HỘI CỔ VẬT HẢI PHÒNG TỔ CHỨC TRƯNG BÀY
CHYÊN ĐỀ “KỶ VẬT MỘT THỜI”
CHYÊN ĐỀ “KỶ VẬT MỘT THỜI”
Nguyễn Bá Thanh Long
P. Chủ Tịch Hội Cổ vật Hải Phòng
Đón xuân Nhâm Thìn năm 2012 Hội cổ vật Hải Phòng cùng Bảo tàng Hải Phòng tổ chức trưng bày chuyên đề “Kỷ vật một thời” tại nhà Bảo tàng Thành phố 11 Đinh Tiên Hoàng. Đợt trưng bày từ 23/12/2011 đến 11/02/2012 để nhân dân và du khách vui xuân tới thăm bảo tàng được ngắm nhìn lại những hiện vật là đồ dùng cá nhân, gia đình, công sở trong sinh hoạt thường nhật của thị dân buổi hình thành, xây dựng đô thị Hải Phòng cuối TK 19 đén năm 1955 mà giờ đây đã trở thành những kỷ vật dẫu ai nhớ, ai quên song hẳn còn vương cảm.
Thực dân Pháp xâm chiếm , khai thác thuộc địa Đông Dương, ngày 19/07/1888. Tổng thống Pháp Sadi Carnot kí sắc lệnh thành lập Thành phố Hải Phòng, một nhượng địa thuộc quyền trực trị của mẫu quốc nên vùng đất này được chú trọng phát triển. Ngoài đặc điểm là thành phố tập trung đông dân di cư từ nhiều tỉnh thành còn có cộng đồng người Hoa đông nhất Bắc kỳ cùng tính đặc thù đô thị cảng biển nên yếu tố giao thoa văn hóa Á – Âu, vùng miền đã để lại dấn ấn đậm nét trong di sản văn hóa, trong tính cách người Hải Phòng.
Hiện vật bày giới thiệu tại đây phong phú loại hình, chất liệu đưa tâm thức người xem không thấy khoảng cách thời gian giữa quá khứ với hiện tại, nối mạch nguồn xưa với nay bởi cảm nhận vật trông quen thuộc, dung dị như của họ tộc, ông bà, cha mẹ, của mình đã từng thấy, từng dùng. Hiện vật dẫu chưa thật đầy đủ, bao quát hết song là nét chấm phá bức tranh diện mạo văn hóa đời sống đa dạng ở thời điểm mà các sử gia, nhà nghiên cứu đồng cho rằng văn hóa với nhiều thành tố: Nam Á, Đông Á, Tây phương giao thoa, hội tụ để kết tinh, định hình làm nên nền văn hóa dân gian Việt Nam.
Đồ văn hóa Việt có bức đại tự, đôi câu đối, tạng gỗ khảm, bộ đỉnh thờ, nồi đồng, mâm đồng, bát đĩa, cơi tráp đựng trầu, rương gỗ sơn then, nhiều bộ áo quần…cho thấy lối sống, sinh hoạt gia đình người dân Hải Phòng vẫn giữ nét truyền thống dân tộc, đạo gia phong dẫu văn hóa phương Tây có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, hữu thức hay vô thức khi xã hội dưới sự thống trị của ngoại lai.
Đồ có sự tiếp xúc và ảnh hưởng thành tựu khoa học kỹ thuật mới mà giá trị tiện ích của vật dụng tân tiến do các dân tộc trên thế giới đem lại có: nhiều đồng hồ được làm ở Châu Âu cuối TK 19 đầu TK 20. 11 chiếc xe đạp vẫn còn sử dụng tốt. Chi tiết từng bộ phận, phụ tùng được chủ nhân giữ nguyên bản. Chiếc máy hát quay tay, xe đạp máy, xe Vespa động cơ 2 thì model 1946, đèn đốt dầu hỏa bằng đồng, thủy tinh, bằng sứ, đế cắm 1 hoặc nhiều ngọn nến…Tượng người, tượng thú bằng chất liệu đồng, ăngtimon, bằng gốm, thủy tinh cao cấp là loại đồ có giá trị lớn về nghệ thuật tạo hình, phương thức chế tác. Đồ gốm sứ sử dụng sinh hoạt và trang trí nột thất phong phú chủng loại, kiểu dáng, màu sắc đa phần là loại đồ của tầng lớp khá giả trong xã hội thời đó.
Giường gỗ gụ đục linh thú và khảm xà cừ, sập dạ nảy nền họa tiết cành hồng lá túi, chiếc bàn trang điểm mang đậm nét văn hóa Á – Âu đan xen, hòa quyện làm thời Vua Bảo Đại. Chiếc xe kéo – phương tiện kiếm sống của tầng lớp nghèo chốn thị thành được Nguyễn Ái Quốc vẽ minh họa cảnh cơ cực của người dân mất nước trên tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” năm 1925 làm người xem se nhớ một thời tủi hờn, tăm tối buộc dân tộc phải vùng lên đấu tranh làm cách mạng. Đồng bạc có ghi năm đúc, tiền giấy với nhiều mệnh giá được in bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Anh, Hán do ngân hàng Đông Dương phát hành mà các hội viên Hội cổ vật sưu tầm được trưng bày cùng các hiện vật để làm nên dấu ấn “Kỷ vật một thời”.
Nay là 1 trong 5 thành phố trực thuộc TW, đô thị loại 1 cấp quốc gia, Hải Phòng đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo xu hướng hội nhập của đất nước và thế giới. Một trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch thì vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa ngày càng trở nên cấp thiết, đóng vai trò quan trọng việc giữ gìn bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế.
Tổ chức đợt trưng bày chuyên đề “ Kỉ vật một thời” Hội cổ vật Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng ngoài tạo nét mới trong sưu tầm, trưng bày mà hơn thế muốn để mọi người, xã hội có cách nhìn nhận hoàn thiện hơn là: “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giao lưu văn hóa như là một yếu tố khách quan bởi chính nhờ sự giao lưu hội nhập mà bản sắc dân tộc được bổ sung những yếu tố ngoại lai để làm phong phú bản sắc của mình. Đồng thời, qua đó cũng góp phần làm phong phú văn hóa thế giới khi chính các nền văn hóa ngoại lại cũng tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam” mà Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng đã xác định./.