Hồ sơ dài kỳ:
NGẪM VỀ CHUYỆN "ĐI SỨ MÁY BAY"
Lý Đức Gia
Có ở lâu trong làng cổ vật mới hiểu được nghĩa thật của từ đi “Sứ”. Đi sứ chỉ việc người mua bán cổ vật đi ra ngoài tỉnh, thành nơi mình cư trú để đến các nơi có cổ vật tìm mua.
Nhớ lại thời cách nay trên 25, 30 năm, dân buôn bán cổ vật loại “chuyên nghiệp và cú tiền” mới có được chiếc Môtô phân khối trên 150cc kiểu Mink của Liên Xô cũ, hay Java của Tiệp Khắc, hoặc MTZ của CHDC Đức để chạy xa, còn phần lớn “dân chạy đồ” thì xe đạp, tầu hỏa, ôtô khách...Phương tiện đi lại thì khổ như vậy. Còn về thông tin liên lạc thì đâu có hệ thống mạng điện thoại di động, thư điện tử, chụp ảnh kỹ thuật số... như bây giờ?
Tại nhà đấu giá cổ vật Bangkok, Thái Lan
Cùng bước theo nhịp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước thời đổi mới, đến giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 cánh đi sứ Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa đã bắt đầu thuê xe con đi sứ. Sang những năm đầu thế kỷ 21 thì phần lớn các ông chủ có tiềm lực và có tay nghề khá đều sắm ôtô riêng để chủ động hành quân bất kỳ lúc nào khi có thông tin chào mời từ các đầu nậu ở các tỉnh xa.
Việc đi sứ bằng máy bay nội địa cũng đã có từ lâu, nhưng khoảng chục năm lại đây người buôn và nguời tầm chơi cổ vật đã đi sứ bằng Máy bay ra nước ngoài tầm mua cổ vật mang về phục vụ nhu cầu người chơi trong nước hoặc các bạn nước ngoài. Đây là kết qủa của việc nước ta có chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và từng bước hoàn thiện hệ thống Luật pháp để không coi người chơi, người buôn đồ cổ là những kẻ phạm pháp muốn vồ lúc nào là vồ để tịch thu đồ và nhốt vào khám.
Để có đủ bản lĩnh “đi Sứ” nước ngoài, người “đi Sứ” cần có một số điều kiện: Có tay nghề vững của lĩnh vực mình quan tâm, có nguồn vốn khá để biết chọn mua và tự quyết định “rơi tiền”, thông hiểu Luật lệ về quản lý cổ vật của xứ Người và có đầu ra trong nước.
Hiện nay chuyện người Việt Nam ta rủ nhau bay “đi Sứ” nước ngoài là “chuyện thường ngày ở Huyện” đối với một số “cao thủ”. Đây là tín hiệu mừng cho đất nước.
Nhớ lại thời trước 1954, người Việt Nam ta đã đi dự đấu giá mua cổ vật từ Hồng Kông, Pari, Luân đôn, chứ không phải bây giờ chúng ta mới mở đầu việc làm này. Sau đó do nhận thức ở tầm “lúa nước” của các nhà quản lý coi cổ vật là “xa xỉ” phục vụ bọn nhà giầu, tầng lớp trên không cơ bản nên chả ai giám chơi công khai trong nước chứ nói gì đến việc “đi Sứ” nước ngoài?
Một câu hỏi đặt ra: Đối với các nước, khách mua cổ vật rồi mang khỏi biên giới thì có được giải quyết như thế nào? Họ quy định rành mạch để Hải quan dựa trên cơ sở của Luật pháp chỉ cấm người xuất cảnh mang đi các loại cổ vật quý hiếm là giá trị văn hóa đặc trưng của đất nước đã sản sinh ra chúng. Nếu cổ vật của nước khác và không nằm trong danh mục cấm thì xin mời bạn tự do mang đi miễn không phải là đồ ăn cắp. Họ làm như vậy thì đất nước họ mới thu được nhiều tiền từ dân nước ngoài mang đến chứ.
Còn nước ta trong việc quản lý cổ vật chưa được rõ ràng cụ thể như vậy. Dễ nhất cho quản lý là cấm tiệt mọi loại cổ vật, bất biết chúng có giá trị, nguồn gốc văn hóa của xứ nào. Đã nhiều năm như vậy, tưởng thế là chặt chẽ, song có lẽ cổ vật thật, có giá cao chào bán qua mạng vẫn có cánh bay đi, còn ông cổ vật tầm tầm vớ vẩn, thậm chí cổ giả lại được cẩn thận giữ lại trong kho để báo cáo xin xử lý mới hay chứ?
