HỘI NGHỊ THAM VẤN VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC DI SẢN VĂN HÓA
Ngày 9 tháng 8 năm 2013 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TTN&NĐ của Quốc Hội đã tổ chức Hội nghị để nghe ý kiến các cơ quan, chuyên gia, tổ chức xã hội nghề nghiệp trao đổi ý kiến về TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC DI SẢN VĂN HÓA trong thời gian qua.
Trong lĩnh vực cổ vật có đại diện lãnh đạo 06 Hội của Hà Nội và một số tỉnh thành đến dự. Vì thời gian có hạn nên ông Đào Phan Long, chủ tịch Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội đã được các Hội bạn ủy nhiệm thay mặt phát biểu ý kiến về các hoạt động tích cực, chủ động thực hiện chủ trương xã hội hóa đóng góp bảo tồn cổ vật cho đất nước của anh chị em yêu thích thú chơi văn hóa này. Kiến nghị nhà nước bổ sung thêm cơ chế, chính sách để khuyến khích tạo điều kiện tốt hơn, cụ thể hơn cho các Hội cổ vật hoạt động trong thời gian tới. Các đại biểu dự họp đã lắng nghe, hoan nghênh và ghi nhận ý kiến đóng góp của vị đại diện giới cổ vật tại Hội nghị.
Với tâm huyết và kinh nghiệm quản lý nhà nước trong nhiều năm về lĩnh vực cổ vật, Tiến sỹ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã có bài viết với tiêu đề “Sưu tập cổ vật tư nhân ở Việt Nam, những khoảng sáng và mờ trên bức tranh toàn cảnh” phát hành tại Hội nghị. Để chia sẻ với giới sưu tập cổ vật, chúng tôi xin trích đăng bài viết này.
... Sau hơn một thập niên Luật Di sản văn hóa đi vào cuộc sống…, tôi viết một cái gì đó về di vật, cổ vật - một mảng nhỏ và hẹp trong lĩnh vực di sản... tôi đã lấy đối tượng sưu tập cổ vật tư nhân ở Việt Nam để khảo sát... Khảo sát của tôi chưa thật kỹ, thật sâu, chưa có con số định lượng, nhưng bằng cảm quan sau mấy chục năm đắm mình vào đời sống của các nhà sưu tập tư nhân, có thể nhận ra những khoảng sáng, mảng mờ, may chăng có thể giúp ích một chút nào đó cho các cơ quan, những nhà quản lý di sản có được cái nhìn khái quát để điều chỉnh chính sách và sửa đổi bổ sung luật định cho sát với thực tiễn cuộc sống hơn.
1. Những khoảng sáng nhạt nhòa
Ở những thành phố lớn, sự trở lại của những người chơi lão làng, sự tham gia của những nam thanh, nữ tú, tạo nên một không khí lạ thường vào những năm đầu luật di sản văn hóa có hiệu lực. Các nhà sưu tập đã mở hầu bao để mua cổ vật, thậm chí đã “hồi hương” được nhiều di sản về cho đất nước và trên hết họ đã ngăn lại được căn bệnh trầm kha, không chỉ có ở Việt Nam mà của hầu hết các quốc gia một thời nghèo khó, đã để cổ vật ra đi triền miên, tưởng như không có cơ chữa trị...
… Nhiều nhà sưu tập tư nhân tâm sự rằng, nếu việc làm của họ nhận thêm được những cú “hích” của Nhà nước thông qua hành lang pháp lý, thông qua đầu tư kinh phí cho các bảo tàng công lập sưu tầm, chắc chắn sự “hồi hương” và nạn “chảy máu” sẽ sớm được thúc đẩy và ngăn ngừa. Hệ quả là, đã xuất hiện nhiều sưu tập đại gia và ba trong số đó đã và đang thành lập bảo tàng cổ vật tư nhân...
... Hơn một thập niên qua, hàng loạt các Hội địa phương đã ra đời, dù mới là một hình thức tập hợp những người sưu tập thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp, vẫn còn sự lỏng lẻo, thiếu định hướng, nhưng đã là một chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy, khi họ đã từng phải trải qua cơn hoảng loạn 20 năm trước, do Hà Nội bắt giữ bất cứ ai lưu giữ cổ vật trong nhà, không có nguồn gốc xuất sứ...
... Gần đây, những sưu tập tư nhân đã được coi là một thành tố của xã hội, khi họ luôn có tiếng nói phản biện. Luật di sản văn hóa năm 2001 có sự góp ý từ họ. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2009, trọng lượng ý kiến của các Hội cổ vật được tôn trọng và nhiều trong số ý kiến ấy đã được đưa vào để sửa đổi. Nhiều nghị định, thông tư của Chính phủ, của ngành về lĩnh vực di vật, cổ vật đều tranh thủ ý kiến của các nhà sưu tập, để những văn bản này phù hợp với thực tiễn, sát với cuộc sống, tạo nên một không khí cởi mở, dân chủ hơn...
