹ trước giông bão cuộc đời đã được các Bác bên nhà chồng giúp đỡ lo toan giúp Mẹ một tay nuôi dưỡng các con thơ. Mẹ đã đi dậy học để nuôi ba anh em chúng con và Mẹ đã dũng cảm, vững vàng vượt qua tất thảy cho đến ngày giặc Pháp buộc phải rút vào Nam năm 1954.  Chặng đường 9 năm kháng chiến chống Pháp đầy cam go đã đến với cuộc đời người nữ sinh Đồng Khánh Huế là Mẹ làm sao chúng con có thể quên được.    

Về Hà Nội sống trong hòa bình chưa được 10 năm, đến 1964 lại có bom rơi do người Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc, gia cảnh nhà ta cũng như nhân dân miền Bắc thiếu thốn khổ cực trăm bề. Mẹ vừa phải đi công tác, vừa phải dành thời gian và vật chất eo hẹp để cùng Ba chở che nuôi nấng chúng con được học hành khôn lớn. chúng con cũng không thể quên được những năm tháng ấy.

Mẹ ơi, 90 năm cuộc đời Mẹ là 90 năm đất nước này đầy biến động đau thương. Suốt nửa cuối thế kỷ XX liên tiếp 30, 40 năm kể từ khi Mẹ và Ba còn đang tuổi thanh xuân nước ta đã rơi vào cảnh chiến tranh, đó là cuộc chiến dành độc lập từ tay ngoại xâm, rồi  cuộc chiến “nồi da xáo thịt” người Việt bắn giết nhau vì đối kháng ý thức hệ do các nước lớn đã được định ra vì mưu đồ và lợi ích của họ…  Chính vì vậy mà hàng chục triệu người Việt Nam của nhiều thế hệ, trong đó có nhà ta phải chịu vô vàn khổ đau mất mát. Sau khi đất nước độc lập và thống nhất 1975, tưởng người Việt Nam đã được sống yên ổn trong hòa bình, nào ngờ chỉ vài năm sau lại nổ ra hai cuộc chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước, dẫn đến “Nạn kiều” do Trung Quốc tạo ra, “cấm vận” do Mỹ thực hiện đã tạo nên một làn sóng hơn 2 triệu người  Việt Nam “Vượt biên” trái phép chết thảm thương trên biển cả chắc chắn còn khốc liệt hơn cảnh dân Trung Đông đang chạy vào các nước Châu Âu ngày nay. Thế rồi Liên Xô sụp đổ, Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, dẫn đến Việt Nam hết nguồn viện trợ, đất nước rơi vào cảnh suy kiệt… đã buộc các nhà cầm quyền Việt Nam phải “Đổi mới tư duy” và “Mở cửa giao thương với thế giới” sau năm 1986 … Đời Mẹ và chúng con đều đã chứng kiến và chịu đựng chung cuộc sống đầy thiếu thốn khó khăn trăm bề cùng với toàn dân Việt Nam. Ấy vậy mà Mẹ vẫn cùng Ba lo cho các con của Mẹ vượt qua được hết để sống và giữ lấy mái ấm gia đình. Ngày nay khi cuộc sống người Việt Nam dần khá lên, nhưng con vẫn nhớ Mẹ thường hay hỏi và lo cho lớp các cháu, các chắt của Mẹ rồi sau này sẽ ra sao? Đất nước liệu sẽ còn chiến tranh giết chóc và đói nghèo nữa không? … Chỉ có sự nếm trải cũng như đã chứng kiến nhiều cảnh đau thương mất mát của nhân dân Việt Nam và có được một tấm lòng bao dung rung động trước bất công và đau khổ của đồng loại Mẹ mới hay lo nghĩ như vậy. Hôm nay tất cả các con của Mẹ đều là những người tử tế chính là nhờ đức hy sinh và tấm gương sống, làm việc của Mẹ và Ba.

Theo con hiểu: Sở dĩ Mẹ đã sống hết mình vì chồng, vì con qua bao ngày tháng gian truân chính vì Mẹ đã có được:

-  Trước hết Mẹ được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình mà Ông Ngoại là người đã được sang Pháp học tập khi còn chưa đầy 10 tuổi cho đến khi trưởng thành về nước làm việc thuế quan cho họ, còn Bà Ngoại xuất thân từ dòng Hoàng phái với danh hiệu Công tằng Tôn nữ nên có được nề nếp ăn, ở để giáo dưỡng chăm sóc các con ngay từ tấm bé.

