KỶ VẬT CỦA BÀ & MẸ

                                                                                                  Lan Phong

 

Lời Điếu do anh Trưởng Chi tộc Họ Đào đọc ở Lễ truy điệu Người quá cố:

“…Trước hết Bà là người phụ nữ có học thức, nói và viết thạo tiếng Pháp, tính tình vui vẻ chân thành và quảng giao, không coi trọng vật chất hơn tình nghĩa, sẵn sàng hy sinh cho chồng và con cháu… Đối với gia đình và họ mạc trong mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bà luôn là người vợ hết sức tình nghĩa với chồng, giúp chồng vượt qua nhiều khó khăn trong công tác để có được những công trình nghiên cứu văn hóa có ích cho đất nước. Bà là người mẹ hết mực yêu thương các con, các cháu trong nhà và đặc biệt Bà luôn được anh chị em trong hai họ Đào và họ Phan quý trọng, mến yêu.

Ngoài xã hội Bà luôn là người sống tình cảm, chân thành với các bạn và các đồng sự, cho nên sau khi nghỉ hưu Bà vẫn luôn nhận được tình cảm quý mến của bạn hữu đã gắn bó với bản thân, với gia đình Bà suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ của đất nước. Ngoài những người Bạn thân của chồng, Bà có các nhóm bạn riêng, đó là các bà bạn thời Nữ sinh Đồng Khánh, Huế hiện đang sống ở nhiều nơi trong, ngoài nước; Nhóm các bà bạn thời Tuyên truyền Xung phong Việt Minh Trung bộ năm 1945; Nhóm các bạn thời làm Báo Quân Du Kích, Cục Dân Quân (tiền thân của Báo Quân đội Nhân dân ngày nay) ở rừng Việt Bắc; Nhóm các bà nay là các cụ bạn thời Cục Vải sợi, Cục Bách hóa Bộ Nội Thương và ở Bộ Công nghiệp nhẹ. Hôm nay ở đây tại nhà tang lễ này, mặc dù các cụ ông, cụ bà đã cao tuổi những vẫn có cụ đến đây để tiễn đưa đưa một người Bạn tốt là Bà về nơi an nghỉ cuối cùng.  Ban tổ chức Tang lễ và Tang quyến xin được cám ơn các cụ.

Bà ơi, mặc dầu việc Bà phải ra đi về với tiên tổ là quy luật chung của đất trời, nhưng con cháu, dòng họ vẫn thương tiếc và nhớ Bà vô cùng, vì Bà đã để lại tấm gương của một phụ nữ trí thức Việt Nam đã sống có trách nhiệm cao với gia đình, với họ mạc, với bạn bè trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời…”

 Phần đông con cháu trong Chi Tộc đã trưởng thành (qua đại học, vài đưa là P. GS Tiến sỹ khoa học, tướng, tá công an, quân đội, cục, vụ, viện… có cả) sau khi nghe lời Điếu mới bắt đầu muốn biết rõ hơn về cuộc đời Người Bà, Người Cụ thương yêu trong đại gia đình của chúng. Ở Việt Nam đại đa số các gia đình sau khi Người Mẹ đi xa mãi mãi thì con cháu đều muốn biết như vậy. Với truyền thống văn hóa giỗ chạp “Tam tứ đại đồng đường” mà chắc chắn nhiều nước - đặc biệt người phương Tây - không có, thì người Việt lại muốn biết rõ hơn về cuộc đời người thân quá cố của mình để hương khói giỗ chạp.

Hiện tại dân Việt ta đang sống mạnh dần theo nhịp sống công nghiệp, rồi ảnh hưởng kinh tế, văn hóa, xã hội ngoại lai đang tràn vào Việt Nam theo các Hiệp định Thương mại tự do, theo nhà mạng toàn cầu, theo các đoàn du lịch lữ hành quốc tế đi lại hai chiều…đã làm cho người Việt ít quan tâm đến gia đình, gia tộc mình hơn thế hệ trước. Nghĩ vậy nên khi đám con cháu hỏi về cuộc đời của Bà, của Cụ chúng thì dù khá bận rộn với những công việc linh tinh chả đâu vào đâu nhưng ông Lý cũng có cách kể về cuộc đời Mẹ mình từ chính bút tích của bà để chúng biết. Âu cũng là dịp để gia tộc mình càng gắn bó thêm lâu dài và giữ được nếp ăn ở cư xử tốt đẹp của dòng họ.

