KỶ VẬT QUÝ:
ẤM GAN GÀ ĐỘC ẨM VÀ ỐNG CẮM BÚT SỨ TRUNG QUỐC
Đào Phan Long
Nay tôi vẫn giữ được một số kỷ vật, có nhiều thứ đã thành cổ vật rất có giá trị với riêng tôi. Thế nhưng vợ con, anh em ruột trong gia đình - chưa tính đến lớp cháu - lại biết rất ít vì sao tôi trân quý chúng. Vì là chồng, là bố, là ông trong nhà nên vợ, con và các cháu thấy tôi giữ lâu ở nơi trang trọng cũng dần thích chúng. Nhưng về cơ bản họ vẫn chưa hiểu được tại sao tôi quý cái này hơn mà không quý cái kia mặc dầu nhiều tiền hơn. Biết làm sao được?
Kỷ vật tôi giữ đến hôm nay cũng kha khá, từ sách, ảnh, cho đến tượng đồng, gỗ, đồ gốm, đồ kim loại chế tay…, vì với tôi mỗi kỷ vật là một câu chuyện về một cuộc đời mà mình kính trọng, nể phục và thương quý.
Nói thật về giá trị kinh tế của các kỷ vật hoặc cổ vật, những sách, bức tranh, ảnh tôi trân quý tính ra tiền thì chả là bao, nhưng về giá trị tâm linh, tình cảm của tôi với các kỷ vật lại rất cao, thậm chí vô giá, vì lai lịch xuất sứ của mỗi kỷ vật. Đúng là khi chơi cổ vật mà biết rõ được hiện vật nào là của ai, đặc biệt là của vua, chúa, quan to, chủ tịch, tổng thống, danh nhân, vĩ nhân, nhà giầu có… đã dùng - không phân biệt địch, ta, giai cấp …- sẽ có giá trị cao hơn rất nhiều so với những món đồ chỉ được gọi là cổ vật.
Nay đã đến lúc cần kể lại cho con cháu được biết về những kỷ vật trong nhà để chúng tiếp tục lưu giữ lâu dài. Còn chúng có thích và lưu giữ được không lại là việc khác.
Đầu tiên xin kể về chiếc ấm trà độc ẩm gan gà và chiếc ông bút sứ men xanh trắng của Trung Quốc nay cũng đã thành cổ vật trăm tuổi trước, lân lần có dịp sẽ kể tiếp một số thứ khác.
Hai kỷ vật vô tri vô giác này tôi trân quý vì chiếc ấm trà gan gà độc ẩm là của Bác cả Đào Duy Anh đã cho cha tôi, còn chiếc ống bút sứ men xanh trắng là của Bác Phùng Bảo Thạch một nhà báo Việt Nam kỳ cựu làm báo từ thời Tây những thập niên 30 thế kỷ XX ở Việt Nam tặng cha. Bác Thạch cùng lớp thanh niên kém bác Đào ít tuổi, không phải đảng viên cộng sản, nhưng vì yêu nước ghét chế độ thực dân phong kiến nên bác ấy đã đi theo chính phủ Cụ Hồ từ sau Cách mạng tháng 8/1945, rồi lên chiến khu kháng chiến. Sau 1954 về Hà Nội bác Phùng Bảo Thạch làm Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới và là Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam. Vì cùng nghề làm báo với cha tôi nên họ quý trọng nhau, về sau lại trở thành thông gia đã tặng cha hồi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc.
Mỗi lần nhìn hai kỷ vật này tôi lại thấy hình bóng hai bác và cha như hiện lên cười hiền hậu với tôi và có vẻ như động viên tôi hãy vượt lên mọi khó khăn để làm được nhiều việc tốt cho xã hội và làm một người cầm bút trung thực.
Đúng là kỷ vật phải gắn với nhân vật, mà là nhân vật ân tình mới quý.
Xin kể về chủ nhân của chiếc ấm gan gà và chiếc ông bút cổ.
Bác ruột tôi là GS Đào Duy Anh - một nhà trí thức lớn của Việt Nam thế kỷ XX - đã được nhiều người viết, giới thiệu. Nhà nước đã khẳng định công lao của ông với đất nước và tôn vinh trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, đặt tên đường ở nhiều thành phố Việt Nam.
Đào Duy Anh sinh ra, trưởng thành trong hoàn cảnh nước Việt Nam đã bị thực dân Pháp đô hộ xóa tên trên bản đồ thế giới từ cuối thế kỷ 19 sang nửa đầu thế kỷ 20. Ông là lớp thanh niên Việt Nam những lứa đầu đi học theo giáo trình và ngôn ngữ Pháp, do vậy được tiếp cận với văn hóa phương Tây, ít còn bị ảnh hưởng hệ tư tưởng nho giáo phong kiến. Với kiến thức Tây học từ nhỏ nên lớp thanh niên thời ấy có nhiều hoài bão lập thân, lập nghiệp cũng như nhận biết được những tư tưởng độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái và có hiểu biết nhất định về khoa học kỹ thuật phương Tây. Ngày ấy họ là những thanh niên học sinh Việt Nam phần đông sinh ra trong những gia đình viên chức, thương nhân, nhà giầu… đầu thế kỷ XX được học hành cho nên có một số kiến thức và suy nghẫm trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân bị áp bức bóc lột, cuộc sống người Việt đa phần đói nghèo lầm than, bất công, lạc hậu… Do vậy không ít người trong lớp thanh niên tây học này đã sớm có lòng yêu nước và nuôi ý chí dấn thân làm cách mạng, chấp nhận tù đầy của nhà nước thực dân phong kiến để góp sức mình đấu tranh dành lại độc lập và xây dựng một nước Việt Nam mới.
Năm 1904 bà nội tôi là bà thứ ba sinh con cả Đào Duy Anh và tiếp đó là 6 người em cho ông tôi. Hai bà trước chỉ sinh được 2 người con gái. Vì có cha làm việc cho chính quyền triều đình nhà Nguyễn ở Huyện Nông Cống, Thanh Hóa nên Đào Duy Anh được đi học sớm, sau đó thi được vào học tại Trường Quốc học Huế năm 1920. Nhà đông anh em và ông nội tôi nghỉ hưu nên gia cảnh khó khăn do vậy khi học hết cấp tiểu học Đào Duy Anh đã thôi học tiếp để xin về dậy học tại Đồng Hới, Quảng Bình nuôi thân và đỡ gánh cho cha mẹ.
Năm 1925 anh giáo trẻ Đào Duy Anh được tham gia nhóm trí thức Quảng Bình tổ chức đón và nghe Chí sỹ Phan Bội Châu nói chuyện nhân trên đường Cụ đi từ Hà Nội về an trí tại Huế theo lệnh của toàn quyền Đông Dương. Sau khi được trực tiếp gặp và thọ giáo về tinh thần yêu nước, trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước của Cụ Phan Bội Châu ngày ấy, Đào Duy Anh đã quyết định xin thôi dậy học ở cái thị trấn Đồng Hới bé nhỏ để vào Kinh đô Huế, đến thành phố Đà Nẵng gặp các bạn học tìm cách lập thân, lập nghiệp và tham gia hoạt động yêu nước như lời kêu gọi của Cụ Phan.
Năm 1926 Đào Duy Anh dự định ở Đà Nẵng với bạn một vài tuần, sau đó sẽ vào Sài Gòn tìm cách làm báo, vì Nam kỳ là đất thuộc địa của Pháp nên báo chí hoạt động tự do hơn Bắc kỳ và Trung kỳ. Một hôm các bạn ở Đà Nẵng tổ chức mời Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng mới được ra tù Côn Lôn (Côn Đảo) đến bãi biển Bình Khê nói chuyện và dự cơm, hôm đó có cả Đào Duy Anh. Được gặp và nghe Cụ Huỳnh nói chuyện với nhóm thanh niên trí thức ở Đà Nẵng bạn mình và rồi Cụ hỏi chuyện Đào Duy Anh về dự định tương lai. Nghe Đào Duy Anh trình bầy ý định vào Sài Gòn học làm báo thì chính cụ Huỳnh khuyên nếu muốn theo nghề báo thì không phải vào Sài Gòn mà chuẩn bị theo cụ về Huế, vì sắp tới cụ sẽ xin lập một tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Xứ Trung Kỳ hiện do triều Nguyễn quản lý. Mới chỉ được gặp cụ Huỳnh lần đầu nhưng do được Cụ ân cần khuyên bảo nên Đào Duy Anh đã cảm nhận được tấm lòng của Cụ Huỳnh.
Sau cái duyên được gặp hai Chí sỹ yêu nước nổi danh là Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng, chàng giáo trẻ Đào Duy Anh đã bừng tỉnh lòng yêu nước và nuôi hoài bão làm báo kết hợp bí mật hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp đang nô dịch đất nước với chúng bạn.
