KHI CỔ VẬT VIỆT NAM ĐỔI CHIỀU DÒNG CHẢY

 Trân Huyền 
Nếu trong những năm trước đây, khi nói về thực trạng buôn bán cổ vật ở Việt Nam thì cụm từ được nghe nhiều nhất là “chảy máu cổ vật”, do những cổ vật quý hiếm của Việt Nam liên tục bị bán ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau. Trước khi Luật Di sản Văn hóa ra đời vào năm 2001, mọi hình thức buôn bán cổ vật đều là bất hợp pháp. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán trái phép cổ vật ở Việt Nam vẫn luôn sôi động và không hề ngừng nghỉ. Hà Nội và Sài Gòn là hai “vựa” thu mua cổ vật từ các tỉnh thành trong nước. Từ đây, cổ vật Việt Nam sẽ được “mông má” và được áp khung giá mới rồi “xuất” đi khắp thế giới.
Tháng 6/1999, khi ghé thăm nhà một người bạn ở Seoul (Hàn Quốc), tôi thấy trong phòng khách trưng bày rất nhiều đồ đồng Đông Sơn, đồ gốm Chu Đậu và đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh - Nguyễn. Tôi hỏi: “Anh mua những cổ vật này ở đâu và làm sao mang chúng đến Seoul?”. Anh trả lời: “Tôi mua chúng trong các cửa hàng đồ cổ ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội… Tôi chỉ xem xét, thỏa thuận và trả tiền, còn việc gửi hàng đến địa chỉ của tôi là trách nhiệm của họ. Nếu hàng không đến nơi, họ sẽ hoàn lại tiền”.
Cửa hàng đồ cổ Georg Luitpold Hartl trên phố Ludwigstrass ở Munich chuyên kinh doanh đồ cổ châu Á.
Tháng 9/2004, tôi ghé thăm cửa hàng đồ cổ Georg Luitpold Hartl trên phố Ludwigstrass ở Muenchen (Đức). Đồ cổ bày bán nơi đây đến từ Iran, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Hàng chục chiếc đĩa gốm Chu Đậu trục vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An) được rao bán với giá từ dăm bảy trăm đến cả chục ngàn euro; bộ sưu tập đồ sứ men lam Huế khoảng mươi món được định giá 10.000 euro; chiếc trống đồng Đông Sơn, hoàn hảo như vừa đưa ra từ phòng trưng bày của một bảo tàng quốc gia ở Việt Nam, có giá 6.400 euro; cặp độc bình pháp lam Huế thuộc vào tuyệt hảo, đề giá 7.900 euro... Tôi hỏi người bán hàng: “Tất cả những cổ vật được bày bán ở đây đều có nguồn gốc hợp pháp phải không?”. Ông ấy thản nhiên trả lời: “Có thể các cổ vật này có nguồn gốc bất hợp pháp trước khi chúng đến đây. Tuy nhiên, khi đã được rao bán trong các gallery hay trong các cuộc đấu giá ở châu Âu thì chúng đều trở nên hợp pháp”. Tôi biết, đó là một sự thực.

Kim bội đời Thành Thái, bằng bạc mạ vàng, đang được rao bán ở Mỹ với giá 2.000USD.
Tháng 12/2004, sau khi tham quan khu đền tháp Angkor, tôi lang thang đi tìm mua đồ lưu niệm. Hàng chục cửa hàng lưu niệm ken lớp trước cổng Bắc của Angkor Thom và những người bán hàng ra sức chào mời du khách. Sau khi mua được mấy chiếc đầu tượng Khmer phục chế, tôi chợt phát hiện trên góc trái chiếc kệ là một pho tượng Avalokitesvara Padmapani bằng đồng bị cụt chân, đặt trong chiếc hộp kính. Thấy tôi nhìn chăm chăm vào bức tượng, ông chủ cửa hàng bước tới, nói với tôi bằng tiếng Việt: “Đồ Chăm xịn đó, giá 10.000 USD. Có muốn xem không?”. Tôi bảo: “Ông có dám chắc là đồ xịn không?”. Ông ta đáp:“Hàng xách tay từ Việt Nam sang. Tôi sẽ trả anh gấp ba nếu sau khi mua anh phát hiện nó là đồ giả? Anh có biết đây là cửa ngỏ để đồ cổ Việt Nam sang Thái Lan và đi các nước khác không?”. Nói rồi, ông đưa cho tôi tấm danh thiếp: “Đây là địa chỉ nhà tôi ở Siem Riep. Nếu quan tâm, tối nay mời anh ghé nhà. Tôi còn nhiều món thú vị lắm”.     
