KHI VÀNG NỞ HOA
Bài: Trần Nguyễn Thiều Anh
Ảnh: Benjamin Haris B.S.K.
Có lẽ, ít có dân tộc nào trên thế giới thích trang điểm và ưa chuộng trang sức như người Ấn Độ. Đối với họ, trang điểm và mang đồ trang sức biểu hiện cho sự sống, sự hiện diện của họ trong xã hội. Với những người theo đạo Hindu chính thống, khi người chồng qua đời, thì việc đầu tiên mà người vợ góa phải làm là bẻ gãy những chiếc vòng trang sức bằng thủy tinh, cho đi tất cả hoặc phần lớn đồ trang sức của mình, ngừng trang điểm, từ bỏ những bộ trang phục nhiều màu để mặc trang phục màu trắng. Việc cởi bỏ đồ trang sức trong trường hợp này thể hiện một “cái chết” đối với xã hội. Thời trước, khi một chiến binh Ấn Độ chấp nhận giao nộp vũ khí và tháo bỏ đồ trang sức trên người có nghĩa là anh ta đã bị kẻ thù khuất phục hoàn toàn. Trang sức nghĩa là sự sống ở Ấn Độ. Đó là dấu hiệu thể hiện sự trưởng thành và sự giàu có. Trang sức còn đồng nghĩa với sự che chở con người tránh khỏi những tai ách, bệnh tật. Vì thế mà người Ấn, nam hay nữ, già hay trẻ, giàu hay nghèo, sang hay hèn… đều thích trang điểm và mang đồ trang sức. Một người phụ nữ Ấn Độ không mang đồ trang sức thì không được coi là đẹp dù có nhan sắc tuyệt trần. Ngược lại, họ sẽ được tôn vinh là người phụ nữ thanh lịch nếu mang trên người đủ 16 loại trang sức khác nhau. Quan niệm có từ xa xưa ấy nay vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ. Danh mục của 16 loại trang sức ấy rất phong phú, tùy thuộc vào quan niệm của từng cộng đồng và từng thời đại khác nhau, nhưng không khi nào vắng bóng các loại vòng tay, vòng chân, nhẫn đeo ngón tay và ngón chân, dây chuyền, hoa tai, khuyên đeo mũi, kẹp tóc và đặc biệt là những chiếc vương miện. Với nam giới, theo Vatsyayana, tác giả bộ kinh Kama Sutra vào thế kỷ 15, thì cần mang ít nhất 4 loại trang sức, gồm: hoa tai, thắt lưng, nhẫn và vòng cổ… thì mới xứng đáng là một trang nam nhi. Tất cả đều làm bằng vàng, nạm khảm các loại đá quý như hồng ngọc, ngọc lục bảo, kim cương, ngọc trai và thủy tinh màu.
|
Dây chuyền bằng vàng nạm hồng ngọc, ngọc lục bảo, kim cương và ngọc trai. Thế kỷ 19.
Tuy nhiên, người Ấn không chỉ trang điểm cho mình mà còn trang điểm cho các vị thần linh của họ. Dường như tất cả các vị thần linh của Hindu giáo, của Hồi giáo đều được người Ấn trang sức, thể hiện qua các chi tiết chạm khắc trên chất liệu đá, gỗ, đồng… và qua các món trang sức quý giá làm bằng vàng và đá quý mà người Ấn thường đeo lên các pho tượng thần. Việc dâng cúng các món trang sức bằng vàng và châu báu cho các vị thần linh được coi là một nghĩa vụ thiêng liêng mà các tín đồ Saivite, một tôn giáo bản địa ở Ấn Độ phải thực hiện. Chính vì thế, những pho tượng thần linh trong các ngôi đền cổ Ấn Độ không chỉ là những báu vật vô giá của nền văn hóa Ấn Độ mà còn là những báu vật có giá trị theo đúng nghĩa của từ này.