Nghe lời cụ Huỳnh và vài người bạn, đồng thời quyến luyến cụ Phan đang bị an trí ở Huế nên Đào Duy Anh quyết định vào Sài Gòn vài tháng để tìm hiểu cách làm báo, xem cách lập nhà in, tòa soạn … để rồi sẽ trở lại Huế xây dựng tòa báo với Cụ Huỳnh. Tờ báo in chữ quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ có tên TIẾNG DÂN được chính quyền thực dân Pháp cho phép ra đời cốt chứng để tỏ ở Xứ này thuộc triều đình nhà Nguyễn đã có dân chủ về báo chí. Cụ Huỳnh làm Chủ nhiệm, Đào Duy Anh phụ trách Thư ký tòa soạn lo chuẩn bị bài, nội dung, còn 3 người khác là cụ Trần Hoành tức Cửu Cai là bạn tù Côn Lôn với cụ Huỳnh làm quản đốc nhà in, ông Trần Đình Phiên sáng lập viên Hội Liên thành ở Phan Thiết thôi việc ra Huế giữ việc quản lý nhà in và tòa báo, ông Nguyễn Xương Thái từ chức Thư ký Sở Thương chính Tourane (Đà Nẵng) lo việc văn thư giấy tờ giúp cụ Hùynh. Đó là những người sáng lập tờ báo Tiếng Dân ở Huế dưới danh nghĩa một công ty. Được truyền trực tiếp ngọn lửa yêu nước từ hai nhà Chí sỹ lớn nên chàng thanh niên Đào Duy Anh vừa làm báo Tiếng Dân vừa bí mật cùng một số người khác tham gia hoạt động cách mạng theo xu hướng Macxist ở Trung Kỳ nhằm chống chính quyền thực dân Pháp. Trong Hồi ký NHỚ NGHĨ CHIỀU HÔM Đào Duy Anh đã viết: “Thế là tôi bước vào đời bằng hai sự kiện xẩy ra cùng một thời gian: Tham gia xây dựng Báo Tiếng Dân và tham gia hoạt động cách mạng trong Việt Nam Cách mạng đảng sau đổi tên thành Tân Việt Cách mạng đảng”.
Tân Việt cách mạng đảng là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Đông Dương sau này. Thời đầu Đào Duy Anh được cử làm Tổng bí thư Tân Việt cách mạng đảng. Với công cụ báo Tiếng Dân và được sự đồng ý của Đảng Tân Việt để ông lập nhà sách Quan Hải Tùng Thư nên báo và nhà xuất bản đã sớm góp phần truyền bá những tư tưởng cách mạng của thế giới, của chủ nghĩa Mác vào Việt Nam nhằm góp phần khai trí cũng như hâm nóng lòng yêu nước chống ngoại xâm cho người Việt Nam, nhất là thanh niên học sinh.
Kể từ những năm tháng thập niên 20 của thế kỷ XX ấy, sau 50 năm hoạt động cách mạng và bền bỉ làm việc trong điều kiện hết sức nguy hiểm, khó khăn của chế độ thực dân phong kiến cũng như chiến tranh kéo dài, Đào Duy Anh vẫn kiên trì tự nghiên cứu và viết được nhiều tác phẩm là 2 bộ từ điển, sách lịch sử, văn hóa Việt Nam, ABC về chủ nghĩa Mác và dịch một số sách triết học, văn học của các nhà tư tưởng, văn học Pháp, Trung Quốc nổi tiếng để giúp người Việt Nam có thêm kiến thức triết học, khoa học, lịch sử, văn học nhằm nâng cao tri thức cho dân chúng đồng thời có ý tuyển mộ thanh niên yêu nước gia nhập đảng Tân Việt để hoạt động chống nhà nước thực dân phong kiến.
Ông đã viết trong Hồi ký: “… năm 1927 được Ban lãnh đạo Đảng Tân Việt chấp thuận đề xuất “cho phép tổ chức ra đời QUAN HẢI TÙNG THƯ để xuất bản sách nhằm gieo vào tâm trí của thanh niên ta một ít kiến thức sơ đẳng về chủ nghĩa Mác, lẫn với một ít kiến thức khoa học, nhất là khoa học xã hội, là những điều cần thiết để hiểu về chủ nghĩa Mác dễ hơn, để nhằm vào các độc giả của tùng thư mà phát triển Đảng”.
Năm 1929 Đào Duy Anh bị chính quyền thực dân Pháp bắt do hoạt động cộng sản và cho đi tù ở nghệ An. Cuối năm 1930 được tha về Huế với án treo 3 năm. Trong Hồi ký của mình ông đã viết “Về phần tôi bị bắt cùng vợ chưa cưới của tôi, sau một tháng bị giam ở lao Thừa Phủ - Huế không khai gì, đầu tháng 8 tôi bị đem ra Vinh để đối chất với các đảng viên ở đấy. Thấy tôi cứ chối tội, tên chủ mật thám của Vinh đọc cho tôi nghe tất cả những đoạn đồng chí của tôi đã khai có quan hệ với tôi, tôi bèn thấy chối nữa cũng vô ích nên tôi khai ngụy trang theo hướng chung có hệ thống nhận hết cả trách nhiệm có hoạt động ở Huế cho mình là người đảng giao cho tạm giữ danh nghĩa Tổng bí thư ở một nơi đảng chưa có cơ sở gì. Ở Huế, vì bận việc nhà báo và việc tùng thư tôi chưa làm được gì cho đảng cả, chỉ mới nhằm tuyên truyền cho vợ chưa cưới của tôi mà thôi. Tờ khai ngụy trang ấy đã che đậy được hết bao nhiêu tổ chức của Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Thành bộ ở Huế cùng với các tổ chức quần chúng, phụ nữ, công nhân, học sinh, tất cả khoảng hơn sau chục người, không một người nào bị hỏi đến, trong số ấy tôi chỉ kể tên mấy người như Võ Liêm Sơn, Nguyễn Chí Diểu, Trần Hữu Duẩn, Nguyễn Khoa Văn, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp là những người có tiếng sau này”. Ông viết tiếp “Mặc dầu tránh được bắt bớ cho đa số đảng viên, từ Kỳ, Tỉnh trở xuống để sau họ chuyển làm một phần cơ sở của Đảng cộng sản Đông Dương, nhưng không thể nào tránh được cái tiếng thất bại: như vậy là mình quả không có đủ tài năng và dũng cảm để gánh vác cái công việc khó khăn và gian khổ mà cách mạng giao cho.
Về phần mình, tôi nghĩ rằng có thể chọn con đường hoạt động văn hóa mà góp phần phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thống trị thực dân. Trong những năm làm báo và xuất bản trước đây, tôi được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác mà tôi thấy vô cùng đẹp đẽ, có thể lấy đấy làm nền tảng tư tưởng cho dân tộc để mưu cầu công cuộc giải phóng. Tôi tự xác định cho mình là phải cố gắng làm sao đem cái ánh sáng của chủ nghĩa Mác để khai thác vốn văn hóa của dân tộc và chọn lấy những cái tốt mà góp phần vào cuộc cải tạo văn hóa nước nhà. Muốn vậy phải chuyên tâm nghiên cứu lịch sử và chỉ có hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc thì ới có thể chắt lọc ra đâu là những yếu tố truyền thống, đâu là những yếu tố ngoại lai”… “Tôi tin tưởng rằng cách mạng Việt Nam muốn thành công cuối cùng phải theo hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học hay chủ nghĩa cộng sản, dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác, mà chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử… Chỉ có chủ nghĩa duy vật biện chứng với chủ nghĩa khoa học của Mác và Ăng-ghen mới dậy cho loài người đánh đổ mọi giai cấp bóc lột giải phóng hoàn toàn con người”.
Từ đây Đào Duy Anh không còn bí mật tham gia hoạt động cách mạng trong một tổ chức chính trị nào nữa mà chuyên tâm nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc nhằm giúp người Việt Nam khai trí phát huy lòng yêu nước chống thực dân. Ông đã tự nghiên cứu, viết được nhiều tác phẩm văn hóa và lịch sử Việt Nam.
- Năm 1932 xuất bản Từ điển HÁN - VIỆT
- Năm 1936 xuất bản Từ điển PHÁP - VIỆT
- Năm 1938 xuất bản Việt Nam Văn Hóa Sử Cương
- Năm 1945 cùng Tôn Quang Phiệt lập Hội TÂN VIỆT NAM, sau đó ra Hà Nội tổ chức thành lập Trường Đại học Quốc gia Việt Nam, trực tiếp giảng dậy môn lịch sử.
