GỐM SÀNH PHÙ LÃNG
Nguyễn Thị Thanh Hiền
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, Phù Lãng có phong cảnh hữu tình của đất Kinh Bắc, có đường giao thông thủy rất thuận lợi cho việc chuyên chở nguyên vật liệu và sản phẩm gốm. Cùng với Thổ Hà (Bắc Giang), Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng được coi là một trong 3 trung tâm gốm cổ truyền ở đồng bằng Bắc bộ.
Tương truyền vào cuối thời Lý có 3 ông quan là Lưu Phong Tú, Hứa Vĩnh Cảo(Kiều), Đào Trí Tiến đi sứ Trung Quốc đã học được nghề làm gốm. Sau khi về nước, các ông truyền dạy cho dân quê mình mở mang nghề gốm. Ông Lưu Phong Tú về làng Phù Lãng, và trở thành ông tổ nghề của làng gốm. Dân làng lấy ngày 7 tháng Giêng âm lịch là ngày giỗ Tổ nghề hằng năm để tưởng nhớ công lao của ông.
Đã từ lâu gốm sành Phù Lãng được biết đến bởi một vẻ đẹp rất riêng biệt và độc đáo vì nó được phủ lên một lớp men da lươn nhưng mang nhiều sắc độ khác nhau: vàng nâu, vàng nhạt, vàng thẫm. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, và một số nhà sưu tập và nhiều di tích đền, chùa, đình, miếu trong nước còn lưu giữ sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại thế kỷ 17-20. Gồm sành Phù Lãng làm các loại hình chủ yếu để người dân sử dụng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, gia dụng và nghệ thuật trang trí.
Gốm sành Phù Lãng đa phần được sử dụng 2 phương pháp trong tạo dáng sản phẩm là tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc đất nung rồi dán ghép lại cùng với các họa tiết trang trí được nặn bằng đôi tay khéo léo tài tình của người thợ gốm.
Sau đây, xin giới thiệu một số loại hình hiện vật gốm sành Phù Lãng tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
1 .Gốm thờ gồm có đỉnh và lư hương với nhiều kiểu dáng khác nhau.
Loại đỉnh vuông có 4 chân quỳ, hai dải quai cong, chỏm nắp là tượng nghê đứng. Trang trí trên đỉnh là đề tài song thọ, băng cánh sen nhọn. Loại đỉnh tròn, thân hình cầu, chân đế cao, hai dải quai cong, chỏm nắp là tượng nghê quỳ. Trang trí trên đỉnh có băng cánh sen, chữ thọ trong ô chữ nhật và văn kỷ hà.
Lư hương rất đa dạng với loại miệng, đế tròn trang trí hổ phù, lưỡng long chầu nguyệt, chữ thọ trong ô chữ nhật hoặc hình tròn. Có loại lư hương tròn tạo dáng 3 phần như một loại bình gốm men ngọc thời Lê sơ với miệng loe cao, thân hình cầu dẹt, chân đế choãi. Trang trí trên các dải quai và xung quanh với đề tài tứ linh, hoa sen, hoa cúc.
Cùng kiểu dáng trên còn có lư hương 2 quai rồng, trang trí 2 nghê chầu mặt hổ phù ở giữa và hai chữ “Cung phụng”. Loại lư hương tròn miệng loe, thân hình cầu, chạm nổi 2 lớp cánh sen múp, đế có 3 chân quỳ. Loại lư hương này mang đặc điểm nghệ thuật gốm thế kỷ 17. Đặc biệt có lư hương cấu tạo 3 phần với 4 chân quỳ trang trí nổi quai rồng, tứ linh, hồi văn chữ T, lá đề, hoa chanh, hai chim hạc đối xứng. Đặc biệt trên nhiều lư hương còn xuất hiện những cặp nghê quỳ đối xứng tương đồng với những mẫu nghê của gốm Bát Tràng có minh văn thế kỷ 17.