Giờ đây đám trẻ do bận rộn làm ăn, chăm lo con cái suốt ngày nên chúng rất vất vả, ít thời gian rảnh rỗi mà đọc mà xem, cho nên chúng chỉ lướt đọc Mạng, chơi Phây, do vậy ông Lý chỉ trích vài đoạn Hồi ký của Mẹ đưa lên Web để chúng đọc là tiện nhất. Làm như vậy cũng sẽ không bị “tam sao thất bản” như lối ghi sử còn thiếu tính chính xác về một số sự kiện, một số nhân vật ở ta thời nay. Chẳng như chuyện: Chỉ mới có mấy chục năm kết thúc cuộc chiến hai Miền Nam, Bắc vào 30 tháng 4 năm 1975, thế mà chiếc xe tăng nào húc đổ cổng Dinh Độc Lập của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước tiên? Rồi ai là người đưa ông Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi hạ vũ khí trên Đài Sài Gòn để tránh cho thành phố không bị tàn phá và người Việt không tiếp tục bắn giết người Việt nữa… thế mà còn tranh cãi mãi, hình như tới nay vẫn còn chưa thấy có văn bản chính thống nào công bố chính thức với bàn dân thiên hạ những việc này. Rồi mãi đến  tháng 3-2016 này, sau 37 năm, trên báo điện tử chính thống của VNTTX mới cho đăng một số bài viết của ông Tướng Cương nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu của Bộ Công An, ông Hà hiện là Viện trưởng Viện lịch sử quân sự về sự thật chiến tranh biên giới ngày 17-2- 1979 do Trung Quốc chủ động mang 60 vạn quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam...Thế thì lớp con cháu thời nay sẽ hiểu lịch sử đất nước mình sao đây?

Ngày mai là 35 ngày Mẹ mất, ông Lý sẽ tổ chức gia đình lên chùa Một Cột làm lễ rước vong Mẹ lên chùa, tối nay ông lên Bàn thờ gia tiên thắp hương và lấy chiếc hộp bạc là kỷ vật triều đình nhà Nguyễn đã tặng cho bà Ngoại mình vì bà là con cháu Hoàng tộc, cùng với chiếc vòng tràng hạt mà Bà ngoại ông đã luôn giữ bên mình để cầu kinh khấn Phật phù hộ cho con cháu trong suốt cuộc chiến tranh Nam - Bắc từ 1945 đến 1975. Khi đất nước kết thúc cuộc chiến 1975 Bà đã cho lại Mẹ ông để con cháu xa cách trên đất Bắc luôn nhớ Bà. Những kỷ vật này rất thiêng liêng với gia đình, cho nên ông Lý cầm những kỷ vật và thắp hương xin phép Mẹ được trích Hồi Ký của Mẹ để con cháu đọc.



Hai kỷ vật của Bà và Mẹ

 

Hồi ký của Mẹ có nhiều phần nhưng ông chỉ xin được trích vài đoạn. Ông ân hận nhất là chưa xin phép xuất bản được cuốn Hồi ký của Mẹ khi Mẹ còn sống để con cháu đọc, vì Hồi ký Mẹ ghi lại rất thật nhiều sự việc liên quan đến cuộc đời Mẹ, đến anh chị em mình và bên chồng và tất nhiên liên quan đến nhiều người khác. Người tốt đáng quý có, kẻ không tốt cũng có. Hồi ký của Mẹ kể lại những sự việc xẩy đến với gia đình, với dòng họ bên mình, bên chồng rất chân thật và đều có bút tích, có ảnh minh chứng… Mẹ là dân trí thức đã từng làm báo từ Việt Bắc nên viết cố tránh xúc phạm đến ai, chỉ kể sự việc và những suy nghĩ của mình. Mẹ muốn xuất bản, đã có vài Nhà xuất bản xem bản thảo Hồi ký của Mẹ, nhưng rồi họ đều rất “trân trọng cám ơn và mong Bác thông cảm” vì lý do này, lý do kia. Ông Lý nhớ có lần một bà Giám đốc Nhà xuất bản sau khi đọc bản thảo đã cùng vài cán bộ của mình mang hoa đến thăm Mẹ và khóc vì không xin được Giấy phép, mong Mẹ hiểu cho. Còn ông Lý thì lại đồng tình với Mẹ là không vì mục tiêu xuất bản để lại phải cong đi ngòi bút viết lấp la lấp lửng một số đoạn. Giờ đây sau gần 20 năm kể từ khi xong bản thảo, Mẹ đã đi về cõi vĩnh hằng, ông Lý xin phép Mẹ trên trời cao cho ông được trích vài đoạn Hồi ký của Mẹ cho con cháu biết về cuộc đời của những người phụ nữ Việt Nam trong gia tộc thời của Mẹ để con cháu hiểu được dòng tộc đã sống và làm việc như thế nào mà xử sự trong cuộc sống hôm nay.

Xin trích đoạn cuốn Hồi ký:

“…

MẤY LỜI TỰ BẠCH

Tính đến ngày cầm bút viết bản hồi ức này, người chồng thương yêu của tôi đã về cõi vĩnh hằng gần tám tháng. Ý định của tôi viết lại để mai sau con cháu Họ Đào quê gốc Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Đông và Họ Phan gốc Huế đọc để biết gia tộc mình đã sống như thế nào trong những năm tháng mới ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ mùa Thu tháng 8 năm 1945 và sau đó là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Thế kỷ XX.

Tôi cũng có ý định nhắc lại chuyện cũ đời mình đã sống trong bối cảnh đất nước và xã hội Việt Nam từ sau cuộc Cách Mạng Tháng 8 – 1945, thời kỳ sôi động nhất mà vợ chồng tôi có được nhiều người bạn chân thành với đúng nghĩa là bạn.