- Cách mạng tháng 8/1945 thành công ở Huế Đào Duy Anh bị chính quyền khởi nghĩa Huế bắt cùng với một số người khác như ông Phạm Quỳnh, bố con ông Ngô Đình Khôi và ông Nguyễn Tiễn Lãng. Nhưng nhờ có các em đang là những cán bộ kỳ cựu của Đảng cộng sản Đông Dương báo ra Hà Nội cho Võ Nguyên Giáp lúc này đang là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và cụ Huỳnh Thúc Kháng là Phó Chủ tịch nước nên có lệnh của TW cho áp giải Đào Duy Anh ra Hà Nội (xem Hồi ký của Vũ Đình Huỳnh) do đó ông đã thoát chết và được Hồ Chủ tịch đến thăm hỏi, giao việc giúp xây dựng ngành giáo dục của chính quyền mới để góp phần đào tạo các thế hệ sau.
- Cuối năm 1946 toàn quốc kháng chiến về Thanh Hóa tham gia HỘI VĂN HÓA KHÁNG CHIẾN KHU IV, làm Chi hội trưởng Thanh Hóa.
- Năm 1950 lên Việt Bắc tham gia thành lập BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA, TRỰC THUỘC BAN TUYÊN HUẤN TW.
- Năm 1952 bị ốm nặng vì sốt rét, phải về lại Thanh Hóa điều trị, khỏi bệnh đi giảng dậy môn Lịch sử ở Trường Dự bị Đại học.
- Năm 1954 trở ra Hà Nội, giảng dậy môn Lịch sử Trưởng Đại học Sư phạm Văn khoa, tham gia thành lập Trường Đại học Tổng hợp, được cử làm Giáo sư Chủ nhiệm Khoa Lịch sử. Tại đây Đào Duy Anh chủ trì hoàn thành các bộ Cổ sử Việt Nam và Lịch sử Việt Nam.
- Năm 1957 xuất bản cuốn VẤN ĐỀ HÌNH THÀNH CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM.
- Năm 1958 sau vụ đấu tranh chống “Nhân Văn - Giai Phẩm” Đào Duy Anh bị cho nghỉ dậy học, mất chức vụ và chức danh Giáo sư, cho đi thực tế ở một số vùng nông thôn miền Bắc.
- Năm 1959 về nhận công tác tại Viện Sử học, làm công tác hiệu đính các bản dịch Hán, Nôm và tự chọn đề tài để nghiên cứu.
Dù trong hoàn cảnh khó khăn đủ bề trong chiến tranh chống Mỹ và không được giao việc nhưng Đào Duy Anh vẫn tự giác kiên trì làm việc.
- Năm 1964 hoàn thành ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM QUA CÁC ĐỜI
- Năm 1965 hoàn thành TỪ ĐIỂN TRUYỆN KIỀU nhân Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du nhưng sau này mới được xuất bản.
- Mãi đến năm 1974 được xuất bản cuốn KHÓA HƯ LỤC - là tác phẩm cổ nhất của Trần Thái Tôn - do Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải. (Theo Đào Duy Anh đây là loại sách chữ Hán xưa nhất mà Thư viện KHXH hiện còn giữ được. “Khóa Hư” nghĩa là tu luyện về đạo hư không, gồm 3 quyển Thượng, Trung, Hạ của Trần Thái Tôn viết sinh thời. Đào Duy Anh hiểu Trần Thái Tôn từ xa xưa không chỉ là nhà tu hành đắc đạo mà còn là nhà triết học sâu sắc và là một thi sỹ trữ tình dào dạt chủ trương thanh tĩnh) và SỞ TỪ của nhà thơ nổi tiếng Khuất Nguyên.
- Năm 1975 được xuất bản cuốn CHỮ NÔM - NGUỒN GỐC, CẤU TẠO, DIỄN BIẾN.
Về sự nghiệp hoạt động cách mạng và nghiên cứu khoa học xã hội GS Đào Duy Anh đã có những đóng góp trí tuệ, sức lực cụ thể cho Việt Nam, xứng danh là một trí thức yêu nước dũng cảm.
*
* *
Còn về cuộc đời và những việc làm của mình, Đào Duy Anh đã viết Hồi ký NHỚ NGHĨ CHIỀU HÔM hoàn thành cuối 1973 để lại cho đời.
Ảnh bìa do Võ An Ninh chụp tại Vườn Mai, Đông Mỹ, HN khi sơ tán 1972
Lời Đầu Sách ông viết: Mỗi người đều “mang lấy nghiệp vào thân”, cái nghiệp của tôi là nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Để làm trọn cái nghiệp ấy, hay nói cách khác, để thực hiện cái mệnh ấy, tôi đã phải lần mò khá lâu và nhiều khi đã phải đi vào những chặng đường ngoát nghéo. Ngày nay, đến buổi chiều tà của cuộc đời, nhìn lại chặng đường mình đã qua trong nửa thế kỷ này, từ khi mới bước chân vào đời (1923-1973), tôi nhận thấy, đúng rằng người ta “có biết tôi cũng chỉ nhờ Lịch sử dân tộc mà có buộc tội tôi cũng chỉ ở Lịch sử dân tộc”. Những đêm mất ngủ vì tuổi già, tôi muốn ôn lại quãng đường mình đã trải qua để ghi lại những đắc thất của mình, mong các bạn lớp sau lấy đây làm răn mà khỏi những bước đường vấp váp.
Cuốn Hồi ký NHỚ NGHĨ CHIỀU HÔM ông viết xong năm 1973 đánh dấu nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, cầm bút nghiên cứu, giảng dậy và viết sách…, nhưng phải mãi đến năm 1989 sau khi ông qua đời được một năm thì cuốn Hồi ký của ông mới được Nhà xuất bản TRẺ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, nhờ lãnh đạo Việt Nam sau Đại hội Đảng cộng sản lần thứ VI - năm 1986 thực hiện Đổi Mới tư duy. Nhưng cuốn Hồi ký này khi đó mới chỉ in được 16 phần trên 30 phần của bản thảo. Đến năm 2000 NXB TRẺ tái bản lần thứ nhất vẫn in như trước.
Năm 2004, Trường Đại học KHXHNV Hà Nội và Hội KH Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh, cuốn Hồi ký này được Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí in cùng với sự bổ sung những phần còn thiếu (in đủ 30 phần), đồng thời NXB cũng cho in thêm ở phần Phụ lục tập Hồi ký SỐNG VỚI TÌNH THƯƠNG của cụ bà Đào Duy Anh, tức Trần Thị Như Mân (1907-1992) đã được NXB THANH NIÊN phát hành năm 2007. Làm được việc này sau khi Đào Duy Anh qua đời do hai người con trai của tác giả là GS VS Nông học Đào Thế Tuấn, Viện trưởng Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam và nhà sử học, nhà báo, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay Đào Thế Hùng (tức Đào Hùng) phối hợp với các nhà xuất bản thực hiện. Và rồi đến năm 2020, tức là gần ¼ thế kỷ sau cuốn Hồi Ký NHỚ NGHĨ CHIỀU HÔM của ĐÀO DUY ANH lại được Nhà xuất bản HÀ NỘI tái bản để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Tiếc thay lúc này các anh chị con của tác giả đều đã mất nhưng các cháu gọi Bác Đào là ông tiếp tục thực hiện.
Tôi là cháu gọi Bác Đào Duy Anh là bác ruột năm nay cũng đã “thất thập cổ lai hy”, căn cứ 2 cuốn Hồi ký NHỚ NGHĨ CHIỀU HÔM của Bác Đào trai và SỐNG VỚI TÌNH THƯƠNG của Bác Đào gái - tức Bác Trần Thị Như Mân - sinh 1908, mất 1992 tại Hà Nội - đã viết xong năm 1988 (là vào năm bác trai mất) nhưng mãi đến năm 2007 NXB Thanh Niên mới ấn hành sau khi bác gái qua đời được 3 tháng để đến tay bạn đọc và được biết hoặc chứng kiến một số sự việc trong gia đình, gia tộc thời hai Bác và cha mẹ tôi còn sống nên tôi thấy có trách nhiệm viết tóm tắt ngắn lại thân thế, sự nghiệp và cuộc đời của hai Bác Đào mà cha tôi cùng bác Đào Duy Kỳ, cô út Đào Thị Đính luôn ghi ơn hai Bác là QUYỀN HUYNH THẾ PHỤ (tức anh cả thay cha mẹ nuôi dậy các em khôn lớn) để con cháu trong Chi tộc Họ Đào Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Đông được biết rõ hơn, mặt khác cũng tránh “tam sao thất bản”.
