HỘI CỔ VẬT HẢI PHÒNG CUNG TIẾN LƯ HƯƠNG VÀO KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC
Nguyễn Bá Thanh Long
P. Chủ tịch Hội Cổ vật TP. Hải Phòng
P. Chủ tịch Hội Cổ vật TP. Hải Phòng
Dân tộc Việt Nam có một người, một triều đại chỉ tồn tại 65 năm là ngắn đối với lịch sử dân tộc ta. Đó là Vương triều nhà mạc. Mạc Đăng Dung với Vương triều của ông. Đã có những thành quả đóng góp cho dân tộc được sử sách ghi nhận: Chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển, văn hóa giáo dục được chú trọng quan tâm. Tuy nhiên công lao to lớn đó phải đợi tới một phần tư thế kỷ trở lại đây mới được đánh giá, nhìn nhận công bằng để khẳng định triều Mạc là triều chính thống, có định hướng mở ra sự đổi mới, chấn hưng và phát triển đất nước. Âu là “Càn khôn bĩ lại thái, nhật nguyệt hối lại minh” của cổ nhân nói là đúng và cũng biện minh sự nghiệt ngã của lẽ đời song đậm tính logic nhân văn qua bao sự thay đổi.
Lịch sử ghi nhận công tích, sự nghiệp Mạc Đăng Dung với Dương Kinh của Vương triều Mạc. Từ đường họ Mạc được xếp hạnh di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2003. Khu tưởng niệm các vua Mạc được nhà nước đầu tư, cho phép Tp Hải Phòng xây dựng với quy mô lớn ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, HP. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thể hiện đạo ký uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tổ tiên, anh hùng dân tộc. Hội Cổ vật HP, Bảo tàng HP đã chung sức đồng lòng làm chiếc lư hương gốm cung tiến vào Khu tưởng niệm Vương triều Mạc nhân 470 năm ngày giỗ Đức Mạc thái tổ, 22 tháng Tám âm lịch (19/09/2011). Lư hương đặt xưởng gốm Chu Đậu, Nam Sách, Hải Dương làm theo nguyên mẫu họa tiết, kiểu dáng chiếc lư do nghệ nhân Đặng Mậu Nghiệp, tự Huyền Thông chế tác thời Mạc Hậu Hợp niên hiệu Diên Thành 1578 – 1585. Lư có kích thước đường kính miệng 50cm, thân cao 60cm, chiều cao toàn lư 81cm. Với tín ngưỡng: “vạn vật hữu linh”, người phương Đông quan niệm và tin rằng mỗi chữ số hàm chứa phép màu nhiệm, kỳ bí riêng, liên quan đến việc tích lũy hoặc tiêu tán năng lượng tự nhiên của ngũ hành, mang lại sự cân bằng hay mất cân bằng về âm dương tạo nên: Thịnh - Suy - Thành - Hoại của tạo hóa cho muôn loài, muôn vật. Theo Lô Ban tiên sinh những số đo đó vào các cung: Được phúc, phú quý, đại cát. Lư có miệng loe, thân hình trụ, bụng phình kiểu tang trống đồng Đông Sơn. 2 dải quai lớn từ thân vượt cao lên trên miệng cùng 4 dải quai nhỏ đối xứng quanh thân có minh văn nổi. Họa tiết trang trí chạm khắc hình rồng yên ngựa trên thủy ba, rồng trong ô vuông, cúc dây và những đường rãnh phân tầng. Tại mặt tròn giữa thân đắp nổi chữ Phật. Trong mỗi lá đề, cánh sen đều có hình bông hoa. Hàng vạch thẳng song song bao quanh bụng. 4 chân thấp mặt hổ phù đặt trên đế hình khối cầu có họa tiết tương ứng với thân. Lư được phủ men trong, dày sắc xanh thẫm.
Chiếc lư gốm men lam xám thời Mạc làm người ta say đắm bởi cái đơn sắc lung linh, cái đậm nhạt mà sâu thẳm. Bởi lối chạm khắc chìm nổi, đắp tỉa mềm mại, công phu, văn hoa chau chuốt, tinh xảo trong bố cục đồ án trang trí. Màu lam xám, màu của đại dương mênh mông, long lanh trong sâu thẳm, trầm lắng mà huyền bí ẩn chứa tiềm năng và sức mạnh. Phải chăng đấng quyền năng chỉ bảo, muốn nghệ nhân Đặng Huyền Thông dùng màu men ngoài yếu tố mỹ thuật còn biểu đạt xúc cảm, gửi gắm suy nghĩ, khát vọng của mình đến mọi người, xã hội thuở ấy và chúng ta ngày nay luôn còn và cần hiểu, cần biết khai thác, dựa vào biển mà đi lên, vươn xa để phát triển.
Lư hương được đặt với các khí tự thiêng tại chính điện nguy nga, trang trọng thờ Thái tổ Nhân minh Cao hoàng đế Mạc Đăng Dung. Việc làm này được Hội Cổ vật HP, Bảo tàng HP xác định là trách nhiệm đối với tiền nhân và hậu thế. Đó là lẽ sống, truyền thống, phong tục tập quán và nguyên tắc chuẩn mực cho nhân cách người Việt Nam.
Cùng thời gian này Hội Cổ vật HP, Bảo tàng HP tổ chức trưng bày cổ vật tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc trong những ngày diễn ra lễ hội kỷ niệm. Tất cả hiện vật với đủ loại hình được sản xuất thời Mạc, làm nên đợt trưng bày rất ý nghĩa cho du khách tham quan, hành hương bái tổ.
Hội còn trao tặng, công đức 65 hiện vật có khung niên đại TK 16 do các hội viên sưu tầm cho Ban quản lý di tích, thay lời tri ân tới bậc tiên đế, tiên vương và cũng rất thiết thực nhằm tôn vinh giá trị văn hóa vật thể, làm sự khởi đầu đặt nền móng cho bao lòng mong muốn thời gian tới tại đây có một khu, một không gian lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa dưới Vương triều Mạc. Là dấu tích, sự hiện hữu của quá khứ cho chúng ta ngày nay, lớp con cháu mai sau mỗi khi chiêm bái, ngắm nhìn sản phẩm của tổ tiên sẽ biết thêm nguồn cội. Biết về một triều đại mà nghề thủ công có nhiều thành tựu nổi trội, đặc biệt lĩnh vực sản xuất đồ gốm đạt mức cực thịnh, để lại dấu ấn đậm nét làm nên một dòng gốm Mạc.