HỌC PHÍ XUYÊN BIÊN GIỚI THỜI ĐẠI DỊCH

 

                                                                                                Lý Đức Gia

          Hơn năm qua thế giới đảo điên vì đại dịch Covid 19, kinh tế từ cấp quốc gia đến từng người dân đều suy giảm mạnh. Việt Nam ta cũng vào vòng xoáy này.

          Ngẫm đã thành quy luật, từ xa xưa Vua chúa phong kiến của những quốc gia giầu mạnh thường duy trì vị thế thống trị quyền lựccủa mình theo phương châm “Cần tạo cho Thiên hạ đại loạn, suy vong thì Mình mới được thịnh trị!”. Do vậy các quốc gia nhỏ, yếu luôn trong tình trạng phải cống nạp, phụ thuộc các nước lớn vì rất lo sợ đổ vỡ. Đó là bài học lịch sử ngàn đời nay. Giờ đây thế giới sống ở những thập niên đầu thế kỷ XXI, cuộc sống con người, kinh tế xã hội và hình thái chiến tranh đã khác nhiều thế kỷ XX. Đại dịch Covid 19 bùng nổ toàn cầu đang được thế giới xem xét trước diễn biến khó lường, phúc tạp không khác gì chiến tranh? Năm 1997 khi xuất bản cuốn sách nhỏ DIỄN GIẢI KINH DỊCH, TỨ TRỤ, TRẠCH CÁT trong lời Tự bạch tôi viết: Theo thời gian, bằng lao động không ngừng nghỉ, con người ngày càng phát triển để có cuộc sống tốt hơn, văn minh hơn. Thế nhưng có một nghịch lý là con người càng văn minh thì càng tàn phá môi trường thiên nhiên, các sinh vật khác và chính đồng loại tồn tại trên trái đất! Những dòng này tôi viết ra đã qua vài thập niên và diễn ra đúng như vậy mặc dầu Liên Hợp Quốc và một số quốc gia rất cố gắng giải cứu trái đất đồng thời để con người có cuộc sống an toàn hôm nay và mai sau. Nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường sống của nhân loại và giữ cho trái đất xanh không hề đơn gian trước quyền lợi ích kỷ của một số quốc gia giầu mạnh có lãnh đạo tà tâm vì lợi ích của riêng họ.

         Hơn năm qua tôi rất buồn, lo lắng cho chính gia đình mình cùng nhân dân đất Việt trước đại Dịch. Chắc mọi người có lương tri đều nghĩ như tôi. Bằng những việc tai nghe mắt thấy tôi rất khâm phục tinh thần, cách tổ chức chống dịch Covit 19 quyết liệt, bài bản theo tinh thần chống Dịch như chống Giặc của nhà cầm quyền và nhân dân Việt Nam, một đất nước còn nghèo nhưng có lương tri. Chỉ có những kẻ thù địch với nhân dân và đất nước ta hoặc thiếu hiểu biết, thiếu thiện chí với con người, đất nước Việt Nam thì mới lên mạng xã hội, truyền thông nước ngoài để nói bậy.

Ấm sứ men xanh trắng thời Khang Hy ( vớt biển)

         Ca cẩm về đại dịch Covid 19 nói mãi không hết chuyện, xin dừng để nói về cuộc chơi của dân nghiền cổ vật thời Covid. Ai chả biết kinh tế thời đại dịch khó khăn, suy giảm, cuộc sống người dân rất khó khăn, tất nhiên cánh buôn bán và dân chơi cổ vật ở Việt Nam cũng lao đao như vậy. May mà giờ đây thành tựu mạng xã hội của nhân loại đã làm cho trái đất phẳng, biên giới mềm… nên thiên hạ đã rất nhanh chóng khai thác hình thức giao thương, buôn bán trực tuyến để tìm kiếm lợi nhuận. Đúng là trong cái khó ló cái khôn. Tất nhiên giới buôn bán cổ vật, các tác phẩm nghệ thuật trên thế giới và Việt Nam cũng chóng vánh bắt kịp xu thế này. Thế nhưng mọi sự việc trên đời đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Việc mua bán cổ vật, tranh pháo qua mạng cũng vậy. Nó chỉ có lợi với những người có “trình” vì  ngay từ khi chỉ xem ảnh giới thiệu món đồ trên mạng kèm lời chào mùi mẫm của người bán thì họ đã biết đó là đồ thật hay giả, còn đa phần thì rất dễ bị tổn thương tiền bạc và nặng đầu.