Tôi viết tự truyện lấy tên “ĐỜI TÔI”, nhưng sau có nhà văn chơi với con trai cả của tôi đọc bản thảo thì góp ý: Theo cháu, bác nên đổi là “DÂU HỌ ĐÀO” hay hơn, vì đời bác đã gắn bó với dòng họ ấy; nhưng con tôi lại nói: Mẹ cứ lấy tên Mẹ đặt, nghe nó là nhà văn khuyên kể cũng được, nhưng đất nước này có các Chi họ Đào khác nhau, dễ lẫn lộn. Con nghĩ Mẹ có tiếng Pháp, ngoài đời người ta tiếu lâm: Đời xe-la-vi, Tình xe-la-mua và Tiền xe-la-mo, cho nên Mẹ lấy tên Hồi ký là “ĐỜI XE-LA-VI” cho vui Mẹ ạ. Nghe buồn cười song tôi nghĩ kể cũng phải, đời mình đã gắn với chuyện Họ Đào Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Đông, gắn với một giai đoạn biến động của xã hội Việt Nam, nhưng còn nhiều Chi tộc Họ Đào khác nữa, cuối cùng tôi chọn tên hồi ký là “ĐỜI XE-LA-VI” cho đơn giản.

Ở Việt Nam ta thời chúng tôi giai đoạn son trẻ của đời người phụ nữ thường ngắn hơn nhiều so với quãng đời làm vợ và làm mẹ. Đa phần đã là phận gái đến lúc phải lấy chồng, tức rời nhà mình về làm dâu con nhà người thì chuyện đời mình sẽ gắn với chuyện chồng con mới là chuyện đáng kể.

Có lẽ số đông con gái khi còn son rỗi thì tình cảm gia đình ruột thịt và bạn bè ấu thơ thuở cắp sách đến trường luôn đầy ắp kỷ niệm, nhưng khi đã có gia đình riêng thì khác trước nhiều lắm.

 Đến khi lập gia đình riêng thì cái may của người con gái là gặp được người đàn ông làm chồng tâm đầu ý hợp, thủy chung và sẵn lòng vị tha. Họ sẽ may mắn và hạnh phúc hơn nữa khi về làm dâu con lại được anh chị em nhà chồng thương yêu, tin trọng như ruột thịt trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi dông tố ập đến cuộc đời.

Suy nghĩ chỉ giản đơn là vậy, cho nên tôi kể lại đời mình không thể không nói về những mối quan hệ thân thương ấy…

Tôi muốn con cháu mình hiểu rõ hơn về suy nghĩ, nhận thức, việc làm và tình cảm của cha mẹ, ông bà, họ hàng ruột thịt của mình đã sống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước Việt Nam trong thế kỷ XX.

Thời của chúng tôi đã sống thì đại đa số những người được ăn học đều biết nước Việt Nam nhà đã mất từ ngoại bang và dân tình đa phần đều nghèo khổ vì “một cổ hai tròng”. Thời ấy chỉ rất ít người dám dấn thân đứng trong một tổ chức gọi là “Hội kín, là Đảng” để đấu tranh hết mình vì mục đích giành lại độc lập cho đất nước từ tay ngoại bang và lập ra một nhà nước mới không còn chế độ vua quan phong kiến, nhân dân thì có cơm ăn, áo mặc, được học hành, bình đẳng sống trong hạnh phúc, con người được tôn trọng và thương yêu con người.

Có thể nói số ít những người dám dấn thân chấp nhận tù đầy, đầu rơi máu chảy để lao vào cuộc chiến đấu sinh tử với chính quyền thực dân Pháp và bè lũ phong kiến tay sai, đó là những lớp chiến sỹ cách mạng tiền bối, họ đều là những người yêu nước có chí khí, chính họ đã truyền tiếp cho những người đi sau tính “lãng mạn cách mạng” hoặc “rất vô tư và ngây thơ” về quyền lực, về nhà nước, về trách nhiệm và quyền công dân… Chính họ đã luôn nghĩ rằng: Sống phải có lý tưởng, chỉ có một chân lý, một lẽ sống là vì sự nghiệp chung mới là người có ích cho xã hội!

Tôi không có ý định kể lại chuyện gia đình mình có liên quan đến nhiều người khác, có nhiều người tử tế, chân thành, có tâm, có tình với chúng tôi; nhưng cũng có số ít thì người ngược lại. Vì là những chuyện có thật đã đến với đại gia đình Họ Đào và gia đình riêng của tôi, cho nên tôi phải nêu tên khi kể lại và trong suy nghĩ không giám xúc phạm đến bất cứ ai là những người có tên trong cuốn sách nhỏ này, vì đó là việc rất không nên và tầm thường. Mong rất thông cảm cho tôi. 

Tôi cũng không có ý định  phổ biến rộng rãi dòng suy nghĩ và tình cảm của mình,  những bạn bè nào thương nhớ vợ chồng tôi và Họ Đào quê gốc Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Đông, thương nhớ tuổi học trò, tuổi vào đời khi xã hội Việt Nam đầy bão táp ở xứ Huế thời còn là Kinh đô cổ kính, rồi thời gian truân ở chiến khu Việt Bắc và vùng “tự do” Khu IV kháng chiến chống Pháp, thời chiến tranh phá hoại miền Bắc, thời bao cấp… thì xin tự tìm đọc.

Bản thảo này mở đầu tháng 10 năm 1996, kết thúc ngày 02 tháng 01 năm 1999 (tức rằm tháng 11 năm Mậu Dần)./.  

