Hội Cổ vật Thăng Long - Nhìn nhận từ người yêu Cổ ngoạn Hải Phòng
Nguyễn Bá Thanh Long
P.Chủ tịch Hội CV Hải Phòng
Sau nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần 5 năm 1998, Hội sưu tầm, nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long được thành lập năm 1999. Một tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực cổ vật trong cả nước tập hợp những người chơi cổ vật sinh sống và làm việc tại Hà Nội ra đời. Sự ra đời của Hội cổ vật Thăng Long không chỉ đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người đam mê cổ ngoạn mà còn đưa chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc vào cuộc sống tại thời điểm nước nhà chưa có Luật Di sản văn hóa (ban hành năm 2000).
Các nhà sưu tập Cổ vật Hải Phòng - 2014 (từ trái sang: Các ông Nguyễn Bá Thành Long, Đào Phan Long, Lê Bá Hồng, Đức Hưng, Bùi Xuân Vinh)
Thời gian 15 năm từ 1999 đến 2014 nước ta với 63 tỉnh thành đã có 8 tổ chức Hội cổ vật và nhiều Câu lạc bộ cổ vật ra đời. Từng Hội ở mỗi địa phương đã làm tốt nhiều việc có ý nghĩa cả về chuyên môn và công tác xã hội. Riêng Hội cổ vật Thăng Long, với vị thế và những bước đi tiên phong đã mở đầu và liên tục tổ chức các cuộc Triển lãm cổ vật cho hội viên mà các Hội cổ vât ra đời sau đã học tập và tiếp bước. Ban lãnh đạo và hội viên của Hội còn có nhiều thế mạnh mà các Hội khác chưa làm được. Đó là:
Từ năm 2002 hội viên của Hội đã xin phép Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lập ra tờ báo chuyên giới thiệu về cổ vật, đó là Tạp chí “Cổ vật Tinh hoa” được xuất bản định kỳ từ 2 đến 3 tháng/số. Đây là diễn đàn dành cho những người yêu thích cổ ngoạn trao đổi thông tin, nghiệp vụ góp phần giới thiệu, quảng bá và gìn giữ di sản văn hóa cổ vật. Tạp chí là nguồn cung cấp những nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật, nghệ thuật, giá trị kinh tế của cổ vật Việt Nam và thế giới đến tay bạn đọc trong, ngoài nước. Cho đến nay Tạp chí đã xuất bản được gần 50 số và đây vẫn là tờ Tạp chí duy nhất viết về văn hóa và cổ vật được nhà nước cấp phép xuất bản.
Vào tháng 2 - 2009, Hội cổ vật Thăng Long đã chủ động phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam thành lập Hội đồng tư vấn và giám định cổ vật, góp phần tạo nên sân chơi cổ vật từng bước minh bạch, tạo giá trị Chân - Thiện - Mỹ cho thị trường đồ cổ. Hoạt động này được nhiều người, nhiều địa phương tin tưởng, đánh giá cao. Là cơ sở định hướng ý tưởng ra đời một tổ chức giám định cổ vật được pháp luật thừa nhận sau này.
Thành viên của Hội đa phần là người am hiểu về các loại hình cổ vật khác nhau. Vì hoạt động của Hội có ích cho xã hội, cho nên nhiều chuyên gia nghiên cứu, quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực cổ vật cũng nhiệt tình tham gia sinh hoạt hội. Hội cổ vật Thăng Long còn tập hợp được những hội viên năng động, giỏi nghiệp vụ, mạnh tiềm lực kinh tế đã chủ động thường xuyên làm tăng thêm số cổ vật, tranh quý do mua đấu giá từ nước ngoài mang về đáp ứng nhu cầu của người chơi ở trong nước. Hoạt động này phù hợp với quá trình nước ta hội nhập kinh tế quốc tế đáng được giới cổ vật khích lệ, cổ súy, bởi giờ đây cổ vật không phải chỉ cần được bảo tồn, lưu giữ mà còn cần được tìm kiếm khai thác theo nhiều hình thức và quy mô cho phép để làm giầu thêm kho tàng văn hóa vật thể của nước nhà.