-  Hai là Mẹ là một “Nữ sinh Đồng Khánh Huế” đã được học hành bài bản nên sớm biết yêu thương con người và lẽ phải, biết phân biệt đâu là cái đúng cái sai, đâu là người tốt, kẻ xấu, đâu là kẻ cai trị và người bị cai trị…;

-  Ba là khi Mẹ đến tuổi trưởng thành bước vào đời sống tự lập tuổi mười chín đôi mươi là khi nổ ra Cách mạng tháng 8-1945 ở cố đô Huế quê Mẹ.

-  Bốn là khi ra trường Mẹ được chọn ở lại làm trợ giảng ở chính ngôi trường Đồng Khánh Huế với đồng lương khá cao, nhưng rồi Mẹ đã không tính toán, tình nguyện cùng các bạn trẻ thoát li gia đình lao theo dòng thác cách mạng để phục vụ chính quyền dân chủ cộng hòa non trẻ mới ra đời.

-  Năm là Mẹ đã gặp Ba - một chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi mới từ nhà ngục Côn Đảo trở về được Xứ ủy Trung kỳ giao thành lập, huấn luyện và lãnh đạo Đội Tuyên truyền Việt Minh Trung bộ mà Mẹ là đội viên - rồi Mẹ đã cảm phục và ưng thuận lấy người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi ấy làm chồng …, đó là ông trời đã xe duyên cho Mẹ lấy Ba, để rồi Mẹ về làm Dâu Họ Đào mà bác Đào Duy Anh là huynh trưởng. Từ đó Ba, Mẹ với hiểu biết của mình đã cùng nhau hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước và xây dựng một tổ ấm gia đình vượt lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn của đời người.

Đêm giao thừa đón Tết Bính Thân 2016 này, Ba chúng con đã đi xa nhà ta 20 năm về trước, nay đến lúc Mẹ ra đi để con cháu mãi mãi không còn được bên Mẹ ngày ngày. Con chơi vơi và buồn vô hạn nhưng đành bất lực trước quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử do ông trời quy định cho một kiếp người.

 Mẹ thoát xác sau thời khắc giao thừa vào lúc 1 giờ 30 phút sớm mồng một Tết. Mẹ hưởng thọ 90, ra đi vào thời khắc giờ đầu của ngày, ngày đầu của tháng, tháng đầu của năm là thời khắc mà đất trời dễ đã cho ai có được? Con nghĩ vậy mà cảm thấy ấm lòng, nhưng rồi tự ngẫm: Đã gần 70 năm qua kể từ khi Mẹ sinh con, Mẹ lúc nào cũng mang lại phúc đức cho chúng con. Là trưởng Nam của Mẹ, từ khi lọt lòng cho đến hôm nay con luôn được sống bên Mẹ hơn các em, cho nên con càng hụt hẫng Mẹ ạ.  Thay mặt các em không có mặt bên Mẹ trong phút lâm chung này, vợ chồng con và các cháu, chắt xin vĩnh biệt Mẹ, vĩnh biệt Bà, Vĩnh biệt Cụ, một người phụ nữ Việt Nam đã suốt đời hết lòng yêu thương con cháu.

          Sau khi Mẹ trút hơi thở cuối cùng, làm xong việc thay quần áo cho Mẹ, nhà con và các cháu lên gác đi nghỉ cho đỡ mệt. Chỉ còn lại mình con bên Mẹ, con đã uống cạn chai sâmpanh, liên tục hút thuốc để canh giấc cho Mẹ, canh những nén nhang khỏi tắt để tỏa hương thơm trong căn phòng chỉ còn Mẹ và con giữa đêm đông giá lạnh chờ trời sáng.

Mẹ đã biết con có thói quen, cứ mùng một Tết con thường tự gieo 03 Quẻ Dịch để hỏi ý Trời Đất. Hôm nay đã hơn 03 giờ sáng, mình con bên Mẹ đang an giấc ngàn thu, con thắp những nén nhang khấn Mẹ, rồi gieo 03 Quẻ Dịch. Mẹ ơi, con đã gieo được 03 Quẻ sau:

 Quẻ thứ nhất:  “Lôi Trạch Quy Muội, có nghĩa Hãy về với gia đình”, như vậy ứng với việc Mẹ đã về với ông bà và Ba con đấy;

Quẻ thứ hai: “Địa Thiên Thái, ứng với nhà ta chúng con đang gặp thời yên ổn, thịnh và thái bình”;

 Quẻ thứ ba: “Lôi Phong Hằng, có nghĩa cuộc sống Hanh Thông - tức tốt lành, ứng với nhà ta năm mới sẽ vẫn yên ổn”.