Tôi nhớ sinh thời vào những năm cuối đời ở thập niên 1980 Bác Đào Duy Anh thường được cha tôi là em trai út của Bác ở căn hộ C5 Khu tập thể Kim Liên, Hà Nội thường xuyên đến thăm hai Bác ở căn hộ nhà B6 cùng Khu tập thể Kim Liên. Cha mẹ tôi thường đến thăm anh chị với tình cảm và trách nhiệm của người em luôn biết ơn anh chị cả đã thay cha mẹ nuôi dưỡng mình khi chưa trưởng thành ở Huế. Thời đó thường một tuần 2 lần sau cơm tối Bác Đào trai tuổi đã cao lại chống gậy đi từ nhà B6 sang nhà cha tôi ở C5 để đàm đạo nghe tin tức cho vui hoặc giải thích thêm học thuật Khổng giáo, Nho giáo, Hồ Chí Minh, lịch sử, văn hóa Việt Nam, Trung Quốc… nhằm bổ sung thêm kiến thức cho cha tôi đang viết một số bài báo và nghiên cứu một số công trình. Lúc này tôi đã lập gia đình riêng ở căn hộ nhỏ nhà C1 cùng Khu tập thể Kim Liên nên nhiều lần cũng được sang hầu chuyện Bác Đào và cha tôi cùng một số người bạn của cha. Nhà các anh Đào Thế Tuấn và Đào Thế Hùng, chị Đào Bội Chương lấy anh Lê Bá Thuyên (Giám đốc Báo Ảnh Việt Nam) là con gái út của hai bác đều ở Khu tập thể Kim Liên cho nên chúng tôi cũng thường xuyên có dịp gặp nhau để hàn huyên nhiều chuyện. Mặc dù thời đó tôi còn trẻ tuổi nhưng với công việc đang làm ở cơ quan một Bộ công nghiệp nên cũng đã có những kiến thức nhất định, do vậy Bác Đào và các ông anh họ con bác cũng rất quý tôi trong số các cháu các em. Thời đó gia đình cán bộ nghèo lắm. Thực phẩm tem phiếu phân phối nhưng thi thoảng vợ chồng tôi cũng gửi mẹ ít tiền góp làm cuộc nhậu nhẹ để cha tôi mời bạn thân tình đến dự. Bác Đào trai không ăn uống gì nhưng khi được mời Bác vẫn muốn sang ngồi nghe chuyện cho vui. Có lúc hai bác còn kể cho tôi nghe một số chuyện trong gia tộc, tâm sự một số suy nghĩ cuối đời. Nhiều lần Bác Đào còn chống gậy leo bộ lên tầng 3 căn hộ của vợ chồng tôi ở C1 để vừa thăm vừa hỏi tình hình thế sự.
Giờ đây các Bác tôi, cha mẹ tôi, cô chú, các anh chị lớn tuổi trong Chi họ Đào của tôi đều đã đi xa. Tôi luôn nhớ thương, biết ơn và kính trọng các bậc tiền bối trong dòng tộc.
*
* *
Sau khi cha tôi mất năm 1996, mẹ đã viết cuốn tự truyện cốt để con cái không quên và ghi ơn cũng như hiểu được cuộc đời của cha mẹ cùng các cô, bác, chú, gì hai họ nội ngoại. Trong tự truyện mẹ kể về hai Bác Đào cũng như các anh chị em ruột bên chồng đã thương yêu giúp mẹ vượt qua bao hoạn nạn để nuôi nấng các con thơ dại kể từ khi bà về làm vợ cha tôi sau Cách mạng tháng 8/1945 trong một số năm thời kháng chiến chống Pháp. Chính vì vậy mà mẹ đặt tên cuốn tự truyện của mình là DÂU HỌ ĐÀO, vì mẹ tự cho cuộc đời mình đã gắn bó với dòng họ ấy. Hồi ký DÂU HỌ ĐÀO của mẹ tôi viết xong năm 1997, chỉnh sửa năm 1999. Mẹ viết:
… “Để con cháu đời đời nhớ ơn hai bác Đào Duy Anh và Trần Thị Như Mân, tôi giới thiệu sơ lược nguồn gốc, việc làm và tính cách của hai bác cho con cháu biết.
Tôi và chị Trần Thị Như Mân đều là con gái Huế, gốc gác bên ngoại đều dòng Hoàng tộc, rồi chi em đều là nữ sinh các thời của trường Đồng Khánh Huế. Duyên phận đã gắn chúng tôi với Chi Họ Đào gốc Khúc Thủy, Huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Chị là Dâu trưởng, tôi là Dâu út và trở thành chị em họ mạc sống chi tình chí nghĩa với nhau qua bao thăng trầm thời cuộc. Năm 1988 chị viết xong Hồi ký SỐNG VỚI TÌNH THƯƠNG để lại cho con cháu, cho đời, nhưng mãi đến năm 2007 Nhà xuất bản Thanh Niên mới phát hành khi chị đã qua đời nhưng tôi vẫn muốn viết cụ thể thêm về tình cảm, về đức hy sinh của Chị Dâu trưởng của mình.
Chị Như Mân là cháu nội cụ Trần Tiến Thành, Phụ chính đại thần thời vua Tự Đức, sau đó là Văn minh Đại học sĩ. Cụ thân sinh chị là Tổng đốc Nghệ An và mẹ là dòng Tôn thất. Cha mất sớm ở Vinh, mẹ đưa các con về lại kinh thành Huế, chị được vào học nội trú trường Đồng Khánh thập niên 20 của thế kỷ XX.
Năm 1925 chị tròn 18 tuổi, đậu cao đẳng tiểu học và được bổ nhiệm làm giáo viên kiêm giám thị trường Đồng Khánh. Cùng năm này nhà ái quốc Phan Bội Châu bị chính quyền Pháp bắt ở tô giới Thượng Hải, Trung Quốc và đưa về Việt Nam kết án tử hình. Cả nước yêu qúy và kính trọng nhà ái quốc nên đã dấy lên phong trào đòi chính quyền thực dân Pháp “ân xá” cho cụ. Là giáo viên trẻ, có lương bổng khá, nhưng chị đã dũng cảm bàn với chị em trong trường cần có hành động góp sức đòi “ân xá” cho Chí sỹ Phan Bội Châu. Chính chị đã thảo một bức điện bằng tiếng Pháp gửi Toàn quyền Đông Dương A. Varenne xin ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Bức điện đã không được chuyển ra Hà Nội và ngay trưa hôm chị nhờ người đi gửi điện thì viên Giám đốc Nha học chánh Trung kỳ đã đến trường xét hỏi. Chi đã đứng lên tự nhận mình là một trong những người đã quyết định gửi điện cho toàn quyền Varenne và xin nhận trách nhiệm. Chị viết “Chúng tôi không xấu hổ về việc làm của mình mà chỉ noi gương các chị em ở Hà Nội đã dám chặn xe quan Toàn quyền đệ đơn xin cho người anh hùng dân tộc của chúng tôi”. Cũng từ ngày đó chị chắc chắn đã có trong sổ đen của mật thám Trung kỳ và chị đã bắt đầu quan tâm hơn đến các hoạt động của phụ nữ ngoài xã hội trên đất cố đô trầm mặc. Chị đã theo bà Đạm Phương Nữ Sử (một chức quan của triều đình dành cho phụ nữ) là thân mẫu của ông Nguyễn Khoa Văn (tức ông Hải Triều, cha đẻ ông Nguyễn Khoa Điềm ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN sau này) để vận động chị em ở Huế tham gia hoạt động xã hội. Vì thời đó mà bà Đạm Phương đã làm thơ, viết bài gửi đăng báo ở Sài Gòn và Hà Nội nên bà được gọi là Nữ sỹ Đạm Phương. Chính bà Đạm Phương và chị đã thành lập tổ chức “Nữ công học hội”, một tổ chức phụ nữ đầu tiên được thành lập ở Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1917. Bà Đạm Phương làm Hội trưởng và chị Như Mân là Thư ký. “Nữ công học hội” ra đời có mục đích “… nhằm tuyên truyền cho phụ nữ Việt Nam tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình, trong cái phạm vi đạo đức Đông phương với Tây phương hòa hợp với nhau. Sau đó là kết thành một cái dây đoàn thể để bênh vực quyền lợi cho nhau…”. Hoạt động của Hội nữ công Huế đã gây được tiếng vang khắp nước, năm 1929 số hội viên đã lên tới 87 người. Chị đã đứng ra hô hào nữ sinh bãi khoá để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh nên sau đó đã bị bãi chức.