           Khi còn chưa có đại dịch Covid 19 tôi biết một số người đã mua được vài món cổ vật khá có giá trị do một người Việt Nam có nghề chuyên bay đi đến các nước để tìm kiếm cổ vật và dự đấu giá để mang về phục vụ khách mua trong nước. Đó là mặt tích cực của việc mua bán thời internet và hội nhập kinh tế quốc tế. Thương mại qua mạng, vừa nhanh, vừa hợp lý. Nhưng để khai thác được mặt tích cực, hạn chế tiêu cực trong mua bán trên mạng cần có 2 điều kiện là:

- Phải có hiểu biết chuyên môn tốt đểcó thể tự quyết bỏ tiền mua khi chưa được sờ tận tay, xem tận mắt hiện vật.

- Phải tìm được đối tác có chuyên môn, có chữ tín đã được thử thách qua năm tháng.

           Dân chơi cổ vật muốn không bị trả giá mất tiền vì mua phải đồ giả thời kinh doanh mạng phải vậy.

          Mới đây tôi nghe 2 câu chuyện về giám định cổ vật ở Hà Nội. Khi kể lại tôi giữ nguyên tắc không nói cụ thể tên, địa chỉ gia chủ và các hiện vật đã giám định.

Bình Pháp lam TQ, TK - 19

        Chuyện thứ nhất có người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn đã 5,6 năm nên cũng hiểu ít nhiều về con người, đất nước ta. Khi rảnh rỗi ông bạn nước ngoài cũng lang thang phố phường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác để mong hiểu hơn về con người, về đất nước Việt Nam mà ông ta quý mến. Một hôm ông ta cử trợ lý người Việt liên hệ rồi tìm đến gặp Cty giám định cổ vật duy nhất hiện có ở Hà Nội. Theo quy định của nhà nước Việt Nam đây là Cty thuộcloại hình “kinh doanh có điều kiện” để các cơ quan quản lý cấp phép chứ không phải như quy định cấp phép để thành lập các loại doanh nghiệp, công ty khác. Khi nhận được yêu cầu mà là yêu cầu của người nước ngoài cho nên Cty giám định cổ vật đã cẩn trọng trả lời cụ thể, rõ ràng với người trợ lý để về báo cáo với ông chủ để hai bên đồng thuận trước khi có thể thực hiện giám định cổ vật của họ. Theo quy định của Cty điều kiện cần và đủ để có thể nhận giám định là:

  • Chủ sở hữu phải làm đơn đảm bảo đây là hiện vật sở hữu của cá nhân;
  • Các hiện vật muốn giám định phải được gửi ảnh trước đến Cty để bố trí chuyên gia giám định;
  • Mỗi hiện vậtđược giám định đều có 1 tờ chứng chỉ theo mẫu đã bằng tiếng Việt và tiến Anh, trong đó ảnh hiện vật được Scan vào chứng chỉ;
  • Kết luận của Hội đồng chuyên gia giám định của CTy không tranh tụng với người đề nghị giám định và với các cá nhân, tổ chức khác;
  • Giá cả, địa điểm giám định do thỏa thuận giữa hai bên;
  • Cty Đảm bảo giữ bí mật tên, địa chỉ người và hiện vật đã giám định.

          Sau khi trợ lý báo cáo tinh thần rất minh bạch trên ông bạn nước ngoài đồng ý tiến hành chuyển hơn chục món đồ sứ cao cấp “cung đình” của Trung Quốc đến Cty giám định. Nhưng rồi rất đáng buồn cho ông chủ sở hữu là Hội đồng chuyên gia giám định của Cty kết luận toàn bộ số đồ sứ này chỉ ra lò vào những năm 1980 trở lại đây nên chưa đủ tiêu chuẩn là cổ vật!

          Nghe đọc xong nhận xét kết quả giám định của từng món đồ ông người nước ngoài tỏ ra sững sờ, bối rối. Ngồi thừ một lát ông lên tiếng.

  • Các ông có biết tiếng Anh không?
  • Có. Ông cứ nói bằng tiếng Anh. Xin mời. 

         Ông người nước ngoài không nói gì mà lấy trong ba lô của mình ra 3 tập bìa cứng mầu đỏ rất đẹp để Hội đồng xem. Hóa ra đây là Giấy kiểm định của một Trung tâm giám định nào đó ở nước ông ấy đã cấp cho ông khi ông mua chúng. Cầm xem 3 Chứng chỉ các chuyên gia gám định đọc và thấy trong Chứng chỉ có chụp ảnh hiện vật tương tự như 3 món đồ vừa được giám định nhưng không giống hoàn toàn. Trong Chứng chỉ có bảng kết quả quang phổ của món đồ có trên ảnh và dưới bảng này là dòng chữ tiếng Anh ghi với ý “đây là kết quả giám định của Bảo tàng Anh”.Xem xong các chuyên gia giám định ôn tồn giải thích: Như vậy có nghĩa món đồ ông ta đã mua và được cấp chứng chỉ của một Trung tâm giám định nước ngoài này chỉ cốt nói rằng món đồ ông mua của họ tương tự như đã có ở Bảo tàng Anh Quốc. Nghe giải thích ông người nước ngoài rất buồn vì chắc chắn ông ta đã bỏ ra nhiều tiền để mua đồ “cung đình” Trung Hoa mới làm sau này. Trình bầy với nhau một lúc thì một chuyên gia giám định của Cty nói:

