Gốm Nhật Bản, hay cụ thể hơn là gốm Hizen hay Imari hoặc Arita là sản phẩm nổi tiếng của đất nước Hoa Anh Đào vào thế kỷ 17, tương đương với triều Edo (1603 – 1868), nhưng có lẽ, mạnh mẽ nhất là vào những năm từ 1610 đến 1650, khi sản phẩm của lò gốm trên có mặt ở hầu hết thị trường thế giới lúc đương thời. Ở Việt Nam , giai đoạn lịch sử này phát hiện được nhiều địa điểm có gốm Nhật Bản, suốt từ Bắc đến  Nam.


          Gốm Nhật Bản trong Hoàng thành Thăng Long so với những loại gốm Việt Nam và Trung Hoa, không ấn tượng về số lượng. Theo phân loại giai đoạn đầu, đâu đó chỉ có 379 tiêu bản tương đối nguyên lành và 363 mảnh vỡ thân, miệng, đáy. Với con số còn vô cùng khiêm tốn ấy, nhưng người nghiên cứu cũng có thể nhận thấy sự phong phú về loại hình, hoa văn trang trí của dòng gốm hoa lam: bát, đĩa, chén, bình rượu, hộp… với nhiều loại hoa văn như rồng mây, chim phượng, sư tử, hoa lá và chữ Hán. Nhìn lướt qua gốm Nhật Bản trong Hoàng cung Thăng Long, nhiều người sẽ  ngộ nhận rằng, đó đều là những phẩm của đồ gốm thương mại, đã từng thấy trong nhiều di tích ở Việt Nam đương thời, theo đó, Hoàng cung đã ở vào buổi hoàng hôn của đời sống cung đình cuối triều Lê mạt. Thực tế lịch sử cũng có phần ủng hộ cho nhận định ấy, khi đất nước nội chiến trong cuộc tranh giành quyền lực, chúa Trịnh tiếm quyền, sa hoa trong đời sống nơi phủ chúa, mà cung phủ chúa lại nằm bên ngoài Hoàng Thành, quanh phố Hàng Bài – Hai Bà Trưng của Hà Nội – Thủ đô hôm nay. Chúa Nguyễn ở phương Nam luôn là một thế lực gây nhiều bất ổn với chính quyền Trung ương, dẫu tuyên ngôn của nhà chúa là “Phò Lê, diệt Trịnh”. Bối cảnh đất nước ấy, khiến cho Lam Kinh – đất khởi nghiệp của nhà Lê – kinh đô thứ hai của Đại Việt thời bấy giờ, cũng lâm vào tình trạng tiêu điều, xuống cấp, mà những đồ dùng Hoàng gia được biểu hiện trên đồ gốm, dường như cũng na ná như ở Đông Kinh – Hoàng cung.


          Tuy nhiên, câu chuyện cũng không quá u ám đến như thế trong đời sống Hoàng cung. Ngoài đồ sứ Nhật Bản thông thường, chúng ta vẫn thấy nhiều đồ gốm có phẩm cấp cao – dường như là đồ đặt làm của Hoàng gia Đại Việt cho lò gốm Hizen sản xuất phục vụ cho cung đình Hoàng tộc. Ở đây, chúng ta không nhận ra trên chất lượng của xưởng gốm, men gốm, mà còn thấy trên chất lượng của các đề tài trang trí. Hoa văn rồng mây, phượng, hoa lá, phong cảnh, xét trên phương diện điển chế đã toát lộ tính chất cung đình của những đồ gốm Nhật tìm thấy ở Hoàng cung.

          Có nhiều người nói rằng, một số đồ gốm Nhật Bản có niên hiệu Trung Hoa như “Đại Minh”, “Đại Minh Thành Hoá niên chế”, “Tuyên Đức niên chế”, “Đại Minh Gia Tĩnh niên chế”… như là sự làm giả của đồ gốm nước này, nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của nội địa và dùng ảnh hưởng của đồ sứ Trung Quốc để tiêu thụ đồ sứ Hizen tại các thị trường thịnh vượng của Châu Âu, Châu Mỹ và Đông Nam Á. Điều này không thể phủ nhận, nhưng theo tôi, có một thực tế khác, yêu cầu của Hoàng gia Đại Việt cũng mong muốn có những đồ gốm như thế trong đồ dùng cung đình, với một giá cả phải chăng, có thể chấp nhận được trong điều kiện đất nước khó khăn. Số đồ gốm có niên hiệu Trung Hoa, đặc biệt phổ biến trong triều nhà Minh có trên đồ gốm Nhật Bản ở Hoàng cung, lẽ đương nhiên, không nằm trong quy chế ngặt nghèo của triều đình ban năm 1661 trong Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, rằng “cấm làm và bán riêng những đồ dùng vẽ rồng, lân, phượng dành riêng cho nhà vua”.

