Hình tượng Rồng  trên đồ đồng thời Lê - Nguyễn

Đinh Phương Châm & Đinh Ngọc Triển

Con rồng là một đối tượng phổ biến trong nền mỹ thuật các nước Đông Nam Á. Hàng ngàn năm qua, với vóc dáng huyền bí, kỳ dị, với nguồn gốc và ý nghĩa phong phú và phức tạp, rồng luôn là đối tượng thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Cũng vậy, ở Việt Nam con rồng luôn xuất hiện trong trang trí trên các chất liệu khác nhau và do đó luôn là đề tài không bao giờ xa lạ đối những ai quan tâm và hiểu được ý nghĩa của chúng. 

Có thể nói sự nổi bật của mỹ thuật đồ đồng  thời  Lê Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc giaViệt Nam  trước hết là sự thể hiện hình tượng  trang trí rồng.
 
 

Tượng Rồng: 


Với dạng này, rồng được thể hiện tương đối nhiều và đầy đủ chi tiết như: đầu, mình, đuôi, chân được đặt nguyên vị trí nhằm tôn cao vẻ đẹp của rồng. Tượng rồng cách điệu làm  chân đỡ của đỉnh trầm. Đầu rồng ngẩng cao, râu dài tạo xoắn,  miệng há ngậm ngọc, thân rồng uốn lượn nhưng giữ được dáng vẻ khoẻ khoắn, thân có vẩy như vẩy cá chép. Chân rồng có năm móng, hai chân trước giơ cao đỡ lấy thân đỉnh, hai chân sau bám làm trụ  chân của đỉnh. 

Tượng rồng cách điệu là hai tai hai bên đối xứng của đỉnh thân trầm. 

Tượng rồng trong tư thế làm quai treo. Đó là rồng được làm quai treo chuông được thể hiện tương đối nhiều. Quai chuông phần nhiều tạo dáng hai rồng đấu lưng vào nhau gắn trên đỉnh của chuông, thân rồng uốn vòng làm quai, đuôi xoắn hình bông hoa hay cũng có khi tạo như hình nậm rượu. 

Tượng rồng tạo hình làm giá treo. Đó là rồng trong tư thế rồng giáng, đầu và hai chân trước chúc xuống làm chân giá treo; đuôi rồng và hai chân sau giơ lên trên, móng rồng làm móc treo, miệng rồng há đang ngậm ngọc.

Tượng rồng cách điệu thể hiện làm chân đèn nến đặt trên bệ thờ nhằm tôn lên vẻ linh thiêng cho không gian thờ tự. Tư thế rồng giáng, đầu ngẩng cao, miệng há ngậm ngọc , hai chân rồng có 5 móng bám vào giá chân đèn tạo như tảng mây tạo thế vững chắc. Thân rồng uốn lượn, hai chân sau giơ lên, đuôi tạo dải bay lên phía trước. Đĩa đèn nến là một cành hoa sen với nhiều cánh mọc ra từ thân rồng.

Tượng  rồng còn có kiểu miệng đang phun mưa, làm hai tai gắn trên thân đỉnh. Rồng với tư thế  cuộn tròn làm núm cầm trên nắp đỉnh.Tượng rồng làm hai tai gắn trang trí đối xứng trên thân loại bình thờ, với  3 rồng con làm chân bình. Rồng cuộn tròn trang trí trên thân lọ hoa.
 

Rồng đúc nổi:

Hình tượng rồng này thường được đúc nổi theo tư thế  mặt rồng nhìn chính diện. Rồng dạng này có cằm bạnh ra, mắt lồi, mũi to, miệng rộng trông rất dữ tợn như trên chiếc ngai thờ duy nhất tại sưu tập của Bảo tàng, Hai tay vịn của ngai là đôi rồng, chính giữa mặt trước ngai là mặt rồng nổi.

Rồng cách điệu:


Hình thức này, con rồng được thể hiện với nhiều phương pháp chế tác khác nhau như: chạm nổi, trổ thủng…

Rồng trổ thủng như rồng ổ, rồng chầu chữ Thọ, rồng chầu mặt trời, rồng chầu hoa sen, rồng trong mây… Ngoài ra, rồng còn được cách điệu trong bộ nghi trượng bát bửu. Mỗi đồ vật thể hiện miệng rồng há rộng. Phía trên là loại hình nghi trượng như rìu búa, chùy, long đao, chủy thủ…

Rồng còn được thể hiện theo con vật linh khác như long mã, với đầu rồng thân ngựa; cá hóa rồng, biểu tượng của việc cầu mong thi đỗ; trúc hóa long, mai hóa rồng…
 
 

Rồng trong bộ tứ linh:

Đáng chú ý có bộ tứ linh đúc nổi trên trống đồng  đời Cảnh Thịnh thời Tây Sơn. Trống có nguồn gốc ở Chùa Cả, xã Phù Ninh, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trên trống được đúc nổi các băng hoa văn: nhũ đinh, lá đề, hồi văn chữ T và Long Ly Quy Phượng. Chiếc trống là một trong số hiện vật được đề xuất là Bảo vật Quốc gia.

Rồng trong bộ tứ linh được thể hiện trên loại mâm đồng tám cạnh hay mười hai cạnh. Đề tài trang trí trên mâm là cuốn thư, quạt vả, hoa mai và chữ Thọ. Giữa lòng mâm  có hình rồng lớn, xung quanh có hình rùa đội hòm sách, chim phượng và long mã.

Bộ Cửu long (chín rồng):

Tượng Phật Thích ca sơ sinh trong toà Cửu Long thể hiện hình Phật đứng trên bệ sen, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất (Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn), xung quanh Ngài có 9 tượng rồng vây quanh. 

Với ý nghĩa  linh thiêng lại vùa gần gũi, rồng gắn với nguồn nước  đem lại sự sống muôn loài. Rồng là biểu tượng của vương quyền, cho sức mạnh và sự trường tồn của các triều đại phong kiến, trong tâm tưởng của con người, con rồng đã ăn sâu trong tâm thức và trở thành nguồn thẩm mỹ không bao giờ cạn và được tôn vinh là thuỷ tổ của dân tộc Việt Nam qua quan niệm “Con rồng cháu tiên”, hay hình tượng Thăng Long - rồng bay lên, tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, khách đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam sẽ có dịp được ngắm nhìn những hiện vật luôn tồn tại trong đời sống xã hội phong kiến Việt Nam. Dưới bàn tay tài hoa khéo léo của người thợ đúc mà mỗi sản phẩm tưởng chừng như gần gũi nhưng vẫn được vươn lên như những vật dụng mang tính thẩm mỹ cao quý./.