Nhiều mẫu lư lương 4 chân, trang trí nổi, ngoài bộ tứ linh còn có các cặp hạc, nghê chầu chữ thọ tròn. Một số lư hương trên mặt trước còn chạm nổi các dòng chữ Hán: “Thượng đẳng tối linh” “Thánh cung vạn tuế”….Những chữ này được chạm nổi, kiểu chữ chân phương sắc nét, dễ đọc. Ý nghĩa nổi bật của những chữ này phản ánh đây chính là những lư hương thờ Thành Hoàng của đình làng.
 2. Gốm gia dụng bao gồm các loại: Ấm, bình vôi, bình, lọ, chum, hũ….Loại hình gốm gia dụng thường không có họa tiết trang trí. Trong trường hợp có trang trí, thường thấy là bộ tứ linh, chữ thọ, hồi văn, lá đề, sóng nước.
Bình có loại tạo dáng với hình ngựa hay hình voi theo tư thế quỳ hoặc đứng. Trang trí trên bình hoa văn hổ phù, băng vòng tròn nhỏ…Ấm tạo hình miệng đế vuông trang trí nổi chữ thọ trong ô chữ nhật. Lại có loại ấm tạo hình theo dáng các loại quả như quả na, quả bưởi như là một cuộc đối thoại với thiên nhiên. Những kiểu ấm tạo hình đơn giản với dáng bình hũ có quai hình khuyên, vòi cong hay loại ấm tích tạo dáng hình trụ rất quen thuộc trong đời sống dân giã.
Loại bình vôi tạo dáng hình cầu có dải quai mô phỏng cành cau tương tự như loại bình vôi gốm Bát Tràng nhưng phủ men da lươn.
Các loại hũ, lọ có miệng hình trụ, vai phình thân thuôn không trang trí hoa văn hay những lọ gốm miệng loe ngang cổ nhỏ thân hình cầu. Các loại bình này, tuy tạo hình đơn giản nhưng là các loại hình đồ gốm phổ biến trong đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc bộ.
3. Gốm nghệ thuật trang trí của các lò Phù Lãng tuy không phong phú loại hình như gốm Bát Tràng, Thổ Hà nhưng cũng có một số loại đáng chú ý như chậu hoa, bình hoa, tượng nghê, tượng thú.
Chậu hoa có miệng uốn đắp nổi các dải lá đều nhau, men màu nâu sẫm. Lại có chậu hoa tạo hình voi quỳ, miệng vuông gắn trên lưng. Trang trí nổi mặt trời mây, hồi văn, hoa chanh, mạng kim quy, những bông hoa chấm lõm…là các loại hình thời Nguyễn.
Những tượng nghê quỳ trên đế tạo hình khối chữ nhật theo tư thế hai chân trước chống, hai chân sau chùng. Các tượng nghê này diễn tả về loại nghê thờ theo cặp đối xứng.
Trang trí trên tượng nghê theo nhiều kiểu khác nhau như các dải xoáy, vây lưng, bờm, xen kẽ những dải mây kiểu dao mác hoặc phủ ngoài theo nhiều lớp vẩy sinh động. Tất cả những tượng nghê này đều phủ men da lươn mầu vàng xám tạo ra vẻ đẹp riêng biệt của loại hình gốm Phù Lãng, thuộc thời Lê Trung Hưng.
Nhìn chung gốm Phù Lãng thuộc dòng gốm dân gian, tạo hình mộc mạc, giản dị nhưng thể hiện rõ tài năng của những người thợ gốm. Mỗi hiện vật là một tác phẩm độc lập phản ánh đặc trưng riêng. Chẳng hạn, các mẫu lư hương có sự tương đồng về cấu trúc, kiểu dáng nhưng các hoa văn trang trí nổi như bộ tứ linh, hổ phù, chữ thọ đều rất sinh động không có sự trùng lặp. Với đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo, những người thợ gốm Phù Lãng đã làm nên một bức tranh gốm độc đáo riêng có của đồng bằng Bắc bộ./.