LỄ DỰNG NÊU Ở HUẾ XƯA
Phan Thanh Hải
Trong các nghi lễ cung đình thời Nguyễn ở kinh đô Huế xưa, lễ dựng nêu (Thướng tiêu) là một nghi thức đặc biệt trước thềm năm mới, đó là nghi lễ báo hiệu kết thúc một năm cũ, chuẩn bị nghỉ ngơi đón tết, đón xuân về. Cây nêu được dựng lên trong Hoàng cung là hiệu lệnh cho muôn dân được biết: Xuân đã về, hãy chuẩn bị đón mùa xuân mới!c
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
(Tú Xương)
Từ đó người người nhà nhà nô nức theo triều đình dựng nêu trước sân nhà mình, rồi dọn dẹp nhà cửa khang trang, chọn hoa kiểng về trang trí, dán đôi câu đối đỏ, gói bánh chưng bánh tét… để chuẩn bị đón xuân.
Tục dựng cây nêu ngày tết vốn có từ xa xưa và xuất phát từ điển tích Phật giáo. Truyện rằng trong cuộc tranh chấp đất sống giữa loài người và ma quỷ, nhờ sự giúp sức của Đức Phật, loài người đã chiến thắng, ma quỷ bị đuổi ra tận biển khơi. Nhưng hàng năm, vào dịp tết đến bọn ma quỷ được phép trở về thăm đất liền trong hai tuần. Đây cũng là thời gian các vị thần linh về trời báo cáo công việc với Ngọc Hoàng. Để đề phòng lũ ma quỷ làm hại dân lành, Đức Phật mới bày cho loài người cách dựng cây nêu trước cửa nhà, rải vạch vôi trắng, hay để vài cây mía còn nguyên lá xanh trong nhà. Đó là những dấu hiệu của Phật khiến ma quỷ không dám lại gần. Cũng vì vậy, trong dân gian người ta thường dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp và hạ nêu vào ngày mùng 7 tháng Giêng.
Theo điển lệ của triều Nguyễn, lễ Thướng tiêu là khởi đầu của dịp nghỉ tết của toàn bộ triều đình, thời vua Minh Mạng quy định bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp thì ngừng tiếp nhận văn thư, cất ấn tín (quan bửu) và làm lễ dựng nêu. Lễ Thướng tiêu đầu tiên là ở trước điện Thái Hòa trong Hoàng cung do nhà vua đích thân chủ trì, sau đó sai các hoàng thân, hoàng tử đi làm lễ tương tự tại các miếu thờ, đàn tế, lăng tẩm tổ tiên… Mục đích ban đầu của dựng nêu là để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những thần linh để phù hộ cho gia quyến được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho muôn dân làm ăn thuận lợi.
Để chuẩn bị cho nghi lễ này, triều đình phải cho chọn lựa sẵn những cây tre thật dài và thẳng, khi chặt hạ róc cành thì vẫn giữ lại một chùm cành lá xanh ở phía ngọn. Tại chỗ này người ta đan một cái hình 4 dọc 5 ngang (gọi là cái lung tung). Sau khi làm lễ cúng thần linh, chủ lễ sẽ cho buộc chiếc giỏ đan bằng tre (hoặc mây) trong đựng giấy tiền, cau trầu, bùa đào (ghi tên thần linh) cùng bút mực, ấn tín lên ngọn, rồi dựng cây nêu lên sao cho thật thẳng, đầu ngọn nêu có dải phướn bằng lụa đỏ buông dài để luôn phất phơ trong gió. Cây nêu được giữ nguyên vậy cho đến ngày mùng bảy tháng Giêng thì triều đình tổ chức lễ Há tiêu (hạ nêu), rồi khai ấn, bắt đầu một năm làm việc mới. Đó cũng là nghi thức chấm dứt kỳ nghỉ lễ kéo dài gần hai tuần…
Lễ dựng nêu trong Hoàng cung Huế được phục dựng cách đây vài năm và đã thực sự trở thành một lễ hội đặc sắc dành được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo du khách và người dân địa phương. Trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ lễ Thướng tiêu và Há tiêu của triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành phục dựng lễ Dựng nêu (ngày 23 tháng Chạp) và Hạ nêu (ngày mùng 7 tháng Giêng) theo đúng các nghi thức cung đình.
Lễ Dựng nêu được bắt đầu bằng nghi thức rước cây nêu từ bên ngoài Hoàng thành, qua cửa Hiển Nhơn ở phía đông để đi vào Thế Tổ Miếu. Đoàn rước bao gồm các vị chức sắc, bô lão, đại diện gia đình hoàng tộc, đội nhã nhạc và đội lính vác nêu.
Trong tiếng nhạc rộn ràng đoàn rước nêu đi vào Hoàng cung, đến vị trí dựng nêu ở phía tây trước Hiển Lâm Các. Tại đây đã thiết sẵn hương án, trên bày lễ phẩm để cúng thần linh cùng cùng chiếc giỏ tre trong đựng giấy tiền, trầu cau, bút mực và một chiếc ấn. Sau các nghi thức Nghinh thần (đón thần linh tới dự lễ), lễ cúng thần, khánh hạ (lễ thành), tống thần (tiễn thần linh đi), đốt sớ do Ban chủ lễ thực hiện, chiếc giỏ tre sẽ được buộc vào ngọn nêu, và cây nêu sẽ được dựng lên trong sự hân hoan của mọi người. Sau lễ dựng nêu tại Thế Tổ Miếu, nghi thức trên lại được tiếp tục được thực hiện ở trước điện Long An (ngôi điện chính trong cung Bảo Định của vua Thiệu Trị) và ở các di tích khác thuộc quần thể di tích cố đô Huế.
Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, lễ Hạ nêu được tổ chức với các nghi thức gần tương tự, chỉ khác là sau khi tống thần, đốt sớ thì cây nêu được hạ xuống, chiếc giỏ tre được tháo ra. Chiếc ấn sẽ được dùng để đóng lên những bức đại tự (chữ Hán) viết theo lối thư pháp với ý nghĩa tốt lành, chúc phúc đầu năm mới như Phúc, Lộc, Tài, Đức, Tâm, Đạt…để tặng cho du khách và người dân.
Từ xa xưa cây nêu đã đi vào tâm thức người Việt, trở thành một phần không thể thiếu trong cái tết truyền thống: “ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh”. Ở cố đô Huế, việc phục dựng lại lễ Dựng nêu/ Hạ nêu trong Hoàng cung đã tạo ra một hiệu ứng tích cực, không chỉ là việc khôi phục một nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn góp phần làm làm phong phú các hoạt động ngày tết, lôi cuốn sự tham gia của du khách và cộng đồng nhân dân địa phương. Ảnh hưởng của hoạt động này đã lan tỏa ngày càng rộng khắp, một số chùa chiền, làng xã xung quanh khu vực Huế đã khôi phục lại lễ dựng nêu ngày tết, khiến nét xuân ở cố đô ngày càng thêm ấm áp và gần gũi./.