... Những năm tháng gần đây, nhiều tổ chức Hội đã thử nghiệm bán đấu giá nội bộ, như là những bài tập cho thị trường cổ vật sẽ công khai và minh bạch hơn ở Việt Nam, qua đó, quyên góp được một số kinh phí khiêm nhường dành cho người nghèo, người tàn tật. Nhiều cuộc trưng bày của những sưu tập tư nhân đã đặt thùng từ thiện, kêu gọi lòng hảo tâm, giúp đỡ trẻ em nhiễm chất độc da cam, nạn nhân chiến tranh...
... Đó là tất cả những gì được coi là mảng sáng trên bức tranh đa sắc màu của cổ vật và sưu tập cổ vật tư nhân Việt Nam...
...Tuy nhiên, trên những mảng sáng không mấy ấn tượng của bức tranh đa sắc màu này, còn khá nhiều những khoảng mờ, cần mạnh dạn nhận ra, có thể sẽ giúp ích cho những nhà hoạch định chính sách, những người làm luật và quản lý văn hóa có thêm tư liệu để điều chỉnh mọi vấn đề sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống hơn ở một lĩnh vực được coi là hết sức nhạy cảm này.
2. Những mảng mờ còn đậm đặc
... Khoảng mờ dễ nhận ra trước hết đó là thiếu định hướng trong cách sưu tập của các sưu tập tư nhân ở Việt Nam. Mang tiếng là có một dòng “hồi hương” cổ vật về Việt Nam, nhưng đi sâu tìm hiểu, phần lớn là đồ cổ của nước ngoài, ít giá trị văn hóa, lịch sử đã được mua về phục vụ cho các đại gia thích hoành tráng và lòe loẹt bởi sắc màu bắt mắt và sự đường bệ của những đôn, thống, lọ đôi non tuổi, được người Trung Hoa xưa bày đặt trong các hành lang, dải vũ, tường hoa. Đó không phải là di sản văn hóa của dân tộc, nhưng ngoại tệ đổ ra không ít để nhập về qua đường tiểu ngạch. Tôi đã chứng kiến nhiều lô hàng trị giá hàng chục triệu đô la gốm sứ kiểu này vào Việt Nam, như một mớ rác thải, mà đâu đó, ta gặp phải ở một số ngành nghề khi đất nước mới mở cửa. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng một thời nghèo khó, cổ vật của họ cũng bị “chảy máu”, nay đã và đang được hồi hương, nhưng họ có cả một chiến lược, có cả một định hướng và mục tiêu, dưới sự dẫn dắt của Nhà nước, chính quyền đứng đằng sau các ông chủ lớn, các công ty tư nhân để mua lại chính những di sản của họ đã thất thoát. Giờ đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoàn tất chiến lược ấy và Trung Quốc vẫn đang ráo riết hoàn thành...
... Rồi, có một bộ phận khác, săn tìm những cổ vật có nguồn gốc khảo cổ học, khiến cho nạn đào phá di tích nóng bỏng, xóa sổ nhiều di chỉ… nhưng dường như chưa có một vụ việc nào được đưa ra xử lý, trong khi Luật Di sản văn hóa có điều luật xử phạt...
... Không chỉ có xuất sứ khảo cổ học, sắc phong, câu đối, đại tự, tượng phật, tượng chúa… không nói, cũng hay rằng đó là những hiện vật trong các di tích nhưng đều được sưu tầm và sưu tập, mà tôi đã được thấy hàng nghìn đạo sắc, hàng trăm pho tượng sơn thếp... đã trở thành sở hữu tư nhân quãng hơn mười năm trở lại, nhưng chưa bao giờ có một tiếng nói phản biện...
... Sự không rạch ròi ranh giới giữa con buôn và nhà sưu tập cũng khiến cho tình hình khó kiểm soát. Luật Di sản văn hóa cho phép mặt hàng đặc thù này được kinh doanh với những tiêu chí và điều kiện mở cửa hàng khá rõ ràng, thể hiện trong thông tư hướng dẫn, nhưng dường như chẳng một ai đăng ký, mà các cửa hàng vẫn hiện hữu ở Quảng Bá, Nghi Tàm (Hà Nội), Lê Công Kiều (Tp. Hồ Chí Minh), lộn xộn và xập xệ. Chưa một cơ quan quản lý văn hóa nào nắm được cụ thể và kiểm tra những cửa hàng ấy và tình trạng giả, thật lẫn lộn vẫn hàng ngày diễn ra ở những tụ điểm này.
... Những người buôn không muốn theo quy định vì những quy định ấy không thực tế và chính họ lại muốn chốn thuế dưới dạng nhà sưu tập, để lập lờ “đánh lận con đen”, lừa gạt người chơi mới, ít hiểu biết, đại lý cho các thợ săn lùng cổ vật Trung Quốc, gom hàng cho các ông chủ Đại Lục, mà giờ đây, đội quân ấy đã len lỏi về tới tận các xóm thôn Việt Nam...