Gieo được 03 Quẻ Dịch trên con tự ngẫm: Có lẽ Trời Đất và chính Mẹ đã nói cho con biết những ý tứ này để con biết sống tiếp những ngày tháng không còn Mẹ ở bên.

          Mẹ ơi, khi mặt trời mọc, dù là mùng một Tết con vẫn có xe đến để đưa Mẹ về tạm nghỉ tại Quân y Viện 354 gần nhà ta chứ không phải đến Bệnh viện Việt Xô, vì Mẹ và Ba của chúng con đều là những Quân nhân cụ Hồ thời đầu trên chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp. Như vậy con được bên mẹ thêm vài giờ sau giao thừa cho đến khi trời sáng rõ.

 Tết Giáp Thân này đã qua đi với con, trong đầu con chỉ còn lại những ký ước về Mẹ, về người đã hy sinh trọn đời để vun đắp và giữ gìn gia đình nhà ta yên vui trong mọi hoàn cảnh, kể cả những thời khắc bĩ cực nhất của cuộc đời Ba Mẹ.

          Ngày mùng một Tết qua đi, tối mùng hai vợ chồng con và các cháu, chắt của Mẹ lần đầu tiên không còn được thấy bóng dáng thân yêu của Mẹ, của Bà trong nhà ta nữa. Mẹ đã ra đi mãi mãi.

 Với con, Tết này vẫn như bao Tết đã qua, VTV vẫn đưa hình ảnh chúc Tết của Chủ tịch nước, có pháo hoa, ca nhạc, có chúc tụng ngợi ca, có hài, có Táo Quân…, chẳng khác gì nhiều so với mọi năm như khi Mẹ còn ngồi xem chương trình đón Tết với chúng con. Nhưng Mẹ ơi, giá như Mẹ chưa mệt, chắc hôm nay con và Mẹ sẽ cùng rơi nước mắt khi xem VTV1 tái hiện trên màn hình cảnh “Hà Nội Thời Bao Cấp”; rồi xem một phóng sự do các nhà báo trẻ làm truyền hình Việt Nam tóm lược kể lại những hình ảnh “Người Việt Nam xa xứ” từ đầu thế kỷ XX dựa từ ý tưởng và phim tư liệu của người nước ngoài. Phóng sự này nói về thân phận người Việt Nam ta đã bị bắt làm nô lệ để thiết kế xây Kinh thành Bắc Kinh từ thời Nhà Minh Trung Hoa sau khi chúng sang cướp phá rồi đô hộ nước ta hồi thế kỷ XV, tiếp đến là hình ảnh lũ thực dân Pháp đã đọa đầy man rợ những người nông dân Việt Nam để họ da diết nhớ quê hương và bị bỏ xác nơi đất khách quê người ở chốn xa xăm mịt mù đầu thế kỷ XX, rồi đến cảnh đám phân biệt chủng tộc đầu trọc cướp bóc Việt Kiều ở nước Đức cách nay hơn hai thập kỷ, cảnh người Việt di tản kiếm sống làm nghề sửa móng chân tay đầy khó khăn trên đất Mỹ hồi những năm cuối thế kỷ XX… Nhưng hình ảnh và lời bình quả thật đã làm rung động và đau lòng người xem vì thương cảm cho con dân người Việt đã chịu quá nhiều đau thương khi bọn cầm quyền hèn hạ đã chấp nhận bán rẻ đất nước nay để đổi lại quyền lợi riêng của chúng. Khi xem tái hiện hình ảnh “Thời Bao Cấp” con hơi tiếc vì các tác giả trẻ chưa giám chỉ ra nguyên nhân và những ai đã nhân danh quyền lực để tạo ra một thời đau khổ ấy cho nhân dân Việt Nam ta và chưa làm rõ được  giữa “Kinh Tế Thời Chiến” là việc bắt buộc đối với một nước có chiến tranh tính đến 1975 và “Kinh Tế thời Bao Cấp” là sản phẩn xây dựng một nền kinh tế của cả nước đã thống nhất sau 1975 theo mô hình “Kế hoạch hóa tập trung” do Liên Xô áp đặt Mẹ ạ. Còn với phóng sự “Người Việt Nam xa xứ” con ngẫm ra vì sao Mẹ thường trăn trở và suy nghĩ về tương lai của con cháu mình và của người dân Việt Nam rồi sau này sẽ ra sao? Những câu hỏi của Mẹ lo cho tương lai con cháu thiết nghĩ sẽ rất cần thiết trước thực tiễn kinh tế nước nhà đang tụt hậu và tình hình quốc tế hiện đang diễn ra hết sức phức tạp do mưu đồ và quyền lợi của các nước lớn. Nhiều thách thức tồn vong vẫn hiện diện với các thế hệ người Việt Nam chúng ta. Từ những câu hỏi và suy tư của Mẹ con càng hiểu tấm lòng nhân từ của Mẹ không chỉ dành riêng cho cháu con nhà mình mà còn vì cả dân tộc Việt Nam trong tương lai.

