KÍNH CHÀO CÁC NHÀ SƯU TẬP CỔ VẬT VIỆT NAM
NST: Đào Phan Long
Trong số báo Cổ vật Tinh hoa đặc biệt để kỷ niệm 15 ngày thành lập Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội (1999-2014), với tư cách là Tổng biên tập Tạp chí và là bạn chơi với nhau qua nhiều năm, tôi đã trực tiếp mời một số nhà sưu tập cổ vật đầy đam mê và nhiệt huyết tự nguyện tìm đến cuộc chơi văn hóa thú vị này và hiện đang sinh hoạt ở các Hội Cổ vật Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương và thành phố Hồ Chí Minh mà tôi đã hân hạnh được kết bạn. Tất nhiên còn nhiều nhà sưu tập và chơi cổ ngoạn nữa đã giao lưu với tôi hàng chục năm qua mà tôi chưa thể giới thiệu hết được trong số báo này. Xin lượng thứ.
Vì duyên chơi nên tôi hân hạnh được quen biết và giao lưu với các anh, các chị, các bạn, các em yêu thích, đam mê cuộc chơi cổ vật đang sinh sống và làm ăn không chỉ ở thủ đô Hà Nội mà còn ở hầu khắp các vùng miền tổ quốc. Cái hay nhất là mỗi người mỗi nghề, mỗi hoàn cảnh gia đình đều không ai giống ai, nhưng lại hay thích được ý ới gọi nhau vì những món cổ vật không biết nói. Trong thâm tâm tôi luôn tự hào vì được chơi bền với các bạn qua nhiều năm tháng và qua cuộc chơi văn hóa này tôi đã được biết, được hiểu rõ hơn về con người, về thiên nhiên, về đặc điểm văn hóa của mỗi vùng miền đất nước mà không dễ gì biết được.
Ngoài thời gian thường nhật hay vui vẻ các bạn chơi ở Kinh kỳ - Kẻ chợ xưa, thủ đô Hà Nội nay - tôi còn có các bạn ở các vùng đất khác của tổ quốc. Đó là các bạn ở đất Luy Lâu - Kinh Bắc cổ kính ngàn xưa, nay là tỉnh Bắc Ninh - kề liền Hà Nội. Nơi đây đã lưu giữ cho đến hôm nay những làn điệu dân ca Quan họ giao duyên đượm chất dân ca độc đáo, rồi những ngôi chùa cổ kính, những làng nghề truyền thống… đã tạo nên những làng quê giầu có nhất nhì vùng nông thôn châu thổ Bắc bộ ngàn xưa như Đình Bảng, Đồng Kỵ... Nơi đây giờ đã có Hội Cổ vật Kinh Bắc để tạo sân chơi cho những người chơi cổ ngoạn đất Bắc Ninh và họ thường xuyên vui vẻ với bạn bè khắp miền tổ quốc.
Cách trung tâm Hà Nội 50 km là vùng đất Dương Kinh xưa - nay là Hải Dương – một thời được gọi là vùng đất “gạo trắng nước trong” của châu thổ Bắc bộ, nơi có khu lò gốm cổ Chu Đậu nổi tiếng, có dòng gốm thời nhà Mạc độc đáo và đi tiếp thêm 50 cây số nữa theo quốc lộ 5 ra hướng biển sẽ đến thành phố Cảng Hải Phòng sôi động. Ở những nơi này tôi cũng rất vui vì có các bạn vong niên đam mê cổ ngoạn của tỉnh Hải Dương và anh em ở Hội cổ vật thành phố Hải Phòng đầy sôi nổi.