Có một thực tế hiện tại ở Việt Nam là sau khi không ít các tay đi sứ bằng máy bay đến các nước Thái Lan, HongKong, Trung Quốc, Indonexia, Châu Âu, Mỹ…rước về ta đủ thứ ở chợ trời, cửa hiệu, đấu giá đồ cũ, đồ cổ của các nước khác mà cụ thể như đồng hồ, xe đạp, đồ gỗ, đồ gốm sứ, tượng đồng, đá, ngà voi đủ kiểu… cung ứng cho các ông chủ mới giầu lên thưởng ngoạn các loại đồ này vì họ cứ đinh ninh chúng là cổ vật quý hiếm như mấy tay buôn hướng dẫn hoặc đọc, xem ảnh giới thiệu nhan nhản trên các trang mạng chứ đâu có hiểu rằng phần lớn đó là các món đồ cũ và giả cổ. Nên nhớ rằng dân buôn đồ cũ, đồ xưa ở ta cũng như ở xứ người đều giống nhau ở chỗ là nếu có lợi nhuận thì sẽ có mọi cách để thực hiện và họ đó bắt tay nhau chặt chẽ cũng hơn cả các nhà đầu tư nước ngoài liên doanh làm ăn, sản xuất với doanh nghiệp Việt!
Nước ta đang tiếp tục thúc đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chắc chắn rồi đến lúc chúng ta cũng phải theo cách quản lý cổ vật theo kiểu văn minh, công khai của các nước khác để tăng thu được ngoại tệ và giảm chảy ngoại tệ ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh đồ cũ, đồ xưa. Có thế Việt Nam mới cú cùng một sân chơi, một luật chơi với các nước./.
CỔ NGOẠN VIỆT NAM THỜI WTO
Cuối tháng 5 vừa qua, Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức để Hội viên có điều kiện cùng nhau đi dự Hội chợ Đồ cổ và tác phẩm Mỹ thuật quốc tế tổ chức tại Hồng Kông từ 23-27 tháng 5/2008. Kết hợp đoàn ghé thăm Macau 01 ngày đêm. Chuyến đi ngắn ngày nhưng vui vẻ và bổ ích.
Đoàn có trên chục tay thạo về cổ vật công dân Hà Thành. Họ vốn đã luôn vui vẻ với nhau thường xuyên, nay lại có điều kiện vui vẻ với nhau ở một xứ sở vui vẻ của xứ người mới thú vị làm sao!
Bán đảo bé nhỏ xinh đẹp Hongkông hiện vẫn đang là Trung tâm tài chính, thương mại và trung chuyển hàng hóa lớn của Châu Á với thế giới. Nơi đây cũng là địa điểm để các công ty đấu gía nổi tiếng quốc tế thường tổ chức Hội chợ mua bán trao đổ cổ vật hàng năm.
Mục đích tổ chức chuyến xuất ngoại đầu tiên của Hội cổ vật Thăng Long sau 10 năm thành lập nhằm tạo điều kiện cho Hội viên tiếp cận với hoạt động "Hội chợ quốc tế về lĩnh vực cổ vật" tại một nơi mua bán cổ vật chính yếu và có truyền thống lâu năm của Châu Á là Hồng Kông. Thông qua quan hệ với giới cổ ngoạn Thái Lan, Ban tổ chức Hội chợ đã chuyển vé mời đoàn Việt Nam tham dự Hội chợ này. Thời WTO có khác. Chơi cổ vật công khai và quốc tế. Khỏi phải chui lủi! Đó là điều vui nhất cho giới cổ ngoạn Việt Nam chúng ta.
Tất nhiên các thành viên của đoàn bỏ tiền túi đến Hội chợ cốt để tự do xem được nhiều loại hình Cổ vật và tác phẩm Mỹ thuật của nhiều dân tộc và được chọn mua vài món cổ vật với chất lượng đảm bảo. Còn giá cả có thể mua được hay không thì phải đến Hội chợ mới so được với mặt bằng gía trong nước hiện tại để quyết định có mua khay không?
Trong đoàn phần đông đã từng đi nước ngoài, nhưng đến tham dự một Hội chợ về cổ vật thì không nhiều, số đông là lần đầu tiên. Khi đến Hội chợ, cảm nhận của mọi người nói với tôi là người ta tổ chức quá hoàn thiện, đẹp, thuận tiện và rất an ninh trong tình hình hiện nay. Quả đúng như dân gian đã nói: "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ", có đi thì mới được thấy, được hiểu biết thêm. Qúy hơn cả tiền nhiều.