  • Theo thỏa thuận mỗi hiện vật của ông chúng tôi sẽ có một Giấy chứng chỉ giám định, có ảnh scan hiện vật và những kết luận của Hội đồng Cty. Kết luận này không tranh tụng như ông đã đồng ý trước khi đưa hiện vật đến đây giám định. Ngoài ra tôi nói thật ông cứ mang những món đồ giả cổ này đến chào bán cho các cửa hàng trên phố Nghi Tàm xem họ trả bao nhiêu là rõ thôi.
  • Cám ơn. Theo ông là khoảng bao nhiêu?
  • Tôi chân thành nói với ông rằng: Nếu tôi mua món đồ sứ làm giả thời Nguyên Trung Quốc đã có giấy Chứng chỉ của ông đây thì 1 triệu VND tôi cũng không mua.

Bình sứ mầu TQ, dáng đùi dế, TK - 17

          Đáng ra sau giám định mà kết quả xác nhận đây là cổ vật thật thì mọi người đều vui vẻ, nhưng ngược lại là tràn ngập không gian buồn để chia tay chủ khách.

           Chuyện thứ hai cũng từ giám định cổ vật nhưng là chuyện của người chơi Việt Nam ta.

         Cũng vẫn theo quy chế làm việc của Cty giám định như nói trên,lần này là các ông chủ thuần Việt. Một ông ở Hải Dương, một ông ở Hà Nội và họ đều rất cầu thị, thật thà để mời bằng được các chuyên gia đến nhà giám định tất cả các món đồ mình đã mua chơi sau bao năm tháng.

         Tất nhiên không lạ khi cả hai ông chủ này đều thích chơi hoàn toàn dòng đồ sứ Tầu vì để trong nhà nhìn bắt mắt long lanh. Mỗi ông có đến cả gần trăm món hiện vật với đủ công năng, hình dáng, kích cỡ, mầu sắc khác nhau. Nếu không có chuyên môn nhìn chắc choáng và khâm phục chủ nhân đã chơi hết mình vì họ đều là doanh nhân nên tiền bạc chắc cũng rủng rỉnh. Có điều đặc biệt là cả hai bà vợ trẻ của hai vị này đều rất ủng hộ và khuyến khích chồng chơi cổ vật. Khi tiếp các chuyên gia đến nhà giám định các bà chủ trẻ tuổi đều không tỏ thái độ bất nhã với chồng trước mặt khách mặc dầu khi nghe kết quả giám định không lấy gì vui vẻ. Kết quả giám định cho thấy hầu như tất tần tật các hiện vật gia chủ muốn được giám định đều chưa phải là cổ vật, đặc biệt là những món đồ sứ Trung Quốc có kích thước lớn, sắc mầu sặc sỡ, trưng bầy rẩt hoành tráng càng không phải đồ cổ.

          Sau buổi giám định tại gia hai ông bà chủ đều nhiệt tình mời các chuyên gia giám định cùng ăn trưa với gia đình vì đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước. Anh em giám định sau công bố kết quả không vui vẻ gì nên rất muốn rút sớm vì ái ngại cho ông bà chủ. Nhưng rồi họ đều phải ở lại dùng bữa trước sự mời mọc nhiệt tình của gia chủ. Trong bữa ăn chắc chắn trong lòng ông bà chủ rất đau vì đã dùng tiền thật mà mua phải đồ không thật, nhưng đổi lại họ được có thêm kiến thức, kinh nghiệm do các chuyên gia giám định chỉ giúp để xử lý các món đồ đã có và biết cách đi tìm mua những món đồ thật nếu không nản chí tiếp tục cuộc chơi…

  

2 tượng Gỗ quý Trung Quốc

         Thời Covid 19 thực hiện theo chỉ thị 15, 16 của Chính phủ nên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Ngoài đường vắng người, quan xá, cửa hàng đóng cửa như thời bom đạn năm xưa… Buồn, nhưng biết làm sao? Buồn, vui mà được chia sẻ với nhau mới nhẹ đầu, do vậy tôi viết vài dòng lên Web góp chuyện hầu bạn đọc./.