KỲ LÂN, SƯ TỬ & NGHÊ VIỆT CỔ
Đào Phan Long
Trong cuộc tầm chơi cổ vật hiện nay ở Việt Nam có nhiều cách lựa chọn. Có một số người thích sưu tập cổ vật mang dấu ấn văn hóa Việt, lại có không ít người chỉ thích tìm mua cổ vật nước ngoài. Đây là một thực tế tồn tại khách quan và đều có lý của nó.
Nghê đá thời Lê, TK 5-16
Người chơi cổ vật Việt cũng như cổ vật nước ngoài đều có đam mê và tự hào, có lý lẽ riêng. Nhưng có thể thấy hiện tại nếu là cổ vật Việt thì chắc chắn số lượng các món đồ đạt tiêu chuẩn cao không nhiều và nhìn không được bắt mắt và khó kiếm. Nhưng chúng là dấu ấn còn lại của người Việt được cộng đồng quốc tế ghi nhận và ngưỡng mộ lưu giữ, trưng bầy ở nhiều bảo tàng nổi tiếng thế giới. Ngược lại nếu là cổ vật nước ngoài mà chủ yếu là đồ gốm sứ, đồng, gỗ, đá TrungHoa và đồ kim khí (đồng và hợp chất đồng) thể hiện trong các pho tượng, giá nến, giá đèn, đồ galer, đồng hồ treo tường, đồng hồ kèm các pho tượng…của Âu châu thì trông đẹp hơn, do chúng đã được chế tác rất kỹ thuật và tinh xảo, nhưng rất dễ đó chỉ là đồ giả cổ.
Trong cuộc chơi phức tạp này rất tiếc việc người chơi cổ vật Việt có số lượng ít hơn so với số người chơi đồ cũ nước ngoài. Đó là hậu quả của sự cổ súy, quảng bá cũng như tạo sức mua của hệ thống bảo tàng trong nước còn yếu hơn rất nhiều so với việc chủ động tạo ra và xây dựng thị trường mua bán đồ cũ, giả cổ nước ngoài của dân buôn bán cổ vật trong nước để kiếm lợi nhuận.
Thời gian qua bắt đầu đã có một số ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa đăng tải trên báo đài phê phán việc một số công sở, khách sạn, nhà hàng, tư gia mới xây cất, thậm chí có cả một số ngôi chùa mới cất hoặc tôn tạo lại, chủ nhân cho đặt những cặp Kỳ Lân, Sư tử bằng đá, đồng mới chế tác rất to trước tiền sảnh. Có thể thấy việc làm này mới xuất hiện và có lẽ chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ năm 2000 trở về trước chăng?
Đối với các quốc gia châu Âu và Trung Quốc, Kỳ lân, Sư tử là con vật biểu hiện tâm linh, chúng oai vệ thường đặt trước các dinh thự, công trình kiến trúc ở nước họ. Còn ở đất Việt Nam ta - mà cái nôi văn hóa gốc gác là vùng châu thổ Bắc bộ - lại dùng những cặp chó đá, nghê đá có hình hài không hung dữ oai phong để đặt ở mặt tiền các công trình. Đây chính là dấu ấn văn hóa Việt, không lẫn với ai.
Trong bài viết này tôi xin giới thiệu một số cổ vật hình Nghê với chất liệu đất nung, gốm, đồng, đá là cổ vật mà người Việt xưa đã gửi gắm tình cảm và tín ngưỡng của mình qua hình tượng độc đáo ấy nhằm để người Việt Nam chúng ta hôm nay và mai sau hãy giữ được dấu ấn văn hóa của tiền nhân nhằm tránh bị đồng hóa đồng thời giữ được hồn dân tộc mãi mãi.
Kỳ lân, đá mới - Trung Quốc, làm và đặt ở Việt Nam
Sư tử, đá mới - Trung Quốc làm và đặt ở Việt Nam
Nghê gốm, TK 16-17
Nghê, gốm Bát Tràng men trắng, triều Nguyễn, TK 19
Chân đèn, gốm Việt. TK 16-17
Nghê gốm, TK 16-17
Tượng nghê, gốm Việt, đồ đốt trầm, men trang trí màu nâu, thời Lê, TK 17
Nghê, đất nung, thời Lê Sơ. TK 16, cao 33 cm
Nghê đồng thời Lê, TK 15
Nghê đồng thời Lê, TK 15