Sự đời vẫn sẽ là vậy, hiện còn quá nhiều chuyện, nhiều điều bất trắc không vui có thể sẽ đến với đất nước này, đến với nhà ta, nhưng con xin Mẹ hãy bình tâm và thanh thản về với ông bà, về với Ba chúng con. Cuộc đời Mẹ đã sống trọn tình, trọn nghĩa với chồng con, với dòng họ, bè bạn và Mẹ đã thực hiện tốt nghĩa vụ của một công dân với đất nước. Mẹ không có gì còn phải băn khoăn nữa Mẹ ạ.  

Tấm lòng bao dung và vị tha của Mẹ con nghĩ sẽ không có bút nào tả hết. Cả đời Mẹ đã hi sinh tất cả để bao bọc che chở chúng con; Mẹ đã là người vợ chung tình trong mọi hoàn cảnh lúc thăng, lúc trầm tột cùng đã ập đến với Ba; Mẹ đã là nàng dâu được cả dòng họ nhà chồng ngợi khen và đặc biệt Mẹ đã được bạn bè gần xa cùng thế hệ cũng như lớp người sau Mẹ yêu quý và trân trọng. Tình yêu và công sức của Mẹ xây đắp và xả thân bảo vệ tổ ấm gia đình nhà ta trải qua nhiều thập kỷ khó khăn của đất nước đã được hai bên nội, ngoại chúng con ghi nhận... Chúng con tự hào vì đã có một Người Mẹ hết sức bao dung với con cháu và luôn ắp đầy tình thương đồng loại trong lòng.

Kể từ đêm giao thừa Tết Bính Thân 2016 này chúng con mãi mãi không còn được nghe tiếng Mẹ bên tai nữa. Anh em chúng con hứa với Mẹ sẽ gìn giữ gia đình  ta sống theo gương Mẹ đã làm trong suốt cuộc đời đầy biến động, vì chúng con biết rằng những điều tốt đẹp và xấu xa, những việc làm nhân từ và độc ác… vẫn sẽ luôn song hành tồn tại trên cõi đời này và luôn thử thách con người trong cuộc sống khó khăn hôm nay.

Mẹ đã đi xa, nhưng với con hình bóng Mẹ luôn thể hiện những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, vì Mẹ đã sống đầy tính nhân văn và hỷ xả với chồng con, họ hàng, với người thân, bạn hữu và với cộng đồng dân Việt.

          Đêm nay trước vong linh Mẹ con viết những lời tiễn biệt Mẹ về cõi vĩnh hằng theo giáo lý nhà Phật và con tin rằng trên trời cao Mẹ vẫn luôn dõi theo bước đường đời của con cháu để Mẹ phù hộ mang lại những điều tốt lành và che chở giúp con cháu mình vượt qua những cạm bẫy trong cuộc sống còn đầy khó khăn, phức tạp đang chờ phía trước.

Trong cuộc sống con mãi mãi tạc ghi tấm lòng bao dung và công lao trời biển của Mẹ đã cho chúng con. Con luôn tự hào về Người Mẹ của mình.

Xin vĩnh biệt Mẹ./.


                                                                   Ngày mùng 3 Tết Bính Thân 2016