          Việc yêu cầu những đồ gốm có ghi niên hiệu Trung Hoa chỉ là một phần của đồ dùng cung đình. Thực tế, Hoàng gia Đại Việt cũng đặt làm những đồ gốm Nhật Bản, như họ đã từng đặt làm đồ gốm sứ Trung Hoa trong những giai đoạn trước đó, nhưng lúc này, kinh phí vương triều không còn đủ sức vì Chúa trịnh tiếm quyền đặt làm hàng loạt những đồ sứ Nội Phủ đắt tiền đến kinh hoàng, mà ngày nay, theo tôi được biết, cứ một centimét đường kính chiếc đĩa hoặc bát “Nội phủ thị Nam” giá lên tới 2 – 3 nghìn USD. Một chiếc bát hoa lam của lò gốm Hizen Nhật Bản, giữa lòng vẽ linh thú và mây, dưới đáy ghi “Nội…thị…”, tìm thấy trong Hoàng cung, nhưng chỉ còn lại một mảnh của trôn bát, theo đó, không đủ điều kiện phục hồi. Tuy nhiên, đề tài trên bát (linh thú – mây), thủ pháp khá chuẩn mực và với hai chữ “Nội…thị…), liên tưởng tới “Nội phủ thị Trung”, “Nội phủ thị Hữu”, “Nội phủ thị Tả”, “Nội phủ thị Đông”, “Nội phủ thị Đoài”, “Nội phủ thị Nam” của chúa Trịnh và từng đặt làm từ lò Cảnh Đức Trấn Trung Hoa.


          Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí, một chuyên gia nghiên cứu về Kinh Thành, đồng thời là một nhà nghiên cứu gốm sứ có thâm niên, giải thích rằng, hiện tượng hiếm hoi những đồ gốm sứ có hiệu đề trong khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, do những nguyên nhân, đó là năm 1789, sau khi đại thắng quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành, triều Tây Sơn đã thâu tóm nhiều của cải của vua Lê – Chúa Trịnh mang về Phú Xuân (Huế ngày nay), trong đó bao gồm những đồ sứ quý mang hiệu đề. Thêm nữa, việc đặt hàng những đồ sứ cao cấp tại Cảnh Đức Trấn (Trung Hoa) đã từng bị gián đoạn trong một thời gian dài bởi do biến động chính trị từ năm 1644, khi nhà Minh sụp đổ và nội chiến kéo dài tại Miền Nam nước này. Vì lẽ đó, triều đình Đại Việt đặt làm gốm ở vùng Hizen Nhật Bản. Theo ghi chép của VOC (Công ty Đông Ấn, Hà Lan) từ năm 1666 đến năm 1681, Thế tử Trịnh Cán và Chúa Trịnh Tạc đã đặt làm mẫu đồ sứ tại Nhật Bản với số lượng đáng kể, phần nhiều là các loại bình để trang trí nội thất và những đồ gốm dùng cho sinh hoạt hàng ngày trong vương phủ.

          Giải thích trên đây của PGS.TS Bùi Minh Trí, dựa trên các tư liệu xác thực của lịch sử thành văn, theo đó là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, lý do về sự thiếu vắng hiếm hoi của đồ gốm sứ có hiệu đề là do vua Quang Trung đưa về Phú Xuân hay nhà Minh sụp đổ, nội chiến ở Miền Nam Trung Hoa, chỉ là một phần. Theo tôi, còn một lý do khác nữa, đó là kinh phí của triều đình Đại Việt lúc bấy giờ khó khăn và đồ gốm sứ Hizen Nhật Bản, xét về mặt thực dụng, chúng na ná Cảnh Đức Trấn mà giá thành chắc chắn rẻ hơn, ngay cả đối với đồ cao cấp được Hoàng gia và Phủ chúa đặt làm ở đó. Để viện giải cho ý kiến trên, tôi thấy, đồ gốm sứ ở Hoàng cung Thăng Long giai đoạn này không thiếu sản phẩm của lò Cảnh Đức Trấn, nhưng vẫn không có hiệu đề mang tính Hoàng cung. Nhiều đồ sứ ở các lò Nam Trung Hoa cũng có mặt ở Thăng Long, Lam Kinh như là một sự minh định về tình hình kinh tế thời bấy giờ của Hoàng gia cuối triều Lê.

          Câu chuyện gốm Nhật Bản ở Hoàng Cung Thăng Long còn rất nhiều điều để nói, nhưng tác giả bài viết này chỉ tách ra đôi ý từ các tư liệu của các đồng nghiệp và đưa thêm vài ý kiến nhỏ, theo cách hiểu và cách nghĩ của riêng mình, như là một gợi ý. Sự đúng sai xin được tiếp nhận từ tất cả các bạn đọc gần xa.