Hoa sen trong mỹ thuật Cung đình Huế
Nguyễn Đình Chiến
Ca dao Việt Nam có câu:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại xen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Trong nghệ thuật Việt Nam, đề tài hoa sen đã được thể hiện trên nhiều chất liệu, nhiều loại hình cổ vật khác nhau. Trên chuông đồng Thanh Mai, đúc vào năm 798, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, xung quanh vai và các núm gõ chuông đều thấy băng cánh sen. Đặc biệt, hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo kể từ triều Lý cho đến nay. Hoa sen thể hiện xung quanh các bệ kê chân cột của kiến trúc chùa, tháp thời Lý. Hoa sen chạm nổi xung quanh bệ tượng Phật chùa Phật Tích – hiện là pho tượng phật bằng đá cổ nhất ở nước ta. Họa tiết hoa sen còn thể hiện trên các loại ấm, liễn, thạp gốm … thuộc các dòng gốm men ngọc, men trắng, men nâu và hoa nâu. Hoa sen đúc nổi chính giữa 5 ô tròn trên mặt đàn đồng triều Lý, thế kỷ 11 – 13, phát hiện ở xã Phù Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội là một cổ vật đặc sắc triều Lý.
Giữa thủ đô Hà Nội có ngôi chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), được xây dựng từ thời Lý. Tương truyền vào một đêm xuân năm Kỷ sửu (1049) vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen, dẫn vua lên đài. Khi tỉnh dậy, vua kể lại với triều thần, Thiền sư Thiền Tuệ khuyên vua nên xây chùa, dựng cột đá giữa hồ, xây đài hoa sen có tượng Phật Quan Âm ở trên, đúng như hình ảnh đã thấy trong mơ. Chùa xây xong giữa hồ, nhìn từ xa như một đóa sen lớn mọc lên từ hồ nước, chiếc cột là cọng sen. Ở Hà Nội, còn có chùa Kim Liên (Bông sen vàng) xây dựng ở giữa thế kỷ 18. Chùa Kim Liên thấp thoáng trong lùm cây xanh um tùm, xung quanh là hồ, chẳng khác gì đóa sen nở trên mặt nước. Trên minh văn chuông chùa Liên Phái, Hà Nội có lời cúng của các sư tăng: “Mún ma ni bát mê hồng” có nghĩa là cầu được lên tòa sen ngọc báu. Bát mê (padma) có nghĩa là hoa sen.
Hình tượng hoa sen tượng trưng cho mùa hạ trong tứ quý: Xuân, hạ, thu, đông. Hoa sen trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo thường được gắn với hình ảnh đức Phật tọa thiền hoặc đứng thuyết pháp trên tòa sen. Hoa sen là một trong bát bảo của Phật giáo, là sự huyền nhiệm của bước chân Phật Thích Ca.
Trong sưu tập bảo vật Cung đình Huế lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có một số loại hình bảo vật được tạo dáng theo đề tài hoa, lá sen bằng chất liệu vàng và bạc. Đó là những cơi trầu, hộp trầu, chậu rửa mặt, chân nến, ấm rượu… đã từng được sử dụng trong Hoàng cung triều Nguyễn.
Hộp đựng trầu cau bằng bạc, tạo hình như 2 bông sen úp, gồm 3 phần rời: nắp, ngăn giữa và thân, lắp khớp lại. Hộp có chiều cao 16cm, đkm 11,7cm. Nắp hộp có 3 lớp cánh sen nổi to, mập. Chỏm là hình nụ sen, ngăn giữa hộp có hình trụ dẹt (tương tự các loại hộp hình trụ bằng vàng và bạc khác). Thân hộp tạo 4 lớp cánh và chân đế choãi với 3 lớp cảnh nổi (Ảnh 1).
Ảnh 1
Chiếc hộp đựng trầu cau bằng vàng khác cũng tạo hình tương tự, gồm 3 phần rời : nắp, ngăn giữa và thân, lắp khớp lại, nhưng các lớp cánh sen mềm hơn. Hộp có chiều cao 14cm, đkm 10cm (Ảnh 2).