... Tôi cũng đã thấy không ít các đại gia, nhiều tiền, lắm của, thiếu hiểu biết, hãnh tiến, chất chứa ba, bốn tầng lầu những “di vật, cổ vật”, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng mà vẫn không hay chúng là đồ giả. Đó không chỉ là bi kịch của người chơi, để đến khi nhận ra thì đã quá muộn, mất lòng tin và hoảng loạn, mà còn là sự lãng phí của cải xã hội, nếu số tiền ấy được quay vòng, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đó là một hiện tượng khá phổ biến không chỉ ở ta, ngay Trung Quốc láng giềng, các đồng nghiệp tỉnh Quảng Tây đã cho tôi biết vài năm trước...
... Sự quản lý thiếu sâu sát cùng với sự thờ ơ, thiếu hiểu biết của chủ sở hữu dẫn đến tình trạng, ở một số sưu tập tư nhân, hiện vật hữu cơ mong manh và nhậy cảm, đang có nguy cơ bị hủy hoại do khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt của Việt Nam. Tranh, sắc phong, trang phục cổ... bị ròn, mốc, mục... đang hàng ngày bị đe dọa.
Đó là những mảng mờ trên bức tranh toàn cảnh sưu tập cổ vật tư nhân ở Việt Nam. Cũng giống như điểm sáng, những khoảng mờ ấy, lúc ẩn, lúc hiện khiến cho người xem tranh khó khăn để nhận ra, hoặc nhận ra chưa hết. Song, chỉ ngần ấy cũng đủ để chúng ta nhìn lại, với mong muốn điều chỉnh qua chính sách và pháp luật, để bức tranh này ngày một tươi sáng hơn, thực sự trở thành một cánh tay nối dài của ngành di sản văn hóa nước nhà.
3. Một vài suy nghĩ chủ quan
... Cần phải điều chỉnh, xây dựng lại điều lệ Hội để khắc phục những bất cập, đặc biệt là việc phát triển hội viên thiếu chất lượng, yếu kém về đạo đức nghề nghiệp, ít tâm huyết với di sản, chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước xã hội, đối với đất nước và trong tổ chức mình tham gia. Hội cùng với ngành di sản văn hóa ở mỗi địa phương phải tạo được nhận thức và các hoạt động có chiều sâu, có chất lượng, tránh phô trương, hình thức, chạy theo phong trào, nhân nhượng trước những cách làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lấy lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài của cộng đồng. Đó phải là những cuộc phẫu thuật, có thể đau đớn, nhưng chắc chắn sẽ đưa đến một sự lành mạnh, bền vững hơn...
... Ngành di sản văn hóa từ Trung Ương xuống địa phương, vốn lâu nay vẫn được coi là “bà đỡ” của các tổ chức mang tính nghề nghiệp này, thì nay phải thay đổi tư duy, đặt chúng là một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển của ngành. Ngành di sản cần phải có những định hướng để phát triển sưu tập tư nhân ở mỗi địa phương sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Ngành phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của mỗi sưu tập tư nhân để có được những điều chỉnh cần thiết trước những biến động khó lường của nền kinh tế. Hàng năm, ngành di sản văn hóa cần tổ chức những khóa tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn, về luật pháp, giống như đã từng tập huấn cho cán bộ bảo tàng, di tích như bao nhiêu năm qua thực hiện… Nói tóm lại, họ phải là những đứa con đẻ của ngành di sản văn hóa, mà bấy lâu nay họ quan niệm chỉ là con nuôi.
... Ở Trung Quốc, là sưu tập tư nhân đích thực cần phải có số lượng di vật, cổ vật bao nhiêu mới được coi là nhà sưu tập. Họ đồng thời phải có chuyên môn và sự hiểu biết về lĩnh vực họ đang sưu tập. Họ cũng phải là người có kiến thức văn hóa nói chung và cổ vật nói riêng. Họ không phải là người buôn bán, mặc dù có trao đổi trong nội bộ các nhà sưu tập...
... Nên chăng, Luật Di sản văn hóa cần có sự sửa đổi, bổ sung để cấp bằng cho các sưu tập tư nhân, giống như ngành văn hóa đã cấp bằng cho di tích. Điều luật sửa đổi, bổ sung cần lưu ý tới sự phân loại cho các sưu tập tư nhân. Tại sao bảo tàng có cấp I, cấp II, cấp III và di tích có cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, mà lẽ nào, sưu tập tư nhân không có sự phân loại tương tự?...
... Sưu tập tư nhân, ngoài nghĩa vụ, họ cũng cần có những quyền lợi. Quyền lợi về việc Nhà nước cho kinh phí bảo quản những cổ vật quý hiếm, giống như cộng hòa Pháp đã làm. Quyền lợi về việc Nhà nước ưu tiên mua lại những sưu tập tư nhân trong trường hợp có rủi ro, bất khả kháng của gia đình, dòng tộc. Đó cũng là một cách để bảo vệ, bảo hộ cho các sưu tập tư nhân khi những nhà sưu tập đã có công lao giữ gìn...
Tôi cho rằng, muốn có sự điều chỉnh, sửa đổi, cần làm từ nhiều phía, trong đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và cộng đồng và đặc biệt giữa ngành di sản với các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đó chính là chủ trương xã hội hóa Đáng và Nhà nước ta, vốn đã phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực của kinh tế, văn hóa, xã hội...