            

 TRÍCH ĐOẠN PHẦN I


THỜI THƠ ẤU


Tôi sinh ra bên bờ sông Gianh, còn gọi là Linh Giang; con sông cắt ngang đường quốc lộ 1, ranh giới giữa hai Huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình, vì thời đó cha mẹ tôi từ Huế về làm việc và sống ở đây. Tuy vậy, tôi không phải là người Quảng Bình. Tôi là người Huế “chính cống”.

Cha tôi, ông Phan văn Thú, nguyên quán Huyện Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên (thời trước là Tổng Vĩnh Trị, làng Thái Dương Hạ). Mẹ tôi là bà Công Tôn Nữ Phước Thảo, thuộc dòng họ Kiến Thoại Vương, bà là người Hoàng Phái. Trong gia tộc bà là chị ông Bửu Trưng, thân sinh Tướng Bửu Lộc thời Việt Nam Cộng Hòa sau này. Hai cụ đều ra đời cuối thế kỷ XIX.

Thời Pháp thuộc, nước ta bị chia làm 3 Kỳ: Bắc kỳ theo chế độ hành chính bảo hộ; Nam kỳ là Xứ thuộc địa; còn Trung kỳ thuộc quyền quản lý của Triều đình nhà Nguyễn, tất nhiên chỉ làm bù nhìn. Cha tôi làm việc ngành Thương Chánh (Hải quan) cấp Tỉnh, ông giữ chức Chánh thư ký. Về cấp bậc Nam triều, ông được phong “Hồng lô tự khanh” - một chức quan tượng trưng - mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nghĩa. Thời đó, người đời thường gọi ông là “Cụ Hường” - chữ “Cụ” ở Miền Trung biểu thị sự kính trọng.

Thời gian sinh ra tôi, năm 1926, ông được điều từ Đà Nẵng ra Quảng Bình làm việc, cơ quan đóng tại Quảng Khê và về hưu ở đó.

Ông nói tiếng Pháp rất sõi. Lớn lên, tôi nghe các anh tôi kể rằng:

Hồi ông 9, 10 tuổi, còn ở với ông bà nội tôi ở cửa Thuận An gần Huế, ông đã xin ông bà nội - vốn có chức sắc trong làng thời đó - đi theo một người lái buôn sang Pháp rồi ở lại học bên đó một thời gian, ông có máu phiêu lưu từ bé, nói và viết “tiếng tây” rất thành thạo. Cuối đời, trong tập hồi ký “Âu - Á phiêu lưu” ông đã kể nhiều chuyện lý thú cho con cháu nghe. Rất tiếc chiến tranh liên miên, gia đình tôi li tán, nên bản thảo đã bị thất lạc. Nhưng tôi nghĩ nếu nó còn, chắc chúng tôi - những đứa con đi theo cách mạng đánh thực dân Pháp chắc chắn không thể xuất bản được sách cho ông. Vì đến thời chúng tôi, nhiều người thạo tiếng Pháp, tiếng Anh còn bị không ưa nữa huống hồ là lại giỏi!

Ở Pháp một thời gian, khi vị thành niên ông trở lại Việt Nam, học trường Alliance FranÇaise với học bổng được cấp. Hai mươi ba tuổi ra trường trở thành công chức ngành Hải quan của chính quyền Pháp ở Đông Dương.

Ông có dáng khá “Tây”! Bộ ria mép quăn hai bên, chiếc đầu hói bóng mượt, đôi mắt hóm hỉnh đa tình. Da ông ngăm đen, môi trề duyên dáng. Ông thường mặc bộ com-lê đen, thắt cà vạt nâu, nổi bật giữa đám bạn bè mặc “Tây”, mặc “Ta”. Ông thích chơi ten-nít và đi săn. Có lần rủ cả mẹ tôi cùng chơi quần vợt. Bắn được lợn rừng ông chia sẻ cho mọi người trong xóm. Chẳng là ông vẫn có khẩu súng trường hai nòng, treo trên mắc sừng nai. Cứ ba mươi Tết ông lại ra sân bắn chỉ thiên mấy phát “xua tà” cho gia đình!

Về hưu, chiều chiều ông dùng vài ly “áp -pê- ri- típ” khai vị, vừa nhấm nháp vừa suy nghĩ sự đời. Ông rất thích những món ăn “Tây” do mẹ tôi nấu và theo thói quen, ông thường dùng cù - dìa, phuốc - sét, dao ăn. Ông đặt mua từ bên Pháp những “tô- nô” rượu vang Bóc-đô to tướng bằng gỗ sồi về chất trong nhà hầm, rồi đóng chai uống dần. Có lẽ đến giờ ở ta ít người uống rượu vang được như ông!

Tính ông phóng khoáng, thẳng thắn, sôi nổi. Do học được văn minh Pháp, ông tôn trọng dân chủ và công bằng. Ông đã cãi nhau với sếp Tây, nếu cần có thể đánh nhau, có lần ông phanh ngực sẵn sàng nhận đạn súng lục của Tây Đoan để bảo vệ quyền lợi cho dân Lộc Điền vùng Quảng Trạch bị áp bức vô cớ. Ông có tầm nhìn xa. Xưa ông bảo với chúng tôi: “Mai sau sông Gianh sẽ là bến cảng, tàu bè vào ra đông đúc”. Quả thật, ngày nay không còn là bến phà sông Gianh xưa nữa, mà là cầu Sông Gianh hiện đại, xe tàu tấp nập đôi bờ bắc nam.