Ảnh 2
Cơi trầu bằng vàng tạo hình một bông sen nở, gờ miệng đứng, xung quanh là các cánh sen nổi, chân đế thấp và nhỏ. Các hàng cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ. Trên mặt cánh sen chạm nổi dây lá. Giáp chân và vành miệng chạm băng văn lá đề. Cơi trầu cao 4,7cm; đkm 10,8cm. Có thể nói, đây là một trong những tuyệt tác của kỹ nghệ kim hoàn triều Nguyễn, thế kỷ 19 – 20 (Ảnh 3).
Ảnh 3
Chậu rửa mặt bằng vàng tạo hình lá sen với vành miệng loe ngang, các gân lá được chạm rõ nét. Điều đáng chú ý hơn cả là tượng nhân đã uốn các cọng nụ sen, bông sen, gương sen để tạo thành chân đế. Chậu vàng này có chiều cao 11,5cm; đk 29,9cm; nặng 760gr (Ảnh 4).
Ảnh 4
Cặp chân nến bằng vàng, cao 25cm. Tượng nhân tạo chân nến với chân đế hình chiếc lá sen úp,có các dải gân nổi. Phần thân là một khóm hoa, nụ và gương sen. Đỉnh là lá sen, bên trong có ô hình trụ để đặt cây nến (Ảnh 5). Minh văn khắc trên vành đế: “八 五 歲 金重 九 両 九 錢 五 分 Bát ngũ tuế kim trọng cửu lượng cửu tiền ngũ phân” (Vàng 8 tuổi rưỡi, nặng 9 lạng 9 tiền 5 phân).
Ảnh 5
Ngoài các loại hình tạo dáng theo hoa lá sen như trên, đề tài này còn được chạm nổi trên ấm rượu và hộp trầu hình trụ bằng bạc.
Ấm rượu bằng bạc có nắp, miệng và đế vuông. Chỏm nắp hình búp sen, trên mặt ngoài chạm hoa lá sen trong ô hình lá đề (Ảnh 6).
Ảnh 6
Hộp trầu hình trụ bằng bạc có 3 phần rời lắp khớp lại, tương tự loại hộp hình trụ bằng vàng và bạc trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn, chạm nổi rồng, phượng và mây. Trong một ô hình chữ nhật có góc uốn, bên thành ngoài hộp, chạm nổi một góc đầm sen với hoa lá sen mềm mại và cặp uyên ương (Ảnh 7).
Ảnh 7
Như vậy, chỉ thông qua một số loại hình bảo vật tạo tác bằng chất liệu vàng và bạc, các tượng nhân của Ngự xưởng triều Nguyễn đã cho thấy đề tài hoa lá sen được khai thác theo mạch nghệ thuật truyền thống. Với lối tạo hình tài khéo bằng chất liệu quý hiếm, các bảo vật này góp phần chứng minh sự hòa nhập của hai dòng chảy mỹ thuật dân gian truyền thống và mỹ thuật Cung đình.
Qua nghiên cứu sưu tập bảo vật triều Nguyễn lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi đã gặp nhiều tên tuổi của những tượng nhân như: Lê Văn Trường, Lê Khương, Nguyễn Tận ở cục Ngân tượng, phủ Nội tạo, cùng hàng chục họ tên của những người thợ khác và những người thợ kiểm tra. Chỉ riêng tượng nhân Nguyễn Tận, có thể thấy họ tên của ông được khắc rõ trên 9 bảo vật, tạo tác dưới đời vua Minh Mệnh như: đỉnh bằng vàng và muôi bạc tạo tác năm Canh Thìn, 1820; ống nhổ bằng vàng, tạo tác năm 1824; 5 chiếc mâm bồng bằng bạc, tạo tác năm 1827; khay bạc tạo tác năm Tân Tỵ, 1821.