KỲ VĨ TRẦN NHÂN TÔNG
Trần Ninh Hồ
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng
(Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu)
Đấy là hai câu thơ bất tử được Hoàng đế Trần Nhân Tông viết dâng đất nước, tiên tổ, trong lễ bái yết ở Chiêu Lăng mùa xuân 1288, sau hai lần đại thắng xâm lược Nguyên Mông - một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ - trong vòng chỉ dăm năm!
Khi ấy Nhân Tông Hoàng đế mới vào tuổi ba mươi, sau khi lên ngôi vua được chín năm (1279).
Nhân Tông Hoàng đế tên húy là Khâm, con trai trưởng của Trần Thánh Tông. Ngài sinh năm 1258. Đấy cũng chính là năm đất nước ta đánh tan mười vạn quân của Hốt Tất Liệt phái sang xâm lược lần thứ nhất.
Sinh ra trong khói lửa; giữ nước và dựng nước trong khói lửa; và thật kỳ lạ, chỉ với 14 năm cầm quyền, Nhân Tông Hoàng đế đã bàn giao cho hậu thế khi vào tuổi 35, một giang sơn vẹn toàn, cường thịnh.
Và với 16 năm còn lại của cuộc đời, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã lại kịp để lại một di sản văn hóa kỳ vĩ: Thiền phái Trúc Lâm "cư trần lạc đạo" (vui đạo giữa đời) và một sự nghiệp văn chương vô cùng đặc sắc.
Năm mươi mốt năm, khi làm vua là minh đế, khi cầm quân là danh tướng, khi tu hành là đại giáo hoàng, khi làm thơ là đại thi sĩ. Đấy là một con người có tước hiệu là Trần Nhân Tông.
Con người ấy có những thốt hồn nhiên mà hóa thân vào bóng hình của Thượng đế, chợt thấm nỗi buồn trước hồ Động Thiên khi mùa xuân đến muộn. Thương nỗi quạnh hiu con người, Thượng đế như muốn nhờ tiếng chuông để thả xuống nơi muộn xuân kia chút sắc biếc của trời xanh:
Động Thiên hồ xuân muộn
Hoa cỏ kém vẻ tươi
Thả theo chuông sắc biếc
Từ trời xanh cho người
(Động thiên hồ thượng - Trần Ninh Hồ phỏng dịch)
Lên núi Bảo Sơn (Đăng Bảo Đài sơn), nơi sơn thủy hữu tình, "vân sơn tương viễn cận" (núi mây như xa như gần), "hoa kính bán tình âm" (ngõ hoa nửa nắng, nửa rợp) nhà thơ cảm thấy dường như đây không chỉ là cảnh, mà chính là những đan xen giữa tâm linh và cuộc đời, niềm khát khao hòa nhập với thiên nhiên:
Muôn việc nước tuôn nước
Trăm năm lòng nhủ lòng
Tựa hiên nâng sáo ngọc
Đầy ngực ánh trăng trong
(Ngô Tất Tố dịch)
"Đầy ngực ánh trăng trong" tuôn tràn, hay là tiếng sáo ngọc như một thứ ánh sáng của thanh âm đã hòa nhập, đến như tất cả muốn tan thành ánh sáng?
Chao ơi, cái khát vọng hòa nhập với vô biên ấy mới mênh mang và thanh khiết làm sao!
Khoan thai chim hót trong nhành liễu
Bảng lảng mây bay trước chái nhà
Khách đến chẳng bàn chi chuyện thế
Lan can tựa cảnh ngắm trời xa
(Vũ Minh Am dịch)
Ấy là trước thiên nhiên hoàn toàn khi đã "xuống tóc". Nhưng cả những khi là đương kim hoàng đế giường rồng, chiếu trúc đan xanh như ngọc bích nơi cung cấm, người thơ này đã cảm thấy sự hòa nhập ngay cả trong giấc mộng:
Rượu tưới sầu tan vị đượm đà
Giường rồng, chiếu trúc trải bầy ra
Trời trong như nước, trăng vằng vặc
Giấc mộng xuân dài dưới bóng hoa.
(Tran Lê Văn dịch)
Còn có sự hòa nhập nào tiên giới hơn khi được tận hưởng một "giấc mộng xuân dưới bóng hoa tràn qua cửa sổ" (Hoa ánh mãn song, xuân mộng tương).
Con người thuộc dòng "tiên thiên" ấy có một lòng yêu cuộc đời, yêu thiên nhiên đến kỳ lạ! Chỉ có tấm lòng luôn tự biết "trăm năm lòng nhủ lòng" (Bách niên tâm ngữ tâm); chỉ có con người biết nhìn thế sự "Muôn việc nước trôi nước" (Vạn sự thủy lưu thủy), mới yêu mùa xuân tới mức:
Phải trái rụng theo hoa buổi sớm
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng
Xuân cỗi còn dư một tiếng chim.
(Đỗ Văn Hỷ dịch)
"Xuân cỗi còn dư một tiếng chim". Chỉ một tiếng chim thôi, ai mà không nghe tiếng. Nhưng phải là một người như thế nào mới có thể nghe ra cái vĩnh viễn của mùa xuân qua một âm thanh tự nhiên đến ngẫu nhiên và đơn sơ ấy?
Chợt nhớ đến Lý Bạch: "Người nhàn hoa quế rụng/ Đêm tĩnh núi quạnh hiu/ Trăng mọc chim rừng tỉnh/ Khe xuân thỉnh thoảng kêu/... Ngọn cây hoa phù dung/ Giữa núi nảy cuống đỏ/ Quạnh quẽ cảnh bên khe/ Bời bời rụng và nở".
Cả hai vị "tiên thiên" này đều viết về chim và hoa từ một niềm khát khao hòa nhập vào trời đất đến mức tuyệt vời của đắm say. Chỉ có khác là Lý tiên thiên thì đắm mình vào hiu quạnh với non ngàn; còn Trần tiên thiên thì đắm mình với cả non ngàn và mở ra cùng thế sự - "cư trần lạc đạo".
Có người bảo đi đến cái tột cùng của Thi (Thơ) thì sẽ gặp Thiền; đi tới cái tột cùng của Thiền thì sẽ gặp Thi (Thơ). "Thiên thú thi" hay "Thiền thú thi" (Thơ mang ý vị thiên nhiên và thơ mang vị thiền) đều thuộc nơi... thượng giới cả.
Hay nói như người xưa "Thơ là chiếc áo gấm thêu hoa của thiền khách. Thiền là chiếc dao gọt ngọc của thi gia", và ngược lại.
Hoàng đế Trần Nhân Tông - Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông - Thi sĩ Trần Nhân Tông... Sự kỳ vĩ của Con Người.
Hà Nội những ngày áp Tết Kỷ Sửu (2009)