Từ hoạt động xã hội chị đã sớm giác ngộ để tham gia vào Tân Việt Cách mạng Đảng, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Đông Dương sau này, được phân công xây dựng và thành lập “Phụ nữ đoàn” của đảng để tuyên truyền giác ngộ các chị em ở Huế và các vùng nông thôn trước khi giới thiệu vào đảng. Theo gợi ý của Tổng bí thư Đào Duy Anh, đảng Tân Việt cần ra một tờ báo để tuyên truyền cho công cuộc giải phóng phụ nữ, đấu tranh cho nữ quyền. Thế là chị đã bàn với bà Đạm Phương và nhận được sự đồng tình nên đã làm đơn xin Tòa Khâm sứ Trung kỳ cho thành lập tờ báo có tên “Phụ nữ tùng san”, báo ra số đầu tiên tháng 5-1929. Cùng với tờ “Phụ nữ tân văn” ở Sài Gòn, tờ “Phụ nữ tùng san” ở Huế là một trong hai tờ báo của phụ nữ ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Lúc này anh Đào Duy Anh đã là Thư ký tòa soạn Báo “Tiếng Dân”, cụ Huỳnh Thúc Kháng là Chủ nhiệm và được sự nhất trí của đảng Tân Việt, Đào Duy Anh còn mở “Quan Hải Tùng Thư” để xuất bản các cuốn sách tiến bộ từ hải ngoại gửi về để truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản, chủ nghĩa Mác nhằm khơi dậy lòng yêu nước cho quần chúng. Vì nhiều việc và nhà của anh Đào Duy Anh là trụ sở “Quan hải tùng thư” nên lúc nào cũng đông người lui tới. Ở nhà của anh chị có 3 em Đào Duy Kỳ, Đào Duy Dếnh, Đào Thị Đính đang đi học, có thêm các anh Võ Nguyên Giáp và em trai là Võ Thuần Nho ở luôn đây để cùng Đào Duy Anh làm báo Tiếng Dân và bí mật hoạt động cho đảng Tân Việt.
Mặc dù xuất thân từ một gia đình quan lớn trong triều, được học hành tiếp cận với văn minh phương Tây rất sớm để trở thành một nữ trí thức yêu nước giám đấu tranh chống lại cường quyền, chấp nhận tù đầy, song khi đã có gia thất bác Mân đã toàn tâm toàn ý cho chồng con, giúp đỡ anh em, con cháu nhà chồng trong mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Chị đã âm thầm chấp nhận mọi hy sinh vì người thân, không hề ta thán. Chị sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhẹ nhàng chỉ bảo điều hay cho các em, cho con cháu. Có thể nói, không sao kể hết công ơn và lòng thương các em, thương con cháu, thương người của bác Như Mân. Đối với tôi cũng là phận làm dâu dòng họ này như chị, nhưng chị Trần Thị Như Mân luôn là người CHỊ DÂU CẢ hiếm thấy trên đời này của một gia đình lớn.
Sau khi thân phụ bác trai Đào Duy Anh qua đời năm 1928, chị dâu trưởng Như Mân đã sẵn sàng cùng bác trai lần lượt đón nhận hầu hết các em và mẹ chồng từ Thanh Hóa về Huế nuôi dậy cho đến trưởng thành. Chính nhờ thay cha mẹ dậy bảo chăm nuôi các em nhỏ của anh chị “Huynh trưởng” mà tất cả các em của hai bác Đào Duy Anh - Trần Thị Như Mân đã trở thành những chiến sỹ cách mạng, yêu nước, thoát ly gia đình để dấn thân tham gia đảng cộng sản để chống chính quyền thực dân Pháp, chấp nhận tù đầy, vì dân vì nước.
Bác trai Đào Duy Anh, một trí thức “bình dân” nên hồi đó có thể nói là “không môn đăng hộ đối”, vì bác Như Mân là con “nhà quan” lớn của triều đình. Nhưng với bác Như Mân đã hiểu nghĩa vợ chồng theo suy xét của người trí thức khác hẳn với phụ nữ Huế cùng thời.
Trong những năm 30, 40 của thế kỷ XX, sau khi lập gia đình riêng bác Như Mân đã xoay sở mở hiệu tạp hóa Vân Hòa để kiếm tiền nuôi gia đình và các em, đồng thời còn giúp chống phát triển mạnh nghề kinh doanh sách báo cũng như âm thầm bằng những kiến thức của mình giúp bác Đào Duy Anh rất nhiều trên con đường học thuật mà sách báo thời nay đã nói nhiều. Đó là gíup bác trai biên soạn, xuất bản các bộ từ điển Hán - Việt, Pháp - Việt trong thập niên 40 Thế kỷ XX và sau này là Từ điển Truyện Kiều và nhiều công trình lịch sử, văn hoá khác.
Kháng chiến chống Pháp 1946 bác Như Mân ở Thanh Hóa, được tin bác trai bị ốm nặng ở Việt Bắc, “thân gái dặm trường” vượt đèo lội suối đi tìm đón bác trai ở chiến khu để cứu chữa. Bác vất vả đi tìm Bác sỹ Tôn Thất Tùng để hỏi thuốc chữa, vay mượn tiền nong để nhờ mua thuốc kháng sinh đặc trị rất khan hiếm trên chiến khu, lo thực phẩm nấu ăn tẩm bổ, rồi còn thuê người dùng xe đạp thồ bác trai đang ốm từ Tuyên Quang về Thanh Hóa theo đường rừng để chăm sóc… hoàn toàn cuốc bộ bằng đôi chân yếu ớt. Việc nhà nước, việc nhà, bác Như Mân đều dồn kiến thức, sức lực chăm sóc nuôi dưỡng chồng con và các cháu em chồngcũng như các cháu ở Nhà trẻ nhi đồng của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam khi còn ở Việt Bắc. Em thật hết sức cảm phục chị, cảm phục một người phụ nữ con “quan lại và dòng Hoàng phái” thường bị những kẻ mang trong đầu ý thức “lập trường và giai cấp” dè bửu một thời đã âm thầm làm được nhiều việc quý hóa cho mọi người trong hoàn cảnh gian truân.
Bác Trần Thị Như Mân xứng đáng là người CHỊ DÂU TRƯỞNG của Chi Họ Đào Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Đông.
Khi hai bác qua đời, nhà biên kịch Bửu Tiến đã thốt lên:
“Một đôi vợ chồng lý tưởng của nhân loại!”.
Thời còn ở Huế làm Báo Tiếng Dân và xuất bản Quan Hải Tùng Thư anh cả Đào Duy Anh thường xuyên liên hệ với Ông Già Bến Ngự Phan Bội Châu và luôn coi ông như chí sỹ đang dương cao ngọn đuốc chỉ đường cho thanh niên Việt Nam. Để liên lạc thư từ trao đổi với nhà yêu nước bậc thầy Phan Bội Châu tránh sự theo dõi của mật thám, Bác đã sai hai em Đào Duy Dếnh và Đào Thị Đính đang còn nhỏ đi học thường đạp xe thực hiện chuyển thư từ, đồng thời hỏi thăm tin tức của cụ Phan. Chính vì vậy mà những đứa em nhỏ của anh sau này từ Đào Duy Kỳ đến Đào Duy Dếnh, Đào Thị Đính đều đã tiếp thu tinh thần yêu nước chống chế độ thực dân phong kiến của anh cả mình và của cụ Phan Bội Châu đểu thoát li gia đình bí mật theo đảng cộng sản làm cách mạng. Chính được nuôi dưỡng và noi theo tấm gương hoạt động cách mạng rất sớm của anh chị Đào Duy Anh - Trần Thị Như Mân mà trong gia đình có 7 anh chị em ruột thì có tới 5 người đã bị thực dân Pháp bắt bỏ tù vì đi làm cách mạng. Ngục Côn Lôn (Côn Đảo) đã cùng lúc đầy ải 3 người em của Đào Duy Anh. Hiếm gia đình nào có nhiều người con yêu nước dấn thân làm cách mạng rất sớm như gia đình Đào Duy Anh.
Thiết nghĩ những chuyện chính của cuộc đời hoạt động, làm việc của bác Đào Duy Anh trước và sau năm 1945 thì nhiều sách báo đã viết, nhưng còn một số chuyện riêng của bác, con cháu cũng cần hiểu để không “tam sao thất bản và thêu dệt không đúng”.
Với vợ chồng tôi do được gần anh chị nên còn được anh chị cho biết một số chuyện riêng mà Hồi ký của hai bác không viết hết. Chuyện vui có, chuyện buồn có. Đó là cuộc đời và số phận của một cặp trí thức Việt Nam đã gặp nhiều oan trái.
Chẳng như chuyện sau ngày khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8-1945 thành công một thời gian ngắn ở Huế thì một số nhân sỹ trí thức ở đây bị Việt Minh bắt, trong đó có các ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi và con trai, Đào Duy Anh, Nguyễn Tiến Lãng… Bác gái Như Mân không hiểu vì sao liền báo cho em út là Đào Thị Đính hiện đang là tỉnh ủy viên, ủy viên Ủy Ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế, Đào Duy Dếnh vừa ở tù Côn Đảo về nhận công tác thành lập Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung bộ đóng ở Huế và Đào Duy Kỳ cũng từ Côn Đảo về Sài Gòn đang là Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời miền Đông Nam Bộ. Nhận tin dữ Đào Duy Kỳ liền báo ra Hà Nội việc anh trai mình là Đào Duy Anh đã bị Ủy ban khởi nghĩa bắt giữ. Bị giam ở Huế một thời gian, bác Đào được áp giải ra Hà Nội theo Công lệnh của Bộ Nội Vụ gửi Ủy ban Nhân dân lâm thời Thừa Thiên - Huế do đặc phái viên Hoàng Quốc Việt trực tiếp đi kiểm tra công tác của Xứ ủy Trung kỳ và Nam kỳ mang vào. Lúc này ông Việt là Ủy viên Thường vụ trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đang có chuyến đi thị sát và truyền đạt chỉ đạo của Trung ương với lãnh đạo Xứ ủy Trung kỳ và Nam kỳ.