Mẹ tôi tính dịu dàng, đảm đang, dáng dấp quý phái. Khi nhàn rỗi bà thường ngâm thơ, ca Huế cho chúng tôi nghe và kể chuyện cung đình. Bà kể về Vua Duy Tân, Vua Thành Thái. Tôi nhớ mãi câu nói của vua Duy Tân mà bà thường nhắc lại nhiều lần: “Mặt bẩn thì lấy nước mà rửa; Nước bẩn thì lấy gì mà rửa đây?”. Bà ca tụng khí tiết ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Đình Phùng, Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu… Bà đã từng cùng Hoàng gia đứng trên cầu Tràng Tiền đầy nước mắt tiễn Vua Duy Tân đi đầy biệt xứ. Về già, sáu mươi tuổi, do thói quen bà không quên xoa một làn phấn mỏng, một chút sáp môi lên vẻ mặt thanh tú của mình.

Mẹ tôi rất mộ đạo Phật. Bà góp tiền đồng đúc chuông chùa Thanh Khê (Bố Trạch – Quảng Bình). Bà thờ Phật, tu tại gia. Đêm về, bà lần tràng hạt cầu kinh. Có lẽ vì thế mà sáu anh chị em tôi, con của bà, ba chị em ở Nam, ba anh em Bắc vì cuộc chiến đôi miền, nhưng suốt 30 năm đất nước trải qua hai cuộc chiến tàn khốc “nồi da xáo thịt” mà chúng tôi vẫn còn nguyên lành, để rồi tất cả được gặp lại Mẹ sau năm 1975 tại Sài Gòn. Bà rất thương người nghèo. Tháng ba ngày tám, thóc mua dự trữ, bà đem chia cho họ…”

*

*     *


“…Năm 1975, đất nước thống nhất, sau ba mười năm tôi lại được gặp anh thứ ba, gặp Mẹ, chị cả Cẩm Hà cùng các cháu với gia đình đông đúc tại đường Vạn Kiếp - Gia Định, Sài Gòn (nay là Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).

 Thật xiết bao mừng rỡ, cảm động. Có ai ngờ Mẹ tôi còn sống để gặp các con. Ba đứa con ở miền Bắc được về ôm Mẹ sau bao năm cách biệt!

Thôi thì hàn huyên đủ chuyện! Tôi và anh trai trưởng từ miền Bắc về gặp mẹ và các anh chị cùng một thời điểm. Chúng tôi ôn lại những ngày còn thơ, kể chuyện cuộc đời của nhau ở hai miền trong những ngày xa cách. Nói mãi, nói mãi không hết chuyện… Xót thương mẹ đã già, mắt mờ, nay đã 89 tuổi. Làm sao báo hiếu đây? khi mà hoàn cảnh chúng tôi ở cả hai Miền đều bê bối, đều nghèo khổ khó khăn?... Chẳng mấy chốc đã hết phép 14 ngày, tôi phải quay ra Bắc.

Sau giải phóng, gia đình anh, chị tôi và mẹ tôi hết sức khó khăn vì là dân công chức nên không có của để dành. Anh tôi là “quân nguỵ” sỹ quan của Pháp đã về hưu trước ngày giải phóng nên không phải đi cải tạo. Hai gia đình các anh, chị tôi đưa nhau lên vùng kinh tế mới Long Khánh theo “kêu gọi” của chính quyền giải phóng, còn Đức và Mẹ ở lại Sài Gòn cầm cự qua ngày, trông nom nhà cửa. Tháng 6 năm 1976 mẹ tôi qua đời sau khi gặp lại 3 anh em chúng tôi từ Bắc kéo vào. Chúng tôi đi kháng chiến, quá nghèo, không có gì giúp đỡ Mẹ ngoài những đồng bạc trích từ tiền lương hàng tháng gửi cụ cầm hơi. Như vậy, chúng tôi gặp Mẹ chỉ được mươi hôm, sau ba mươi năm xa cách để rồi vĩnh viễn chia tay Mẹ. Sau vài năm anh Đức cùng gia đình sang Mỹ theo diện ODP (chương trình di tản do con gái bảo lãnh) vào đầu năm 1988. Anh mất tại Denver, Colorado Mỹ năm 1996. Nay chị và các cháu vẫn bên ở đó, tất nhiên không được tập trung và gần gũi như khi còn ở Việt Nam.

Đó là câu chuyện về gia đình tôi, tan tác vì chiến tranh tàn khốc đã kéo đến đất nước này. Cuộc chiến làm mỗi người một ngả, mỗi người một số phận. Nhà cửa bị triệt phá, không ai có một tấc đất cắm dùi! Năm 1987 nắm tro cốt của cha mẹ tôi được anh em chúng tôi quy tụ tại chùa Kỳ Quang Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh cùng anh chị cả Cẩm Hà đã đi trọn kiếp người trong loạn lạc.

Gia đình tôi quá thấm thía cuộc chiến tàn khốc này và riêng tôi sinh ra bên bờ con sông Gianh nên càng thấu hiểu thêm về nỗi khổ đau của người Dân Việt vô tội trong cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” thời Trịnh - Nguyễn phân tranh đã kéo dài hàng trăm năm trước. Thấm thía những vần thơ Chinh Phụ ngâm thuở xưa đã lưu truyền một thời trên xứ sở này.