Trên đây chỉ là 3 trường hợp mà tôi tận mắt chứng kiến. Trên thực tế, đồ cổ Việt Nam có mặt khắp hoàn cầu, từ Á sang Âu, từ Úc đến Mỹ. Nó có thể xuất hiện trong các gallery, các bảo tàng hạng nhất ở Luân Đôn, Paris, Berlin, New York...; hay bị bụi thời gian phủ mờ trên các kệ hàng lưu niệm ở Bangkok, Siem Riep...; hoặc được trưng bày trong các phòng khách sang trọng của các nhà sưu tầm ở Đức, Pháp, Nhật...
Vậy nhưng, trong vài năm trở lại đây, có một cụm từ mới được thay thế cho cụm từ “chảy máu cổ vật”. Đó là cụm từ “hồi hương cổ vật”. Quả thực, “dòng chảy” cổ vật Việt Nam bắt đầu đảo chiều. Nhiều cổ vật quý hiếm của Việt Nam, cách nay vài năm đang còn hiện diện trong những salon sang trọng bên trời Tây, thì nay lại xuất hiện trong phòng khách của các đại gia trên đất Việt. Những người buôn đồ cổ ở Sài Gòn và Hà Nội, thay vì “xua quân” về miền Tây, ra miền Trung, hay len lỏi khắp vùng nông thôn Bắc Bộ để “gom hàng”, thì nay họ lại bay sang Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), Paris (Pháp), London (Anh), Muenchen (Đức)… để tham gia các phiên đấu giá cổ vật hay rong ruổi săn lùng cổ vật Việt Nam trong các gallery, trong các sưu tập tư nhân tìm mua cổ vật mang về Việt Nam bán lại.
Đệ nhị kim khánh bằng vàng, đời Bảo Đại đang được rao bán ở Mỹ với giá 4.000 USD
Tháng 10/2010, nhân sang Đức tham dự Hội nghị khảo cổ học EurAASIA lần thứ 13, tôi có dịp trở lại cửa hàng Georg Luitpold Hartl trên phố Ludwigstrass ở Muenchen. Đồ cổ Việt Nam trong cửa hàng này không còn nhiều như trước. Khi tôi hỏi lý do thì ông Matthias Spanaus, quản lý cửa hàng, cho biết: “Dạo này có rất nhiều người Việt Nam đến đây mua cổ vật Việt Nam. Họ không phải là Việt kiều mà là những nhà kinh doanh cổ vật từ Việt Nam sang, và không chỉ đến mua một lần mà còn đặt mua những món họ quan tâm và sẵn sàng trả giá cao”.
Ngày 16/12/2010 nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris đưa ra đấu giá một cuốn sách phong bằng bạc mạ vàng của triều Nguyễn. Đây là sách phong do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Sách phong này gồm 5 tờ 10 trang, kích thước 23cm x 14cm, được đặt giá là 30.000 - 40.000 euro. Cuối cùng, một nhà buôn cổ vật người Việt Nam đã mua sách phong này với giá 72.750 euro, chưa tính tiền thuế.
Nghiên mực bằng đá cẩm thạch, đợi Thiệu Trị, đang được nhà đấu giá Sotheby's rao bán ở Pháp.
Tháng 3.2011, tôi nhận được tin từ một đồng nghiệp ở Bảo tàng Guimet (Pháp) cho biết là Eric Chaim Klein Bookseller, một nhà sách ở Santa Monica (California, Mỹ), đang rao bán một sưu tập gồm những bức họa về lễ phục tế Nam Giao thời Nguyễn. Đó là bộ họa phẩm được đặt tên là Grande Tenue de la Cour d'Annam (Lễ phục của triều đình An Nam), do Nguyễn Văn Nhân, Biên tu Hàn lâm viện của triều Nguyễn, vẽ vào năm 1902, nay đang được rao bán với giá 35.000 USD. Tôi đã chuyển thông tin này cho lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế và đề nghị trung tâm này liên lạc với Eric Chaim Klein Bookseller để mua bộ tranh quý này. Nhưng trong khi Trung tâm BTDT Cố đô Huế đang làm các thủ tục để xin mua, thì bộ tranh đã được bán cho một nhà sưu tầm người Việt tại Hội chợ sách New York. Ngày 5/4/2011, trong bức thư phúc đáp cho Trung tâm BTDT Cố đô Huế, Debra Lemonds, người đại diện của Eric Chaim Klein Bookseller thông báo là bộ tranh đã được người mua tại Hội chợ sách New York bán lại cho một người khác (giấu tên). Ngay sau đó, một người quen trong giới buôn bán cổ vật ở Sài Gòn cho tôi hay là có thông tin bộ tranh này đang được rao bán ở Sài Gòn với giá 50.000 USD. Nếu đúng như thế thì bộ tranh trên đã “tìm” được đường để “hồi hương”. 