Để hiểu sự việc tôi xin kể thêm: Sau này khi anh Vũ Đình Huỳnh được ra tù vì tội “chống đảng”, vợ chồng tôi đến thăm anh và chị Tề. Anh Huỳnh là Lão thành cách mạng lớp đàn anh của chồng tôi nhưng đã cùng bị tù Sơn La với nhau. Trong hoàn cảnh công an luôn theo dõi nhưng vợ chồng tôi và anh chị Huỳnh, Tề vẫn thường xuyên thăm hỏi nhau rất chân tình. Một lần tôi có hỏi anh Vũ Đình Huỳnh về việc anh Đào Duy Anh bị bắt ở Huế sau cách mạng tháng 8-1945 và sau đó được áp giải ra Hà Nội gặp Cụ Hồ là như thế nào? vì khi đó anh Vũ Đình Huỳnh là Bí thư tin cậy giúp việc trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Anh Vũ Đình Huỳnh kể: “Bác Hồ trực tiếp chọn tôi làm Bí thư cho Bác từ thời sau Cách mạng tháng 8 - 1945. Đến Đại hội Quốc dân ở Tân Trào ở Việt Bắc tôi luôn được Bác giao nhiệm vụ “đặc phái viên Chủ tịch nước” đi làm việc, do vậy tôi luôn ở cạnh Bác và anh Võ Nguyên Giáp trong những ngày ấy. Thời lập Chính phủ lâm thời 1945, anh Giáp là Bí thư Đảng Đoàn Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Lúc khởi thủy ấy không ai khác Bác Hồ chọn Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ vì anh là nhà giáo, nhà báo, cử nhân luật, giỏi nhiều lĩnh vực…
Ông Cụ hỏi anh Giáp: “Quan Hải Tùng Thư” trên phố nào ở Huế?
- Thưa Bác ở phố Hà Bè.
- Vậy là ở phía bên sông gần chợ Đông Ba.
- Thưa Bác, tôi và anh Đào Duy Anh có thời gian cùng ở nhà anh ấy để làm báo Tiếng Dân và hoạt động Tân Việt. Hai chúng tôi và chị Trần Thị Như Mân, vợ anh Đào Duy Anh cùng một số người khác tham gia hoạt động Tân Việt bị bắt. Chúng tra khảo, dụ dỗ vẫn không đủ chứng cứ để làm án. Ra tù, anh Đào Duy Anh đã quyết định lựa chọn con đường hoạt động văn hóa giáo dục và đã viết thành công nhiều công trình, xuất bản từ điển, sách lịch sử, văn hóa dân tộc để thức tỉnh lòng yêu nước cho mọi người. Bốn người em ruột của Đào Duy Anh đều hoạt động bí mật cho Đảng cộng sản Đông Dương và bị Pháp cầm tù ở các nhà lao Thừa Phủ, Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo.
- Đến bây giờ lại bắt giam ông Đào Duy Anh vì tội gì? Ngày 13 tháng 9 đã ban bố sắc lệnh 33D về việc phóng thích tội nhân bị kết án trước ngày 19 tháng 8 năm 1945. Vậy mà…?
Ngay hôm sau anh Võ Nguyên Giáp gặp Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi, em ruột ông Phan Thanh là thân sinh của Phan Diễn Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN sau này) và ông Lê Giản (tức Tô Dĩ) Tổng giám đốc Nha Công an phát lệnh gửi vào Ủy ban Nhân dân lâm thời Thừa Thiên - Huế cấp tốc mời ông Đào Duy Anh ra Bộ Nội Vụ có việc gấp. Lệnh do ông Hoàng Quốc Việt cầm vào khi đi kiểm tra các Xứ ủy Trung Kỳ và Nam Kỳ sau Cách mạng tháng 8 -1945.
Do có lệnh này mà Đào Duy Anh đã được đưa từ nhà lao Thừa Phủ, Huế ra Hà Nội. Tôi trực tiếp đón anh ấy tại Nha công an. Cùng dẫn giải anh Anh ra Hà Nội có ông Tố Hữu và Nguyễn Thế Lâm (Là đội viên TTXP VM TB, sau này là Thiếu tướng quân đội ta). Đây là lần đầu tiên tôi gặp Tố Hữu. Ông Tố Hữu nói với tôi: Theo lệnh của Bộ Nội Vụ, chúng tôi giao ông Đào Duy Anh cho Nha công an. Tôi trả lời: Ông Đào Duy Anh là khách mời của Hồ Chủ tịch. Vừa lúc đó anh Hoàng Hữu Nam đến, sau một lúc chào hỏi chuyện trò, anh Hoàng Hữu Nam đón anh Đào Duy Anh về Nhà khách Chính phủ trước mặt Tố Hữu.
Hai hôm sau Cụ Hồ và Võ Nguyên Giáp đến gặp anh Đào Duy Anh, với tư cách Chủ tịch nước Bác mời anh Anh ra làm việc và giao trọng trách xây dựng ngành giáo dục mới. Đào Duy Anh cám ơn Bác Hồ và xin cho được làm công tác nghiên cứu theo sở trường trong nhiều năm qua mà không làm quản lý. Bác Hồ đồng ý…
Sau này chính bác Đào Duy Anh đã nói với chúng tôi rằng: “Thời điểm gặp ông Hồ Chí Minh ở Hà Nội năm 1945, phần do “sốc và ức” tụi ở Huế đã bắt giam mình nhân danh cách mạng, phần nữa là trong lòng còn chưa “tâm phục, khẩu phục”, cho nên mới chối khéo không nhận việc ông ấy chọn giao cho. Cuối đời khi nhìn ra những việc làm cho đất nước trong mọi hoàn cảnh khó khăn ngàn cân treo sợi tóc và cái tâm cư xử của Hồ Chí Minh với những người cụ thể mình biết mới thấy ông ấy Lớn Thật!”. Cũng chính vì ý này nên Đào Duy Anh đã khuyên chồng tôi nên dành thời gian để nghiên cứu về tư tưởng của Hồ Chí Minh đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác- Lê Nin như thế nào? Con người, tài năng, kiến thức, đạo đức của Hồ Chí Minh? Từ đó chồng tôi có lẽ là một trong những người Việt Nam sớm tự nghiên cứu một cách khoa học để viết về Hồ Chí Minh từ những năm 70 thế kỷ XX nhưng mãi sau này mới được xuất bản. Đó là bộ sách HỒ CHÍ MINH DANH NHÂN VĂN HÓA; ĐẠO KHỔNG TRONG VĂN BÁC HỒ và SUY TƯỞNG TRƯỚC BA ĐÌNH. Bác Đào còn giúp chồng tôi nghiên cứu về Khổng giáo và Nho giáo để phân biệt được thế nào là Chân Nho, thế nào là Hủ Nho? Thế nào là KHỔNG - MẠNH - NHO với tư tưởng thế giới đại đồng cổ đại không tưởng và tư tưởng Nho giáo phong kiến đã sinh ra các thủ đoạn cai trị tàn bạo. Thế nào là hệ tư tưởng Đại Hán phong kiến nguy hại ngàn đời?...
Nhân đây tôi cũng kể việc Phạm Hoàn - con gái ông Phạm Quỳnh, em Bác sỹ Phạm Khuê, chị Nhạc sỹ Phậm Tuyên - là bạn rất thân cùng học Đồng Khánh Huế xưa với tôi thời trước 1945. Phạm Hoàn đã sang ở Pháp từ lâu, khi về nước gặp nhau thì đều đã là bà lão. Đám bạn Đồng Khánh Huế chúng tôi nay ở Hà Nội hẹn gặp nhau để chơi và hàn huyên với Phạm Hoàn. Tình cảm học trò vẫn ríu rít như thuở nào. Riêng tôi, Bội Anh (con cụ Bùi Bằng Đoàn, chị Bùi Tín) và Phạm Hoàn do thân nhau nên còn gặp riêng vài lần. Tôi có hỏi Phạm Hoàn việc mất của ông Phạm Quỳnh khi bị bắt ở Huế sau cách mạng tháng 8-1945 cụ thể như thế nào?