Tháng 6 - 2013 Hội viên của Hội chủ động thành lập Công ty TNHH Dấu Xưa đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp Giấy phép hoạt động giám định cổ vật để đáp ứng nhu cầu của người chơi, sưu tập và trao đổi, mua bán cổ vật theo quy định luật pháp.
Giao lưu giữa Hội viên Cổ vật Tp.Hải Phòng và Hội viên Hội CVTL - Hà Nội
Tháng 11 - 2013 Hội cổ vật Thăng Long cùng Bảo tàng Hà Nội lập nên Chợ phiên đồ cũ “Dấu Xưa - Hà Nội” họp vào các chủ nhật tại khuôn viên bên ngoài Bảo tàng Hà Nội nhằm tạo nên một thị trường mua bán cổ vật thuận tiện, công khai, minh bạch và được bảo đảm an ninh, an toàn cho cả người bán và khách mua. Đây cũng là hoạt động góp phần phát triển hoạt động du lịch nội địa và quốc tế, đáp ứng nhu cầu cộng đồng theo xu hướng hội nhập quốc tế.
Thông qua hoạt động Chợ phiên đồ cũ Dấu Xưa cho thấy: “Gu chơi” và dòng đồ sưu tập của giới chơi cổ vật ở Hà Nội và Hải Phòng có nhiều điểm tương đồng. Cách nhau 100 km đường bộ, điều kiện địa lý thuận tiện nên từ xa xưa đã tạo cho cho 2 thành phố trở thành trung tâm văn hóa chính trị, kinh tế giáo dục, giao thông thương mại, thể thao du lịch… rất gần gũi. Một thủ đô văn hiến và một thành phố cảng cửa ngõ giao thương quốc tế đã cùng có sự giao thoa văn hóa giữa yếu tố bản địa truyền thống có đan xen thêm các nền văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Châu Âu, Nhật Bản… đã tạo nên sự đa dạng, phong phú loại hình cổ vật mà nhiều nhà sưu tập ở những địa phương khác bị hạn chế không có được. Cho nên ở Chợ phiên đã có nhiều loại đồ xưa hàm chứa ý nghĩa kỉ vật ghi dấu ấn thời gian có giá trị sử dụng như: Xe đạp, xe máy, ôtô, đèn dầu, đồng hồ, máy hát, quạt điện, kính, bút, đồ trang sức, tượng người, tượng thú bằng nhiều chất liệu là sản phẩm của các quốc gia, kỷ vật thời chiến, thời bao cấp… đã được nhiều người ưa thích, sưu tầm.
Người chơi cổ vật Hà Nội và Hải Phòng còn cùng thích săn tìm những hiện vật có “chiều sâu lịch sử” mà người sở hữu phải có kiến thức, thực sự đam mê, có tiền cùng cơ duyên và bản lĩnh tìm mua như đồ đồng Đông Sơn, đồ cổ Hán - Việt, đồ gốm triều Lý, Trần, Lê, Mạc, đồ gỗ trạm, khảm ốc, thếp vàng và đồ gốm, sứ Trung Hoa từ TK 1 đến TK 18 đạt tiêu chuẩn “Japan” luôn được ưu tiên sưu tập. Chính vì vậy mà ở Hải Phòng và Hà Nội có sự tương đồng về lối chơi cổ vật thể hiện qua những bộ sưu tập, lối bài trí tại tư gia, tổ chức trưng bày triển lãm…
Năm 2014, Hội cổ vật Thăng Long kỷ niệm 15 năm thành lập. Bằng những hoạt động, việc làm được trong 15 năm qua của Hội đã được giới cổ vật cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng ghi nhận và được đánh giá là có giá trị thiết thực tạo dựng nên một sân chơi, một thị trường cổ vật theo xu thế thời đại mang bản sắc, dấu ấn riêng của người Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những người yêu cổ ngoạn đất cảng chúc Hội cổ vật Thăng Long ngày càng phát triển cả về lượng và chất để tiếp tục tạo nên hoạt động văn hóa tich cực cho cộng đồng./.