Chiếc ống nhổ sứ ký kiểu đời Lê - Trịnh trưng bày ở Bảo tàng Hoàng gia Mariemont.
Nắm bắt nhu cầu người Việt Nam đang tìm mua trở lại những cổ vật Việt đang lưu lạc ở nước ngoài, trong mấy năm qua, nhiều hãng đấu giá ở châu Âu và Mỹ liên tiếp mở các phiên đấu giá cổ vật Việt Nam để thu hút các nhà sưu tầm người Việt. Các nhà sưu tập tư nhân ở nước ngoài cũng thường xuyên rao bán cổ vật Việt Nam trên mạng internet. Chẳng hạn: vào tháng 3/2011, một nhà sưu tập tư nhân ở Mỹ rao bán một chậu pháp lam chưng một bộ cành vàng lá ngọc của triều Nguyễn với giá 30.000 USD; ngày 16/4/2011, nhà đấu giá Sophie Himbaut ở Aubagne (Pháp), đã đưa ra đấu giá mô hình bi đình lăng Khải Định làm bằng đá cẩm thạch đỏ, là hiện vật do triều Nguyễn chế tác và đưa sang Pháp tham dự cuộc triển lãm Expo coloniale tổ chức Vincennes năm 1931; tháng 10/2011, một nhà sưu tập ở Mỹ lại rao bán bộ kim khánh và kim bội của các triều vua Thành Thái và Bảo Đại, gồm 5 món với giá 20.000USD; nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris hiện đang rao bán một số nghiên mực quý hiếm có niên đại Thiệu Trị và Tự Đức… Thực tế này cho thấy thị trường mua bán cổ vật Việt Nam đang “đảo chiều” và nhiều cổ vật quý hiếm của Việt Nam đã và đang trên đường “hồi hương”.
Sở dĩ có hiện tượng này, theo những người trong giới buôn bán cổ vật ở Việt Nam, là vì những nguyên nhân sau:
- Việt Nam hiện nay có rất nhiều người giàu có. Sau khi có đủ nhà cửa, đất đai, xe cộ, tiền bạc…, những đại gia này bắt đầu tìm đến với thú chơi cổ ngoạn. Họ sẵn sàng trả nhiều tiền để có những món đồ cổ quý hiếm, độc bản, vừa “thỏa mãn đam mê”, vừa chứng tỏ “đẳng cấp” của mình;
- Việc đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và vàng đang có có nhiều nguy cơ, vì thế nhiều nhà đầu tư lựa chọn cổ vật là kênh đầu tư mới, vừa kín đáo, an toàn, vừa thể hiện “trình độ văn hóa” cao;
- Nhiều quan chức nhà nước tìm mua cổ vật, với giá rất cao, như là một hình thức rửa tiền, tránh phải kê khai tài sản với các cơ quan chức năng. Bởi lẽ, đồ cổ là vô giá, mua một món đồ giá hàng triệu USD, nhưng có thể khai giá vài chục triệu đồng Việt Nam, vì không ai kiểm chứng được.
Đĩa gốm Chu Đậu bày bán trong cửa hàng đồ cổ Georg Luitpold Hartl.
Thực tế này cho thấy “dòng chảy” cổ vật tuy đã “đảo chiều”, nhưng chưa hẳn là một sự “đảo chiều” tích cực. Bởi lẽ, dòng cổ vật này chỉ “chảy” vào những người giàu có như những khoản đầu tư. Khi khoản đầu tư ấy được giá, họ sẵn sàng bán đi, kể cả bán ra nước ngoài, để đầu tư vào việc khác. Có rất ít đại gia bỏ tiền sưu tầm cổ vật với tư cách là những nhà sưu tập thực sự và sẵn sàng đưa các cổ vật này ra phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, nhằm phát huy giá trị của cổ vật Việt Nam
Trong khi đó, do cơ chế cứng nhắc và lạc hậu, các bảo tàng công lập ở Việt Nam rất khó có cơ hội để tiếp cận và mua được các cổ vật quý hiếm từ nước ngoài để nghiên cứu, bảo tồn và trưng bày phục vụ công chúng. Vì thế, ước mơ về sự hồi hương đúng nghĩa của cổ vật Việt Nam, những di sản văn hóa quý báu của dân tộc đang lưu lạc ở nước ngoài, xem ra, vẫn chỉ là ước mơ mà thôi.