Gần đây nghe tin cậu con trai của bạn học với tôi thời Đồng Khánh - Huế là Hà Nhị có in tiểu thuyết NỖI BUỒN CHIẾN TRANH bị phê phán rất dữ, nghe chuyện tôi nghĩ chiến tranh thì chỉ có buồn, làm sao mà vui được? vậy không hiểu họ phê phán cái gì?, nhưng rồi tôi được biết cuốn sách ấy lại là rất ít các cuốn sách của tác giả cầm bút Bắc Việt Nam được nhiều nước trên thế giới dịch sang tiếng của họ để phát hành với số lượng khá hơn nhiều so với các loại tiểu thuyết khác của Việt Nam!

Chắc chắn từ ngàn xưa đến nay, người dân lành và mọi gia đình trên khắp thế giới chứ chả riêng gì ở nước ta đều chán ghét chiến tranh bom rơi đạn nổ giết người. Chiến tranh làm gia đình li tán, chiến tranh tiêu diệt sinh linh, chiến tranh tàn phá môi trường sống, chiến tranh chỉ làm lợi cho bọn lái súng, làm lợi cho những phe phái chính trị ở các quốc gia và các nước lớn giầu mạnh. Trên xứ sở này gia đình tôi tan tác vì cuộc chiến ý thức hệ do các nước lớn định ra kéo dài gần nửa thế kỷ, tất nhiên còn vạn vạn gia đình khác cũng vậy.

Tôi vẫn tin câu nói người xưa “Phúc đức tại Mẫu” vận từ các bà mẹ của chúng tôi cho con cháu. Đại gia đình bên tôi và bên chồng cũng như bao gia đình khác đều cuốn theo cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, chống Tầu, chống Keme đỏ gây chiến tấn công biên giới hết sức gian khó, nguy nan, ấy vậy mà hầu như con cháu không ai bị chết vì bom đạn. Ngay như trong cuộc bộ đội ta chiếm giữ thành cổ Quảng trị 1972 đã đánh nhau ác liệt suốt bao ngày đêm, đại gia đình hai họ chúng tôi có 3 cháu đáng ra đều vào đại học nhưng chúng đều được gọi đi cầm súng chiến đấu tại đây. May mắn thay cả ba đều sống sót nguyên vẹn trở về đi học tiếp đại học, đã không bị ngiền nát trong chiếc “cối xay thịt người” Thành cổ Quảng Trị ấy…”




 

TRÍCH ĐOẠN PHẦN IV

CHA MẸ BÊN CHỒNG

 

Cha Mẹ chồng tôi là hai Cụ Đào Đình Diệp và Nguyễn Thị Hoè. Tôi thuộc lớp hậu sinh không dám viết về các Cụ, chỉ nghe các anh chị cả kể lại:

Lúc sinh thời hai Cụ rất thương người, nhân hậu. Cụ bà ít học, nhưng sắc sảo, thường “lẩy Kiều” để diếc bọn quan lại nhũng nhiễu. Có lần Cụ đã đón cả đám “ăn xin” về nhà chu cấp. Báo “Thế giới Mới” có lần đã nói đến Cụ. Ngày nay khi nhắc đến “Bà Bát Mợi Cầu Quan”, dân Nông Cống, Thanh Hóa vẫn còn nhớ đến Cụ. Lịch sử Đảng bộ Huyện Nông Cống có ghi tên Cụ và các anh em họ Đào là những người con trai, con gái của Cụ. Tại Chùa Yên Thái, nay là Vĩnh Thái ở gần Thị xã Thanh Hóa thuộc Huyện Nông Cống khi được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng có danh sách các chiến sỹ cộng sản tiền bối Đào Duy Kỳ, Đào Duy Dếnh và Nguyễn Văn Linh… đã từng tá túc ở Chùa với sự che chở của Cụ bà Bát Mợi và các nhà sư ở đây để bí mật hoạt động cách mạng…(riêng ông Nguyễn Văn Linh sau này là Tổng bí thư đảng nên được nhà chùa lập bàn thờ tại nhà ngang trong chùa hiện nay để chùa được công nhận là Di tích cách mạng).

Anh trưởng Đào Duy Anh và các em rất thương cha mẹ, tôi xin trích phần viết bổ sung Gia phả nhà Họ Đào của chính bác Anh viết để con cháu biết:

“… Cha lấy mẹ năm 1889 khi cha làm Thông lại ở Phủ Hà Trung, Thanh Hóa, lúc đó mẹ mới 15 tuổi. Ngay từ khi lấy chồng mẹ đã bị bà kế của cha (vợ 2) hành hạ khổ sở. Năm 1901 cha đổi về Thanh Hóa làm việc, mẹ không chịu theo về, ở lại phố Hà với bà chị ruột. Mẹ sinh con gái đầu lòng không nuôi được. Sau một trận ốm nặng mẹ về Thanh Hóa ở với cha. Ở đây mẹ lại bị mẹ chồng hành hạ. Bấy giờ cha ở chung một nhà với bà nội, tính cha hiền lành nên không dám can thiệp. Khi mẹ phàn nàn trách oán thì chỉ khóc và xin lỗi. Mẹ không chịu nổi phải xin về ở với bà ngoại và quyết tâm xin đi Nam Định để tìm ông ngoại. Không có một đồng nào phải xin tiền chị thì bà chị cũng nghèo, chỉ có 5 đồng cho em. Với 5 năm đồng mẹ quả quyết trốn bà ngoại để về Nam Định với ông, định vừa đi vừa làm mướn để kiếm ăn.