Tại hội chợ đấu giá cổ vật và tranh Hong Kong
Lướt toàn cảnh các gian trưng bầy cổ vật một lượt, anh em trong đoàn nhận ra đồ sứ Trung Hoa có chất lượng bao gồm các yếu tố từ "tuổi" đến mức độ "toàn và mỹ" thường chỉ rơi vào các gian hàng của các nhà buôn Âu châu, còn các gian hàng của các nước khác thì hợi ngợ. Thế là đoàn chúng tôi hầu như đều tập trung "giao lưu" ngay với các món sứ cổ Trung Hoa đích thực mà bên bán là các chủ người "mũi cao, da trắng". Với những món đồ bắt mắt theo sở thích của từng người, anh em nhanh chóng mỗi người đều cầm xem, hỏi giá bán và so sánh với giá ở ta hiện tại để quyết định. Được cái các "anh Tây" bán hàng ở đây khi nói về tình trạng món đồ, về niên đại đều thẳng thắn thông báo cho khách hàng chứ không như mấy vị bán hàng Châu Á trong đó có cả Việt Nam ta khi chào bán đồ cổ. Theo quy định, mỗi người Việt ta chỉ được mang theo không qúa 7.000 USD xuất ngoại, cho nên có những món cao tiền đến trên chục ngàn thì vài anh bàn nhau "cô tiền lại" để mua bằng được. Thấy người Việt Nam "bám trụ" và mua nhiều, tiếng Anh "giả cầy", nhưng lại có ưu thế "Pây" ngay bằng tiền mặt không thẻ thủng gì sất, tiền tươi, cho nên mấy anh chị "Tây" mừng vui ra mặt. Anh bán hàng nào mà chả vui như vậy chứ có riêng gì bán cổ vật?
Họ hỏi và tôi cho biết đây là đoàn của Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội, họ rất ngạc nhiên và càng thích thú khen khách Việt ta "máu" và tinh nhanh thật sự trong lĩnh vực cổ quái này. Chủ hàng mải giao lưu với chúng tôi, có một khách hàng người Trung Quốc đã nổi khùng với anh chủ gian hàng Luân đôn vì đã bán một món sứ thời cuối Minh ngay cho khách Việt trong khi anh ta chờ mãi vẫn chưa được cầm xem. Thế là anh ta đã nói dằn dọng những gì mà chúng tôi không hiểu, rồi cầm cuốn Catalo giới thiệu món hàng đó ném thẳng vào anh chủ gian hàng và bỏ đi. Một hành động không đẹp. Có lẽ đây là chuyện làm mọi người chúng tôi có mặt khi đó ngạc nhiên nhất trong Hội chợ. Nhưng bên cạnh chuyện buồn đó lại có một chuyện vui khác, đó là một thành viên trong đoàn chúng tôi do chần chừ nên để một người buốn bán cổ vật có tiếng ở Bangkok mà chúng tôi cũng đã quen biết nhanh tay mua mất. Tiếc qúa, anh bạn tôi lại phải nhờ một bạn Thái Lan khác thương lượng cho mua lại với giá do chủ mới của món đồ quyết định. Cuối ngày tôi được biết cuộc thương lượng có kết qủa, người chủ mới Thái Lan đã đồng ý nhượng lại cho bạn Việt Nam món đồ vừa mua được buổi sáng, vì đằng nào mang về Bangkok cũng bán. Tất nhiên để trả cho cái ý thích món đồ, anh bạn đoàn tôi đã phải trả thêm gần ngàn đô Mỹ cho người bạn Thái so với giá anh ta mua được của người Tây trong Hội chợ. Dân buôn bán đồ cổ gọi vui đây là "luộc nấu" ngay tại chỗ.
Quanh quẩn cả ngày trong Hội chợ, chúng tôi ăn uống nhanh buổi trưa ngay tại chỗ để có thời gian thăm thú. Tất nhiên mua bán cũng phải có mẹo, chờ đến gần cuối ngày, những món đồ chưa ngã giá được anh em ta quay lại trả cao lên một chút theo cách "cưa đôi" phần còn "vênh" giữa hai bên, thế là chủ hàng đồng ý nhận tiền tươi và tập trung gói đồ, viết giấy bán cho khách Việt Nam.