Tập quán và sở thích trang điểm của người Ấn Độ chính là “mảnh đất màu mỡ” cho nghề kim hoàn của quốc gia này phát triển. Từ thời cổ đại, Ấn Độ đã là một trung tâm chế tác kim hoàn hàng đầu thế giới. Đồ kim hoàn của Ấn Độ không chỉ phổ biến trong nước mà còn được xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế giới, nhất là đến các nước vùng Trung Đông, và những vương quốc chịu ảnh hưởng của Hindu giáo ở Đông Nam Á như Burma, Xiêm La, Khmer, Champa… Ba trung tâm chế tác kim hoàn lớn ở Ấn Độ là Nam Ấn, Trung Ấn và Bắc Ấn đã thay phiên nhau thống trị thị trường đồ trang sức Ấn Độ trong tiến trình lịch sử của quốc gia này. Trong đó Bắc Ấn và Trung Ấn đóng vai trò chủ đạo từ đầu Công nguyên cho đến khoảng thế kỷ 15, còn trung tâm Nam Ấn thì phát triển mạnh từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.
Phần lớn đồ trang sức Ấn Độ đều làm bằng vàng và đá quý, nhưng có sự khác biệt trong cách tạo tác. Nếu đồ trang sức làm từ Bắc Ấn thường chỉ sử dụng vàng là chất liệu chủ yếu, hiếm khi kết hợp với các loại ngọc hay châu báu khác, thì đồ trang sức đến từ trung tâm Nam Ấn là những tuyệt tác kết hợp giữa vàng, đá quý, kim cương và ngọc trai. Nói cách khác, người Bắc Ấn biết cách “bắt vàng nở hoa”, còn người Nam Ấn thì biết cách dung châu báu để tô điểm cho những đóa hoa bằng vàng ấy. Những món đồ trang sức Ấn Độ là sự kết tinh của thuật luyện kim tinh xảo, kỹ năng “thuần hóa” đá quý, cảm quan nghệ thuật tinh tế và sự tài hoa, khéo léo của đôi tay. Chính vì thế, mỗi tác phẩm trang sức Ấn Độ xứng đáng là một kiệt tác để dâng tặng cho cái đẹp, cho tình yêu và cho các vị thần linh.
Theo quan niệm của người Ấn Độ, có năm loại trang sức khác nhau có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống và văn hóa của họ. Đó là: trang sức dành cho tình yêu, trang sức xã hội, trang sức cung đình, trang sức cung tiến cho thần linh và trang sức cưới hỏi. Năm loại trang sức này đã đồng hành với người Ấn Độ trong diễn trình lịch sử và trong nền văn hóa rực rỡ của quốc gia này. Với người Ấn Độ, trang sức không chỉ để làm đẹp mà còn là “tiêu chí” để nhận biết thân phận, là “khuôn vàng thước ngọc” để đánh giá địa vị xã hội của họ. Đồng thời, trang sức cũng là một “gánh nặng” mà người Ấn phải lo toan từ bao đời nay. Nhưng, không trang điểm và không mang trang sức thì không phải là người Ấn Độ.
Những món trang sức giới thiệu trong bài viết này là những tuyệt phẩm đến từ bộ sưu tập trang sức Ấn Độ của Susan L.Beningson (Mỹ), người đã dành phần lớn đời mình cho việc sưu tầm các cổ vật châu Á như đồ dệt Trung Hoa, các tác phẩm điêu khắc ở Đông Nam Á và đặc biệt là đồ trang sức Ấn Độ.
Vương miện bằng vàng với hình của một vị thần, được tráng men và nạm hồng ngọc, ngọc lục bảo và kim cương. Cuối thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19.
Hoa tai bằng vàng. Thế kỷ 1-2.
Hạt hoa tai hình cầu với chuỗi liên kết bằng vàng. Thế kỷ 9-12.
Hoa tai hai mặt bằng vàng nạm ngọc trai. Thế kỷ 16.
Vòng cổ và khuyên tai bằng vàng nạm kim cương. Thế kỷ 19.
Vòng cổ bằng vàng nạm kim cương, đường viền bằng các hạt ngọc trai, đính thêm các hạt ngọc lục bảo và ngọc trai. Thế kỷ 19.
Dây chuyền vàng gắn các hạt rudraksha và hạt chuỗi san hô bọc vàng. Thế kỷ 19.
Mặt dây chuyền bằng vàng nạm hồng ngọc, ngọc lục bảo, một viên kim cương, đính thêm các hạt ngọc trai và hồng ngọc. Thế kỷ 19.
Dây chuyền bằng vàng thể hiện hình các vị thần, nạm hồng ngọc, ngọc lục bảo và kim cương. Thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19.
Dây chuyền bằng vàng nạm hồng ngọc, ngọc lục bảo và kim cương. Thế kỷ 18.
Mặt dây chuyền bằng vàng. Thế kỷ 17-18.