Cha nhờ bà ngoại đi tìm. Bà ngoại cùng dì lớn ra Nam Định không dám nói với ông ngoại rằng đi tìm con gái để đưa về Thanh Hóa vì ông ngoại nghe nói con bị gả làm lẽ và bị hành hạ khổ sở lắm, nên muốn giữ con ở lại để gả chồng ở Nam Định. Song mẹ vẫn thương cha, khi bà ngoại về Thanh mẹ đã trốn ông ngoại mà theo về.

Ngày 19 tháng 9 năm Giáp Thìn, tức 24 tháng 10 năm 1904 thì mẹ sinh con trai đầu lòng (Đào Duy Anh). Bấy giờ cha vừa bị giảm chân thư lại, nên phải trẩy Kinh để xin bổ trở lại. Khi mẹ lâm bồn thì cha đang ở Kinh (Huế), nên suốt gần một năm mẹ phải sống nhờ bà ngoại rất nghèo và mấy người trong tôn thất.

Nửa năm 1905 thì cha được bổ lại làm Thông lại ở Nông Cống. Mẹ đi theo nhưng thuê nhà ở riêng và làm hàng xáo để nuôi con. Năm 1908 Nông Cống đói to, nhiều bữa mẹ con phải ăn cám.

Suốt trong 15 năm, mặc dầu ở riêng mẹ vẫn thường là nạn nhân của sự ghen tuông, mãi cho đến năm 1019 cha về hưu, bà kế mang mấy người con gái nhỏ ra Đông Sơn để lại hai con trai cho mẹ nuôi, thì mẹ mới được ở chung với cha và thoát khỏi cái nạn đòi ghen. Cái tính thẳng thắn và bất khuất của mẹ lại càng khiên những trận đòn ghen trở thành kịch liệt.

Từ đó mẹ buôn bán và nuôi gia đình và cho con đi học. Đến năm 1923 con trai đầu học xong ra làm việc thì gánh nặng gia đình của mẹ mới hơi được nhẹ. Từ năm cha mất 1928, mẹ vẫn ở Nông Cống.

Suốt đời mẹ khổ sở cho nên đối với những người nghèo mẹ rất thương và chỉ thích gần gũi họ. Nhiều khi nhà chỉ có mấy ống gạo mà cứ người đói hay ốm hỏi vay là đem xẻ nửa ra cho. Bởi thế nên nhân dân trong vùng nhất là những người nghèo rất qúy mến mẹ. Có lần vì ngoài Bắc lụt to, người Thái Bình, Nam Định kéo nhau vào Thanh Hóa ăn xin rất đông, mẹ gặp ở đường một đoàn vài chục người, liền đem họ về nhà cho ở nhờ và nấu cơm cho họ ăn. Các con nhỏ đi học về, không hiểu đầu đuôi, chỉ thấy trên giường, dưới đất đầy những người rách rưới bẩn thỉu thì rầy mẹ sao lại đưa “ăn mày” vào nhà như thế. Mẹ trả lời rằng: “Tao đem người ta về như thế là để phúc cho chúng mày sau này đó, đừng có nỏ mồm!”. Nhà ở gần Huyện lị, thường có những người tù bị tạm giam đeo gông, mang xiềng ra chợ mua thức ăn. Thirng thoảng mẹ hay gọi về nhà cho ăn hay cho thức này thức khác, không hề xem họ như người có tội, mà chỉ thấy họ là những người tử tế chẳng may mắc nạn thôi.

Đời mẹ từ lúc thơ ấu đến hai phần đời người luôn bị áp bức hành hạ, do đó cái tính ghét bất công và không chịu khuất phục của mẹ càng ngày càng hăng thêm. Mẹ thấy các con đi theo con đường cách mạng mà bị tù đầy thì đau đớn và cắn răng chịu đựng, mẹ hiểu rằng vì ở đời còn nhiều người khổ sở và nhiều nỗi bất bình cho nên các con mình lo đi theo việc cứu nước cứu dân là phải.  Sau khi 4 con bị tù, viên tri phủ Nông Cống cho gọi mẹ lên hỏi có vẻ dọa nạt: “Bà dậy con thế nào để chúng đi làm giặc cả thế? Bà không sợ pháp luật à?”. Mẹ ung dung trả lời: “Con tôi lớn lên đều đi học trường nhà nước cả, tôi có dậy được chúng nó đâu? Quan lớn hỏi xem nhà nước dậy chúng nó làm sao đó?”. Mẹ còn cãi hắn nhiều câu, cuối cùng thấy không thể uy hiếp được, viên tri phủ đành phải chịu. Bất khuất và thương người là hai đức tính nổi bật của mẹ.