Chúng tôi thấy các gian hàng bán đồ sứ cổ Trung Hoa của người Anh đã vãn cả đồ với đoàn khách Việt. Ngày mai Hội chợ vẫn còn, nhưng chúng tôi không quay lại, bởi những món thích, hợp túi tiền thì đã mua được, còn lại phần lớn đồ rất đẹp nhưng đắt tiền. Nào những bát sứ đẹp, to thời Minh vài trăm ngàn đô, củ tỏi mầu vài chục ngàn, bình, đĩa, chén, ấm... giá cao hơn ở ta nhiều. Tại một gian hàng bán đồ gỗ cổ của người chủ Macau, chúng tôi xem và hỏi gía một bức tranh đá tự nhiên có khắc thơ đặt trên giá gỗ Trắc rất đẹp và chúng tôi thật sự bàng hoàng khi được trả lời gía bán 600.000 USD. Tôi nói vui với họ: Chắc chắn người Macau lắm tiền nên mới chơi oách đến thế. Họ nháy mắt cười tươi. Chúng tôi cảm nhận thái độ chào khách, bán hàng của các gian thuộc nhiều quốc gia đều khá lịch sự và vui vẻ. Như lần trước dự Hội chợ cách nay 2 năm, tôi đến gian bán Tạp chí khá nổi tiếng của chị Tuyết Nguyệt, một Việt Kiều sống lâu năm ở HôngKông lấy chồng người nước ngoài để chào thăm chị nhưng không thấy chị, hỏi ra được biết chị đã cao tuổi nên ít đi lại. Một anh bạn đoàn tôi cũng bỏ tiền mua gần chục Tạp chí và sách viết về cổ vật in rất đẹp bán trong Hội chợ này...
Cuối ngày ra về ai cũng có bịch hàng xách theo khệ nệ, nhưng mọi người đều vui vẻ cả.
Ngày hôm sau chúng tôi đến khu chuyên buôn bán đồ cổ, đồ Mỹ nghệ, đồ gỉa cổ của Hôngkông với tên gọi phố Hollyout. Đồ giả cổ, đồ Mỹ nghệ la liệt. Đến đây để mọi người biết nhưng chả ai mua được gì. Tất nhiên đồ thật họ không trưng ra, bởi thường khi đã quen mối hàng làm ăn thì chắc chắn họ mới cho xem đồ cổ thật. Cánh buôn bán đồ cổ đâu mà chả vậy. Trong đoàn có vài anh hay mua sứ Tầu ở Bangkok mang về, chuyến đi này họ cốt thăm thú để rồi sẽ lại bay đến đây tìm hàng khuân về Việt Nam phục vụ. Âu đó là chuyện hay vì dân ta ngày càng có nhiều người giầu lên. Hai năm nữa, năm 2010 chắc chắn những người yêu cổ ngoạn chúng tôi sẽ lại rủ nhau tới Hội chợ Hôngkông để xem và mua cổ vật mang về Việt Nam. Bởi những ai có đến đây mới thấy mua đồ sứ cổ Trung Hoa tại Bangkok, tại các nước quanh ta và chính tại nước ta khó khăn hơn nhiều so với mua tại Hội chợ này, vì chỉ rặt đồ non tuổi và đồ giả cổ siêu hạng tràn lan. Những người không có chuyên môn giỏi thì "đứt" là cái chắc.
Rời Hôngkông phi tầu thủy du lịch hơn giờ đồng hồ đến Macau, một đảo nhỏ nổi tiếng là Trung tâm cờ bạc Châu Á. Đoàn chúng tôi được hướng dẫn viên tại đây đón tiếp vui vẻ và dẫn đi tham quan ngay để buổi tối còn có thời gian đi vào sòng chơi bài hoặc đi Sex- sâu tùy theo ý thích mỗi người. Hành lý để luôn trong xe và mọi người hành tiến ngay. Thú nhất với những anh nghiện thuốc lá chúng tôi là được hút thuốc khá thoải mái, tất nhiên không bằng Thủ đô cờ bạc Lasvegas Mỹ, được hút ngay từ trong sân bay trong khi hầu khắp các thành phố khác ở Mỹ đều cấm nơi công cộng, quán ăn. Việc đãi rượi, ăn uống miễn phí khi chơi bài cũng vậy. Sòng Macau chỉ có ăn nhẹ và uống nước ngọt, còn Lasvegat thì xả láng cả Usky và ăn nặng. Muốn gọi gì hầu như cũng được đáp ứng. Những nơi được tổ chức cho chơi cờ bạc thường được dễ dàng hút thuốc và uống rượu mạnh. Nếu cấm thì ít người đến chơi. Thường người ham chơi bài thi luôn kèm hút thốc và uống rượu mạnh.
Chúng tôi đi thăm các địa danh, leo lên tháp Truyền hình ngắm cảnh, rồi dạo phố buôn bán. Chợt lại có cửa hàng bán đồ cổ Trung Hoa. Thế là chúng tôi lại tràn vào thăm thú. Tại đây cũng có người mua được vài món cổ vật với giá hợp lý. Trong đó có anh mua được 01 chiếc gối sứ xanh trắng dùng chống tay cho người hút thuốc phiện, tuổi khá cao và lấy làm rất thỏa mãn để mang về nước vì ở Hội chợ Hôngkông chưa mua gì.
Thế là mọi người càng vui trong chuyến đi xuất ngoại lần này./.
Hà Nội, tháng 6/2008