- “Nhà mình có hỏi nhiều về việc này nhưng chỉ được kể là lúc đó phía ta sợ các cụ không ủng hộ cách mạng nên gom các cụ lại, đến khi tình hình căng, sợ có lực lượng giải cứu nên đưa bốn người di dời khỏi Huế. Bốn người là ông cụ nhà mình, ông Ngô Đình Khôi (anh em ruột nhà ông Ngô Đình Diệm) và con trai, ông Nguyễn Tiến Lãng. Nhưng vì chỉ có một chiếc xe ô tô con Sitroien nên cụ nhà mình, cha con ông Ngô Đình Khôi lên xe đi trước, ông Nguyễn Tiến Lãng ở lại chờ đi sau. Khi xe chạy thì trúng bom nên chết hết, vì xe chật nên ông Nguyễn Tiến Lãng thoát. Chỉ được biết vậy thôi”.
Chuyện quá buồn. Đúng là Cách mạng và Số phận!
Sau khi Chính phủ kháng chiến tiếp quản thủ đô Hà Nội năm 1954, bác Đào Duy Anh từ vùng kháng chiến của ta Thanh Hóa, Khu IV về Hà Nội. Lúc này bác tich cực tham gia thành lập, giảng dậy Lịch sử tại hai Trường Đại học Sư Phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội với chức danh Giáo sư như đã nhận với Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày Toàn Quốc kháng chiến 1946.
Nhưng rồi khi xẩy ra vụ “Nhân văn Giai Phẩm” vào thời gian năm 1956 - 1958, Đào Duy Anh bị quy kết “đã tham gia viết và tài trợ cho nhóm chống Đảng Nhân Văn Giai Phẩm”. Cho nên bác bị “tước bỏ” học vị Giáo sư, buộc thôi giảng dậy đại học, chuyển nhà từ phố Hàng Chuối về ở B6 Tập thể Kim Liên mới xây dựng theo thiết kể của Bắc Triều Tiên… Và tất nhiên trong hoàn cảnh khó khăn ấy nhiều bạn, đồng chí cũ đã xa lánh không giám gặp bác, chỉ còn rất ít người chí tình và bản lĩnh mới dám đến thăm và động viên Đào Duy Anh. Ngoài anh em ruột thịt trong số đó có ông Họa sỹ Sỹ Ngọc, Nhạc sỹ Văn Cao, Nhà biên kịch Bửu Tiến và vài người nữa vẫn thường đến thăm hai bác. Ông Sỹ Ngọc còn vẽ chân dung Đào Duy Anh đề tặng, Bửu Tiến thì mừng câu đối:
“Quan chẳng phải, Dân chẳng phải, nhà ghép một phòng, lòng lành hai tấm - Hết;
Thầy cũng đúng, Bạn cũng đúng, lời bàn nghìn chữ, ý tỏ vạn trang - Còn.”
Anh chị Đào Duy Anh có một người bạn quý sống vẫn trọn tình với hai bác kể từ khi ông còn cùng hoạt động Tân Việt và dậy học với bác Đào Duy Anh ở Huế trước 1945, đó là ông Tôn Quang Phiệt, mặc dầu lúc này ông đang là cán bộ lãnh đạo Quốc Hội nước ta nhưng ông Phiệt vẫn thường xuyên đến chơi và thăm người bạn Đào Duy Anh đang gặp nạn mà không e sợ gì liên lụi.
Thời gian này Bác Đào buồn vì đáng ra những người bạn tâm đắc đã cùng hoạt động từ thời Tân Việt ở Huế, rồi ở Việt Bắc, Khu IV cũ nay có chức, có quyền cần hiểu và thông cảm chia sẻ vui buồn với bác, nhưng ngược lại họ đi phát biểu không đúng sự thật hoặc còn viết báo Nhân Dân phê phán, quy chụp bác trong “Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm” để chứng tỏ họ là người có “lập trường cách mạng” với Đảng (không tiện nêu tên). Mặc dầu trước đó họ là người bạn thân thiết tâm đầu ý hợp từ thời còn hoạt động với nhau ở Tân Việt, rồi Khu IV. Đúng là “Nhân tình thế thái vần xoay!”. Về chuyện “Nhân văn Giai phẩm” nhà thơ Lê Đạt đã kể khá cụ thể và người nước ngoài đã xuất bản công khai, vì anh là người trong cuộc. Ấy vậy mà mãi sau này khi các anh Trần Dần, Lê Đạt đã lên trời thì Nhà nước mới phong tặng giải thưởng Văn học cho các anh, dán tiếp họ coi như một sự thừa nhận tài năng và sửa sai của lớp lãnh đạo sau này đối nạn nhân của Nhân Văn Giai Phẩm.
Về công việc nghiên cứu khoa học xã hội bác Đào Duy Anh đã để lại cho đời những tác phẩm đã nêu trên, nhưng bác vẫn còn một số tác phẩm nữa chưa in được vì nhiều lý do. Nhưng rồi Nhà nước đã ghi nhận công lao của bác và trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS Đào Duy Anh vì đã có nhiều đóng góp khoa học, văn hóa cho đất nước. Rất tiếc là bác được trao lần II chứ không phải lần I như nhiều người có địa vị trong xã hội hiện tại. Con cháu nên biết để tự hào vì: Hiếm gia đình nào ở nước ta thời nay mà cả hai cha con GS Đào Duy Anh và GS Viện sỹ Đào Thế Tuấn đều được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cùa nhà nước!
Mọi người hình dung sau khi không được dậy học, Đào Duy Anh chuyển về làm một công việc hiệu đính tài liệu và dịch sách cho Viện Sử học nhưng bác vẫn kiên trì lẳng lặng tự nghiên cứu, tự viết một số công trình, tác phẩm nhưng đâu có được dùng và in ấn… Quá buồn. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy Đào Duy Anh vẫn vượt lên để sau này khi có điều kiện đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu để đời. Cuối đời bác nói với con trưởng của tôi: “Bác đã viêt xong một cuốn có tên BI KỊCH TRÍ TUỆ, nhưng chưa thể in được cháu ạ. Với tư cách người làm sử bác kể lại bi kịch của các nhân vật được nhân loại tôn sùng từ Chúa zê xu, Đức Phật Thích Ca, Mô ha mét, Ga li lê, Tư mã Thiên, Nguyễn Trãi và nhiều nhân vật khác. Bác muốn nói lên những ai có suy nghĩ và đi trước thời đại của mình và quyết bảo vệ suy nghĩ ấy là đúng thì họ đều bị chính quyền đương thời hành hạ”. Sau khi bác mất, bản thảo cuốn sách này được cất phía trên cao của nhà vệ sinh (vì nhà quá chật chội), nay đã thất lạc không biết ở đâu?...
Chuyện đời của bác Đào Duy Anh với xã hội, với bạn bè, với gia đình còn nhiều. Tôi chỉ kể thêm một số chuyện của hai bác mà tôi được biết, được trực tiếp nghe. Tôi nhớ bác gái Trần thị Như Mân đã viết trong Hồi ký:
Năm 1969 khi Bộ Nguyễn Trãi toàn tập được ấn hành bác Đào làm mấy vần thơ:
“Sự nghiệp văn chương thảy sáng ngời,
Thế mà oan lạ đến như chơi.
Ngậm ngùi nhớ lại lời ông dậy:
Tâm địa chi hơn bàn để đời.”
Đến năm 1972 Bác Phùng Bảo Thạch một nhà báo kỳ cựu trước 1945 của Hà Nội (sau này là Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN), là một trí thức yêu nước không phải đảng viên cộng sản đã lên chiến khu chống Pháp 9 năm, là thông gia với nhà tôi, nhân dịp Bác Thạch 70 tuổi, Đào Duy Anh mừng bài thơ:
“Trẻ sao xa cách để già gần?
Gặp gỡ đầu đã trắng bụi trần,
Ông đã bảy mươi đời đánh bút,
Tôi hơn sáu chục kiếp nhai văn.
…
Đôi phen chìm nổi may còn sót,
Mà khí ngang tàng vẫn chửa răn.
Đất nước hãy chờ ngày bằng phẳng,
Bọn mình sao nỡ vội yên thân!”
Còn chuyện nữa: Sau năm 1975 đất nước thống nhất, bác Đào Duy Anh nhận được thư của một Nhà xuất bản tư nhân ở Sài Gòn thời đất nước chia cắt gửi thư ra. Nội dung thư viết đại ý: “Thưa bác, do điều kiện đất nước chia cắt nên chúng tôi đã mạn phép tái bản vài lần hai cuốn từ điển Pháp - Việt và Hán - Việt của bác mà không xin phép tác giả. Mong bác thứ lỗi. Hiện tại số tiền nhuận bút tái bản sách của bác chúng tôi đã mua một biệt thự tại Sài Gòn để giữ giá, nay rất mong bác tiếp nhận để gia đình sử dụng. Còn nếu cần chúng tôi sẽ quy thành vàng để xin gửi bác. Rất mong bác vui long chấp nhận nguyện vọng của Nhà sách chúng tôi…”
Bác Đào Duy Anh viết thư trả lời cám ơn Nhà sách ở Sài Gòn và hứa sẽ nhận biệt thự, nhưng để trao lại cho chính quyền mới làm nhà nuôi các trẻ mồ côi sau chiến tranh. Đồng thời bác viết thư cho ông Phạm Văn Đồng Thủ tướng Việt Nam Dân chủ cộng hòa và ông Huỳnh Tấn Phát là Thủ tướng Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam để thông báo nguyện vọng nêu trên của mình. Vợ chồng tôi đã được xem thư cám ơn bác Đào Duy Anh viết bằng mực đỏ của ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng và thư cám ơn của ông Chủ tịch Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó chúng tôi mới biết việc làm của hai bác. Thật đáng quý ở đời!