Quay xuống vùng đất Sơn Nam tôi cũng hân hạnh có những người bạn ở Hội cổ vật Tràng An tỉnh Ninh Bình với vùng đất cố đô Hoa Lư danh thắng. Chính vùng đất bán sơn địa nổi tiếng này đã được vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm kinh đô đầu tiên của triều đình phong kiến Việt Nam tự chủ sau ngàn năm đêm trường Bắc thuộc. Ngày nay phong cảnh sông núi và con người Ninh Bình đang ngày càng lôi cuốn nhiều khách thập phương đến đây để du lịch tâm linh dâng hương tưởng nhớ các vua Đinh - Lê, vào lễ phật chùa Nhất Trụ, chùa Bái Đính, ngồi thuyền ngắm cảnh quan Vịnh Hạ Long trên cạn, đến thăm nhà thờ đá Phát Diệm có kiến trúc độc nhất của một nhà thờ công giáo mang dáng dấp ngôi Đình làng Việt xưa…
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Đi thêm chếch về hướng đông nam vài chục cây số, tôi lại được gặp các bạn sống ở Thành Nam - Nam Định, địa danh sinh ra điệu hát Văn mê hồn nổi tiếng và là nơi có truyền thống tầm chơi cổ vật Trung Hoa lâu đời cùng dân Hà thành một thuở. Nơi đây với các đền, phủ, thái ấp Thiên Trường xưa có từ thời nhà Trần oanh liệt đã vời chân du khách thập phương về thăm viếng để tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công với nước. Rồi hàng năm, đã là dân chơi cổ vật, ai mà chả rủ nhau đi chợ Viềng từ sớm tinh mơ một vài lần trong đời để lấy khước, lấy may… Có lẽ giờ đây số người say nghề tầm chơi cổ vật quê Nam Định hiện đang có mặt làm ăn đông đảo nhất ở các thành phố của đất nước ta.
Không chỉ dừng ở châu thổ sông Hồng, xuôi về hướng Nam xa hơn nữa là xứ Thanh với điệu hò sông Mã cùng các di sản văn hóa nổi tiếng Đông Sơn, thành đá Nhà Hồ, khu Lăng Lam Kinh thờ các vua triều Lê Sơ. Xứ Thanh là vùng đất đã sản sinh ra Vua, ra Chúa Việt Nam và là vùng đất có vị trí chiến lược đối với các triều đại phong kiến kể từ thời Bắc thuộc cho đến sau này, do vậy ở đây mới còn lại nhiều loại hình cổ vật đồng, gốm mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn, Hán-Việt rất tuyệt vời trong lòng đất.
Đi tiếp xuống phương Nam sẽ đến các vùng đất Nghệ - Tĩnh, Quảng Bình, cố đô Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, Biên Hòa, Vũng tàu, thành phố Hồ Chí Minh, đất Tây Nam bộ sông nước mênh mang tôi vẫn hân hạnh có các bạn đam mê chơi cổ vật thường xuyên í ới điện thoại hoặc Email thăm hỏi nhau… Thành thật mà nói, được quen biết và luôn vui vẻ với nhiều bạn chơi cổ vật trên các vùng miền đất nước là niềm hạnh phúc rất lớn của tôi trong cuộc sống bề bộn hôm nay.
Xin được cởi lòng: Bạn chơi cổ vật tâm giao đông là vậy, nhưng trong lần ra số báo này để kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Cổ vật Thăng Long – Hà Nội, do khuôn khổ in ấn có hạn, cho nên tôi chỉ có thể giới thiệu được một số bạn trong nhiều người bạn sưu tập cổ vật khác mà tôi chưa được hân hạnh viết về họ. Nhưng không sao, cuộc chơi của chúng ta vẫn còn tiếp tục. Xin hẹn sẽ giới thiệu các bạn ở những số báo tiếp sau.
Xin kính chào tất cả ./.
Bình, đồng, VHĐS cách nay 2000-2500 năm. H 58cm; MD 45 cm.
Lẫy nỏ, đồng, VHĐS cách nay 2000 - 2500 năm
Ấm đồng vòi voi, văn hóa Hán-Việt. TK 1-3.
Thạp, gốm hoa nâu thời Lý. TK 11-12, H 41cm.
Thạp, gốm hoa nâu. TK 11-13, H 53cm.
Ấm, gốm, thời Lý. TK 11-12
Ấm hai bàu, gốm Việt. TK 15, xuất khẩu.