Mẹ rất thông minh. Không được học hành khi nhỏ phàm các chuyện cũ như Truyện Kiều, Phan Trần, Hoàng Trừu, Phạm Công Cúc Hoa, Phương Hoa, Nhị độ Mai…trong khi làm việc chỉ nghe lỏm người khác đọc một lần là thuộc cả. Những truyện ấy đến khi già mẹ vẫn còn nhớ thuộc lòng và trong khi nói chuyện, hay viện dẫn ra để ví von. Mẹ nói chuyện rất hay dùng tục ngữ phong giao…”

Bác Đào Duy Anh còn cho biết: Mẹ Nguyễn Thị Hòe nguyên là cháu nội cụ Tôn Thất Hùng, tướng giữ Đồn Ba Đình trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Thanh Hóa. Sau khi Ba Đình thất thủ cả nhà phải đổi họ Nguyễn để tránh giặc truy tìm khủng bố.

Khi con trưởng Đào Duy Anh đón các em vào Huế thay cha mẹ nuôi ăn học, cụ bà ở lại Nông Cống một mình lấy lí do: “Mẹ ở lại để trông mộ cha”, nhưng kỳ thực bà không muốn rời nơi đây để vào ở gò bó chốn kinh thành phồn hoa. Nhưng rồi anh Đào Duy Anh cho bốc mộ cha về Huế để đưa mẹ về ở cùng. Thế là Cụ vào với anh chị con trưởng Đào Duy Anh một thời gian ở Huế, sau cụ lại đòi về Thanh Hóa để sống cuối đời cho hợp cảnh hợp người. Làm mẹ mà các con đi làm cách mạng bị Pháp bắt tù đầy hết, chắc chắn lòng mẹ tan nát vô chừng.

 Thế rồi ngày ngày bà ở nơi Chùa Yên Thái (nay là Chùa Vĩnh Thái), sáng ra có chú nhỏ Đinh Văn Thiệp giúp việc quẩy gánh hàng xén, hàng vải ra chợ Câu Quan bán và giao lưu với mọi người. Các con cháu ở Huế xa xôi, Cụ buồn nên về già hay rượu cho quên sầu, do vậy cả chú nhở giúp việc cụ cũng nghiện theo. Đến khi ông Thiệp trưởng, thành Cụ tìm vợ cưới cho, nhưng không hiểu sao, chỉ hai ngày sau hôm cưới, cô dâu đã bỏ về không ở với ông Thiệp nữa. Thế là ông ấy lại quay về giúp và ở với Cụ.

Hãy hình dung một bà mẹ khi 7 con chưa trưởng thành, chồng mất, bà thật sự là cột trụ gia đình nuôi các con dần khôn lớn vất vả và đảm đang đến nhường nào? Sau đó Cụ có tới 5 người con dứt ruột của mình đều bị giặc Pháp bắt, tra khảo nhục hình, rồi kết án cầm tù thì lòng Mẹ sẽ đau đớn như thế nào?, nhưng Mẹ đã cắn răng chịu đựng và lặng lẽ hương khói cầu Đức Phật phù hộ cho các con mình tai qua nạn khỏi. Trong lòng tôi và các anh chị em khác đều noi gương Mẹ đã sống một cuộc đời bình dị, yêu thương con người lao khổ, ghét áp bức bất công. Cụ là một bà Mẹ Việt Nam rất đáng tự hào với con cháu và đất nước.

Mãi đến năm 1943, khi tuổi đã cao, Cụ mới chịu chuyển vào Huế ở với con trưởng Đào Duy Anh cho đến khi tạ thế. 

Mẹ chồng tôi cụ bà Nguyễn Thị Hòe sinh đúng năm giặc Pháp 1884 nổ súng chiếm miền Trung Việt Nam, và rồi Cụ mất tại Huế tháng 6 năm 1945, đúng là năm triều đình nhà Nguyễn sụp đổ chấm dứt sự hiện diện chế độ phong kiến trên xứ sở này.

Tất cả các con, dâu rể của bà đều rất mực thương yêu và ghi nhớ công ơn, tấm lòng, đức hy sinh của Mẹ…”.

 

*

*    *

Ông Lý tự nghĩ: Các Cụ, Bà, Mẹ bên nội, bên ngoại nhà ta là vậy.

Nhiều người đã biết nhạc sỹ Trịnh Công Sơn viết bài ca Huyền Thoại Mẹ tuyệt vời trong những năm tháng đất nước chiến tranh thì Hồi ký của Mẹ cũng kể lại chân thực cuộc đời của các Cụ ông, cụ Bà, các Mẹ trong Chi Tộc nhà mình. Đọc bản thảo Hồi ký ông biết được các bậc cha chú, ông bà mình đã sống rất tuyệt vời và huyền thoại trong mọi hoàn cảnh đầy khó khăn ác liệt của chiến cuộc, của sự vu cáo ác độc, của nghèo khó, gian truân mà thế hệ những con Người ấy, đặc biệt là những Người phụ nữ đã hy sinh tất cả vì sự nghiệp cao đẹp của chồng, vì trách nhiệm nuôi dậy và chở che cho con cháu mình thành những người tử tế có ích cho đời.   

Ông Lý tự nhủ mình làm việc này vì chỉ mong con cháu hãy ghi nhớ câu nói dân gian PHÚC ĐỨC TẠI MẪU để mà sống làm người tốt./.