Nhưng con cháu cũng nên biết, chính lúc này bác Đào Duy Dinh là em kế ngay sát dưới bác Đào Duy Anh hiện đang sống hết sức nghèo khó, không nhà cửa ở Sài Gòn từ 1945 vì không có việc làm do tất cả anh em ruột đều sống và làm việc cho chế độ cộng sản miền Bắc. Chính quyền Sài Gòn không cho bác Dinh được làm bất cứ việc gì cả. Bác Dinh lấy vợ trẻ theo Thiên Chúa giáo và bác cũng theo luôn tôn giáo này mới được phép cưới. Ngày ngày bác đi tiêm thuê để kiếm sống nuôi vợ và con nhỏ. Khi đất nước thống nhất, anh em ruột thịt Họ Đào gặp nhau ở Sài Gòn, trước hoàn cảnh bác Dinh vô cùng khó khăn như vậy bác Đào Duy Anh đã viết thư gửi ông Nguyễn Văn Linh nhờ giúp đỡ chỗ ở cho gia đình bác Dinh và anh Đào Duy Kỳ đã đến trực tiếp gặp ông Linh với tình nghĩa bạn hoạt động cách mạng và đã cùng tù Côn Đảo trước đây để trình bầy sự thể. Ông Nguyễn Văn Linh đã đề nghị thành phố giải quyết cấp đất ở Hóc Môn ngoại thành Sài Gòn cho gia đình bác Dinh theo hình thức “đi kinh tế mới” để làm ăn sinh sống. Cô út Đào Thị Đính thì lo quyên góp tiền, quần áo, thực phẩm để gửi vào giúp anh mình và các cháu nhỏ. Hai cháu Đào Châu Sơn, Đào Minh Tri là con anh Kỳ, chị Châu chuyển vào sống và làm việc ở thành phố đã thường xuyên làm nhiệm vụ tiếp tế cho anh chị Đào Duy Dinh. Nay hai cháu con bác Dinh một trai, một gái đều đã có gia đình riêng và có cuộc sống khá ổn ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện trong phòng ở của hai bác Đào Duy Anh và Trần Thị Như Mân ở B6 Kim Liên, Hà Nội, con cháu đang giữ một bức chân dung sơn dầu vẽ bác Đào Duy Anh do Họa sỹ thân tình với bác cũng bị quy “Nhân Văn Giai Phẩm” là ông Sỹ Ngọc vẽ tặng chính trong thời điểm hai người gặp sóng gió và câu thơ của chính bác Đào làm sau khi nhà nước cho ấn hành cuốn Từ điển Truyện Kiều để tưởng nhớ Thi hào Nguyễn Du:
Ông hỏi đời sau ai khóc mình,
Mà nay bốn bể lại lừng danh.
Cho hay hết thảy đều mây nổi,
Còn lại nghìn thu một chữ Tình!
Với bác Đào Duy Anh các bạn hoạt động cách mạng thời bí mật của chồng tôi đều kính trọng bác, đó là các nhà báo, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, nhà văn, kiến trúc sư, cán bộ trung cao cấp công tác ở các lĩnh vực văn hóa, khoa học tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế… có tiếng quen biết Bác từ thời còn ở Việt Bắc, hay Khu IV Thanh- Nghệ- Tĩnh do ta quản lý.
Năm 2014, Nhà xuất bản Văn Học phối hợp với Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây ấn hành cuốn “HỌC GIẢ ĐÀO DUY ANH” để tập hợp các bài viết nghiên cứu về bác sau Hội thảo 100 năm Đào Duy Anh.
Còn người nước ngoài đã minh hoạ sự uyên bác của Đào Duy Anh:
- Bộ đại Tự điển Bách khoa La - rút - xơ (1968) viết: “Đào Duy Anh là nhà văn hóa Việt Nam hiện đại, nhà phê bình, nhà khảo luận và tác giả của nhiều bộ tự điển, trong đó nổi bật là bộ Hán - Việt tự điển. Bên cạnh nhiều tác phẩm phổ thông được xuất bản trong sưu tập của Quan Hải Tùng thư, ông đã viết những quyển rất đặc sắc về Khổng giáo và khảo luận về lịch sử, văn hóa Việt Nam
- Bộ Tự điển Triết nhân in tại Paris năm 1984 viết: “... Đào Duy Anh đã đóng một vai trò trọng yếu trong đời sống văn hoá của nước Việt nam hiện đại. Do kết hợp được phương pháp dựa nghiêm ngặt vào chủ nghĩa Mác (về mặt khoa học kết hợp với sự uyên bác hiếm có, ông đã thực hiện sự nghiệp mở đường cả trong lĩnh vực từ ngữ học (với các bộ Hán - Việt tự điển và Pháp - Việt tự điển) cùng trong lĩnh vực nhân loại học (với các quyển Việt nam Văn hoá Sử cương và Trung Hoa Sử cương). Sau khi hoạt động trong hàng ngũ Tân Việt (phân bộ miền Trung của Đảng Cộng sản Đông Dương) ông chuyên tâm vào sự nghiệp bác học và truyền bá kiến thức (Quan Hải Tùng thư) …”.
Thật vinh dự và may mắn cho tôi được sống trong gia đình anh chị em họ Đào, một gia đình trí thức cách mạng đầy tình thương yêu con người mà Đào Duy Anh là anh cả!
*
* *
Trong Hồi ký NHỚ NGHĨ CHIỀU HÔM, Lời đầu sách Bác Đào Duy Anh viết “… đúng rằng người ta có biết tôi cũng chỉ ở Lịch sử dân tộc mà có buộc tội tôi cũng chỉ ở Lịch sử dân tộc”. Khi còn trẻ tôi chưa hiểu ý câu này nên hỏi cha và được cha giải thích: “Toàn bộ sự nghiệp hoạt động cách mạng chống ngoại bang nô dịch Việt Nam và tự nghiên cứu các công trình, viết các tác phẩm về Lịch sử, Văn hóa Việt Nam của Đào Duy Anh đều xuất phát từ quyền và lợi ích của dân tộc, vì sự tồn vong và phát triển lâu dài của đất nước Việt Nam trước bối cảnh các thế lực ngoại bang phương Tây, nước lớn láng giềng luôn rình rập cướp nước. Do vậy Bác Đào nhà ta và một số trí thức yêu nước khác ở Việt Nam đã bị cố vấn nước ngoài chiếu tướng là có tư tưởng “chủ nghĩa quốc gia, dân tộc hẹp hòi rất nguy hiểm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; còn các vị cầm quyền cùng thời với Bác thì đa phần còn say sưa với “sự liên kết vô sản quốc tế và đấu tranh giai cấp mới là sức mạnh để đánh đổ chủ nghĩa tư bản”... Từ đó cuộc đời, công việc của Bác Đào cùng các em trong gia tộc mình và một số trí thức cách mạng yêu nước sớm thoát li gia đình bí mật tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu gian nan thời Đảng cộng sản Đông Dương chưa nắm được chính quyền sớm có cách nhìn như Bác đã bị hạ đo ván ngay từ khi còn ở Chiến khu Việt Bắc sau khi có sự xuất hiện của Đoàn cố vấn cao cấp nước bạn sang giúp ta đánh Pháp. Nghĩa là như vậy”
Thời gian trôi, bánh xe lịch sử vẫn vô tình quay, càng ngày tôi càng ngẫm điều cha nói để hiểu cuộc đời không mấy dễ dàng khi muốn trở thành một trí thức yêu nước chân chính có cách suy nghĩ, làm việc dựa theo nguyên lý khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để thu được thành công. Nhưng rồi xã hội, con người Việt Nam ngày một phát triển để nhận ra đâu là lợi ích dân tộc, đất nước luôn trên hết và vĩnh hằng, còn đâu là đồng minh, đồng chí của đất nước trong từng giai đoạn của lịch sử để kết thân, để dẫn dắt, tập hợp nhân dân tạo thành ý chies, sức mạnh, có vậy mới gìn giữ được đất nước, dân tộc Việt Nam trường tồn trong mọi hoàn cảnh.
Theo thời gian các kỷ vật ấm gan gà, ông bút vô tri vô giác sẽ trở thành cổ vật và có thể mất đi, nhưng câu chuyện về những kỷ vật, cổ vật của những con người trí thức yêu dân, yêu nước sẽ tồn tại mãi mãi với đời./.